Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

"Tự hào dân tộc" hay là "Niềm tin mù quáng"?

Nguyn Thùy Linh


Chia sẻ bài viết này

Con đường gốm sứ, một công trình phục vụ đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, đang xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Báo Giáo Dục Việt Nam
Có lẽ ai đã từng sinh ra và lớn lên trên đất nước, dù ít hay nhiều đều mang trong mình niềm tự hào dân tộc. Vậy nên những hoạt động nào mà khoác lên mình chiếc áo mỹ miều "Tự hào dân tộc" sẽ thu hút được nhiều sự tham gia và ủng hộ của người dân. Dưới đây Linh xin được lấy một ví dụ về Đại lễ 1000 năm Thăng Long, diễn ra vào năm 2010 tại Hà Nội. Thực ra Linh chỉ bắt đầu quan tâm đến Đại lễ này sau cuộc trò chuyện với một chị bán hàng rong trên đường Nguyễn Văn Cừ quận 5 (lúc đó Linh đang học lớp 12). Chị ấy tên là Minh, đã tốt nghiệp một trường trung cấp ngoài Hà Nội nhưng không xin được việc làm. Sau đó chị vào Sài Gòn bán hàng rong (các loại trái cây như cóc, ổi, xoài, me…) trên các con đường xung quanh trường Đại học Khoa học tự nhiên.
Khi Linh hỏi quê chị ở đâu, chị trả lời quê chị ở xứ Nghệ; Linh nói: "Vậy là cùng quê với Bác Hồ rồi". Lúc ấy ánh mắt của chị sáng long lanh, gương mặt đầy vẻ tự hào, chị gật đầu và nở một nụ cười mãn nguyện – cứ như Bác Hồ là vị Chúa cứu thế trong trái tim chị vậy ! Chị nói rằng chị đang dành tiền để cuối tháng ra Hà Nội tham dự Đại lễ 1000 năm Thăng Long, Linh ngạc nhiên quá nên chợt hỏi: "Mỗi ngày chị bán được khoảng bao nhiêu tiền ?", chị trả lời: "Khoảng hơn 100 ngàn". Linh thắc mắc rằng nếu chị đi ra Hà Nội thì tốn kém quá, nhưng chị cười thật tươi và nói: "1000 năm mới có một lần mà em, sẽ hoành tráng và ý nghĩa lắm, nghe nói đây là lễ hội lớn nhất châu Á, nếu không đi sẽ tiếc cả đời em à !". Chị còn nói thêm: "Em cũng nên xin phép bố mẹ ra Hà Nội tham dự Đại lễ đi, chúng ta là những người dân đất Việt, đều mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, đều là con rồng cháu tiên !". Sau đó chị tiếp tục đẩy chiếc xe trái cây đi giữa đường phố Sài Gòn tấp nập, vừa đi vừa quẹt những giọt mồ hôi trên má…
Linh nhìn theo dáng chị nhỏ bé đang khuất xa dần mà trong lòng tự hỏi, không biết chị phải dành dụm trong mấy tháng để đủ tiền ra Hà Nội ? Có bao nhiêu người dân đói khổ trên đất nước này vẫn đang còn những suy nghĩ giống như chị ? Đại lễ đã diễn ra, kết quả như thế nào thì chắc mọi người đã rõ. Nó mang lại lợi ích gì cho người dân thì chưa thấy, chỉ biết là tổng số tiền chi ra cho 10 ngày lễ hội và các công trình liên quan là khoảng 94000 tỉ đồng (theo vietnamnet.vn & vnexpress.net). 10 ngày lễ hội ngốn hết gần 266 tỉ đồng, đó là con số do UBND Hà Nội công bố, thực tế bao nhiêu thì chỉ có trời mới biết được !
Còn các công trình liên quan đến Đại lễ thì chao ôi, Đại lễ kết thúc nó cũng bắt đầu xuống cấp, từ đại lộ cho đến công viên, từ rạp hát cho đến bảo tàng… Không biết bao nhiêu tiền thuế của nhân dân đóng góp đã nhảy vào túi của mấy quan sau dịp lễ này nhỉ ??? Thực chất của những lễ hội kiểu như thế chỉ là cơ hội để mấy quan tham nhũng và thể hiện sự phô trương không cần thiết trong khi đất nước còn nhiều khó khăn. Người ta sẵn sàng nhập 2000 viên đá quý nguyên chất từ châu Phi về (mỗi viên giá 800 USD) để gắn vào 1000 con rồng làm quà tặng; mà nghe nói chỉ tặng 1 con cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 999 con còn lại không nghe nói năng gì. Không biết những người như chị Minh dành dụm suốt cả năm trời có mua nỗi một viên đá như thế không !
Nói đến đây chắc nhiều người dân Hà Nội sẽ phản ứng gay gắt vì cho rằng chẳng lẽ 1000 năm Thăng Long mà không tổ chức một buổi lễ cho ra hồn. Đồng ý là phải tổ chức một buổi lễ trang trọng nhưng phải có ý nghĩa thực tế, nó phải mang đậm bản sắc văn hóa của người Thăng Long nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. Và quan trọng hơn là phải tiết kiệm, mức chi phí cho lễ hội phải phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước. Nếu nghĩ đến cảnh học sinh ở nhiều nơi phải đu dây hay bơi qua sông để đi học và nhìn vào sự phô trương của Đại lễ này, có lẽ nhiều người dân sẽ không khỏi ngậm ngùi và xót xa. Đất nước ta trải dài từ Móng Cái đến Cà Mau, và đất nước không chỉ của riêng người dân Hà Nội...
Ở Việt Nam có 64 tỉnh thành, hầu hết các tỉnh đều có ít nhất một thành phố, nếu họ bắt chước Hà Nội để tổ chức các lễ 10, 20,..100, 200… năm thành lập thì sao nhỉ ? Rồi còn bao nhiêu dịp lễ từ nhỏ đến lớn khác nữa. Không biết giờ này chị Minh đang bán hàng rong ở đâu, hay đang làm công nhân ở khu công nghiệp nào. Không biết chị có còn nhớ những cảm giác tự hào khi được tham dự Đại lễ 1000 năm Thăng Long...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét