Malala Yousafzai
Diệu Quyên dịch
Diệu Quyên dịch
Dân Luận:
Malala Yousafzai, cô gái 16 tuổi, người Pakistan, người đã từng bị Taliban bắn trọng thương vì lên tiếng đòi nữ quyền, đã có bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc vào ngày 12/7/2013. Sau đây là bản dịch bài phát biểu của Malala Yousafzai.
Malala Yousafzai, cô gái 16 tuổi, người Pakistan, người đã từng bị Taliban bắn trọng thương vì lên tiếng đòi nữ quyền, đã có bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc vào ngày 12/7/2013. Sau đây là bản dịch bài phát biểu của Malala Yousafzai.
Tổng thư ký danh dự của Liên Hiệp Quốc ông Ban Ki-Moon, Chủ tịch đáng kính của Hội đồng quản trị ông Vuk Jeremic, Đặc sứ danh dự về giáo dục toàn cầu của Liên Hiệp Quốc ông Gordon Brown, các bậc trưởng thượng đáng kính và những anh chị em thân yêu của tôi: Assalamu alaikum *.
Hôm nay là một vinh dự cho tôi khi được nói chuyện lần nữa sau một thời gian dài. Được đứng ở đây cùng với những người đáng kính trọng là một khoảng khắc tuyệt vời trong đời tôi và còn là một vinh dự cho tôi hôm nay khi tôi được khoác chiếc khăn choàng của bà Benazir Bhutto **. Tôi không biết phải bắt đầu bài nói chuyện của tôi từ đâu. Tôi không biết mọi người mong chờ tôi nói điều gì, nhưng đầu tiên tôi xin cám ơn Thượng Đế vì Người đã cho tất cả chúng ta được bình đẳng và xin cám ơn đến từng người đã cầu nguyện cho tôi chóng hồi phục và cho cuộc sống mới của tôi. Tôi không thể tin nổi tình yêu thương mà mọi người đã thể hiện cho tôi. Tôi đã nhận được hàng ngàn tấm thiệp chúc lành và quà tặng từ khắp nơi trên thế giới. Xin cám ơn tất cả. Cám ơn những em bé vì những lời nói ngây thơ đã khuyến khích tôi. Xin cám ơn các bậc trưởng thượng vì những lời cầu nguyện giúp cho tôi mạnh mẽ hơn. Tôi cũng muốn cám ơn các y tá, các bác sĩ và nhân viên bệnh viện ở Pakistan và Anh Quốc và chính quyền Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, đã giúp tôi bình phục và lấy lại sức khỏe.
Tôi hoàn toàn ủng hộ Tổng thư ký LHQ ông Ban Ki-Moon trong vấn đề Sáng kiến đầu tiên cho Giáo dục toàn cầu và công tác của Đặc sứ đặc nhiệm của LHQ về giáo dục toàn cầu ông Gordon Brown và vị chủ tịch đáng kính của Hội đồng quản trị của LHQ ông Vuk Jeremic. Tôi cám ơn họ vì vai trò lãnh đạo họ đang tiếp tục cống hiến. Họ tiếp tục tạo cho tất cả chúng ta nguồn cảm hứng để hành động. Anh chị em thân mến, hãy ghi nhớ một điều: Ngày của Malala không phải là ngày của riêng tôi. Ngày hôm nay là ngày của mỗi một phụ nữ, mỗi một em bé trai và em bé gái đã cất lên tiếng nói cho nhân quyền của họ.
Có hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền và hoạt động xã hội đang lên tiếng không những cho quyền lợi của bản thân họ, mà họ còn đang tranh đấu cho mục đích chung là hòa bình, giáo dục và bình đẳng. Hàng ngàn người đã bị tàn sát bởi bọn khủng bố và hàng triệu người khác đã bị thương. Tôi chỉ là 1 trong số họ. Vì vậy tôi đứng ở đây, một cô gái trong số đông. Tôi nói không phải cho tôi, mà để cho những người không có tiếng nói cũng được nghe. Những người đã tranh đấu cho quyền của họ. Quyền được sống trong hòa bình. Quyền được đối xử một cách tôn trọng. Quyền được hưởng những cơ hội bình đẳng. Quyền được đi học.
Các bạn thân mến của tôi, vào ngày 09 tháng 10 năm 2012, người Taliban *** đã bắn vào trán bên trái của tôi. Họ bắn bạn bè của tôi nữa. Họ cho rằng những viên đạn đó sẽ làm cho chúng tôi im lặng, nhưng họ đã thất bại. Và từ sự im lặng đó đã trỗi lên hàng ngàn tiếng nói khác. Những người khủng bố nghĩ rằng họ sẽ thay đổi mục đích của tôi và ngăn chận tham vọng của tôi. Nhưng không có gì thay đổi trong cuộc sống của tôi trừ điều này: sự yếu hèn, sự sợ hãi và nỗi tuyệt vọng đã chết. Sự mạnh mẽ, sức mạnh và lòng can đảm đã nảy sinh. Tôi vẫn là Malala như xưa. Những ước muốn của tôi vẫn như cũ. Những hy vọng của tôi vẫn như cũ. Và những giấc mơ của tôi cũng vẫn như cũ. Anh chị em thân mến, tôi không chống phá ai hết. Tôi cũng không đứng đây để nói về sự trả thù cá nhân đối với người Taliban hay bất cứ một nhóm khủng bố nào. Tôi đứng đây để nói về quyền được đi học của mỗi trẻ em. Tôi mong muốn sự giáo dục cho con trai và con gái của người Taliban và của tất cả những người khủng bố và cực đoan. Tôi thậm chí không căm thù người Talib nào đã bắn trúng tôi.
Cho dù tôi có súng trong tay và anh ta đang đứng trước mặt tôi, tôi cũng sẽ không bắn anh ta. Đây là sự từ bi mà tôi đã học được từ Mohamed, nhà tiên tri của nhân từ, từ Jesus Christ và đức Phật. Đây là di sản về sự đổi thay mà tôi đã thừa hưởng được từ Martin Luther King, Nelson Mandela và Mohammed Ali Jinnah.
Đây là triết lý bất bạo động mà tôi đã học được từ Gandhi, Bacha Khan và Mẹ Teresa. Và đây là sự tha thứ mà tôi đã học được từ cha tôi và mẹ tôi. Đây là điều mà tâm hồn của tôi đang nói với tôi: hãy bình thản và yêu thương tất cả mọi người.
Anh chị em thân mến, chúng ta hiểu ra được tầm quan trọng của ánh sáng khi chúng ta nhìn thấy bóng tối. Chúng ta hiểu ra được tầm quan trọng của tiếng nói của chúng ta khi chúng ta bị bịt miệng. Cũng như thế, khi chúng ta ở Swat, miền Bắc Pakistan, chúng ta hiểu ra được tầm quan trọng của sách vở và bút viết khi chúng ta nhìn thấy họng súng. Câu danh ngôn “Ngòi viết mạnh hơn lưỡi gươm là rất đúng”. Những kẻ cực đoan sợ sách và bút. Sức mạnh của giáo dục làm cho họ sợ. Họ sợ hãi phụ nữ. Sức mạnh trong tiếng nói của phụ nữ làm cho họ sợ. Đó là vì sao họ đã giết 14 học sinh vô tội trong đợt tấn công gần đây ở Quetta. Đó là vị sao họ tàn sát nữ giáo viên. Đó là tại sao họ bắn xối xả vào những trường học mỗi ngày, vì họ đã và đang sợ hãi sự thay đổi và sự bình đẳng mà chúng ta đem đến cho xã hội. Và tôi nhớ có 1 cậu bé trong trường chúng ta được 1 nhà báo hỏi “Tại sao người Taliban lại chống lại giáo dục?”. Cậu trả lời bằng cách chỉ tay vào cuốn sách của cậu và nói “Người Talib không biết những điều viết trong cuốn sách này”.
Họ nghĩ rằng Thượng Đế là một kẻ bảo thủ nhỏ bé, cầm súng dí vào đầu người ta chỉ vì người ta đi học. Những kẻ khủng bố này đã lạm dụng danh nghĩa của Hồi giáo cho mục đích cá nhân của họ. Pakistan là một quốc gia dân chủ yêu chuộng hòa bình. Người Pashtun mong muốn một nền giáo dục cho con trai và con gái họ. Hồi giáo là một tôn giáo của hòa bình, nhân bản và tình huynh đệ. Tôn giáo này nói rằng nó có trách nhiệm và bổn phận đem học vấn đến cho từng trẻ em. Hòa bình là điều cần thiết cho giáo dục. Tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Pakistan và Afghanistan, khủng bố, chiến tranh và các tranh chấp cản trở trẻ em không thể đến trường. Chúng tôi đã quá mệt mỏi vì những cuộc chiến tranh này. Phụ nữ và trẻ em đang phải chịu đựng nhiều đau khổ tại nhiều nơi trên thế giới.
Ở Ấn Độ, trẻ em ngây thơ và nghèo nàn đang là nạn nhân của sự bóc lột sức lao động trẻ em. Nhiều trường học đã bị tàn phá ở Nigeria. Người dân Afghanistan bị ảnh hưởng của cực đoan. Các em bé gái phải làm nô dịch tại gia và bị ép lấy chồng khi còn rất nhỏ tuổi. Sự nghèo đói, vô học, bất công, phân biệt chủng tộc và nhân quyền cơ bản bị tước đoạt là những vấn đề chính, mà cả nam lẫn nữ phải chịu đựng.
Hôm nay, tôi tập trung vào quyền phụ nữ và quyền được đi học của các em bé gái vì họ là những người phải chịu khổ nhiều nhất. Đã có thời điểm mà các nhà hoạt động nữ quyền kêu gọi đàn ông đứng lên cho quyền lợi của họ. Nhưng lần này chúng ta sẽ tự làm điều đó. Tôi không khuyên các ông tránh nói đến quyền lợi cho phụ nữ, nhưng tôi muốn tập trung vào kêu gọi phụ nữ hãy đứng độc lập và tự đấu tranh cho chính mình. Và vì vậy anh chị em thân mến, bây giờ là lúc chúng ta cất tiếng nói. Và hôm nay, chúng ta kêu gọi những nhà lãnh đạo thế giới hãy thay đổi chính sách để hướng đến hòa bình và thịnh vượng. Chúng ta kêu gọi những nhà lãnh đạo thế giới rằng tất cả những thỏa hiệp phải bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em. Thỏa hiệp nào đi ngược lại quyền lợi của phụ nữ là không thể chấp nhận được.
Chúng ta kêu gọi tất cả các chính phủ phải bảo đảm giáo dục miễn phí và bắt buộc cho từng trẻ em trên khắp thế giới. Chúng ta kêu gọi tất cả các chính phủ hãy chống lại khủng bố và bạo động. Hãy bảo vệ trẻ em khỏi tai họa và sự tàn ác. Chúng ta kêu gọi những quốc gia đang phát triển hãy nới rộng cơ hội học vấn cho các em bé gái trong thế giới phát triển. Chúng ta kêu gọi tất cả các cộng đồng hãy khoan dung và tẩy chay mọi phân biệt về giai cấp, chủ nghĩa, môn phái, màu da, tôn giáo hay mục đích để bảo đảm tự do và bình đẳng cho phụ nữ để họ có thể phát triển. Chúng ta không thể nào thành công khi một nửa của chúng ta bị kìm hãm. Chúng ta kêu gọi chị em của chúng ta trên khắp thế giới hãy can đảm lên, hãy hun đúc sức mạnh trong chính chúng ta và nhận thức được trọn vẹn tiềm năng của nó.
Anh chị em thân mến, chúng ta muốn có trường học và hệ thống giáo dục cho tương lai tươi sáng của mỗi trẻ em. Chúng ta sẽ tiếp tục con đường của mình hướng đến mục đích là hòa bình và học vấn. Không ai có thể ngăn chận chúng ta. Chúng ta sẽ cất lên tiếng nói và sẽ đem lại thay đổi cho tiếng nói của mình. Chúng ta tin tưởng vào khả năng và sức mạnh của những lời chúng ta nói. Những điều chúng ta nói có thể làm thay đổi cả thế giới vì chúng ta đoàn kết lại vì một nền giáo dục. Và nếu chúng ta muốn đạt được mục đích của mình, thì chúng ta hãy trang bị cho mình vũ khí của kiến thức và hãy tự bảo vệ mình bằng sự đoàn kết và chung lòng.
Anh chị em thân mến, chúng ta không nên quên rằng hàng triệu người đang phải chịu đựng nghèo khó và bất bình đẳng và sự vô học. Chúng ta không nên quên rằng hàng triệu trẻ em phải rời bỏ trường lớp. Chúng ta không nên quên rằng anh chị em chúng ta đang chờ đợi một tương lai tươi sáng và hòa bình.
Vậy chúng ta hãy mở một cuộc đấu tranh thật huy hoàng chống lại sự thất học, nghèo đói và khủng bố, chúng ta hãy nhặt sách và bút lên, vì đây là những vũ khí mạnh mẽ nhất. Một đứa trẻ, một thầy giáo, một cuốn sách và một cây bút có thể làm thay đổi cả thế giới. Giáo dục là phương thức duy nhất. Giáo dục là hàng đầu. Cám ơn.
Ghi chú của dịch giả:
* Assalamu alaikum: lời chào của người Hồi giáo có nghĩa là “bình an đến cho bạn”
** Bà Benazir Bhutto: thủ tướng thứ 11 của Pakistan trong 2 nhiệm kỳ 1988-90 và 1993-96, bà bị ám sát năm 2007.
*** Taliban: Nhóm Hồi giáo cực đoan ở Afghanistan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét