Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

Câu chuyện nước Mỹ: Chó Hoa Kỳ

Hiệu Minh

dogcatHồi mới sang Mỹ (2004), Bin và Luck tới nhà anh Lê Vũ và chị Thanh Hà chơi, thấy chú chó cún cực xinh, chạy ra mừng rối rít thì hai tướng khóc thét, nhảy lung tung.Cún con được thể càng sủa, bữa đó mất vui. Bởi hồi ở làng Sài, các cậu hay bị chó đuổi và dọa cắn, nay thấy giống 4 chân này, hồn vía lên mây.
Một gia đình Mỹ. Nguồn: http://caninescholars.com/
Một gia đình Mỹ. Nguồn: http://caninescholars.com/
Bố chúng cũng chẳng hơn gì. Thời trẻ đi tán gái, gặp nhà nàng nuôi chó Nhật. Mình cứ tới là chó sủa ầm ỹ chắc do đi xe đạp, quần áo lôi thôi. Nhưng tay khác đến quần là áo lượt, xe Dream bóng loáng, chó chạy ra vẫy đuôi mừng. Từ đó mình mới hiểu thành ngữ chó cắn…áo rách.
Thời du học (1970), học tiếng Ba Lan ở Krakow do thầy giáo già Alser dạy. Nhớ hôm có mục đọc báo Wyborcha (Công nhân), có tin TT Nixon ra lệnh ném bom miền Bắc, thầy hỏi, các em có ghét không.
Cả bọn đồng thanh, Nixon là con chó. Ông Alser trợn ngược mắt, sao lại quí Nixon, y ném bom giết hại bao nhiêu người. Sau mởi vỡ lẽ, dân Ba Lan quí chó như người.
Tới nhà chơi thấy ông bà ôm chó vào lòng, mình nhớ lại đám chó nhà quê toàn ăn cứt trẻ con, nên ghê ghê.
Mấy thằng bạn bảo, thịt chó nhà thầy chắc không ngon, vì toàn ăn thịt. Thịt ngon phải là chó kiếm ăn ở chuồng xí.
Ông bà giáo suýt ngất vì lũ trẻ quê mùa. Sự khác biệt văn hóa chó đã gây những chuyện khó tin.
Chuyện chó mèo bên Mỹ
Bên Mỹ, chủ đi chơi với chó phải mang theo túi ni lông để hót phân chó. Vắng nhà, thuê người theo giờ giá khoảng 15-20$/giờ, ngày hai lần. Mình định sau này về hưu chỉ đi dắt chó đi chơi, kiếm khối tiền.
Đi lâu ngày phải gửi khách sạn chó. Chó ốm đi bệnh viện như người, mua bảo hiểm, đi cắt … lông, một phát 70$/lần, trong lúc Tổng Cua ra Eden mất 15$ kể cả típ. Không phải vì thế mà họ phiền lòng vì chó.
Mình có anh sếp Robert Voight nuôi con chó 20 năm. Một hôm, đến văn phòng thấy anh rơm rớm nước mắt. Hỏi sao, my dear son died. How come? He ate a dead bird.
Con trai tôi chết rồi. Trời ơi, sao vây. Vì ăn phải con chim chết, đau bụng, không chữa được. Cả nhà khóc mấy hôm nay. Hỏi kỹ mới biết là con chó nhà anh được coi như con trong nhà và anh gọi nó là “son – con trai”. Cả nhà làm đám ma rất to, để tưởng nhớ người thân yêu, mai táng ở góc vườn theo đúng nghi lễ, có chứng kiến của bác sỹ chuyên vệ sinh môi trường.
Các cụ về hưu. Nguồn: mindfulbalance.org
Các cụ về hưu. Nguồn: mindfulbalance.org
Chục năm trước, nhà anh Lê Vũ có cô con gái tuổi teen phá dữ lắm, hay nổi khùng. Chả hiểu ai xui thế nào chị Hà mua một con cún về. Tự nhiên cháu đổi tính nết, hiền dịu hẳn. Đi đâu về cũng ôm chó, dạy chó.
Bây giờ cún biết làm xiếc, lăn mấy vòng, đếm từ 1 đến 5, biết chào và nằm im. Anh chị hưu nên ngoài đánh golf là chơi với chó. Bin và Luck tới chơi rất thích và đòi bố mẹ mua cho một con.
Anh Vũ Duy Mẫn có cháu Duy Anh vừa tuổi 20 gì đó. Thằng cu này cứ lên xe hơi là phóng kịch kim, toàn bị ticket, bố đóng bảo hiểm mệt nghỉ. Chả hiểu sao, sinh nhật mấy năm trước, đứa bạn tặng cho con cún bằng nắm tay. Từ khi có chó con, cháu rất thích, ít ra quảng trường thời đại New York phóng xe.
Chị bạn của Tiger làm ở Eden Center thấy có người rao bán hai cún con với giá vài trăm đô. Nhưng chị phải chuyển việc về California, định mua mua vé máy bay nhưng giá hàng ngàn đô. Cuối cùng, ông chồng lóc cóc lái xe xuyên qua nước Mỹ, cả đi lẫn về mất tới 3 tuần chỉ để chở chó.
Mèo trên toilet. Nguồn: OntheNet
Mèo trên toilet. Nguồn: OntheNet
Anh bạn Marty nuôi con mèo. Đi đâu cũng chỉ kể về mèo nhà tôi thế này, mèo nhà tôi thế kia. Biết đi vệ sinh vào bồn cầu, giật nước như người. Không có con nên chỉ tập trung vào mèo.
Nhưng bỗng một hôm, mèo lôi một con chim sẻ bị vồ ngoài vườn về, máu vương vãi khắp nhà. Vốn đời, mèo đã quen mui vồ chim thì thế nào cũng tập dượt, xem cái giống này hót hiếc thế nào khi đã ở trong miệng đầy răng. Kiểu như bên ta bắt blogger, cho vào trại xem có re-com nữa không.
Ngày nào Marty về nhà, không thấy mèo vồ chim là sướng lắm. Nhưng tần suất vồ trúng quá cao, cuối cùng đành đưa mèo đi trại cải tạo, huấn luyện không được vồ chim.
Chị hàng xóm có berger to đùng, cỡ 30-40kg. Nàng hay sủa làm hàng xóm già về hưu phải cáu kỉnh. Cãi nhau đưa lên xã, xã xuống hòa giải, và quyết định, chó nhà chị phải đi phục hồi tư cách vì đã sủa không đúng lúc, làm phiền nhà bên cạnh. Chị uất ức kể cho Tiger nghe và quyết định đi nghỉ ở Hawaii cho đỡ stress vì cô chó yêu bị xúc phạm.
Nền kinh tế nuôi súc vật trong nhà
Hỏi chuyện dân Mỹ, nhất là gia đình không con cái, tại sao thích chó. Đơn giản, nuôi chó đỡ tốn. Một đứa chó chi khoảng 1200-2000$/năm, một đứa người gấp 10 lần thế nhưng chưa chắc bọn ấy đã vừa lòng.
Có đứa còn bảo “Tôi ra đời là ngoài ý muốn của tôi, mà do lỗi lầm của ông bà, ông bà phải có trách nhiệm”, các cụ định cãi thế nào?
Thằng người đòi đủ loại từ quần áo giầy dép, đồng hồ, games đến đi du lịch. Trong khi chó có gì mặc nấy, không có vòng đeo cổ cũng chẳng sao. Hót cứt khi đi dạo cho chó thì cũng như rửa đít cho con, có khác đâu.
Gia đình bên Mỹ. Nguồn: OntheNet
Gia đình bên Mỹ. Nguồn: OntheNet
Chó lại không biết cãi như người. Đi đâu về cũng vẫy đuôi mừng, không như thằng con thấy bố về là mặt sa sầm, phiền nó đang sex với con bồ trong phòng riêng.
Chủ già thì nó nằm bên cạnh. Bố mẹ già thì đám con cứ băn khoăn, sao mãi mà lão khốt chưa…đi, để còn chia gia tài.
Từ năm 1970 đến năm 2010, Hòa Kỳ có số chó mèo tăng từ 67 triệu lên 164 triệu, trên tổng số dân khoảng 315 triệu. Như vậy cứ hai người Mỹ thì có một con chó hoặc mèo.
Theo số liệu của hiệp hội súc vật nuôi (American Pet Products Association – APPA). thì riêng năm 2012 có tới 78,2 triệu con chó, hay là 46% gia đình Mỹ có chó. 60% nuôi 1 con chó, và 28% nuôi hai con chó. Mỗi gia đình sở hửu 1,7 con chó. Hàng năm chủ chó tiêu trung bình 248$ để đến bác sỹ thú y.
Cũng theo số liệu APPA, chó nàng và chó chàng có tỷ lệ ngang nhau, nhưng chó nuôi nhà hầu hết là hoạn quan hay hoạn thư, đỡ ư ử hứng tình khi nhìn thấy gái.
Hoa Kỳ có cả một nền công nghiệp nuôi súc vật trong nhà trị giá năm 1994 là 17 tỷ đô la, và năm nay (2013) khoảng 56 tỷ đô la, bằng đúng dự án đường sắt cao tốc Việt Nam, gấp 3 dự trữ ngoại tệ của anh thống đốc Bình.
Thức ăn chiếm khoảng 21 tỷ, các loại đồ vật dụng, chuồng, chăn quần áo chiếm tới 13 tỷ, bảo hiểm y tế 2 tỷ, rồi cắt tóc cho chó mèo, nuôi hộ. Riêng dịch vụ mai mối, cưới xin cho chó mèo cũng cỡ khoảng 4-5 tỷ đô la.
Dân Mỹ trung bình chi cho một con chó khoảng 1200-1300$/năm, bằng lương năm của Tổng Cua thời huy hoàng tại viện IOIT.
Chó Mỹ quí thế nên nghe dân Á ta thịt chó là họ ghê cả người vì đám man di mọi rợ.
Nhưng dân Mỹ sang VN lâu ngày cũng bị dân ta rủ đi Nhật Tân, đồng hóa bằng cầy tơ bẩy món, lòng chấm mắm tôm, vào nhà nghỉ với chân dài, nhổ lông, họ về Mỹ thấy chó cũng…thường.
Còn mấy thằng cha ghét chó, do ngày xưa đi tán gái bị sủa, nay hiểu ra một điều, muốn yêu nàng thì phải yêu cả con chó nằm trong lòng nàng.
Diễn văn thế kỷ về chó
Kết thúc entry bằng Diễn văn của luật sư George Graham Vest tại phiên tòa xử vụ kiện hàng xóm làm chết con chó, được phóng viên William Safire báo New York Times bình chọn là một trong bài diễn văn hay nhất về loài chó. Cảm ơn bạn đọc nào đã dịch rất hay trên internet.
Nghĩa trang chó. Nguồn: http://rvdrivingschool.blogspot.ca/
Nghĩa trang chó. Nguồn: http://rvdrivingschool.blogspot.ca/
Thưa quí vị
Người bạn tốt nhất mà con người có được trên thế giới này có thể một ngày nào đó hóa ra kẻ thù chống lại chúng ta. Con cái mà ta nuôi dưỡng với tình yêu thương hết mực rồi cũng có thể sẽ là một lũ vô ơn.
Những người gần gũi, thân thiết nhất mà người ta gửi gắm hạnh phúc và danh dự có thể trở thành kẻ phản bội, phụ bạc lòng tin cậy và sự trung thành. Tiền bạc mà con người có được rồi sẽ mất đi, thậm chí còn luôn mất đi đúng vào lúc ta cần nó nhất.
Tiếng tăm của con người cũng có thể tiêu tan trong phút chốc bởi một hành động dại dột. Những kẻ phủ phục tôn vinh ta khi ta thành đạt, có thể sẽ là những kẻ ném đá vào ta khi ta sa cơ lỡ vận.
Duy có một người bạn không vụ lợi mà con người có thể có trong thế giới ích kỷ này, người bạn không bao giờ bỏ rơi ta, không bao giờ vô ơn hay tráo trở, đó là chú chó của ta.
Nó luôn ở bên cạnh ta trong những lúc phú quý cũng như bần hàn, khi khỏe mạnh cũng như lúc đau ốm. Nó ngủ yên trên nền đất lạnh dù gió đông giá rét hay bão tuyết vùi lấp, miễn sao được cận kề bên chủ. Nó hôn bàn tay ta dù khi ta không còn thức ăn cho nó.
Nó liếm vết thương của ta và những vết trầy xước mà ta phải hứng chịu khi va chạm với cuộc đời bạo tàn này. Nó canh giấc ngủ của ta như thể ta là một ông hoàng, dù ta có là một gã ăn mày. Dù khi ta đã tán gia bại sản, thân tàn danh liệt thì vẫn còn chú chó trung thành với tình yêu nó dành cho ta như thái dương trên bầu trời.
Nếu chẳng may số phận hắt ta ngoài rìa xã hội, không bạn bè, không nơi ở thì chú chó trunng thành chỉ xin ta một ân huệ là cho nó được đồng hành, cho nó được bảo vệ ta trước nguy hiểm, giúp ta chống lại kẻ thù…
Và khi trò đời hạ màn, thần chết đến rước phần hồn ta đi, để lại thân xác ta trong lòng đất lạnh, thì khi ấy, lúc tất cả thân bằng gia quyến đã phủi tay sau nắm đất cuối cùng và quay đi để sống tiếp cuộc đời của họ, vẫn còn bên nấm mồ của ta – chú chó cao thượng nằm gục mõm giữa hai chân trước, đôi mắt ướt buồn vẫn mở to cảnh giác, trung thành và trung thực ngay cả khi ta đã đi vào cõi hư vô!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét