Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

Hồ sơ không tặc: Nguyễn Thái Bình

Diên Vỹ chuyển ngữ

Hồ sơ số 9: Tên không tặc chọn nhầm chuyến bay, nhầm phi công
Trong những năm cuối 1960, đầu 1970, Hoa Kỳ đã phải trải qua một đại nạn không tặc mà giờ đây hầu như đã bị quên lãng. Trong cuốn sách mới hoàn tất của mình, Bầu trời là của Chúng ta: Tình yêu và Khủng bố trong Thời đại Hoàng kim của Không tặc, Brendan I. Koerner kể lại câu chuyện về thời kỳ hỗn loạn ấy, khi các chuyến bay thường xuyên bị khủng bố bởi những kẻ cùng đường và hoang tưởng. Trước khi xuất bản cuốn sách của mình vào ngày 18 tháng Sáu, Koerner mỗi ngày lại viết về hồ sơ của một không tặc. Tạp chí Slate trích đăng lại 12 hồ sơ này.
Tên: Nguyễn Thái Bình
Ngày: 2 Tháng Bảy 1972
Thông tin chuyến bay: Hãng Pan Am, chuyến bay số 841 từ San Francisco đến Sài Gòn với các tuyến dừng bao gồm Honolulu, Guam và Manila.
Diễn biến: Mùa hè 1972, giới phi công dân dụng Hoa Kỳ giận dữ trước sự bất lực của các hãng hàng không cũng như chính quyền liên bang trong việc đối phó với nạn không tặc. Sau một ngày đình công nhằm kêu gọi thay đổi chính sách công cộng bị thất bại, nhiều phi công cho rằng họ cần phải có những tuyên bố mạnh mẽ hơn. Sự kiện cướp chuyến bay Pan Am số 841 đã tạo ra một cơ hội cho viên cơ trưởng táo bạo của chiếc Boeing 747 để ông ta có thể khẳng định rõ ràng rằng ông và các đồng nghiệp đã chán ngấy tình trạng những phi cơ của họ bị mất kiểm soát.
Kẻ không tặc là một sinh viên 24 tuổi Nam Việt Nam tên Nguyễn Thái Bình, anh ta đã tốt nghiệp Đại học Washington vào ngày 10 tháng Sáu với bằng cử nhân ngành thuỷ sản. Anh ta từng mong muốn được ở lại Hoa Kỳ, nhưng đã bị từ chối hộ chiếu vào ngày 7 tháng Sáu vì những hoạt động phản chiến của mình; anh ta từng bị bắt giữ vì tham gia chiếm đóng lãnh sự quán Nam Việt Nam ở New York. Căm hận vì việc bị trục xuất cũng như việc Bắc Việt Nam bị ném bom rải thảm, Bình quyết định cướp chuyến bay chở anh ta về nước như một “hành động trả thù.”
Bình đã không hé lộ chủ định của mình cho phi hành đoàn chuyến bay Pan Am cho đến khi bay qua biển Đông. Anh ta đưa một mẩu giấy cho một chiêu đãi viên: “Các người phải đưa tôi đến Hà Nội và chiếc máy bay này sẽ bị phá huỷ khi đến đấy.” Khi cơ trưởng chuyến bay là Eugene Vaughn từ chối yêu cầu, Bình viết thêm một yêu cầu nữa bằng máu của mình. “Điều này chứng minh rằng yêu cầu được đưa đến Hà Nội của tôi rất nghiêm trọng.” Mẩu giấy viết.
Vaughn đến khoang hành khách chính để gặp Bình, một thanh niên nhu mì cao chỉ 1,5 mét . Bình cho thấy một túi xách bọc giấy bạc mà anh ta bảo có chứa một quả bom. Vaughn đã đoán chính xác rằng Bình chỉ hăm doạ xuông. (Túi xách đầy đe doạ ấy chỉ thực ra chỉ chứa những quả chanh.)
Vaughn biết rằng trong số các hành khách có một viên sĩ quan từ San Francisco đã về hưu, ông ta có mang theo một khẩu Magnum .357. Ông bí mật bảo viên cựu cảnh sát chuẩn bị để kết liễu đời Bình.
Với lý do phải tiếp liệu, Vaugh đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn. Khi chiếc máy bay đã nằm yên trên đường băng, Vaughn bước xuống để nói chuyện với kẻ không tặc lần nữa. Bình đang vô cùng kích động, liên tục bảo rằng anh ta sẽ kích nổ quả bom nếu máy bay không cất cánh ngay lập tức.
“Tôi không hiểu anh nói gì,” Vaughn nói. “Để tôi lại gần hơn tí.”
Bình cúi đầu về phía trước trong khi Vaughn quì xuống. Trước khi Bình lặp lại yêu sách của mình, viên cơ trưởng nắm lấy cổ họng anh ta và đè xuống sàn. “Giết chết thằng chó đẻ này đi!” Vaughn hét lên trong khi đè chặt Bình đang giãy dụa.
Viên cựu cảnh sát chạy lại, rút súng ra và bắn Bình năm lần ở cự ly gần. Sau đó Vaughn đã quẳng thân thể nặng 52kg của kẻ không tặc ra cửa sau chiếc Boeing 747 để cho cả thế giới thấy cảnh cái xác nằm sóng xoài trên đường băng. “Tôi quẳng hắn ra cửa và hắn bay xa khoảng 4,5 mét,” Vaughn nhớ lại. “Tôi nắm hắn như nắm một quả bóng bầu dục và hắn bay cũng như một quả bóng bầu dục.”
Hệ quả: Nhiều người trong giới phản chiến ở Hoa Kỳ đã công khai thương tiếc Bình, và vài người trong họ đã đột nhập vào nhà riêng của Vaughn, để lại những lời đe doạ viết bằng máu súc vật:"Con lợn Eugene Vaughn phạm tội sát nhân. Sẽ bị trừng trị sau.” Nhưng hành động của viên phi công này cũng được ca ngợi rộng rãi. Ví dụ như ông đã được đón chào như một anh hùng tại sân bay Phoenix, nơi mọi người vỗ tay khi nghe ông trả lời phóng viên: “Đã có quá nhiều thời gian và nỗ lực nhằm giải quyết nạn không tặc, nhưng biện pháp hữu hiệu duy nhất là bản án tử hình bắt buộc mà không thể lách luật.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét