Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

Đi tìm Nhất Linh

Nguyễn Tường Thiết

(tác giả đã đọc trong buổi hội thảo về TLVĐ, ngày 7 tháng 7, 2013 tại Little Saigon)

Kính thưa quý vị,

Trước hết tôi xin phép được thay mặt tất cả những hậu duệ của các thành viên Tự Lực Văn Đoàn hiện có mặt tại hội trường này ngỏ lời cảm ơn nhà văn, nhà báo Phạm Phú Minh, báo Diễn Đàn Thế Kỷ, đã đứng ra tổ chức hai buổi triển lãm và hội thảo, các quí anh chị Nguyễn Trọng Hiền, Lê Thành Tôn, Phạm Lệ Hương, Hà Quốc Thái đã góp rất nhiều công sức để có được một cuộc triển lãm như ngày hôm nay, và nhật báo Người Việt đã hết lòng hỗ trợ và cho mượn hội trường làm nơi hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn.

Nhà văn Nguyễn Tường Thiết

Tôi cũng xin cảm ơn tất cả những hội thảo viên có mặt ở đây ngày hôm nay. Để có thể tham dự cuộc hội thảo này quý vị đã phải bỏ ra rất nhiều tâm sức và thì giờ, đặc biệt là những quí vị ở rất xa tới, như giáo sư Kawaguchi và cô Aki Tanaka đến từ Nhật Bản, giáo sư Nguyễn Hưng Quốc đến từ Úc châu.

Và sau hết tôi cũng xin ngỏ lời cảm ơn toàn thể quý vị. Sự hiện diện đông đảo của quý vị tại hội trường này, đặc biệt là những quí vị ở các tiểu bang khác về đây tham dự, nói lên mối quan tâm và lòng trân quý của quý vị đối với nền văn hoá của nước Việt Nam nói chung và đặc biệt là với di sản văn hoá của nhóm Tự Lực Văn Đoàn.

Kính thưa quý vị,

Cách đây đúng 60 năm, cũng vào năm Quý Tỵ như năm nay, nhà văn Nhất Linh đã thảo bức tâm thư nhan đề Giao thừa năm Quý Tỵ 1953 trong đó ông viết: “Những lúc ngoảnh về quá khứ, kiểm điểm công việc mình đã làm tôi thấy rõ ràng công việc tốt đẹp, lâu bền và có ích nhất của đời tôi là sự thành lập được Tự Lực Văn Đoàn và công việc sáng tác”.

Cách đây đúng 50 năm, cũng vào ngày này, cũng vào khoảng giờ này, cũng vào một buổi trưa ngày Chủ Nhật như ngày hôm nay, chỉ vài giờ đồng hồ trước khi lìa đời, nhà văn Nhất Linh đã tâm sự với người con trái út của ông, tức là người mà hôm nay, 50 năm sau có hân hạnh được hiện diện trước quý vị đây, để xác nhận rằng việc thành lập Tự Lực Văn Đoàn là một thành tựu lớn lao nhất của đời ông. 

Sự kiện trên cho chúng ta thấy ban tổ chức chọn ngày hôm nay, mồng 7 tháng 7 năm 2013, tức 50 năm ngày mất của Nhất Linh, làm ngày hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn là một sự lựa chọn hết sức có ý nghĩa: Ngày Hội Thảo này có thể được xem như Ngày Tưởng Niệm thích hợp nhất cho người sáng lập ra Tự Lực Văn Đoàn.

Kính thưa quý vị,

Hôm nay tôi xin mạn phép hầu chuyện với quý vị một đôi điều về con người sáng lập ra Tự Lực Văn Đoàn ấy.
Đây không phải là câu chuyện văn học về nhà văn Nhất Linh hay về Tự Lực Văn Đoàn – điều này xin kính nhường cho những vị thức giả chốc nữa đây sẽ đề cập tới trong cuộc hội thảo –  mà đây chỉ là đôi điều tâm tình của tôi nhằm chia sẻ với quý vị một số khám phá của riêng tôi trong cuộc hành trình lặng lẽ đi tìm Nhất Linh.

Tại sao, là con, tôi lại phải đi tìm Nhất Linh?

Bởi vì khi ông còn sống tôi không biết gì về Nhất Linh mà chỉ biết tới ông như một người cha. Và khi tôi bắt đầu muốn tìm hiểu Nhất Linh thì người cha ấy lại ra đi vĩnh viễn, không còn đó để thuật lại đời ông, một cuộc đời quá phong phú và quá đa dạng mà với tôi hình như lúc nào cũng vẫn còn những bí ẩn lẩn khuất trong bóng tối của đời ông. Đi tìm cả cuộc đời Nhất Linh là một cuộc hành trình nghiên cứu đòi hỏi nhiều thì giờ và tâm sức. Hôm nay, trong khuôn khổ cuộc hội thảo này tôi chỉ giới hạn sự hiểu biết của tôi trong phạm vi một quãng đời của Nhất Linh, quãng đời đó khoảng 10 năm trước khi ông sáng lập ra Tự Lực Văn Đoàn .

Kính thưa quý vị,

Tôi đã tìm thấy được những gì trong quãng đời 10 năm ấy của Nhất Linh? Cuộc sống của ông? Chí hướng của ông? Và tâm hồn của ông? 

Trước hết tôi thấy Nhất Linh là người thành đạt rất sớm. Nhiểu năm trước tuổi “tam thập nhi lập” ông đã thành danh với sự ra đời của báo Phong Hoá Ngày Nay và sự thành lập Tự Lực Văn Đoàn.
Có thể nói Nhất Linh chết trẻ, sống già. Sinh năm 1906, mất năm 1963, thọ 57 tuổi. So với tuổi thọ ngày nay, ông mất quá sớm. Nhưng trong cuộc sống ông già trước tuổi với một sự nghiệp lẫy lừng kéo dài 40 năm. 

Tiểu sử Nhất Linh cho thấy con đường dẫn tới việc ông thành lập TLVĐ là một con đường sớm sủa và nhanh đến mức độ chóng mặt: Ông biết làm thơ từ năm 10 tuổi. Năm 16 tuổi đã có thơ đăng trên báo Trung Bắc Tân Văn của Nguyễn Văn Vĩnh. Năm 17 tuổi đậu bằng Thành Chung, nhưng vì chưa đủ tuổi vào trường Cao Đẳng, ông làm thư ký sở tài chánh, kết duyên văn nghệ với Tú Mỡ. Năm 18 tuổi học trường Thuốc, viết Nho Phong, viết bài bình luận về truyện Kiều đăng trên Nam Phong Tạp Chí của Phạm Quỳnh. Năm 19 tuổi lấy vợ, ông bỏ trường Thuốc, học Mỹ thuật. Năm 20 tuổi ông viết Người Quay Tơ, rồi ông bỏ trường Mỹ thuật, bỏ vào Nam tham dự đám tang Phan Chu Trinh. Ở Sài Gòn ông gặp Trần Huy Liệu và Vũ Đình Di, định rủ hai người này làm báo. Nhưng khi hai người này bị Tây bắt, ông trốn qua Nam Vang, sống bằng nghề vẽ, tìm đường du học. Năm 21 tuổi ông đi Tây. Ba năm ở Pháp, ông nghiên cứu về nghề báo và xuất bản. Năm 24 tuổi về nước với bằng Cử nhân khoa học, ông xin ra báo trào phúng Tiếng Cười, nhưng vì thiếu tiền, chưa ra báo được, giấy phép hết hạn, bị rút. Năm 25 tuổi dậy tư trường Thăng Long, tại đây ông làm quen với Khái Hưng. Năm 26 tuổi ông làm chủ nhiệm báo Phong Hoá số 14 . Năm 27 tuổi, vào tháng 7 năm 1933, tức là cách đây chẵn 80 năm, ông thành lập Tự Lực Văn Đoàn.

Như vậy tháng bẩy năm nay là kỷ niệm 80 năm ngày khai sinh Tự Lực Văn Đoàn, đồng thời cũng là tưởng niệm 50 năm ngày mất của người khai sáng nó.

Song song với cuộc đời phiêu lưu đầy hào hứng ấy, Nhất Linh tỏ ra có một chí hướng khác thường. Lấy vợ năm 19 tuổi, cậu thanh niên Nhất Linh cam kết ngay với cô vợ 18 tuổi mới cưới: “Mỗi người có một bổn phận: anh có bổn phận với xã hội, em có bổn phận với gia đình”. Đây không phải là một lời cam kết suông. Là con, tôi chứng kiến cảnh song thân tôi, cả hai đều triệt để thi hành bổn phận này cho đến tận ngày qua đời. Cha tôi suốt đời hầu như sống xa gia đình, ông lo chuyện xã hội, chuyện văn hoá, chuyện đất nước. Mẹ tôi một mình gánh trách nhiệm gia đình, bà buôn cau, lấy tiền nuôi đàn con gần 10 đứa. Lấy nhau, tuần trăng mật chưa hết mặn nồng, mẹ tôi đã chịu cảnh chia ly: cha tôi, cậu thanh niên 20 tuổi, khích động trước cái chết năm 1926 của nhà ái quốc Phan Chu Trinh, tháng 3 năm ấy ông bỏ trường Mỹ thuật, từ Hà Nội đáp xe lửa vào Sài Gòn, tham dự đám tang của nhà cách mạng.
Trên chuyến xe lửa xuyên Việt, khi ngang đèo Hải Vân, ông làm bài thơ sau đây mà tôi đoán là để tặng cô vợ mới cưới:

Đèo Hải Vân mây trời man mác
Bến Lăng Cô bãi cát trắng phau
Buồm ai phấp phới về đâu
Phiêu lưu hồ hải thêm sầu lòng ai?
(Nhất Linh, 3/1926)

Sự kiện ông bỏ vào Nam tham dự đám tang Phan Chu Chinh cho thấy lòng ngưỡng mộ của ông đối với nhà cách mạng ái quốc này và quyết tâm theo đuổi chí hướng của Phan Chu Trinh trên đường canh tân đất nước bằng con đường văn hóa. Từ Pháp về nước với mảnh bằng cử nhân khoa học, ông có thể ung dung sống một cuộc đời nhàn nhã sung túc. Nhưng không. Đang dậy học tại một trường Thăng Long danh tiếng với lợi tức 200 đồng một tháng, ông quyết định bỏ hết để làm báo Phong Hoá với lợi tức vỏn vẹn 20 đồng. Như vậy chí hướng của Nhất Linh đã rõ: ông làm báo để nâng cao dân trí và cải tạo xã hội, không phải là để sinh lợi cho cá nhân, như ông đã vạch ra trong bài viết Nói về sự thành lập báo Phong Hoá của ông: “Báo Phong Hoá không phải là của riêng một người nào. Báo Phong Hoá là của chung của hết thẩy những người viết báo Phong Hoá. Những người giúp việc báo Phong Hoá là những nhà văn độc lập, báo Phong Hoá vì thế là một tờ báo độc lập, không phải theo mệnh lệnh của một đảng hay của một nhà tư bản nào. Mỗi người mỗi tháng chỉ cần một số tiền đủ sống, còn tiền lãi, nếu có, sẽ dùng vào công cuộc chung sẽ phải làm sau này”. 

Kính thưa quý vị,

Trên đây là sơ lược một mảnh đời Nhất Linh và chí hướng ông. Còn tâm hồn ông ra sao? 

Qua những hoạt động của ông người ta thấy được chí hướng của Nhất Linh, nhưng qua những tác phẩm của Nhất Linh người ta mới thấu rõ được tâm hồn ông. Tâm hồn ấy trước sau như một là tâm hồn của một nghệ sĩ thiết tha đi tìm Chân, Thiện, Mỹ. 
Với Giấc Mộng Từ Lâm ông theo đuổi lý tưởng này ngay từ  khi còn niên thiếu, nhưng ông sớm va chạm với thực tế để nhận thấy rằng càng theo đuổi lý tưởng này thì lý tưởng đó càng lùi xa. Là con, tôi cảm nhận được điều này mỗi khi khi tôi nhìn vào cặp mắt của ông. Qua cái cửa sổ của tâm hồn ấy, tôi linh cảm có một cái gì khác thường: Nhất Linh luôn luôn nhìn thẳng và sâu vào đôi mắt người đối diện, nhưng lúc nào cũng nhiễm một vẻ mơ màng xa vời như thể suốt đời ông đi tìm mà chẳng bao giờ toại nguyện. 

Trong cuộc hành trình đi tìm Nhất Linh điều bất ngờ và thú vị nhất cho tôi là sự khám phá ra một bức tranh ông vẽ từ thời ông còn rất trẻ. Tôi được biết cách đây ba năm, khoảng tháng 10 năm 2010 có một họa phẩm hiếm quý của Nhất Linh được bán đấu giá ở Hồng Kông. Sotheby’s nhà bán đấu giá nghệ phẩm danh tiếng cho biết lần đầu tiên một bức hoạ của Nguyễn Tường Tam được bầy bán trên thị trường thế giới. Bức họa ký tên TAM mang tên là Cảnh Phố Chợ Đông Dương được vẽ trong khoảng năm 1926-1929. 

Một bản sao của họa phẩm này được trưng bầy hôm nay trong hội trường này để quý vị thưởng lãm.

Như vậy Nhất Linh vẽ bức tranh này ở lứa tuổi 20-23, ứng với thời gian ông vào Nam dự đám tang Phan Chu Trinh ở Sài Gòn và sau đó ở Nam Vang. Thảo nào mà bức tranh này vẽ cảnh phố chợ Sài Gòn chứ không phải là cảnh phố chợ một làng quê ở đất Bắc. 

Vẻ đẹp sống động của bức tranh Cảnh Phố Chợ Đông Dương làm tôi  thắc mắc. Vì lẽ gì mà người họa sĩ trẻ tuổi và tài hoa ấy lại tự ý rời bỏ trường Mỹ Thuật để theo đuổi nghề báo và viết văn?

Nhà văn Trương Bảo Sơn, bạn thân của Nhất Linh, đã trả lời thay cho tôi thắc mắc này: “Ở trường Mỹ Thuật anh tin tưởng đời anh là một họa sĩ, vì hội họa thích hợp với tâm hồn nghệ sĩ của anh. Nhưng rồi sau một năm, một hôm cùng bạn về vùng quê vẽ mấy con trâu, anh nhận thấy cảnh nghèo khổ của dân quê và thấy ngay cái vô lý của công việc mình đang làm: trong khi dân chúng còn sống trong cảnh bùn lầy nước đọng như thế mà mình lại có dư thì giờ đi vẽ cái cảnh ấy trên khung vải."

Khi tôi đọc kỹ lại truyện HAI VẺ ĐẸP của Nhất Linh thì thắc mắc của tôi còn được soi sáng thêm. Trong truyện tác giả TAM của bức tranh kia hoá thân thành nhân vật DOÃN. Chỉ khác một điều: Tam là họa sĩ trước khi Đi Tây. Còn Doãn là họa sĩ khi từ Pháp trở về.

Trong truyện Nhất Linh mô tả họa sĩ Doãn ở Pháp về, con nhà giầu, đi vào làng quê để vẽ tranh. Người họa sĩ ấy sau những dằn vặt nội tâm về cuộc sống ích kỷ của mình trước đám dân quê nghèo khổ, cuối cùng đã tìm thấy chân lý: đó là sự khám phá ra vẻ đẹp thứ hai trong Hai Vẻ Đẹp của cuộc đời: “Thoáng một lúc chàng thấy hiện ra, trên những làng xóm ngủ yên, in bóng xuống các ruộng nước rải rác ở chân trời, những cảnh đẹp khác hẳn những cảnh đẹp vẫn phô diễn trong tranh: đó là những cảnh đời đẹp đẽ sáng sủa mà mấy tháng trước đây chàng đã có lần tưởng đến, nhưng cho là không bao giờ thành sự thật. Doãn ngẫm nghĩ:
“Ta phải hết lòng đi tìm cái vẻ đẹp ấy cho người khác, cũng như bấy lâu nay ta đi tìm cái đẹp về hình sắc để ghi trên vải lụa”.

Kính thưa quý vị,

Bức tranh Cảnh Phố Chợ Đông Dương và truyện Hai Vẻ Đẹp của Nhất Linh nói lên hết tâm hồn ông.
Từ hội họa chàng họa sĩ đã nhìn thấy một cái đẹp khác: đó là vẻ đẹp cao cả của cách mạng làm cho đời tốt hơn.
Và chàng sau đó đã thực sự dấn thân lên đường tìm vẻ đẹp thứ hai cho đời ông và cho quê hương ông. 
Hành trang lên đường là câu tâm niệm sau đây của André Gide mà ông đã đặt làm lời mở cho truyện Hai Vẻ Đẹp.
Tôi xin mạn phép dùng câu tâm niệm này, câu tâm niệm mà tôi tin rằng nó đã ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, để kết thúc bài nói chuyện của tôi:

“Anh phải luôn luôn tự nhủ rằng đời người có thể đẹp đẽ hơn: đời của anh và đời của những người khác”

Xin cám ơn quí vị và xin kính chào quý vị.

Nguyễn Tường Thiết
Westminster, CA, ngày 7 tháng 7 năm 2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét