Trường Đình Trung
Những sự kiện như vừa nêu không khỏi khiến người ta đi đến kết luận rằng dường như người Việt Nam không có năng lực để thoả hiệp với nhau, để hoà giải, để cùng nhau san bằng những bất đồng, hướng về mục tiêu tối hậu là sự trường cửu của Dân tộc-Đất Nước. Thay vào đó có vẻ như người Việt dễ dàng để bị ngoại bang chi phối và can thiệp vào chuyện nội bộ của mình; họ sẳn sàng để cầu viện ngoại nhân hơn là tương nhượng và đùm bọc nhau; dễ dàng để tôn thờ một quan điểm ngoại lai, hơn là lắng nghe và cùng nhau xây đắp một dòng tư tưởng mang bản sắc riêng của nòi giống Việt.
Cái chết bi thảm của anh sinh viên Nguyễn Thái Bình, tuy xảy ra 40 năm về trước, vẫn còn đáng cho người Việt chúng ta hôm nay suy ngẫm.
1/ Trước hết, xét về mặt pháp lý,căn cứ theo lời khai của hung thủ và các nhân chứng, thì rõ ràng đó là một vụ sát nhân (murder) mà hung thủ là viên phi công trưởng Eugene Vaughn và tòng phạm là một cựu cảnh sát Mỹ trên chuyến bay.
Ngoài tội cố ý sát nhân, Vaughn còn vi phạm luật hàng không quốc tế, khinh thị luật pháp và xâm phạm chủ quyền của VNCH. Bởi y đã, không do động cơ tự vệ chính đáng tự ý đối phó với tình huống, mà y cho là không tặc, ngay trên không và lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền, không thông báo với cơ quan hữu trách, cũng không tự đặt mình dưới sự chi phối của luật pháp của quốc gia đó.
Cũng về mặt pháp lý, việc chính phủ VNCH thời đó không truy tố, theo luật pháp của mình, viên phi công trưởng Vaughn là tự mình xem nhẹ chủ quyền quốc gia, không chu toàn bổn phận thi hành luật pháp và bảo vệ công dân của mình.
2/ Về mặt văn hoá, hành vi công khai giết người một cách tàn bạo, khinh thường chủ quyền quốc gia VNCH của Vaughn là một biểu hiện đặc trưng của thái độ ethnocentricity của một số khá đông người Tây Phương nói chung, và người Mỹ nói riêng, khi tiếp xúc với người dân của các quốc gia nhược tiểu Á-Phi. Thái độ đó không chỉ xảy ra trước đây mà ngay cả đến nay cũng vẫn còn . Cứ nhìn những vụ tàn sát, hảm hiếp, và tra tấn mà lính Mỹ mới đây đã gây ra ở Iraq, hay Afghanistan thì rõ.
3/ Về mặt chính trị, việc một công dân VN bị giết một cách man rợ bởi một người Mỹ, ngay trên khu vực an toàn nhất của VNCH mà không một sự truy cứu trách nhiệm hình sự nào xảy ra, biểu lộ mối quan hệ bất bình đẳng nghiêm trọng giữa hai quốc gia Mỹ-VNCH. Cùng với sự im lặng của chính phủ VNCH trong vụ tàn sát ở Mỹ Lai-Quảng Ngãi, chính nghĩa của phe Quốc gia đã bị tổn hại nặng nề, tạo một cơ hội rất tốt cho sự tuyên truyền của đối phương. Chắc chắn là nhờ những vụ như vậy mà VC đã tuyển mộ thêm được nhiều người đi theo họ.
4/ Sự im lặng của chính phủ VNCH là một sự đồng lõa với kẻ sát nhân. Dù vậy vào thời đó, và cả đến ngày hôm nay, chắc chắn sẽ có vô số người sẳn sàng bào chữa cho thái độ đó của chính quyền VNCH bằng cách cho rằng vì cố sinh viên NTB thân Cộng, có hành vi chống lại, tự trở thành kẻ thù của chính quyền VNCH nên chính quyền đó không có nhiệm vụ bảo vệ cho anh ta. Hơn thế nữa có nhiều người còn kết án NTB là thứ "phản bội, ăn cơm quốc gia thờ ma CS" và cho rằng NTB chết là đáng đời!
Điểm đáng suy ngẫm ở đây là trong suốt một thời gian dài, nhiều thế hệ người VN ở cả hai phía, đã vì khác biệt ý thức hệ mà sẳn sàng hợp tác, hoặc đồng loã với ngoại bang để giết đồng bào của mình một cách không thương tiếc. Cái chết của NTB chính là kết quả, là điển hình của sự hợp tác giữa người VN bên phe này với người Mỹ để giết một đồng bào không cùng chính kiến hoặc ý thức hệ với mình, tỏ ra muốn ngã về bên kia. Về mặt bản chất thì sự hợp tác của người Việt với ngoại bang trong vụ NTB cũng tương tự như việc trước đây giới lãnh đạo đảng CSVN của chính quyền VNDCCH đã đồng lõa với đám cố vấn Trung Quốc trong vụ Cải Cách Ruộng Đất để giết hàng chục ngàn đồng bào địa chủ của mình ở Miền Bắc vào những năm 1953-1956.
Ngày nay việc nhà cầm quyền CSVN ra tay bắt bớ, giam cầm, đánh đập, và tù đày những người Việt Nam bày tỏ sự phản kháng đối với tham vọng lấn chiếm của Trung Quốc, cũng lại một lần nữa biểu hiện sự đồng lõa, có lẽ đã thành nề của người Việt đối với ngoại nhân để quay lại tàn sát dân mình.
Những sự kiện như vừa nêu không khỏi khiến người ta đi đến kết luận rằng dường như người Việt Nam không có năng lực để thoả hiệp với nhau, để hoà giải, để cùng nhau san bằng những bất đồng, hướng về mục tiêu tối hậu là sự trường cửu của Dân tộc-Đất Nước. Thay vào đó có vẻ như người Việt dễ dàng để bị ngoại bang chi phối và can thiệp vào chuyện nội bộ của mình; họ sẳn sàng để cầu viện ngoại nhân hơn là tương nhượng và đùm bọc nhau; dễ dàng để tôn thờ một quan điểm ngoại lai, hơn là lắng nghe và cùng nhau xây đắp một dòng tư tưởng mang bản sắc riêng của nòi giống Việt. Bằng chứng là người Việt không có học thuật và chủ thuyết, chỉ bắt chước và mô phỏng. Tàu có Khổng Giáo thì người Việt bắt chước theo Khổng Giáo; Tàu có Lão giáo thì người Việt cũng noi theo; Tàu du nhập Phật Giáo thì người Việt cũng du nhập Phật Giáo. Tây Phương đến mang theo Thiên Chúa Giáo, nhiều người Việt cũng đã tử vì đạo ấy. Rồi khi học thuyết Cộng Sản ra đời, vô khối người Việt cũng đã nhanh nhẩu trở thành môn đồ nhiệt thành. Đến nay, sau sự sụp đổ của khối CS, chủ nghĩa tư bản trở thành độc bá thiên hạ, Dân Chủ là vũ khí tư tưởng của chủ nghĩa ấy đang trở thành phổ quát với đà toàn cầu hoá ngày càng tăng nhanh, vô số người Việt cũng đang tỏ ra là những học trò năng nổ của cặp song sinh Kinh Tế Thị Trường và Dân Chủ. Chỉ có điều là, đúng như một học giả VN đã viết cách nay hơn thế kỷ rằng người VN chỉ giỏi bắt chước mà ít sáng tạo. Nhiều người Việt đang hô hào Thị Trường-Dân Chủ, nhưng có vẻ như chỉ giỏi hô theo mẫu mực của người khác, hơn là vạch ra một hình thái riêng phù hợp với điều kiện mọi mặt của dân tộc mình. Đó là điều không hay, bởi nó sẽ chỉ cuối cùng lặp lại những gì đã xảy ra trước kia, rồi lại vẫn " nồi da xáo thịt" của sự bất đồng quan điểm tạo ra do sự khác biệt của các khuôn mẫu bắt chước.
Mong sao khí thiêng sông núi vẫn hiển linh, soi sáng cho những thế hệ trẻ Việt Nam sắp đến nhận chân ra được bản chất đích thực của dân tộc mình, thoát ra khỏi được sự mông muội ý thức hệ, đủ sáng suốt để hạ bệ mọi thần tượng huyễn hoặc, nhận ra được những sai lầm chí tử của tiền nhân, từ đó tìm ra được con đường mới cho sự vươn lên trường cữu của Tổ Quốc.
Mong lắm thay!
TRƯƠNG D. TRUNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét