– Mời quí vị sang Ấn Độ…
Ngythanh
Ấn Độ: thủ đô ngành thuê mướn tử cung
Nước Ấn được gọi là thủ đô của nghề mang thai mướn và đẻ mướn không chỉ vì kiểu làm ăn nầy phát triển qui mô, mà còn vì tính hợp pháp. Mặc dù việc phụ nữ Ấn cho mướn tử cung phát triển thành kỹ nghệ nuôi sống quốc gia đang làm phát sinh nhiều câu hỏi trên địa cầu về khía cạnh đạo đức, chính phủ Ấn chẳng vì thế mà đẩy phương thức kiếm
sống nầy ra ngoài vòng luật pháp, hay xếp ngang hàng với nghề gái bao, hay nghề bán trôn nuôi miệng.
Xin kể một vài câu chuyện nhỏ. Mỗi đêm như mọi đêm tại thị trấn Anand vắng lặng ở miền tây nước Ấn, 15 bà bầu chuẩn bị lên giường ngủ trong căn nhà khá rộng nằm bên triền đồi mà họ cùng chia sẻ, vừa trèo lên các bậc thang gác vừa cẩn trọng bảo vệ cái bụng tròn như quả bóng, để vào chỗ ngủ của mình. Chung quanh họ là một đội ngũ các bác sĩ và đầu bếp hữu hạng được cắt đặt việc chăm sóc cho các bà đang mang thai hộ kẻ khác – một thứ truyện nghe qua có vẻ quái dị ở đâu đó trên địa cầu, nhưng tại quốc gia nầy còn thường tình hơn cả chuyện xe cán chó và chó cán xe. Các bà mẹ trẻ của Anand – thị trấn vốn nổi danh về sữa – đang mang trong bụng những thai nhi của những đôi vợ chồng nào đó trên trái đất. Phòng bào chế của bệnh viện bỏ túi Kaival chịu trách nhiệm cấy tinh trùng và trứng của một cặp vợ chồng vào một phụ nữ địa phương, chăm sóc các thai phụ trong suốt quá trình mang thai và sinh nở, cộng thêm công tác hướng dẫn và cố vấn tinh thần cho cả hai phía, mẹ ruột và mẹ mướn, sau khi đứa bé chào đời và trước khi bé được bàn giao về một gia đình khác. Anand trong tiếng Ấn có nghĩa Hạnh phúc. Những người cho mướn tử cung của thị trấn Anand nầy là những kẻ tiền phong trong lãnh vực đang phát triển nhanh về “thuê ngoài”, đến nay đã làm dân số thế giới tăng thêm nhiều đầu người.
Là một thuật ngữ về kinh tế, thuê ngoài (outsourcing) được dùng khi một thể nhân hay pháp nhân (bên B) giao phó việc thực hiện toàn bộ hợp đồng hay chức năng sản xuất hoặc kinh doanh nào đó cho một cá nhân hay đơn vị (gọi là bên C: nhà thầu phụ) để cung cấp, thực hiện một dịch vụ ngoài lãnh vực chuyên môn cho khách hàng (bên A). Dịch vụ ấy có thể được cung cấp ngay bên trong hay bên ngoài công ty; có thể tại trong nước hay ở nước ngoài. Lợi điểm của việc ký hợp đồng phụ để giao và nhận việc thi công hay sản xuất như thế là kích thích cạnh tranh để hạ giá thành. Hình thức hợp đồng theo dạng thuê ngoàihiện được áp dụng tối đa trong ngành công nghệ thông tin trên thế giới, và khi so với bất cứ nơi nào khác trên hành tinh trong chuyện thai thuê đẻ mướn, chưa nước nào giật được giải vô địch từ tay Ấn Độ.
Trong thị trấn dùng làm huyện lỵ cho huyện cùng tên Anand thuộc bang Gujarat với dân số toàn huyện không quá 2 triệu người nầy, có hơn 50 chị em ta đang mang trong bụng các thai nhi xuất xứ từ Hoa Kỳ, Đài Loan, Anh quốc và nhiều quốc gia khác. Mang bầu chín tháng mười ngày, mỗi thai phụ kiếm được tiền nhiều hơn lắm phụ nữ khác phải tần tảo cày bừa ròng rã 15 năm, tuy nhiên, bên sau đồng bạc dễ vào ấy, là cơn trăn trở triền miên dày vò họ, khi bị xâu xé giữa khoa học hiện đại và đạo lý lương tâm, giữa việc bị bóc lột và khía cạnh toàn cầu hóa, và nhất là niềm thao thức rất tự nhiên và rất chính đáng: có một mái ấm gia đình.
Bác sĩ Nayna Patel, người thầy thuốc nữ lãnh trên vai phần lớn trách nhiệm các khâu thai thuê đẻ mướn tại xứ Anand nầy cho rằng công việc của bà thật có ý nghĩa đối với những ai cần tìm đến chuyện cho mướn dạ con nầy – cả hai phía, bên đi mướn và bên cho mướn. Bà nói: “Đây là người phụ nữ thèm khát một cách tuyệt vọng nhưng không còn cách nào để bà có được một đứa con do máu mủ mình – ngoài phương pháp thuê tử cung. Phía đàng kia, một phụ nữ khác mong muốn giúp bà nầy và gia đình bà ta bảo vệ mái ấm. Nếu người thứ nhì muốn giúp người thứ nhất không được trời cho sinh con, thì tại sao không cho phép họ? Chẳng phải là một việc xuất phát từ nguyên nhân xấu xa. Họ muốn giúp nhau tạo một cuộc sống mới cho thế giới”.
Biến việc thuê mướn tử cung thành luậtCác chuyên gia cho rằng vấn đề mang thai thay kẻ khác – hay từ ngữ bình dân là “cho mướn dạ con” – đang bùng nổ ở Ấn Độ. Dù không thể tìm ra được số liệu thống kê khả tín nào cho toàn quốc, các bác sĩ hành nghề nầy hiện diện tại hầu như không trừ một thành phố hay thị trấn lớn nào. Họ lấy tinh trùng và trứng của những đôi nam nữ không có chức năng thụ thai bình thường để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, rồi cấy vào tử cung một người nữ Ấn Độ nhận hợp đồng mang thai mướn. Cùng với nhiều quốc gia khác trên thế giới trong việc cho mướn tử cung, Ấn Độ cũng đã hợp thức hóa từ năm 2002, để cả nước thu bạc tỉ vào cho ngân sách quốc gia mỗi năm.
Nhờ các yếu tố giá cả nhẹ nhàng, xã hội công khai chấp nhận và quan trọng trên hết là chính phủ năng nỗ tích cực lao vào bố trí và tháo gỡ các chướng ngại pháp lý, Ấn Độ đột nhiên biến thành điểm đến tối ưu của những bà mẹ không thể sinh con và có điều kiện tài chánh để ủy thác chuyện bụng mang dạ chữa cho người khác làm thay mình. Một trong những thuận lợi nổi bật là Ấn Độ có một thủ tục nhận con nuôi dễ dàng, và không để hai kẻ thù lớn của một nền công nghiệp được phép xuất hiện: tệ trạng cửa quyền và tham nhũng. Khi một đôi nam nữ mất khả năng sinh sản, tức là họ đang lâm nạn vừa về mặt y khoa, vừa về mặt tâm lý, đã đến độ cùng đường trong tiến trình nối dõi tông đường, phải đặt niềm tin vào nước Ấn. Hiện nay, các thống kê cho thấy ngành cho mướn tử cung của nước Ấn là một kỹ nghệ mang lại trên 25 tỉ đồng rupee mỗi năm (25 tỉ rupee x $0.016 = 400 triệu đô Mỹ) – con số mà chính phủ gọi là “hũ vàng”. Kỹ nghệ làm chơi xơi thật nầy bắt đầu khi đứa bé đầu tiên được một người mẹ Ấn mang thai hộ cho chào đời hôm 26/06/1994, nhưng biến cố khoa học nầy chẳng ai thèm để ý, mãi cho đến một thập niên sau, khi một bà mẹ Ấn khác mang thai và sinh một đứa bé cháu ngoại cho con gái mình ở nước Anh, thì loài người mới thực sự bàng hoàng.
Hành trình của kỹ nghệ cho mướn tử cung Ấn Độ
Có thể nói nghề cho mướn tử cung của Ấn thực sự mở màn vào năm 2002, khi Tối cao Pháp viện công bố việc thai thuê đẻ mướn là không trái luật, mặc dù đứa bé ở tạm trong cung lòng người không phải mẹ mình đã chào đời từ 8 năm trước. Tới đôi ba năm gần đây, Ấn Độ bỗng vượt lên trước, bước đi đầu và trở thành thánh địa cho nghề mới nầy. Được nhiều người khoác cho một cái tên mỹ miều hơn, “ngành du lịch hữu sinh”, mướn tử cung ở Ấn là một chọn lựa phổ thông mặc nhiên của những đôi lứa mất khả năng sinh con trong các nước tiên tiến, vì chi phí quá cao mà các dưỡng đường và bệnh viện đòi buộc. Sổ sách lưu trữ cho thấy chỉ riêng trong năm 2010, các dưỡng đường ở Ấn đã đảm trách 1.500 bé sơ sinh từ các bà mẹ địa phương cho khách quốc tế và nội địa mướn tử cung. Con số nầy chứng minh năm 2010 đã tăng 50% so với hai năm về trước.
So về kỹ thuật, Ấn Độ không thua kém các nước tân tiến bao nhiêu. So về phục vụ và các yêu cầu y khoa, các bác sĩ Ấn ngang ngửa với các bác sĩ giỏi trên thế giới. So về giá cả, khách cần mướn một bà mẹ Ấn Độ mang thai hộ cho mình chỉ phải trả khoảng một phần ba giá cả trọn gói trong các nước Tây phương. Thời gian gần đây, càng phát triển, nước Ấn càng học hỏi kinh nghiệm, không chỉ trong các tiến trình y khoa, mà cả trong thuật chọn lựa và hợp đồng với các bà mẹ địa phương nữa. Kết quả của Ấn chứng minh tay nghề chuyên môn của họ đã đến mức tinh xảo, nâng kết quả thành công cao hơn các dịch vụ cùng nghề tại châu Âu và tại Hoa Kỳ. Tại Ấn, có đến hơn một trăm dưỡng đường và bệnh viện chuyên môn về thụ tinh nhân tạo để khách thập phương chọn; nhiều cơ sở đồ sộ đặt bản doanh ở các thành phố tầm cỡ quốc tế như New Delhi, Mumbai, Bangalore và Chennai. Ngoài ra, còn rất nhiều cơ sở tối tân khác ở khắp các thành thị lớn của Ấn. Dịch vụ cho mướn tử cung của Ấn đã thành danh vào năm 2007, khi cả nước Mỹ thực hiện thành công 276 ca sinh đẻ từ dạ con người mẹ khác, thì các dưỡng đường Ấn cũng đạt quá một nửa con số này: 150 bé sơ sinh do thụ thai từ ống nghiệm. So với các “thị trường” khác, Ấn không bị trở ngại ngôn ngữ vì người Ấn nói tiếng Anh song song với tiếng địa phương từ khi lọt lòng, chưa kể đến một ưu điểm khác: đàn bà Ấn ít bị vướng tới ma túy, thuốc lá và rượu mạnh như phụ nữ các nước tân tiến khác, nên khả năng trả lại cho cha mẹ ruột một bé sơ sinh lành mạnh qua tử cung người Ấn chắc chắn nhiều lần cao hơn, đáng tin cậy hơn. Về mặt luật, trong khi mỗi tiểu bang ở Mỹ qui định việc mang thai mướn hoàn toàn độc lập và khác nhau, còn Canada cấm việc mang thai mướn có dính líu tới tiền bạc, bán chác, hay tại Úc là một tội hình sự – thì Ấn Độ khoan dung hơn nhiều, rất nhiều.
Baby M
Một đôi vợ chồng người Nhật, anh Ikufumi và chị Yuki Yamada đến Ấn vào tháng 11/2007, gặp nữ bác sĩ Nayna Patel chuyên gia về sinh sản của Viện Vô sinh Akanksha ở thị trấn Anand, để thảo luận ước vọng làm cha làm mẹ của mình, rồi mướn một phụ nữ mang thai giúp cho họ. Bác sĩ Patel thu xếp để anh chị tiếp xúc với chị Pritiben Mehta, một phụ nữ Ấn đã có chồng và sinh con, trước khi tiến hành cấy phôi từ tinh trùng của anh Ikufumi Yamada với trứng của một phụ nữ vô danh. Phôi nầy sau đó được cấy vào tử cung chị Mehta. Tới tháng 6 năm kế, anh chị Yamada ly dị, và hôm 25/07/2008, bé gái chào đời, được đặt tên là Bé Manji. Mặc dù anh Ikufami mong muốn được nuôi lớn đứa bé, nhưng chị vợ cũ không đồng thuận. Hai quyết định tréo nghoe nầy làm bỗng dưng một mình Bé M có đến những 3 người mẹ: mẹ Yuki đã ký giấy tờ hợp đồng sinh ra bé, mẹ vô danh đã cho trứng, và mẹ Mehta mang nặng đẻ đau – nhưng trên mặt pháp lý, chị lại là người dưng nước lã và không có một chút quyền hạn gì về đứa con do mình sinh ra cả. Bản hợp đồng cho mướn tử cung trước đó không dự kiến một trường hợp nát óc như thế, và toàn bộ luật Ấn, lật ngược rồi lật xuôi, cũng không đào đâu ra một điều khoản để phân định quyền hạn trên đứa bé. Chính phủ Ấn bất lực trong việc định nghĩa ai là mẹ của Bé Manji, và bé là công dân của Nhật hay của nước Ấn. Một con người vô danh tiểu tốt hình thành từ ống nghiệm nay bỗng tạo ra khủng hoảng luật pháp và ngoại giao giữa hai chính phủ. Cái tên Baby Manji minh họa tính chất phức tạp cũng như những hóc búa đang thách thức bộ máy lập pháp và tư pháp của hai quốc gia, khi đối diện với tiến bộ của kỹ thuật, được báo chí quốc tế đặt gọn trong một cái tên “Baby M” nói ra ai cũng biết. Anh Yamada cùng bà mẹ già của anh đã mở chiến dịch kéo từ tháng nầy sang tháng khác để chạy theo bất cứ thủ tục giấy tờ nào người khác bày vẽ, với mong muốn đem được con mình về Nhật. Phần Mehta, chị đã nhận được một căn nhà trị giá 325,000 rupees (6.825 đô), một khoản tiền 50.000 rupees ($1.050 đô Mỹ), cùng với 5.000 rupees mỗi tháng trong suốt thời gian thai nghén; cộng chung, đây là số tiền ngang với lương của một nhân viên văn phòng hạng trung bình làm ra được trong suốt một đời người. Nhận xong các khoản tiền nầy, hợp đồng của Mehta đã mãn. Chị không được phép tiếp xúc với “con” mình nữa.
Một ngày sau khi Bé M chào đời, 17 vụ nổ xẩy ra làm rung chuyển thành phố Ahmedabad lớn vào hàng thứ 7 của nước Ấn nằm bên bờ sông Sabarmati, làm thiệt mạng 49 người và bị thương hơn 200 người khác. Hôm ấy, một người Ấn tên Kamal Vijayvargiya, bạn của gia đình Yamada thấy bé Manji được chuyển tới bệnh viện Arya ở thị trấn Jaipur cách Anand 657 cây số về hướng tây bắc, vì lý do an toàn. Do bị nhiễm trùng, các bác sĩ quyết định giữ bé lại tại Jaipu, nơi chị Shweta vợ anh Kamal vừa sinh con trước đó một hôm. Vì tình trạng giấy tờ lôi thôi phát xuất từ biến cố ly dị của vợ chồng Yamada, số phận Manji rơi vào tình trạng nheo nhóc, không ai thừa nhận, nên chị Shweta nhín bớt sữa nuôi con mình, để cho Bé Manji bú. Anh Yamada làm hết sức mình để ẳm con về nước, nhưng Đại sứ quán Nhật tại Ấn từ chối cấp hộ chiếu hoặc chiếu khán nhập cư cho Bé Manji, vì luật công dân Nhật chỉ thừa nhận người phụ nữ nào sinh sản đứa bé là mẹ ruột của bé, và trong trường hợp nầy, họ không thể cấp hộ chiếu cho Manji, do phụ nữ Ấn tên Mehta đẻ ra. Quay sang phía chính phủ Ấn, vì luật Ấn không đề cập tới khía cạnh thương mãi của việc cho đẻ thuê, dù thực sự là cha ruột đứa bé, anh Ifukumi bằng lòng ký giấy tờ nhận Bé M làm con nuôi để mong được phép mang con về theo thủ tục Ấn. Nhưng chuyện lại càng rắc rối hơn, khi luật Ấn không cho phép một người đàn ông độc thân nhận con nuôi là con gái. Kết quả là Bé M không thể rời khỏi bệnh viện với ông bố ruột mình, làm Ifukumi phải bắt đầu lại bằng cách nạp đơn xin chính phủ Ấn cấp hộ chiếu cho bé Manji. Đơn xin hộ chiếu cần đính kèm một bản khai sinh, và theo luật Ấn, giấy khai sinh chỉ cấp khi ghi rõ tên họ của cả bố lẫn mẹ đứa bé. Như vừa phân tích ở trên, bé có đến 3 người mẹ, nhưng không bà nào được luật Ấn công nhận: chị Yuki Yamada, chị Pritiben Mehta đẻ mướn, hay bà mẹ vô danh đã cho trứng trước kia. Bó tay trước một quyết định chưa có tiền lệ, tòa án thành phố khước từ cấp giấy khai sinh cho Manji, và chuyển hồ sơ lên tòa án cấp quốc gia thụ lý. Cũng may, chính diễn biến phức tạp của số mệnh Manji, mà chính phủ Ấn phải ngồi xuống, để cùng nhau đưa ra Dự luật Đẻ mướn 2010.
Mặt trái của dịch đẻ mướn Ấn Độ
Ấn Độ ngày nay nghiễm nhiên trở thành trung tâm điểm của thị trường cho mướn tử cung và cấy phôi trong ống nghiệm, mặc dù một phần nào đó còn lén lút, và mặc dù một phần nào đó còn mang tính gian lận. Hiện trên toàn quốc, Ấn có khoảng 200.000 dưỡng đường cung cấp các dịch vụ cấy phôi, cấy trứng, đẻ mướn, mang thai thuê – ầm ỉ và ăn nên làm ra không kém nghề cho mướn xe du lịch ở Mỹ – dưới cái tên Kỹ thuật Hỗ trợ Việc Sinh sản (Assisted Reproductive Technology, hay ART), mặc dù đến giờ nầy toàn bộ diễn tiến kỹ thuật ấy cần phải được qui định chặt chẽ thông qua luật pháp chính thức trong nước. Trong khi các hoạt động thuê mướn tử cung đã và đang trở thành một ngành thương mãi được hiểu ngầm là hợp pháp, vẫn chưa có một điều luật hay bộ luật nào chỉ đạo cho việc làm ăn nầy trên các bộ phận sinh sản của đàn bà Ấn. Chính vì sự vắng mặt của một bộ luật chính thức nên từ dân đến cảnh sát chỉ tựa vào những chỉ dẫn do Hội đồng Nghiên cứu Y khoa công bố hồi 2005, để dìu nhau đi như đám người mù không có lấy một người chột làm lãnh tụ. Không dùng luật mà chỉ vận dụng thông lệ, việc vận dụng nầy không hiếm khi trở thành vi phạm, khai thác thân phận phụ nữ một cách tràn lan, thậm chí trong nhiều vụ các bà mang thai mướn và đẻ thuê nầy còn bị tống tiền nữa.
Vì thủ tục dễ dàng và giá cả nhẹ nhàng, việc đặt hợp đồng thuê mướn tử cung tại Ấn đã thu hút khách quốc tế tới, không thuần du lịch, nhưng để kiếm con, trong khi ngành surrogacy nầy còn bị phong tỏa hay cấm đoán bởi luật pháp nhiều địa phương trên thế giới. Rồi cũng chính thủ tục dễ dàng và giá cả nhẹ nhàng của Ấn đã nhiều lần làm phát sinh các vụ đáo tụng đình, thưa kiện nhau về quyền làm cha mẹ và quyền công dân của đứa bé hình thành tạm bợ trong cung lòng người khác. Điển hình nhất là trường hợp hai bé song sinh Nikolas và Leonard chào đời tháng 1/2008 do một bà mẹ Ấn sinh nhưng là con của một cặp vợ chồng Đức – công dân của một nước coi chuyện đẻ thuê là bất hợp pháp. Bố hai thằng bé, anh Jan Balaz đã kiên trì lên tòa xuống sở suốt hai mươi tám tháng để xác định quốc tịch của con mình, cho đến khi Tối cao Pháp viện Ấn phải ra tay, cấp giấy xuất cảnh cho chúng. Một trường hợp khác gần giống như vụ nầy, là vụ hai bé song sinh Itai và Liron, con của Dan Goldberg, nam công dân Do Thái và người phối ngẫu đồng phái tên Arnon Angel. Anh Dan Goldberg đã ăn chờ ở chực tại Mumbai hơn ba tháng trong thời gian chánh án Phillip Marcus của tòa án Jerusalem từ chối không cho xét nghiệm DNA để xác nhận anh là bố hai đứa bé – mãi đến khi nội vụ được chuyển lên Knesset (Quốc hội Do Thái) xét, và Thủ tướng Benjamin Netanyahu phải can thiệp, bằng quyết định rằng hai đứa bé phải được mang về Do Thái để cứu xét.
Còn các chủ nhân những tử cung cho mướn?
Ở khắp nước Ấn nói chung, và ở Anand nói riêng, bên sau những nụ cười mãn nguyện của những bà mẹ vô sinh tới đây nhận con, và những nụ cười mếu máo của những ông chồng vì hoàn cảnh túng thiếu để phải nhẫn nhục cho vợ mang bộ phận sinh sản đi cho mướn, còn là sự buồn tủi của chính những phụ nữ phải chấp nhận bi kịch đẻ mướn và cho thuê tử cung. Như thân phận của chị Rubina Mandal, biết về nghề lạ lùng nầy từ 10 năm trước, nay đang tìm về thị trấn Anand, không phải để mướn người khác đẻ con giúp mình, mà để trở thành một chuyên viên cho mướn tử cung. Ở nhà, hai đứa con ruột của chị đều mang chứng loạn nhịp tim (heart-murmur) cần giải phẫu. Mặc dù cả vợ chồng Rubina kiếm được mỗi tháng khoảng 15.000 đồng rupee, ngang với 375 đô, nhưng chi phí cho một ca mổ hẳn cao hơn nhiều lần, và vượt khỏi tầm tay.
Năm nay Rubina Mondal 30 tuổi. Trên chuyến xe từ Gujarat ngược lên Punjab kiếm việc làm năm xưa, chị tình cờ ngồi cạnh một phụ nữ lạ, và trong cuộc hành trình dài ấy, Rubina đã được chia sẻ câu chuyện buồn của bà kia, với cái gia đình trở thành ngục tối sau khi bà được bác sĩ khuyến cáo cắt bỏ tử cung vì bị ung thư. Mổ xong, bà phải sống trong sự ghẻ lạnh của chồng và gia đình chồng vì mất khả năng sinh sản. Để cứu vãn hôn nhân, bà nảy ra ý định kiếm cho chồng mình một đứa con, với bất cứ giá nào. Coi như duyên phận, hai người đàn bà tâm sự sâu hơn, và bà khách chộp lấy Rubina, để thuyết phục. Suy đi nghĩ lại về người cha tật nguyền, chị nhận lời đẻ mướn khi mới bước vào tuổi 20. Bấy giờ kỹ thuật cấy trứng và tinh trùng chưa phổ thông như ngày nay, nên chị đành chấp nhận cho người đàn ông giao hợp để mang thai. Để tiến hành hợp đồng cung cấp một đứa con, Rubina được dẫn đến một căn phòng lạ, nơi chị và người đàn ông đã làm công việc thụ tinh như mọi đôi nam nữ khác, trước sự theo dõi sít sao của người vợ. Theo đúng giao ước, Rubina chỉ giao hợp với chồng bà ta mà không được phép đối đáp, trò chuyện trong khi mặt chị bị trùm bằng một tấm khăn. Việc giao hợp tiến hành đều đặn cho đến khi Rubina thụ thai, người chồng từ đó không bao giờ gặp lại chị, chỉ có bà vợ tiếp tục giao dịch và theo dõi quá trình thai nghén. Đến ngày nở nhụy khai hoa, một bên nhận người, một bên mất con. Từ dịch vụ thực sự làm mẹ và bán con ấy, suốt 10 năm qua, Rubina sống bằng nghề chuyên đẻ mướn. Mỗi đứa con do chị thai nghén và sinh ra theo hợp đồng đều được người mẹ xóa nhòa khỏi ký ức. Nghề của chị được thực hành theo phương pháp tự nhiên, và Rubina đi xa hơn một ả điếm, không chỉ bán thân xác, mà còn tạo ra những đứa con, để bán lấy tiền. Ngày nay, nhờ Trung tâm Sinh sản Akanksha của bác sĩ Nayna Patel, chị không còn giao tiếp với thân xác đàn ông như trước, nhưng vẫn tiếp tục nghề đẻ mướn, thai thuê, để lo cho chồng con.
Nếu Rubina Mondal mang thai mướn để kiếm tiền và chỉ vì tiền, một phụ nữ đẻ mướn khác tên Sofia Malanja lại lâm vào một bi kịch. Cô nầy từ Kolkata đến Anand cũng với ý định ký một hợp đồng đẻ mướn, đã nhận mang thai cho một cặp vợ chồng người Anh, với thù lao 7.500 đô. Nhưng đến gần ngày sinh, đứa con trai 8 tuổi của Sofia đã chết do căn bệnh tim bẩm sinh hiếm gặp. Mất con ruột, Sofia dồn hết tình thương và niềm an ủi vào thai nhi trong bụng mình. Sau khi sinh, hợp đồng kết thúc, đứa bé về Anh, nhưng bố mẹ cháu vẫn thỉnh thoảng gửi ảnh bé sang cho Sofia, và mỗi lần xem ảnh là một lần người mẹ mướn như bị tra tấn, bị tùng xẻo tim gan – vì thương và nhớ.
Nếu bạn đọc là người phụ nữ vừa sinh cho đời một đứa con, mà phải lủi thủi cúi đầu bước ra khỏi phòng sinh, để lại sau lưng tiếng khóc thơ dại của đứa con đói sữa vùng vằng trên tay một người khác, bạn mới thấu hiểu được hết nỗi lòng của người mẹ đẻ mướn tên Najima Vohra. Cô nầy nhận lời mang thai mướn cho Jessica Ordenes sống ở New jersey bên Mỹ. Đích thân bác sĩ Patel đến nhà vợ chồng Vohna, những kẻ sống bằng nghề lượm phế liệu, chắt bòn đem về khoảng từ 1.2 tới 1.5 đô mỗi ngày, để thảo luận vấn đề bà muốn thuê Najima mang thai cho một cặp vợ chồng Mỹ, với giá 7 ngàn đô. Thấy Najima ngần ngại, bác sĩ Patel giải thích rằng sẽ không có vấn đề chăn gối, mà chính bà sẽ cấy tinh trùng và trứng của họ vào tử cung của Vohra. Nghe bùi tai, vợ chồng Vohna bằng lòng ký hợp đồng đẻ mướn. Jessica Ordenes lấy chồng sớm lúc mới 23 tuổi, và bị chồng ly dị năm 26, vì nàng không sinh cho chồng được một mụn con. Sang lần kết hôn thứ nhì, ông chồng sau cũng bứt rứt, khổ sở vì gia đình không con. Thế là Jessica tìm được tên thị trấn Anand của Ấn, và đi gặp Najima.
Chuyện của bà mẹ Najima Vohra chỉ là một trong những chuyện đau lòng khác của các phụ nữ phải mang tử cung cho thiên hạ thuê. Thượng đế không sinh đàn bà để làm gái bao, làm điếm, hay đẻ mướn: đấy là những hoàn cảnh mà người trong cuộc tự quyết định chọn lựa rồi gọi là… mệnh số. Trong bốn năm gần đây, chỉ riêng cái thị trấn trước kia chuyên về sữa của cộng đồng 150 ngàn dân nầy đã chế tạo thành công nhiều con trẻ từ ống nghiệm và qua việc thuê mướn tử cung nhiều hơn bất cứ địa phương nào trong nước. Mỗi năm, một mình bác sĩ Patel giúp cho hơn 100 đôi chồng vợ muốn có con được làm cha làm mẹ. Mặc dù không thiếu gì phụ nữ muốn lăn xả vào thị trấn Anand nầy để làm nghề không vốn, nhưng nơi xó xỉnh tĩnh lặng nầy của Ấn Độ vẫn còn quan niệm coi chuyện đẻ mướn là một điều ô nhục. Bà bảo, “Mỗi khi thiên hạ chỉ trích hay lên án những phụ nữ khốn khổ nầy, tôi vẫn an ủi họ: bộ các chị làm gì sai phạm luật pháp sao? Không! Bộ các chị giết hại kẻ nào chăng? Không! Bộ các chị đi ăn cướp? Không! Hay là các chị làm điều trái luân thường đạo lý? Cũng không! Vậy các chị làm gì, ngoài việc mang lại một đứa bé cho một ai đó đang mong mỏi, khao khát?”
Tiền bạc quả tình đang là động lực tiên quyết bên sau kỹ nghệ nầy, nhưng liệu ngành thai thuê đẻ mướn của Ấn Độ có vuột khỏi tầm kiểm soát không, khi mà mức tử suất của sản phụ ở quốc gia nầy đang dẫn đầu thế giới với con số thống kê đáng báo động?
NgyThanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét