Diên Vỹ
"Không có nghị định nào buộc các cơ quan và cá nhân thuộc Đảng và Nhà nước Việt Nam phải dùng tranh thủ công mĩ nghệ làm quà lưu niệm. Nhưng ở mọi ngành, mọi cấp, mọi nơi, mọi dịp, cứ đến đoạn trao quà lưu niệm là người tặng và người được tặng đứng hai bên, chung tay khoe một bức tranh sơn mài, tranh thêu, tranh lụa, tranh gỗ hay tranh khảm ra trước ống kính. Giá trị vật liệu của những sản phẩm này tùy vào tầm vóc của sự kiện liên quan. Giá trị nghệ thuật thì luôn bằng nhau – đều là con số 0. Chúng đơn thuần là Kitsch. Như để khẳng định nghệ thuật Kitsch của Việt Nam phong phú, chúng ta có 3 lựa chọn: tranh Bác Hồ, tranh Chùa Một Cột hay tranh Tháp Rùa."
Tôi nhớ đến đoạn văn trên của nhà văn Phạm Thị Hoài khi đọc bài viết của nhà báo Mike Ives do hãng tin AP đăng: Humerus reunion: Doc returns Vietnamese vet's arm (tạm dịch là Xương tay đoàn tụ: Bác sĩ trao trả cánh tay cho cựu chiến binh Việt Nam.)
Câu chuyện này cũng giống như bao câu chuyện của những cựu chiến binh Mỹ sau chiến tranh Việt Nam quay lại chiến trường xưa để thăm viếng đồng đội đã bỏ mình, để kết thúc những kỷ niệm đau thương, hoặc để gặp lại những người lính phía bên kia... Mỗi người đều có những lý do riêng tư để quay lại chốn cũ (Báo chí nhà nước ta thường nghĩ hộ cho họ là... để đối diện với lương tâm, để ăn năn những tội ác của họ trong chiến tranh...) Bài báo viết về chuyện ông Sam Axelrad, một bác sĩ quân đội Mỹ quay lại Việt Nam với một kỷ vật khác thường: một đoạn xương cánh tay của cựu chiến binh Việt Nam Nguyễn Quang Hùng.
Trong một trận phục kích của Mỹ gần An Khê vào tháng Mười năm 1966, ông Hùng đã bị thương ở cánh tay phải. Sau ba ngày lẩn trốn, ông bị lính Mỹ bắt giữ với cánh tay lúc ấy đã sưng tấy và tím tái. Quân đội Mỹ đưa ông lên trực thăng bay về một trạm y tế dã chiến tại Phù Cát, Bình Định. Ở đó bác sĩ Axelrad đã cắt bỏ cánh tay từ phía trên cùi chỏ để tránh chứng hoại tử đang đe doạ sinh mạng ông Hùng. Sau đó ông Hùng đã nằm điều dưỡng suốt 8 tháng, rồi làm trợ lý cho các bác sĩ Mỹ thêm 6 tháng và sau đó kiếm sống bằng nghề y tá trong làng. Sau chiến tranh, ông làm việc cho chính quyền thêm 10 năm và nay đã về hưu.
Ông Hùng kể rằng: "Khi tôi bị lính Mỹ bắt, tôi như cá nằm trên thớt. Họ có thể giết chết tôi hoặc tha mạng tôi." Bác sĩ Axelrad nhớ lại: "Có thể ông ta nghĩ rằng chúng tôi sẽ đưa ông vào trại tù binh. Chắc chắn là ông ta đã hoàn toàn ngạc nhiên khi chúng tôi chỉ muốn cứu sống ông."
Các đồng nghiệp của ông Axelrad đã luộc bỏ phần thịt của cánh tay bị cắt, xếp nối lại các đoạn xương và đưa cho ông giữ. Dù đây là một việc hiếm thấy, bác sĩ Axelrad nói rằng nó là một nhắc nhở về một hành động nhân đạo.
Bác sĩ Axelrad đã giữ bộ xương tay ấy trong suốt 45 năm. Đến năm 2011, trong chuyến thăm Việt Nam cùng các con trai và cháu nội, ông đã nảy ra ý định trao trả lại cánh tay cho ông Hùng. Trong suốt hai năm sau đấy, qua những tìm tòi, móc nối, ông đã liên lạc được với ông Hùng. Hôm 28 tháng Sáu, hai người đàn ông trên 70 tuổi này đã gặp lại nhau cùng với con cháu của họ, và bác sĩ Axelrad đã thực hiện được mong ước của mình: trao lại kỷ vật và cũng là một phần thân thể của ông Hùng. Ông xem đó như một hành động đóng lại quá khứ.
Câu chuyện nhân bản với những bức ảnh chụp cảnh bác sĩ Axelrad và ông Hùng gặp nhau đầy xúc động. Tuy nhiên trong số những bức ảnh ấy, có một bức mà khi xem xong, tôi thấy có cái gì đấy lấn cấn như ăn cơm cắn phải sạn. Xem qua bức ảnh thì hình như ông Hùng cũng đã tặng lại bác sĩ Axelrad một kỷ vật:
Tôi không biết chiếc đĩa kỷ vật mang ảnh Bác là món quà duy nhất hay một trong những món quà mà ông Hùng tặng bác sĩ Axelrad. Dù gì đi nữa, tôi vẫn thấy nó là món quà lạc lõng và vô duyên trong câu chuyện rất cá nhân và riêng tư của hai con người.
Đã đành vì lý do chính trị, chủ trương, chính sách... các vị lãnh đạo nhà nước ta, theo lời của chị Hoài là "trang trọng mang tranh rởm đi rải ở nước ngoài" thì chẳng nói làm gì. Những kỷ vật này dường như cũng trở thành món quà mặc định của người Việt khi gặp người nước ngoài. Ở đây tôi không muốn nói đến giá trị nghệ thuật hoặc vật liệu mà chị Hoài đã đề cập. Tôi chỉ muốn biết nó mang ý nghĩa gì trong sự kiện trên. Càng nghĩ, tôi càng khó hiểu. Kết luận duy nhất mà tôi có thể rút ra được là: ông Hồ là một biểu tượng đa dụng, có thể đại diện cho bất kỳ tâm tư, tình cảm, trạng thái nào của người Việt; có thể được dùng trong bất kỳ sự kiện nào trong đời sống - một món quà mang tính an toàn, đúng chuẩn mực chính trị -"politically correct". Nói cách khác là một thứ kỷ vật lấy lệ, ai muốn nghĩ sao cũng được.
Tôi thấy tội nghiệp cho ông Hùng. Suốt quãng đời trai trẻ, ông đã chiến đấu, hy sinh một phần thân thể của mình vì sự nghiệp giải phóng mà ai đó đã dấy lên. Đến tuổi thất thập, gặp lại người cựu thù mà cũng có thể gọi là ân nhân, ông không có thứ gì riêng tư hơn, tình cảm hơn để trao đổi phần thân thể của mình sau 47 năm ngoài bức ảnh lãnh tụ?
Tôi cũng thấy tội nghiệp cho bác sĩ Axelrad. Đương nhiên ông đã không cất giữ món kỷ vật trong gần nửa thế kỷ, không lặn lội nửa vòng trái đất, trải qua mấy năm tìm kiếm để mong đổi được một món quà đáng giá ngang bằng. Theo lời ông, ông chỉ muốn tìm một kết cục. Từ nay, mỗi khi nhìn đến chiếc đĩa có hình ông Hồ, vị bác sĩ này sẽ nghĩ gì? Liệu nó có gợi được những kỷ niệm cá nhân giữa ông và ông Hùng? Liệu bức ảnh của vị lãnh tụ Cộng sản có giúp ông khép lại cánh cửa quá khứ?
Tôi càng tội nghiệp cho ông Hồ. Hình ảnh ông đã trở thành một món quà lưu niệm mặc định để người ta trao tặng trong những sự kiện công cộng hoặc cá nhân. Dù muốn hay không, ông cứ phải lạc lõng chen vào đời sống riêng tư của mọi người, giống như một bức bình phong chính trị đầy an toàn để người ta che đậy những suy nghĩ cá nhân của mình. Ông cứ phải đại diện cho người Việt để nói lên tâm trạng của họ với người nước ngoài. Một tâm trạng đơn giản, nhất quán, nặng phần chính trị, nâng cao quan điểm nhưng thiếu tình người.
Cái tâm trạng đó là: "Hồ Chủ Tịch sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét