Chuyện “người rừng”, còn một bí mật man rợ khác…?
Trong câu cha con người rừng Hồ Văn Thanh (82 tuổi) và
Hồ Văn Lang (41 tuổi) ở Quảng Ngãi đang gây sốt cho báo giới trong mấy ngày gần
đây. Cũng là người cầm bút, cũng vừa tò mò, vừa muốn khám phá thêm một thứ gì
đó ở những người đang “hot” này.
Chúng tôi tìm đến bệnh viện huyện Tây Trà,
Quảng Ngãi, tiếp xúc hai cha con “người rừng”. Cảm giác chúng tôi nhận được là
quá buồn, họ trông sợ hãi, buồn bã và lạc loài. Họ chỉ nói đúng hai tiếng
“người rừng” khi chỉ về những người chung quanh. Không biết trong trí não họ có
khái niệm người rừng hay người thành phố, người đồng bằng gì đó không?
Nhưng có lẽ, do nghe hai chữ “người rừng”
nhiều quá, có thể họ đã nhập tâm. Và cũng có thể, trong mắt họ, đám người đã
phá tan căn nhà của cha con họ, nắm ngược khuỷu tay lôi cha con họ ra khỏi nhà
và mang họ về một nơi quá lạ lẫm như vậy, đám này hoàn toàn không tốt. Đương
nhiên, những người đã dắt họ về đồng bằng sẽ tự cho mình là những cứu tinh,
đang cứu hai cha con “người rừng” thoát khỏi cảnh khốn khó, sống rừng rú và dã
man. Nhưng cũng đương nhiên, cha con “người rừng” sẽ nghĩ rằng cuộc sống tự do,
tự tại của mình đã bị chấm dứt bởi đám người này. Vậy ai đúng, ai sai trong câu
chuyện này?
Xét về những người gọi là “giải cứu” cha con
người rừng trở về, đương nhiên nhóm người này thấy họ có lý, vì nếu không có
lý, họ đã không làm, hơn nữa, câu chuyện mang người rừng trở về hòa nhập với
đời sống cộng đồng, nghe ra có vẻ nhân đạo và có lợi cho nhà nước xã hội chủ
nghĩa.
Trong một chừng mực nào đó, nó có thể giúp
cho nhà nước lấy được điểm từ thế giới văn minh vì hành động này, hơn nữa, chí
ít, mấy ngày nay, vấn đề người rừng và câu chuyện của họ đã tập trung hướng dư
luận một cách hiệu quả, báo chí khắp nơi đều đăng tin, săn tin và chạy tít ở
trang đầu. Một quả bom thông tin vào “hàng tấn” ở Việt Nam.
Nhưng khi nhìn lại hình ảnh các dân quân tự
vệ và đoàn viên đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã trói hai tay của người
con, dắt đi trong tình trạng có đúng một mảnh khố bằng vỏ cây che hạ bộ, vô tư
để báo chí chụp hình bộ dạng người rừng như thế để tạo hiệu ứng thông tin… Có
lẽ, khó có thể tin được đây là một hành vi nhân đạo! Và khi đặt ngược vấn đề,
tại sao chỉ cách quê nhà chưa đầy 70 kilomet, vốn là người hoạt động trong quân
đội, đương nhiên là phải rành về đường rừng vì ông Thanh là bộ độ du kích, mà
đã nói đến bộ đội du kích, hơn nữa là du kích dân tộc Cor thì một trăm người
trên một trăm rành đường rừng (trừ những biệt động thành) nhưng ông Thanh quyết
định ở lại trên rừng, không quay về quê cũ nữa.
Chắc chắn phải có trắc ẩn gì đó chứ không
phải vì người nhà chết, bởi người nhà chết thì họ càng cần ở lại quê nhà để
hương khói người đã khuất, đây là nếp chung của người Việt.
Câu chuyện trốn biệt tích vào rừng của ông
Thanh làm tôi nhớ đến câu chuyện cái chết của cha một người bạn văn nghệ tên
K., một cái chết man rợ khó tin. Ông H. là bộ đội, ông hoạt động biệt động
thành ở Đà Nẵng, khu vực hoạt động của ông có khi lan sang vùng Điện Nam, Điện
Ngọc thuộc Điện Bàn, Quảng Nam. Sau quá trình “ăn cơm nắm nằm đất đi đánh thù”,
ông nhận ra mình đã chọn không đúng đường, ông xin được ra khỏi tổ chức.
Kết quả, tổ chức (nấp sau bụi chuối, được
ngăn cách bằng cái nong, chỉ nghe giọng nhưng không thấy mặt) chấp nhận cho ông
nghỉ hoạt động và sau khi ông nhận quyết định, họ tiễn ông ra khỏi cứ một đoạn
đường và đến một bờ ruộng, một người của tổ chức chỉ định đã dùng đai cuốc đập
từ phía sau khiến ông vỡ sọ, chết ngay tại chỗ. Tổ chức đào đất và chôn ông
ngay vị trí đã đập. Sau đó, tổ chức cho người về nhà, bắt cha của ông H. ra chôn
sống, chôn đến cổ, rồi bắn cho một phát đạn gọi là ân huệ vào đầu.
Câu chuyện tưởng như chấm dứt, chìm vào quên
lãng… Nhưng, ba chục năm sau, trong một lần báo mộng, người bộ đội bị chết vì
đai cuốc của đồng đội đã chỉ con mình tìm đến ông A., ông này đang sống cách
nhà người con trai (là anh bạn văn nghệ tên K. của tôi) không xa. Lúc anh này
tìm đến nhà ông A., ông đang chống gậy đứng chờ ngoài ngõ, vội vàng dắt anh vào
nhà, trao anh một số giấy tờ và nói rằng tối qua ông cũng được ông H. về báo
mộng, nói là sáng nay anh sẽ đến tìm ông.
Ông A. bắt đầu kể lại câu chuyện về cái chết
của cha và ông nội anh, sau đó dắt anh ra chỗ đám ruộng ngày xưa đã chôn ông
H., bây giờ nó đã là khoản sân của một khách sạn. Sau khi thương lượng với chủ
khách sạn, gia đình đã đào một hố rộng 3m, sâu gần 5 mét, tìm được hài cốt. Và,
phần sau của hộp sọ đã bị vỡ toang thành nhiều mảnh. Tiếp tục, anh K. đi tìm mộ
ông nội, cũng đúng với vị trí báo mộng. Lần này, ông H. còn báo mộng cho anh K
.biết kẻ đã giết cha và ông nội anh chính là lão N., từng nắm chức chủ tịch
quận. Anh quyết định tìm đến hỏi tội lão N. để báo thù cho cha và ông nội,
nhưng khi anh đến nơi thì... Lão N,. bây giờ bị cả trăm thứ bệnh và suốt ngày
la hét, ỉa đái trây trét khắp nhà, con cái bỏ bê, không đứa nào dám tới gần.
Thấy anh K. tới, lão N. tự dưng tái mét mặt
mày, run lẩy bẩy, quì thụp xuống lạy lấy lạy để anh K., miệng lẩm bẩm: “Anh H.
ơi! Lúc đó tổ chức sai tui, tui lạy anh tha cho tui! Dù sao tui cũng chôn anh
tử tế mà, anh tha cho tui!”. Anh K. bỏ về, lúc này, đồng đội cũ (có lẽ là tổ
chức!) của ông H. lại đến làm lễ truy điệu, đưa hài cốt ông H. và cha ông H.
vào nghĩa trang. Buổi lễ rất long trọng… Trở lại câu chuyện của cha con người
rừng, theo hướng này, có thể đặt ra các giả thiết khác.
Vì tôi vốn là người nghe và xúc động về
chuyện của cha anh K. nên tôi luôn hoài nghi, đặc biệt là hoài nghi về khả năng
ngôn ngữ gọi là không rành tiếng Kinh của cha con ông Thanh. Vì khi bỏ lên
rừng, ông đã qua khỏi tuổi đôi mươi, lẽ nào ông lại quên tiếng Kinh (ông đã
từng sống và có nhà ở đồng bằng, tiếp xúc với người Kinh một thời gian không
ngắn) một cách dễ dàng như thế sao?
Nói thầm vào tai, tôi đặt thẳng câu hỏi với
hai người rừng này: “Có phải ông đang cố tình giấu tiếng Kinh vì có một bí mật
nào đó trong cái chết của người thân và chuyện tổ chức?”. Cả hai người đều
không trả lời tôi, họ lầm bầm thứ tiếng gì đó (có lẽ là tiếng Cor) sắc mặt họ
thay đổi, họ lắc đầu, ra hiệu là không hiểu ý tôi nói gì. Nhưng tại sao họ tái
mặt khi nghe tôi hỏi? Có vẻ như câu hỏi này tự nó đã có câu trả lời.
Trở lại chuyện họ được cứu hay là bị hại. Có
lẽ trong hai cha con người rừng đã có câu trả lời rồi, vì nhìn vào vẻ mặt buồn
bã khi phải lìa bỏ khu rừng, nhìn vào cách tránh né con người và quyết định lựa
chọn sống biệt trong rừng suốt mấy chục năm mặc dù nếu trở về đồng bằng, họ chỉ
tốn chưa tới ba ngày đường cũng đủ biết khi trở lại đồng bằng họ thấy vui hay
buồn.
Và, không chừng, trong tâm khảm của hai
người đàn ông vừa bị/được đưa về đồng bằng này, họ đã sống quá lâu trong chốn
núi rừng, nơi họ được sống đích thực một con người, bây giờ, họ bị lôi về đồng
bằng, họ lại phải sống với một đám “người rừng”, những con người gợi cho họ ký
ức về cái chết của người thân, khiến họ đi biệt xứ và cố tình quên đi giọng
nói, ngôn ngữ của mình. Nên vui hay nên buồn cho họ đây và còn một bí mật nào
nữa?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét