Nguyễn Ngọc Già
Xu hướng hội nhập thế giới trở nên tất yếu không gì cưỡng nổi, Việt Nam không còn con đường nào khác con đường tự do dân chủ. Không những thế, nó là con đường sống còn của dân tộc Việt Nam đặt trong bối cảnh thế giới hiện nay, khi nhìn lại chỉ còn vài "quốc gia cộng sản" đi ngược trào lưu tiến hóa của xã hội loài người.
Bài viết "Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh" của ông Lê Hiếu Đằng, đã được những trang báo: Quân Đội Nhân Dân, Đại Đoàn Kết, Nhân Dân mang ra mổ xẻ, mà không, phải nói nó bị mang ra để chì chiết, thóa mạ một cách phản động, phản khoa học và phản văn hóa như nhiều tác giả phân tích.
Những bài viết của ba trang báo này lẽ ra nên xoay quanh nội dung khoa học mà tác giả Lê Hiếu Đằng đề cập để phân định trắng đen, ngược lại họ dùng sức khỏe vừa tạm hồi phục của ông như là một phương tiện để biểu lộ tà tâm và bản chất vô nhân đạo, khi cố tình nhắc chữ "giường bịnh", "người bịnh" nhiều lần. Điều đó thật khó che giấu tâm địa của họ trước dư luận.
Sai lầm, tội ác của ĐCSVN không chỉ đối với những người họ gọi là "đồng chí" mà tội ác của chính đảng này còn lớn hơn nhiều lần, đối với dân tộc Việt Nam. Đó là điều cho đến nay thật khó chối cãi trong thời đại Internet bùng nổ. Xin dẫn ra chứng cớ mới đây, ĐCSVN đã phá nát gia cang của gia đình thường dân vô tội mà Luật sư Hà Huy Sơn cho biết [1]:
(trích) - "...Nhận tiện gặp luật sư, cô con gái lớn của bà Liên hỏi thủ tục thuận tình ly hôn ở tòa ra làm sao. Và cô con gái bà Liên kể rằng vì thằng Kha, thằng Uy vướng vào chuyện như vậy nên ảnh hưởng anh rể nó không được vào Đảng, có vào Đảng thì mới được đề bạt. Nếu vợ nó không chịu cách ly với gia đình đằng nhà vợ thì nó ly dị và hai bên thuận tình vì con gái bà không thể cách ly với gia đình bố mẹ và 02 em ruột..." (hết trích).
Những kẻ hứa hẹn với con rể bà Liên nhìn hạnh phúc gia đình - tế bào đầu tiên và quan trọng nhất làm nền tảng cho một xã hội nhân bản - sao thật giản đơn đến lạnh lùng và tàn nhẫn như thế (!). Đó có phải thứ tư duy "búa liềm", hàng chục năm qua đập nát và xén đứt tất cả nhân tâm người Việt Nam, cũng như để lại những di họa khôn lường cho đến nay chưa xóa nổi?!
Người anh rể của Đinh Nguyên Kha, Đinh Nhật Uy thật khờ khạo và ảo tưởng về những lời hứa hão như thế! Có lẽ ông ta chưa bao giờ tìm hiểu để biết "danh hiệu" "đệ nhất lật lọng" thuộc về "đảng ta" tồn tại hàng chục năm qua. Tệ hơn, khi trót "nhúng chàm", người đàn ông đã phá tan gia đình mình, vô hình chung cũng tự tay lái "chuyến xe cuộc đời" trượt dài trên con đường vong thân, vong bản.
Không có gì bảo đảm tốt đẹp hơn cho phần đời còn lại của người đàn ông này, khi chỉ vì "bã lợi danh", dù là thật đi chăng nữa, lại đang tâm nghe lời "đảng dạy" bỏ rơi và đoạn tuyệt ân nghĩa vợ chồng - cha con. Đó là nỗi đau của thường dân do ĐCSVN gây ra và nó cũng là nỗi nhục nhã ê chề của những ai còn mơ tưởng đến "thiên đường XHCN". Một chính đảng như thế có nên "tự tưởng thưởng" danh hiệu "đảng ta là đạo đức là văn minh" (?)
"Đảng Cộng Sản Việt Nam bách chiến bách thằng", "đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm", hay như Lê Duẩn nói [2]: "đảng ta, người lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam" bỗng trở nên thô bỉ hơn bao giờ hết!
Trong bài trả lời phỏng vấn BBC, ông Vũ Minh Giang, người được biết là giáo sư, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay [3]:
"...chưa thấy có cơ sở pháp lý nào để cho phép việc thành lập các chính đảng mới ở Việt Nam, bên cạnh Đảng Cộng sản..."
Thường dân chúng tôi muốn đặt câu hỏi:
- Đảng Cộng sản Việt Nam hiện đang hoạt động theo cơ sở pháp lý nào?
- Giấy phép hoạt động của ĐCSVN mang số hiệu gì? Ngày, tháng, năm được cấp? Người có thẩm quyền nào ký? Cấp có thẩm quyền nào ban hành?
- Tất cả các bộ luật, nghị định, thông tư hiện hành có do bất kỳ ai mang danh "đảng viên ĐCSVN" ký phát hành không?
- Người dân sống và làm việc theo Luật hay theo điều lệ đảng?
- Bằng chứng nào cho thấy người dân Việt Nam chọn ĐCSVN lãnh đạo?
Nói cách khác, ĐCSVN hoạt động bất hợp pháp và tiếm quyền dân hàng chục năm qua.
Không chỉ Hiến pháp Việt Nam không cấm lập đảng, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (CƯQTVCQDSCT), có hiệu lực từ 23/3/1976, sau đó Việt Nam tự nguyện tham gia và cam kết thực hiện công ước vào ngày 24/9/1982 cũng nói rõ về tự do tư tưởng, tư do ngôn luận.
Trong Công ước này điều 1 khoản 3 viết:
"Các quốc gia thành viên Công ước này, kể cả các quốc gia có trách nhiệm quản lý các Lãnh thổ ủy trị và các Lãnh thổ Quản thác, phải thúc đẩy việc thực hiện quyền tự quyết dân tộc và phải tôn trọng quyền đó phù hợp với các quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc".
Điều 2 khoản 1 viết:
"Các quốc gia thành viên Công ước cam kết tôn trọng và bảo đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền tài phán của mình các quyền đã được công nhận trong Công ước này, không có bất kỳ sự phân biệt nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc địa vị khác".
Do đó, cần xem lại hồ sơ cam kết tự nguyện gia nhập CƯQTVCQDSCT của Việt Nam do ai ký, vì Điều 48 CƯQTVCQDSCT viết:
1. Công ước này để ngỏ cho bất kỳ quốc gia quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, hoặc thành viên của bất kỳ tổ chức chuyên môn nào của Liên Hợp Quốc, hoặc cho bất kỳ quốc gia thành viên nào của Quy chế Tòa án Công lý quốc tế, cũng như cho bất kỳ quốc gia nào khác được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc mời tham gia Công ước này, ký kết.
2. Công ước này đòi hỏi phải được phê chuẩn. Các văn kiện phê chuẩn sẽ được nộp lưu chiểu cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
3. Công ước này để ngỏ cho tất cả các quốc gia nêu ở khoản 1 điều này gia nhập.
4. Việc gia nhập sẽ có hiệu lực khi văn kiện gia nhập được nộp lưu chiểu cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
5. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ thông báo cho tất cả các quốc gia đã ký hoặc gia nhập Công ước này về việc nộp lưu chiểu của từng văn kiện phê chuẩn hay gia nhập.
Hơn 30 năm qua, chẳng lẽ Việt Nam chưa nộp lưu chiểu cho Liên Hiệp Quốc?
Trong khi đó, điều 49 viết:
1. Công ước này sẽ có hiệu lực ba tháng sau ngày văn kiện phê chuẩn hoặc văn kiện gia nhập thứ 35 được nộp lưu chiểu cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
2. Đối với quốc gia nào phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước này sau ngày văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập thứ 35 đã được lưu chiểu, thì Công ước này sẽ có hiệu lực sau ba tháng kể từ ngày nộp lưu chiểu văn kiện phê chuẩn hoặc văn kiện gia nhập của quốc gia đó.
Do đó, không tài nào tin được 31 năm qua Việt Nam quên "nộp lưu chiểu văn kiện phê chuẩn hoặc văn kiện gia nhập".
Thời điểm ký vào Công ước này, người Việt Nam biết ông Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch Quốc hội (4/1981 - 4/1987) và ông Trường Chinh là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (7/1981 - 6/1987). Chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nghĩa là chức vụ Chủ tịch nước hiện nay do ông Trương Tấn Sang đảm nhiệm.
Nêu lại vấn đề lịch sử này nhằm chỉ rõ, Việt Nam tự nguyện cam kết với quốc tế cũng do những người đứng đầu Quốc Hội hay đứng đầu Nhà nước, không một ông (bà) nào, dù là Tổng bí thư được phép ký vào CƯQTVCQDSCT, thậm chí có ký cũng chẳng quốc gia nào công nhận.
Do đó, ĐCSVN cần phải nhận rõ: đảng phái không phải là tuyệt đối, bao trùm toàn xã hội như họ ngộ nhận đến mụ mị và mù quáng.
Năm 2014, Việt Nam phải trình bày về tình trạng nhân quyền trước Liên Hiệp Quốc - điều hệ trọng mang thể diện quốc gia, nó cũng không có chỗ cho ĐCSVN tham gia vào.
Đề nghị các luật sư, luật gia nghiên cứu, thảo luận CƯQTVCQDSCT và trình bày trước công luận: trong trường hợp bất kỳ quốc gia nào (ví dụ như Việt Nam) đã tự nguyện ký gia nhập mà không thực hiện, hay không thực hiện đầy đủ, thậm chí vi phạm nghiêm trọng, thì biện pháp gì để buộc quốc gia đó khắc phục hoặc thủ tục tiến hành kiện ra tòa án quốc tế hay Ủy ban Nhân quyền LHQ ra sao.
Suy nghĩ và thao thức của ông Lê Hiếu Đằng về thành lập một chính đảng không nằm ngoài CƯQTVCQDSCT mà Việt Nam đã tự nguyện tham gia. Nó cũng hoàn toàn phù hợp với Hiến Chương Liên Hiệp Quốc.
Câu hỏi đọng lại cho đến hết bài viết này: Theo cam kết khi gia nhập WTO, đến 31/12/2018 Việt Nam phải đoạn tuyệt với nền kinh tế phi thị trường, trong trường hợp không đáp ứng cam kết này thì hậu quả gì xảy ra và người Việt Nam phải làm gì để khắc phục hậu quả (nếu có)?
Rất mong các luật sư, luật gia và những ai am hiểu về luật lệ quốc tế hãy vạch rõ tất cả và đề ra những biện pháp khả thi để cứu quê hương trong cơn nguy khốn. Xin đừng để như tình trạng CƯQTVCQDSCT như một nỗi hổ thẹn của thói trí trá, gian manh mà ĐCSVN đã gây ra để người Việt Nam chúng ta gánh chịu hậu quả về nỗi nhục quốc thể trước toàn thế giới.
___________________________________
Chú thích:
Ghi chú:
1/ Hiện nay một số quốc gia đã ký Công ước nhưng không thông qua:
- Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (05 tháng 10, 1998).
- Comoros (25 tháng 11, 2008)
- Cuba (28 tháng 02, 2008)
- Nauru (12 tháng 11, 2001)
- São Tomé và Príncipe (31 tháng 10, 1995)
2/ Một số quốc gia khác không ký cũng không thông qua như: Malaysia, Myanmar, Ả Rập Saudi, Brunei v.v...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét