Khoản đầu tư cho các dự án vệ tinh là một trong số những khuyết điểm, sai phạm của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, được Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại kết luận vừa được công bố sáng 19/7.
Thanh tra Chính phủ hôm nay công bố kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2006-2011. Theo đó, với dự án Vinasat I, II, tổng mức đầu tư của tập đoàn này là 9.280 tỷ đồng, nhưng đến năm 2011 chưa đảm bảo hiệu quả kinh doanh như kế hoạch được phê duyệt, lỗ vượt dự kiến 329 tỷ đồng.
Dự án Vinasat của VNPT khởi động từ năm 1998. 10 năm sau, Việt Nam có vệ tinh đầu tiên khi Vinasat-1 được phóng thành công vào quỹ đạo với chi phí đầu tư khoảng 300 triệu USD. Đến năm 2012, VNPT tiếp tục phóng vệ tinh Vinasat-2, trị giá khoảng 260 triệu USD. Cả 2 vệ tinh thương mại đều được thiết kế với thời giạn khai thác hoàn vốn 9 - 10 năm. Tuy nhiên, do doanh thu những năm đầu không đạt dự kiến nên theo các chuyên gia, thời gian hoàn vốn của 2 vệ tinh có thể phải kéo dài.
|
Cơ quan thanh tra đánh giá với các dự án này, tuy đạt được mục tiêu về chính trị - xã hội, khẳng định chủ quyền quốc gia đối với tài nguyên trên quỹ đạo vệ tinh, đảm bảo yêu cầu thông tin phục vụ an ninh quốc phòng, chống thiên tai... nhưng tính đến thời điểm nêu trên, dự án chưa đảm bảo hiệu quả kinh doanh như trong đề án được duyệt.
Cùng với vệ tinh, trong thời gian trên, VNPT cũng đã thực hiện số lượng dự án đầu tư lớn. Quá trình thực hiện, nhiều dự án tăng tổng mức đầu tư, chậm tiến độ dẫn đến chi phí tăng, giảm hiệu quả sử dụng vốn...
Một trong những dự án của VNPT điển hình trong việc chậm tiến độ là đầu tư tuyến cáp quang biển trục Bắc - Nam với tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ bằng vốn ODA đã chậm tiến độ gần 10 năm. Tại một số dự án cụ thể, cơ quan thanh tra cũng cho rằng tập đoàn chưa khảo sát, tính toán đến thực tế, khả năng phát triển ngành, chưa tuân thủ đúng quy trình, thủ tục đầu tư... dẫn đến một số thiết bị mua về không sử dụng hết, hoặc khai thác kém hiệu quả, gây lãng phí, thiệt hại về vốn. Một số ví dụ được đưa ra như dự án cáp đồng còn tồn kho vật tư trị giá gần 70,5 tỷ đồng, dự án Cityphone lỗ và tài sản không khấu hao hết tổng cộng hơn 168,5 tỷ đồng.
Dự án vệ tinh Vinasat khiến VNPT lỗ vượt dự kiến 329 tỷ đồng. Ảnh: Lockheed Martin. |
Về quản lý đầu tư tài chính dài hạn tại các doanh nghiệp ngoài, theo Thanh tra Chính phủ, đến cuối năm 2011 VNPT đã đầu tư góp vốn vào 86 doanh nghiệp với tổng giá trị hơn 3.273 tỷ đồng. Trong đó, 38 doanh nghiệp đạt tỷ suất lợi nhuận bình quân 15,6%. 28 đơn vị lợi nhuận thu được thấp, tỷ suất bình quân chỉ đạt 3,16%. Đặc biệt, 20 doanh nghiệp khác và quỹ với giá trị đầu tư gần 724 tỷ đồng trong thời gian dài (từ 3 đến 5 năm) không thu được lợi nhuận, gây lãng phí vốn.
Cơ quan Thanh tra cũng cho biết, VNPT chưa thực hiện nghiêm và đầy đủ trình tự, thủ tục về việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành đối với 11 đơn vị. Đặc biệt là các sai phạm, yếu kém trong quản lý tại Công ty Tài chính Bưu điện, dẫn đến kết quả kinh doanh thua lỗ, mất vốn lớn đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán, kết luận.
Từ 2006 - 2011, một số đơn vị hạch toán phụ thuộc VNPT đã chi phí khuyến mại vượt quy định. Trong đó, riêng Công ty Thông tin Di động (VMS) trực thuộc VNPT đã thực hiện khuyến mại vượt giới hạn giá trị dịch vụ so với quy định là hơn 6.300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đơn vị này hạch toán doanh thu dịch vụ di động trả trước khi chưa cung cấp dịch vụ hơn 1.000 tỷ đồng. Điều này, dẫn đến việc VMS phải nộp thêm một khoản thuế thu nhập, làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.
Từ những kết luận đó, Thanh tra đề nghị Bộ Thông tin Truyền Thông đề xuất Thủ tướng phê duyệt đề án tổ chức, sắp xếp lại mô hình hoạt động của VNPT nhất là đối với các đơn vị hạch toán phụ thuộc do bộc lộ nhiều hạn chế trong quản lý, thiếu tự chủ trong kinh doanh. Đồng thời, Bộ này cần rà soát, điều chỉnh các quy định về khuyến mại, quảng cáo, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Cơ quan Thanh tra cũng kiến nghị chỉ đạo thực hiện kiểm điểm trách nhiệm cá nhân tại công ty mẹ và đơn vị thành viên liên quan. Thanh tra đề nghị xử lý thu hồi về ngân sách nhà nước các khoản thuế chưa thực hiện đúng quy định, các khoản nợ khó đòi, các khoản chưa thanh toán và trích vượt quỹ khen thưởng. Tổng các khoản mục Thanh tra đề nghị xử lý kinh tế lên đến gần 5.500 tỷ đồng và hơn 46,2 triệu USD.
Tại cuộc họp báo công bố kết quả hoạt động quý II/2013, ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng thanh tra Chính phủ cũng cho hay vừa hoàn tất quá trình thanh tra với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) trong đó tập trung vào 3 nhóm nội dung là tín dụng, đầu tư tài chính và đầu tư xây dựng cơ bản. Kết luận thanh tra đơn vị này vẫn chưa hoàn tất nhưng ông Khánh cho biết cũng phát hiện những sai phạm khuyết điểm tồn tại ở cả 3 nhóm nội dung trên.
Đối với cuộc thanh tra đột xuất tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Khánh cho biết được tiến hành theo yêu cầu của Thủ tướng. Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cho biết nội dung thanh tra chính vẫn là quản lý tài sản, đầu tư các công trình.
Năm 2012, lợi nhuận trước thuế của VNPT đạt 8.500 tỷ đồng, trong đó riêng Công ty Thông tin Di động (VMS) đóng góp 6.600 tỷ. Hai công ty thành viên chủ chốt khác là VinaPhone và Công ty Điện toán và truyền số liệu (VDC), có mức lợi nhuận chiếm tỷ trọng rất thấp trong tổng lợi nhuận của tập đoàn, tổng cộng chỉ đóng góp 1.900 tỷ đồng.
Mức tăng trưởng lợi nhuận của MobiFone năm 2012 cũng được cho là “khiêm tốn” so với 2011 khi chỉ tăng 5,4%.
|
Ngọc Tuyê
n
n
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét