Dr. Nikonian
“Chữ trinh còn một chút này
Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan” (Kiều – Nguyễn Du)
Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan” (Kiều – Nguyễn Du)
Một
Xét về mặt nhân bản, bài thơ Cô gái sông Hương của Tố Hữu là một tác phẩm hay. Rõ ràng, trước khi trở thành một nhà thơ quyền cao chức trọng, cậu thanh niên Tố Hữu đã biết mủi lòng thương xót những phận đời rách nát. Nhân hậu và thành thật như vậy là đáng quí, và phải trân trọng.
Nhưng các thầy cô giáo dạy văn ở trường phổ thông không dừng lại ở đó. Không biết vì giáo án mớm sẵn, hay thành thực, thân phận hẩm hiu của các cô gái bán phấn buôn hương đó đã được rao giảng thao thao bất tuyệt: Như một bằng chứng tố cáo tội ác của chế độ thực dân xấu xa, chà đạp lên nhân phẩm cao đẹp của người phụ nữ. Sự cám cảnh nhiều khi phi chính trị của nhà thơ đã được diễn dịch theo một cách khác với rất nhiều công phẫn mang màu sắc xã hội. Đúng sai thế nào, chỉ có trời và… nhà thơ mới biết!
Mặt khác, ước vọng đổi đời cho những “cô gái sông Hương” năm xưa, biết đâu chỉ là sự mủi lòng mang tính nghĩa hiệp của một cậu trai lòng còn trong như giấy mới. Nhưng người ta cũng đã “dịch nghĩa” nó ra thành một khát vọng thay đổi xã hội, đạp đổ cái cũ đã hư thối và xây dựng một nền móng xã hội khác tốt đẹp hơn.
Giảng dạy và trình bày thi ca theo cách đó là chính thống, hợp lẽ, và… không ai dám cãi.
Hai
Nếu định nghĩa mại dâm là đem thân xác của chính mình để phục vụ nhu cầu tình dục của người khác, nhằm đổi lấy những quyền lợi vật chất hay tinh thần, thì rõ ràng lịch sử cái nghề này cổ xưa như quả đất.
Từ trước công nguyên, các sử gia Herodotus, Thucydides… đã ghi chép về các nữ tu hành nghề mãi dâm trong đền thờ nữ thần tình yêu Aphrodite.
Các bức bích hoạ từ di chỉ Pompeii cũng vẽ lại sinh hoạt những nhà chứa hợp pháp và được chính quyền quản lý.
Ở Nhật, vào thời kỳ Edo ở thế kỷ 17, các oiran được huấn luyện các kỹ năng cầm kỳ thi hoạ và kỹ thuật ân ái để làm hài lòng khách làng chơi. Các kỹ nữ hạng sang (courtesan) này được liệt vào tầng lớp thượng lưu trong xã hội.
Karl Marx coi việc tiêu diệt mãi dâm là điều cần thiết để chứng tỏ tính ưu việt trước chủ nghĩa tư bản. Engels cho rằng kết hôn cũng là một dạng mại dâm. Lenin xem mại dâm là đáng ghê tởm (distasteful) [1].
Ngược lại, nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Thuỵ Điển, Hà Lan… không xem mại dâm là phi pháp. Ở những nước này, người ta dùng chữ “lao động tình dục” (sex worker) thay cho từ “mãi dâm” (prostitution) hàm ý miệt thị. Những sex worker này được khám bệnh, tư vấn về các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, cấp thẻ và qui tụ về những khu tập trung để hành nghề.
Tuy nhiên, bài viết này không nhằm bàn luận về sự chính danh hay hợp pháp của nghề mại dâm. Chỉ lướt qua một vài tư liệu bên trên, có thể thấy tính hợp pháp của nghề mại dâm mang tính nhị nguyên rất rõ: hoặc hợp pháp như mọi nghề nghiệp khác, hoặc bị xem là vô luân, hạ đẳng trong một số xã hội, trong đó có Việt Nam.
Ba
Đ., bạn tôi là một người viết hay và thú vị. Cô ấy viết như kể chuyện, chân thành và cảm động. Nhiều người đọc những trang viết của cô ấy mà như thấy hình ảnh mình trong đó. Viết văn mà đạt đến tính phổ quát như vậy là giỏi và có thể tiến rất xa trong nghề viết lách.
Tuy nhiên, cô ấy ham chơi, viết chểnh mảng và rất tuỳ hứng. Trong một buổi trò chuyện thân tình, tôi thật thà khuyên cô ấy nên chuyên chú viết, nghiêm túc và có kế hoạch. Để có thể thành danh và sống được sung túc, an nhiên với nghề viết văn.
Như mọi tay tài tử khác, Đ. dãy nảy và thể hiện sự coi thường với những đồng tiền kiếm được từ trường văn trận bút, mà cô ấy cho rằng lắm khi không mấy sạch sẽ. Nghiêm giọng bảo Đ: “thu nhập từ nghề viết văn hay nghề nào cũng vậy, cũng đều là những đồng tiền vinh dự, khổ nhọc và lương thiện! Sao lại nói thế?”
Hiểu rất nhanh, Đ nghe ra và hứa sẽ chuyên tâm, dù không biết được bao lâu(?)
Nghề mại dâm, tuy không “vinh dự” như viết lách, nhưng ai dám bảo là không “lương thiện và khổ nhọc”. Nghề ấy, như mọi nghề khác, cần có kỹ năng “vành ngoài bảy chữ, vàng trong tám nghề” như thi nhân Nguyễn Tiên Điền đã tả trong truyện Kiều. Các kỹ năng ấy phải học, bên cạnh các kỹ năng cao cấp khác như các oiran ở Nhật. Và khi thân xác được đem bán, thân xác ấy cũng phải được chăm chút, như mọi sản phẩm.
Khổ nhọc thì đã hẳn, vì không phải khách làng chơi nào cũng là bậc tao nhân mặc khách để đem “ngàn vàng mua lấy trận cười”. Cái tủi nhục của nghề nghiệp đặc biệt này, đa phần đến từ thái độ, cung cách của người mua, không phải từ chính bản chất nghề nghiệp.
Và nếu một nghề nghiệp có thu nhập dù bằng chính thân xác của mình, mà không làm tổn hại đến ai, nghề nghiệp ấy phải được xem là lương thiện.
Xã hội chúng ta chỉ thấy sự tủi hổ của nghề mại dâm, mà quên hẳn khía cạnh khổ nhọc và lương thiện đó. Khi xem mãi dâm là phi đạo đức hay bất hợp pháp, một cách rất cảm tính, người ta còn cân nhắc đến cả thu nhập của những cô gái làm nghề này như một tình tiết tăng nặng hay giảm trừ. Theo đó, một cô gái như Fantine trong “Những người khốn khổ” phải bán răng, bán tóc, bán thân… để nuôi con trong cùng cực sẽ dễ dàng được thông cảm, “tha thứ”… hơn một kỹ nữ thời nay với thu nhập vượt quá mức đổ đồng của xã hội.
Với định kiến đó, cái giá 7000 USD của một người mẫu rõ ràng là một tình tiết tăng nặng, ít nhất về mặt dư luận. Một dư luận đang sôi lên sùng sục vì giận dữ (thật và giả) với con số khủng này. Một dư luận đang no nê với một rừng ống kính chĩa vào mặt những”bị cáo” đang che mặt tủi hổ trước vành móng ngựa. Và với một nền truyền thông đã bỏ quên vô số phận đời hẩm hiu, lưu lạc xứ người với một người chồng tàn tật, bạo hành. Nền truyền thông rất “đại chúng” đó, đã cố ý hay vô tình không hiểu: những cuộc hôn nhân không tình yêu để kiếm sống như vậy cũng là một dạng mại dâm, nhưng chung thân, mãn kiếp và khổ nhục hơn nhiều.
Toà đã tuyên án vài tháng vài năm cho những người mẫu bán dâm. Dù minh bạch là điều kiện thiết yếu của một nền pháp lý dân chủ, không phải khi nào công khai cũng đồng nghĩa với công minh và nhân bản. Rừng ống kính máy ảnh hăm hở và hệ thống truyền thông khổng lồ kia đã tuyên án tử hình về phẩm giá của họ.
Xin hãy nhớ lại những lời bình giảng về “cô gái sông Hương” của Tố Hữu để giật mình.
Đừng quên những lời mà Marx đã mắng vào mặt chủ nghĩa tư bản nguyên thuỷ, hoang dã của thế kỷ 19: “Mãi dâm chỉ là một biểu hiện cá biệt của sự bán rẻ có tính toàn bộ của giai cấp công nhân [2]”
Xin hãy nhớ lại lời phán quyết trên một người đàn bà ngoại tình bị kết án, từ một người thợ mộc chân đất cách đây hơn 20 thế kỷ: “Ai trong các ngươi là người vô tội, thì hãy ném đá người đàn bà này trước đi!”.
Bản đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 1.7.2013 ở đây.
_____________________________
[1] Nguồn tham khảo: http://en.wikipedia.org/wiki/Prostitution
[2] “Prostitution is only a particular expression of the universal prostitution of the worker”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét