Nguyễn Gia
Kiểng
5-7-2013
Chuyến viếng thăm chính thức Trung Quốc ba ngày của ông Trương
Tấn Sang nhân danh nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã phá mọi kỷ
lục về số lượng hiệp ước được ký kết. Bản tuyên bố chung Việt Nam - Trung
Quốc sau chuyến viếng thăm này cho biết hai bên đã đồng ý và thỏa thuận trên
nhiều điểm rất quan trọng và đã ký kết tám hiệp ước và "nhiều văn kiện hợp
tác kinh tế khác".
Nhiều là bao nhiêu? Chắc chắn phải là quá dài để có thể kể hết
dù đòi hỏi cơ bản của một thông cáo chung quan trọng như vậy là phải đầy đủ và
chính xác. Nhưng dầu sao thì những hiệp ước được ký kết cũng không quan trọng
bằng những thỏa thuận mà bản tuyên bố chung tiết lộ. Không biết những thỏa
thuận này có được viết thành văn bản hay không.
Câu hỏi đầu tiên là ông Trương Tấn Sang đã ký kết và cam kết những
gì?
Nội dung các thỏa hiệp không hề được công bố, ngay cả
trên trang báo điện tử của bộ ngoại giao nơi trên nguyên tắc các văn kiện đối
ngoại được trình bày đầy đủ nhất. Người ta chỉ được nghe ông bộ trưởng ngoại
giao Phạm Bình Minh qua một cuộc "phỏng vấn báo chí" sau chuyến công
du, nhưng bài phỏng vấn này không giải thích gì cả, nó còn sơ sài hơn hẳn bản
tuyên bố chung. Vả lại bộ trưởng ngoại giao Việt Nam không phải là người có
tiếng nói quyết định trong chính sách đối ngoại, ông không phải là thành viên
bộ chính trị, cũng không phải là trưởng ban đối ngoại trung ương và cũng không
phải là phó thủ tướng. Riêng trong quan hệ đối với Trung Quốc ông còn ở dưới
ông Nguyễn Thiện Nhân, người đại diện Việt Nam trong Ủy Ban Chỉ Đạo Hợp Tác
Song Phương Việt Nam - Trung Quốc; sự kiện ông Nhân vừa được bầu bổ sung vào bộ
chính trị là một chỉ dấu rằng quan hệ với Trung Quốc trở thành ưu tư hàng đầu
của lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Nghiêm trọng hơn là Quốc hội, theo hiến pháp là
cơ quan quyền lực cao nhất và quyết định chính sách đối ngoại (điều 83), cũng
không được thông báo. Chắc chắn sẽ không có đại biểu quốc hội nào phản đối, hay
thậm chí bày tỏ sự thắc mắc. Ai cũng biết cái gọi là quốc hội của chế độ Cộng
hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chỉ là một cơ chế bù nhìn, nhưng lần này từ bù
nhìn thật là quá nhẹ. Tất cả những thỏa thuận và hiệp ước trong chuyến đi
này đều hoàn toàn do một vài người trong ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam bàn bạc với
nhau và quyết định một cách kín đáo. Đây là một sự dấm dúi rất nghiêm trọng và
cũng là một thách đố xấc xược với nhân dân Việt Nam , cũng như với đại bộ phận cán
bộ và quan chức của chế độ, khi ta nhìn vào nội dung các thỏa thuận.
Điều chắc chắn là ông Trương Tấn Sang chỉ tới Bắc Kinh để ký
nhận chính thức những gì đã được quyết định từ trước và do Trung Quốc áp đặt.
Bằng cớ là sau đó ông đã im lặng một cách bẽ bàng. Chính quyền cộng sản Việt Nam cũng im
lặng ngoại trừ cuộc "phỏng vấn báo chí" của ông Phạm Bình Minh do bộ
ngoại giao tự soạn. Báo nào, nhà báo nào đặt câu hỏi?
Hình ảnh tiêu biểu nhất của chuyến công du này là tấm hình ông
"chủ tịch nước" Trương Tấn Sang cúi rạp mình trước đội vệ binh danh
dự Trung Quốc bên cạnh một Tập Cận Bình ung dung đứng thẳng.
Điều cũng chắc chắn không kém, dù nội dung các thỏa hiệp không
được công bố và người ta chỉ có thể dựa trên bản tuyên bố chung, là ban lãnh
đạo cộng sản Việt Nam
đã đem đất nước vào hẳn quỹ đạo Trung Quốc.
Ai cũng biết quan hệ hiện nay giữa Trung Quốc và Việt Nam không phải
là một quan hệ hợp tác mà là một quan hệ lệ thuộc. Từ "lệ thuộc"
không phải là của những người đối lập mà do chính ông Trần Quang Cơ, người từng
đại diện Việt Nam
trong đàm phán thiết lập quan hệ Việt Trung hồi thập niên 1980, nói ra. Quan hệ
lệ thuộc này thể hiện rõ ràng qua cách ứng xử của chính quyền cộng sản Việt Nam đối với
Trung Quốc mà mọi người đều đã thấy. Sau mỗi lần tàu hải giám Trung Quốc bắn
giết, đánh đập, bắt giam ngư dân Việt Nam và sau đó bắt nộp phạt, thậm chí bạo
hành tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam ngay trong hải phận Việt Nam, chính
quyền Hà Nội đã không bao giờ dám triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam để
chất vấn mà chỉ dám "giao thiệp" bằng cách đem thư đến sứ quán Trung
Quốc để than phiền và để nhận những câu trả lời rất trịch thượng. Nhân dân Việt
Nam , nhất là giới trẻ Việt Nam , đã rất
phẫn nộ. Họ sẽ còn phải phẫn nộ hơn nữa vì sự lệ thuộc đó nay đã trở thành toàn
diện và triệt để sau những gì mà ông Trương Tấn Sang vừa ký kết và cam kết bởi
vì nó còn được "thúc đẩy", "mở rộng", "tăng
cường" và "làm sâu sắc thêm". Những ai nghi ngờ có thể đọc lại
bản tuyên bố chung. Những cụm từ "thúc đẩy", "mở rộng",
"tăng cường" và "làm sâu sắc thêm" được lặp lại hơn 60 lần
trong một văn kiện dài khoảng 3700 chữ. Cụm từ "hợp tác chiến lược toàn
diện" được nhấn mạnh bốn lần, từ "hợp tác" được nhắc lại 61 lần.
Ngược lại hai chữ "bình đẳng" hoàn toàn vắng mặt.
Có ba điều đặc biệt nghiêm trọng cần được chú ý.
Một là Việt Nam đã cam kết "điều phối" và "phối
hợp" với Trung Quốc, nói cách khác nhận mệnh lệnh của Trung Quốc, trong các
quan hệ đối với thế giới, kể cả với Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là đối với khối
ASEAN và trong các diễn đàn khu vực. Chúng ta mất chủ quyền và không còn tiếng
nói độc lập.
Hai là chúng ta cũng có nguy cơ mất cả lãnh thổ bởi vì chính
quyền cộng sản Việt Nam đã chấp nhận để bảy tỉnh biên giới Việt Nam - Điện
Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh - "hợp
tác" và "cùng phát triển" với bốn khu tự trị của Trung Quốc ở
các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Vân Nam. Muốn cùng phát triển thì phải
có chế độ chính trị tương tự nghĩa là tự trị, điều mà chắc chắn Trung Quốc sẽ
khuyến khích, xúi giục và tài trợ, như là bước đầu của ly khai. Đất nước đang
bị đặt trước một tình trạng rất phức tạp và hiểm nghèo.
Ba là chính quyền cộng sản Việt Nam còn vừa bóp chết khả năng
hợp tác chặt chẽ với các nước dân chủ, nghĩa là với hầu như cả thế giới. Vào lúc mà Trung
Quốc đang được nhìn như một mối nguy có hy vọng gì để Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật và
các nước dân chủ chuyển giao cho Việt Nam những vũ khí và kỹ thuật hiện đại khi
Việt Nam đã trở thành một chư hầu của Trung Quốc với cam kết "làm sâu sắc
thêm hợp tác giữa quân đội hai nước" và "làm sâu sắc thêm giao lưu
hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, lập phòng thí nghiệm chung, chuyển
giao công nghệ" để tiến tới thế liên kết "hai hành lang, một vành
đai" ?
Hậu quả tức khắc đã có thể nhìn thấy.
Ông Trương Tấn Sang ngay sau đó đã sang thăm viếng chính thức Indonesia trong
hai ngày và đã chỉ được tiếp đón lạnh nhạt trong một chuyến đi hoàn toàn vô
tích sự. Sau buổi hội kiến hình thức bắt buộc với tổng thống Susilo Bambang
Yudhoyono, kết thúc bằng một cuộc họp báo chung không có gì để tường thuật vì
hai bên không có gì để nói, ông gặp xã giao chủ tịch quốc hội Indonesia, người
ít có lý do để gặp ông nhất vì Việt Nam không có quốc hội đúng nghĩa, sau đó
đến thăm Văn phòng ASEAN tại Djakarta, cuối cùng thăm đại sứ quán Việt Nam
trước khi về nước kết thúc chuyến công du nhạt nhẽo. Indonesia
và Việt Nam
không có gì để hợp tác về văn hóa, khoa học và kỹ thuật, ngoại thương giữa hai
nước không đáng kể. Hợp tác giữa hai nước rất cần thiết nhưng trong một tương
lai còn khá dài chủ yếu là hợp tác để tăng cường sự liên đới trong khối ASEAN
và bảo đảm hòa bình trong vùng, đặc biệt trên Biển Đông nơi cả hai nước cùng
chia sẻ những lo âu trước tham vọng bá quyền lộ liễu của Trung Quốc. Sự
hợp tác này đã trở thành vô nghĩa khi Việt Nam đã chấp nhận làm tai mắt của
Trung Quốc trong khối ASEAN. Chuyến thăm viếng Hoa Kỳ và Pháp của thượng tướng
Đỗ Bá Tỵ, tổng tham mưu trưởng quân đội, cũng đã chỉ là một chuyến du lịch
thuần túy. Ai còn muốn nói chuyện và hợp tác với một con cờ của Trung Quốc mà
thế giới đang nhìn như một đe dọa cho hòa bình và những giá trị phổ cập ?
Không có gì đáng ngạc nhiên nếu từ nay quan hệ kinh tế của nước
ta với Hoa Kỳ và Châu Âu cũng sẽ sút giảm vì một lý do giản dị là họ không muốn
tiếp sức cho một chính quyền vi phạm nhân quyền đồng thời cũng là một vệ tinh
của Trung Quốc.
Lệ thuộc Trung Quốc như vậy không chỉ khiến Việt Nam mất chủ
quyền và có nguy cơ mất thêm đất, biển và đảo, nó còn khiến chúng ta mất những
nguồn đầu tư và những thị trường lớn. Kinh tế Việt Nam đang khốn đốn và sẽ còn khốn
đốn hơn nữa trong những ngày sắp tới. Thật là vô duyên khi ông Nguyễn Tấn Dũng
tuyên bố tại hội nghị Shangri-la , Singapore , ba tuần trước đó rằng Việt Nam sẵn sàng
thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Mỹ, Anh và Pháp với điều kiện là họ không
can thiệp vào các vấn đề nội bộ của chế độ. Ai muốn thiết lập quan hệ đối tác
chiến lược với chính quyền cộng sản Việt Nam trong lúc này ? Lời nói
của ông Dũng khiến người ta nhớ lại chuyện chính quyền cộng sản Việt Nam từng đặt
điều kiện để chấp nhận bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ chỉ để
khám phá ra sau đó là Hoa Kỳ chưa sẵn sàng. Cánh cửa hợp tác tuy vẫn còn mở
nhưng chỉ mở để chờ đợi một nước Việt Nam dân chủ và thực sự có chủ quyền.
Chúng ta có thể tự hỏi tại sao những người lãnh đạo cộng sản lại có
thể bất chấp quyền lợi đất nước đến như thế ?
Đó trước hết là vì họ quyết tâm giữ chính quyền bằng mọi giá.
Các lãnh tụ cộng sản Việt Nam, ngày trước cũng như bây giờ, dù xung đột với
nhau đến đâu cũng đều đồng ý với nhau là phải bám vào Trung Quốc để giữ chính
quyền, ngay cả nếu vì thế mà đất nước bị thiệt hại. Về điểm này, họ đều như
nhau. Ai còn hy vọng gì ở ông Trương Tấn Sang sau chuyến đi này ? Kể cả ông
Nguyễn Thiện Nhân mà nhiều nhân sĩ từng đánh giá là một người mới và cởi mở. Họ
quên rằng từ hơn hai năm qua ông Nhân là chủ tịch Ủy Ban Chỉ Đạo Hợp Tác Song
Phương Việt Nam-Trung Quốc của phía Việt Nam và đã là kiến trúc sư của chính
sách đưa Việt Nam vào hẳn quỹ đạo Trung Quốc. Ông vừa được thưởng công bằng một
ghế trong Bộ chính trị, rất có thể do áp lực của Bắc Kinh. Phải nhìn thẳng vào
sự thực : Đảng Cộng Sản Việt Nam
không phải là một đảng yêu nước và không ai trong số những người có quyền nhất
trong chế độ đặt quyền lợi của đất nước và dân tộc lên trên hết cả. Họ ứng xử
không khác gì một lực lượng chiếm đóng. Tất cả đều chủ trương đàn áp thẳng tay
mọi khát vọng dân chủ và không một ai mảy may xúc động trước những bản án nặng
một cách dã man đối với những thanh niên chỉ có tội yêu nước, đòi dân chủ và
phản đối chính sách xâm lược của Trung Quốc. Đàn áp chính trị đã rất thô bạo
trong hơn ba năm qua và sẽ còn hung bạo hơn nữa trong những ngày sắp tới.
Họ nghĩ rằng có thể dựa vào Trung Quốc để tiếp tục thống trị đất
nước. Nhưng còn tệ hơn tội phản quốc, đây đồng thời cũng là một sai lầm lớn cho
chính họ. Trung Quốc không vững vàng như họ tưởng, mà chỉ là một sự phá sản
chưa tuyến bố. Nó sẽ không thể duy trì lâu mức tăng trưởng kinh tế giả tạo bằng
những chi tiêu công cộng, bằng cách sản xuất rồi tồn kho vì không bán được,
bằng cách xây dựng những thành phố không người ở và những cầu đường không cần
thiết. Nếu cách quản lý kinh tế này mà không dẫn tới phá sản thì phải vất bỏ
tất cả mọi kiến thức và kinh nghiệm về kinh tế. Sự phá sản của mô hình Trung
Quốc là chắc chắn và càng che dậy lâu bao nhiêu sự sụp đổ sẽ càng đau đớn bấy
nhiêu.
Với một cái nhìn bình tĩnh, ta có thể nhận định rằng tăng trưởng
kinh tế của Trung Quốc đã có được nhờ hai yếu tố ; một là vì thế giới hy vọng
sự hợp tác sẽ khiến Trung Quốc chuyển hóa về dân chủ và hòa nhập vào thế giới ;
hai là vì trong gần ba thập niên lý thuyết kinh tế thời thượng tại các nước
giàu đã là lý thuyết kích thích tăng trưởng bằng tiêu thụ tối đa và nhập khẩu
thả cửa. Nhưng hiện nay tình thế đã thay đổi hẳn. Trung Quốc đang trở thành một
đe dọa cho hòa bình và một thách thức đối với các giá trị phổ cập, thế hợp tác
đang nhường chỗ cho thế kình địch. Mặt khác, chính sách phát triển kinh tế bằng
tiêu thụ và nhập khẩu đã được nhận diện là rất sai và, từ nay, ưu tư hàng đầu
của mọi chính quyền là giữ cân bằng ngân sách và cán cân thương mại. Trung Quốc
đã cố che giấu những khó khăn bằng một chính sách tín dụng liều lĩnh và bằng
cách gia tăng chi tiêu công cộng với kết quả là khối tín dụng phình lên một
cách nguy hiểm. Vào năm 2008, khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, khối tín dụng của
Trung Quốc được ước lượng là 9.000 tỷ USD, ngày nay con số này là 23.000 tỷ
USD, nghĩa là gấp bốn lần tổng sản lượng nội địa (GDP), trong đó một nửa là nợ
khó đòi. Chưa kể khối tín dụng mà các công ty quốc doanh lớn cho các công ty
nhỏ vay được ước lượng vào khoảng 200% GDP. Đó là những dấu hiệu rất báo
động. Sự phá sản của Trung Quốc không còn che giấu được bao lâu nữa. Thực
ra nó đã bắt đầu xuất hiện. Ngay lúc ông Trương Tấn Sang đang ở Trung Quốc thì
ngân hàng lớn thứ tư của Trung Quốc, Trung Quốc Ngân Hàng, đã hết khả năng hoàn
trả và chỉ được cứu nguy nhờ sự can thiệp khẩn cấp của Ngân hàng trung ương.
Trong cùng thời gian, lần đầu tiên Trung Quốc đã phải bỏ một dự án phát hành
công khố phiếu vì không có người mua. Hiện nay, mười lăm (15) trong số mười sáu
(16) ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc có trị giá chứng khoán thấp hơn trị giá
kế toán, nói nôm na là lỗ và nguy ngập. Dư luận đã rất xôn xao khi Hoa Kỳ và
Pháp bị mất điểm AAA và tụt xuống hàng AA+, nhưng ngày nay mức độ tín nhiệm của
kinh tế Trung Quốc chỉ còn là A- với qui chế "theo dõi quan ngại"
(negative watch), nghĩa là còn có thể giảm nữa theo các định chế đánh giá (rating
agency).
Và Trung Quốc không chỉ sắp phá sản về mặt kinh tế mà còn đang
bị hủy diệt về môi trường. Sông cạn, đất khô, nước không uống được, không khí
không thở được. Chính sự tồn tại của Trung Quốc đang bị đe dọa.
Cũng có những dấu hiệu cho phép nghĩ là chính Tập Cận Bình và
ban lãnh đạo mới của Trung Quốc đã nhìn thấy nguy cơ của họ và đang tìm cách
thích nghi với bối cảnh thế giới mới, nghĩa là thay đổi bản chất của chế độ.
Nếu quả như thế thì tương lai của Việt Nam
không đến nỗi quá đen tối, nhưng sự mù quáng của ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam lại càng lố
bịch hơn : đi thần phục một kẻ đang chuẩn bị đầu hàng.
Những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam chỉ cần nhìn lại kinh nghiệm
của chính họ. Cho tới giữa thập niên 1980 họ đã tưởng Liên Xô chỉ có thể toàn
thắng, họ đã hung hăng đặt tất cả niềm tin vào sự che chở của Liên Xô và thách
thức cả thế giới. Để rồi kinh hoàng khi Liên Xô đột ngột tan vỡ. Điểm chung của
các đế quốc bạo ngược là chúng tỏ ra rất mạnh vào lúc sắp sụp đổ, vì lý do đơn
giản là lúc đó cũng là lúc chúng gồng mình nhất. Lịch sử sắp lặp lại. Chỉ có
một điều là lần này chế độ cộng sản Việt Nam không còn quan thầy nào để dựa.
Trên một mặt khác, lịch sử cũng hình như đang lặp lại. Điều đáng ngạc nhiên
nhất trong lúc này là sự im lặng điếc tai của trí thức Việt Nam . Cũng như ba
mươi năm trước, vào lúc mà ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam lấy quyết định chuyển
hướng 180 độ để thần phục Trung Quốc, đã hầu như không có một phản ứng nào sau
chuyến đi Trung Quốc của Trương Tấn Sang.
Một giả thuyết là vì các nhân sĩ phản biện phần lớn được sự
khuyến khích của ông Sang và do đó nể nang ông Sang. Nếu như vậy thì quá tệ, họ
đã đặt một liên hệ cá nhân lên trên vận mệnh của đất nước. Một giả thuyết khác
là trí thức Việt Nam
chỉ dám phản biện ở mức độ mà họ nghĩ là được phép, nhưng lần này chính quyền
cộng sản đã quả quyết theo hẳn Trung Quốc và mọi tiếng nói ngược lại sẽ không
còn được dung túng. Nếu như vậy thì còn tệ hơn. Cũng có thể họ không ý thức
được một cách đầy đủ sự nghiêm trọng của tình thế dù nhiều người đã báo động
(1) vì Việt Nam
thực ra không có trí thức chính trị. Nhưng dù không muốn, không dám hay không
biết thì cũng rất đáng buồn. Các thế hệ mai sau sẽ phải chua chát tự hỏi trí
tuệ và phẩm giá của cha chú họ ở đâu.
Trong khi chờ đợi, thế hệ trẻ hôm nay sẽ phải rút ra kết luận
khẩn cấp là họ không thể chờ đợi gì ở thế hệ trước cả. Và như vậy cũng không
còn lý do gì để nể nang.
Nguyễn Gia
Kiểng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét