Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Đại Vệ Chí Dị- Khai quốc công thần.

Người Buôn Gió 

Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 68.

Bấy giờ trong nước tài nguyên cạn kiệt, ao hồ , đồng ruộng bị san phẳng làm đất nền bán cho thương lái nước ngoài. Tiền mất giá, những đồng tiền xu mới đúc ra được vài năm thì chẳng còn mua được gì, lãng phí vô kể.


Tháng tám đầu thu, có vị tướng già nằm bên giường bệnh hơn 10 năm, được canh gác cẩn mật kin cổng cao tường. Không rõ bệnh tình sống chết ra sao. Thoắt cái đã thọ 103 tuổi.

Thiên hạ đồn rằng vị tướng ấy đã qua đời, nhưng nhờ y thuật của người Tề ướp được xác sống, cho nên một vài bộ phận trong cơ thể vị tướng vẫn còn hoạt động.

Đồn là như vậy, nhưng thực hư chả ai thấy, chưa ai nói là được nhìn thấy vị tướng, chỉ những đại thần nghị chính được phép ra vào nơi đó. Khi ra họ nói tướng ấy còn khỏe lắm, còn minh mẫn lắm.

Tướng ấy là một trong tứ trụ của nhà Sản hồi lập quốc, chiến công hiển hách. Hiềm nỗi đường quan mệnh chỉ đến bậc đại thần bộ binh, không lên được tứ đại thiên vương, nếu có mất an táng cũng thường cấp trung.

Thiên hạ lại đồn, thiên hạ thật lắm chuyện, nhưng nước Vệ triều nhà Sản bởi thông tin bưng bít, buộc lòng người ta phải ngóng những tin đồn. Chứ không phải bản chất người Vệ từ xưa lắm chuyện như vậy. Thiên hạ đồn rằng vì tướng ấy công lao lớn quá, danh vang bốn biển năm châu. Giờ nếu thác đi mà đem lễ táng cấp trung thì không phải. Vì thế nhà Sản phân vân không biết xử trí ra sao, cứ loanh quanh đợi tính thế nào cho hợp với danh tiếng của đại lão công thần tướng quân.

Có người nói rằng, năm Canh Ngọ đời Vệ Hoạt Vương. Nhà Sản bế tắc cùng đường, vua tôi kéo nhau sang Tề cầu cứu. Vệ Hoạt Vương dẫn mấy tướng văn, tướng võ hàng đầu sang chầu kiến Tề. Nhờ sợ giúp đỡ về quân lương, sách lược. Không biết bàn bạc ra sao, sau chuyến ấy nhà Sản lại vững như bàn thạch. Mỗi điều tự dưng địa đồ biên giới, hải đảo được chia lại ngầm giữa hai vua. Dân chúng chỉ nghe là chia biên giới, hải đảo. Còn chia thế nào chắc ai biết rõ. Nhà Sản thì kêu là chia thành công lắm, công bình lắm. Có cái ta tưởng của ta như thác Làng  Giộc, giờ lúc đo ra mới biết của họ, mà họ tử tế lắm, biết vậy vẫn nhường ta một góc. Giao hảo là lợi như vậy đó, dân chúng nghe xong tin sái cổ, ai cũng khen nhà Sản tài. Chia đất với Đại Tề mà không bị thiệt còn được lợi.

Lại nói về cái buổi gặp của vua tôi nhà Vệ đó ở Thành Đông nước Tề năm đó,bàn thảo mọi cái xong xuôi, Vệ Hoạt Vương cùng tùy tòng mừng rõ lắm, yên trí nhà Sản còn truyền nhau đến mấy chục năm nữa. Cao hứng Vệ Hoạt Vương mới nở mặt mày, hỏi Tề Bá Vương rằng.

- Muôn tâu thiên tử, cứ nhờ uy lực của Đại Tề, nhà Sản chắc hẳn sẽ trường tồn với quế nguyệt ngàn năm nữa. Chừng nào còn nương bóng được Đại Tề, thì hồng phúc nhà Sản còn hưng thịnh lắm.


Tề Bá Vương nói.

- Thiên vận đôi khi cũng do con người nắm giữ chìa khóa. Vệ trung thành một dạ thế này, Tề không nỡ lòng nào không nhận. Nhưng ta có câu này, các người ghi nhớ. Tề Bá Vương vẫy tay gọi Vệ Hoạt Vương. Hoạt Vương vội vã kéo áo lên cao khỏi vướng,  chạy lúi húi lại cạnh ngai vàng Tề Bá Vương, bám vào tay thành ngai bên tả , quỳ xuống nghiêng đầu, ngửa tai nghe Tề Bá Vương dặn.


8 năm sau, Vệ Hoạt Vương qua đời, người ta giở di cảo của vương, thấy có lời dặn của Tề Bá Vương khi trước.

- Bao giờ đồng cạn hồ khô
Chinh rơi, giáp rách cơ đồ sẽ tan.

Vệ Hoạt Vương dặn bất kỳ lúc nào cũng phải giữ cho ao hồ, đồng ruộng, tiền xu, áo giáp của nước Vệ phải nguyên vẹn. Thì mới mong nhà Sản tồn tại mãi mãi đời này sang đời khác.

Vệ Mạnh Vương lên ngôi, tóc đen, răng chắc, cường tráng sung mãn. Ngày đêm Vương chỉ lo chuyện phòng the, bỏ mặc chính sự cho tể tướng Bạo lo toan. Bạo là người vũ dũng, không tin vào vào số phận, chỉ lấy tiền và quyền ra để trị nước. Nắm chính sự vài năm tài nguyên cạn kiệt, ao hồ , đồng ruộng bị san lấp bán cho tư thương. Tiền mất giá , những đồng xu chẳng ai dùng đến nữa. Nhà Sản cũng quên bẵng lời truyền của Vệ Hoạt Vương. Thời đã yên bình, quân sĩ  cho cởi giáp đi làm kinh tế phụng sự triều đình.

 Canh Dần nước Vệ suy yếu từ mọi phía. Ngân khố trong nước cạn sạch, tài nguyên khai thác tận cùng, nợ nước ngoài đầm đìa, trong nước doanh nghiệp phá sản hàng loạt. Nhân dân nôi dậy khắp nơi. Lúc ấy Bạo mới nghĩ rằng mình tuổi Sửu, gặp năm Dần phải hạn. Mới đem cái ý đó ra giữa triều đổ vấy để thoát tội nắm chính sự kém cỏi. Nhà Sản bấy giờ cũng nát, mười mấy đại thần cát cứ mười mấy lãnh vực, chẳng ai ý kiến gì. Lại đem câu  sấm truyền Vệ Hoạt Vương chép lại khi xưa bên Tề ra để biện giải.

Có kẻ bảo đi đào hồ, kẻ bào cày sâu ruộng, kẻ nảo đúc tiền xu mệnh giá mới. Luận mãi câu sấm truyền để giải vào thực tế. Bỗng có kẻ thốt lên.

- Phải chăng câu ấy ứng vào Tiên Vương và những bậc khai quốc công thần.

Cả triều sững người nhẩm lại, rồi ồ lên những tiếng kinh ngạc, khâm phục Đại Tề thâm sâu.


Thế rồi vội vã đi chăm lo cho vị tướng già, nghe đâu còn dùng cả thuật ướp xác sống để giữ người bệnh không chết hẳn. Thật là man rợ vô cùng.


Kẻ chợ có người nghe phong phanh câu sấm ấy, lý giải rằng.

- Hồ còn nước, ruộng còn sâu, tiền còn giá trị, binh sĩ nguyên áo giáp có nghĩa là thực túc, binh cường, của cải đầy tràn trong thiên hạ. Giữ được những thứ đó thì nước nào chả hưng, nhà nào chả thịnh. Phá nát sạch rồi không lo chấn chỉnh thực tế thì chớ, giờ bẻ nghĩa sấm truyền, dùng trò ma mị để mong kéo dài. Thật là vừa không thực lại vừa không đạo. Phải chăng nhà Sản cũng đến hồi mạt vận.?

Năm ấy, nghĩa binh dấy khởi khắp nơi, nhiều trung thần nhà Sản rời bỏ triều đình. Cất tiếng kệu gọi lập những nhà Dân, nhà Chủ , nhà Xã...khắp thiên hạ.

Có khi nhà Sản mạt thật rồi.

Theo blog Người Buôn Gió


Người Buôn Gió - Đại Vệ Chí Dị (kỳ 1&2)


1 nhận xét:

  1. - Bao giờ đồng cạn hồ khô
    Chinh rơi, giáp rách cơ đồ sẽ tan. Like

    Trả lờiXóa