Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Kỷ niệm ngày 27/7, ngậm ngùi nhớ ngày 17/2

Hữu Quả, 
Nguyên phóng viên biên tập qua các thời kỳ: VNTTX, TTXGP, TTXVN.
Chia sẻ bài viết này


Năm nay, kỷ niệm lần thứ 66, ngày TBLS (27/71947 – 27/72013). Theo truyền thống uống nước nhớ nguồn, mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc; Mặc dầu là năm lẻ, nhưng các địa phương và nhân dân ta khắp nơi trong cả nước, vẫn có các hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa, tri ân và tôn vinh những người con đã hy sinh tính mạng và một phần xương máu của mình; Chiến đấu bảo vệ quê hương, cho đất nước được độc lập, tự do; Cho nhân dân được hưởng bình yên, hạnh phúc.
Kỷ niệm ngày 27/7 năm nay, chúng ta không khỏi có chút chạnh lòng, ngậm ngùi nhớ về ngày 17/2, ngày mà Trung Quốc xua 60 vạn quân, ồ ạt tràn sang bắn giết, đốt phá, gây vô vàn tội ác có tính hủy diệt, đối với nhân dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Để ngăn chặn bàn tay hung bạo, xâm lược của kẻ bành trướng, hàng vạn chiến sĩ và đồng bào ta, đã không tiếc máu xương, chiến đấu ngoan cường, chịu hy sinh tổn thất to lớn, để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Đây quả thực là một cuộc chiến tranh chống xâm lược đính thực, có bóng dáng lịch sử ngàn năm của Tổ tiên chúng ta. Cuộc chiến tranh 17/2 kết thúc chưa xa; và mầm họa của cuộc chiến tranh này, vẫn như còn đang lởn vởn đâu đây, mà sao có vẻ im ắng lạ, như bị ru ngủ, như bị lãng quên đến vậy?!
Đầu năm nay, nhân dịp 17/2, tôi có nhận được tin nhắn của một người bạn, đang công tác ở xa. Anh là một cựu chiến binh, từng tham gia nhiều trận chiến đấu, bảo vệ biên giới phía Bắc. Là tin nhắn, nên không thể nói được dông dài, mà chỉ là một sự chia sẻ nỗi niềm của người trong cuộc, mong tìm một sự giải tỏa, để vợi nhẹ trong lòng. Tôi hiểu rằng, đây không chỉ là tâm trạng của riêng anh, mà cũng là nỗi niềm chung của nhiều người, nhất là những người đã tường có mặt tham gia chiến đấu, chống quân Trung Quốc xâm lược, bảo vệ biên giới phía Bắc. Anh nói rằng, đã mấy chục năm rồi, cứ đến ngày 17/2 hàng năm, vừa có chút tự hào, anh lại vừa có cảm giác ngậm ngùi, xa xót, nhớ thương anh em đồng đội đã hy sinh, đến nay, có người vẫn chưa tìm được cốt, có người có mộ rồi, bia vẫn để trắng, chưa có tên… Chiến tranh đã qua đi mấy chục năm, mà sao người thân và gia đình của họ vẫn chưa được nhận hưởng các chế độ, chính sách tối thiểu; Một sự trì hoãn “nợ máu xương” kéo dài, thật khó hiểu?! Đọc mấy dòng tin nhắn của anh, lòng tôi cũng thấy nhói đau, và tự vấn, mình có nằm trong sự vô cảm này không? Vì đã nghỉ hưu lâu, sợ không cập nhật được thông tin chính xác về chính sách, tôi đã thận trọng tìm gặp 3 cán bộ chuyên trách về lĩnh vực này, để hỏi và được trả lời, sự thật đúng như vậy. Một sự thật cay đắng!
Thật bất hạnh cho dân tộc ta, chặng đường lich sử chỉ trong vòng 66 năm, đất nước đã phải trải qua 4 cuộc chiến tranh; chiến tranh chống Pháp; chiến tranh chống Mỹ; chiến tranh phía Tây nam, đánh đuổi bọn diệt chủng Pôn-pôt; và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, chống quân Trung Quốc xâm lược. Dù tính chất, quy mô, cường độ và thời gian, mỗi cuộc chiến tranh có khác nhau, nhưng sự hy sinh xương máu, thì hoàn toàn giống nhau, sao có thể khác được. Ấy vậy mà, hình như người ta muốn tách cuộc chiến tranh ngày 17/2 ra, như một dạng đặc thù; tìm mọi cách làm mờ nhòa lịch sử, không nhắc nhở đến, không thông luận. Người ta có những chủ trương, chỉ thị nội bộ, cấm mọi hình thức tuyên truyền, tọa đàm, hội thảo, nêu gương vinh danh các anh hùng liệt sỹ; không được tố cáo, lên án tội ác trước dư luận, để làm xấu mặt kẻ xâm lược trong cuộc chiến tranh ngày 17/2; để cho cuộc chiến tranh này đi dần vào quên lãng, phục vụ cho mục đích chính trị, ngoại giao bất bình đẳng, đã được thỏa thuận ngầm, với lời thề thốt bằng những mỹ từ “cạm bẫy”. Với thỏa thuận ngầm này, dù bất bình đẳng; trong khi chúng ta răm rắp, hăm hở thực hiện, làm đẹp lòng “đối tác”, để khỏi bị “đối tác” quở trách; thì chính họ (Trung Quốc), kể từ khi chịu nhịn nhục rút quân, kết thúc cuộc chiến tranh này, đến nay, họ chưa hề ngừng nghỉ việc tuyên truyền xuyên tạc, đổi trắng thay đen, bóp méo sự thật cuộc chiến tranh do họ gây ra; bôi nhọ, nói xấu, đe dọa đất nước và nhân dân ta một cách bỉ ổi, trắng trợn, bằng giọng lưỡi côn đồ sặc mùi hiếu chiến. Chúng ta như người vừa bị đánh, vừa bị trói tay bịt mồm, không được kêu la, để giữ thể diện cho bọn ác quỷ. Thậm chí, ngày 17/2 năm nay, tại một số đài tưởng niệm các liệt sỹ, nhân dân đến đặt hoa, dâng hương, cũng bị làm khó dễ, cản ngăn. Thật là phản cảm hết chỗ nói! Thực ra những điều nói trên, không phải nhân dân ta không biết, nhưng cũng chỉ cố nén chặt trong lòng, biết làm sao được?!
Kỷ niệm ngày 27/7, và nhớ về ngày 17/2 năm nay, chúng ta nhìn rõ những thảm trạng đáng buồn nói trên, không chỉ làm thất vọng, làm tổn thương tinh thần tự tôn dân tộc, làm xói mòn niềm tin của những người đang sống; mà còn như là một sự bội phản, làm tủi hờn vong linh của bao người đã từng chiến đấu hy sinh, vì một lý tưởng thiêng liêng cao đẹp: “bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững chủ quyền Đất Nước”.
H.Q.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét