Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Giặc đã vào nhà, đảng ở đâu?

Giặc đã vào nhà, đảng ở đâu?


Phạm Trần (Danlambao) - Đặt tên bài như trên có “bóp méo sự thật” hay “xuyên tạc” không? Hiểu sao thì tùy mỗi người ở vị trí biết hay không biết, hoặc là “người của đảng” hay “người ngoài đảng”. Nhưng căn cứ vào lời nói và hành động của Lãnh đạo Trung Cộng và Lãnh đạo Việt Nam thì chuyện “giặc đã vào nhà” đã xảy ra từ lâu rồi còn ta có tìm thấy đảng ở đâu khi nhìn thấy giặc thì cũng tùy người ở trong nước có được đảng và nhà nước cho “sáng mắt sáng lòng” hay không?

Trước nhất, hãy nói về những việc đã xảy ra từ sau 2 cuộc viếng thăm Trung Cộng (19-21/06/2013) và Mỹ (24-26/07/2013) của Chủ tịch nhà nước Trương Tấn Sang:

Tập Cận Bình
- Ngày 31/07/2013 tại Bắc Kinh, Tổng bí thư đảng, Chủ tịch nhà nước Trung Cộng Tập Cận Bình đã lập lại chủ trương bất đi bất dịch của Lãnh tụ Đặng Tiểu Bình để lại cho thế hệ sau cách nay 34 năm đối với vùng biển Trung Cộng tranh chấp với nước khác. Ông Tập nói: 

“Nước ta sẽ chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương “gác lại tranh chấp và cùng khai thác” trên khu vực thuộc chủ quyền của ta để cùng có lợi hầu tạo sự hợp tác thân thiện, mưu tìm và mở rộng lợi ích chung với các nước khác.” (“The country will adhere to the policy of “shelving disputes and carrying out joint development" for areas over which China owns sovereign rights, while also promoting mutually beneficial and friendly cooperation and seeking and expanding common converging interests with other countries.” - Xinhua - Tân Hoa Xã, 31/07/2013).

(Đài truyền hình trung ương của Trung Cộng cũng trích lời ông Tập nói rằng: “Chúng ta cần nhắc lại rằng chủ quyền thuộc về chúng ta, nhưng chúng ta có thể gác tranh chấp, cùng khai thác, thúc đẩy hợp tác hữu nghị và cùng có lợi, tìm kiếm và mở rộng các lợi ích chung”.)

Đây là lần đầu tiên trong tư cách lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Cộng, kể từ khi thay ông Hồ Cẩm Đào tháng 11 năm 2012, ông Tập Cận Bình đã nói trắng ra “chủ quyền” của Bắc Kinh trên hai vùng Biền Đông, có tranh chấp với Việt Nam, Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai Á và Brunei là chính và vùng biển Hoa Đông có tranh chấp với Nhật Bản.

Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc) đã chiếm đảo Ba Bình (Itu Aba Island, hay còn được gọi là Thái Bình), đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa từ sau Thế chiến II, sau đó đã bỏ ngỏ một thời gian dài khi quân Tưởng Giới Thạch rút khỏi Hoa Lục ra Đài Loan, nhưng rồi tái chiếm vào khoảng giữa thập niên 50 và thập niên 70. Nhưng khi nói đến tranh chấp thì Bắc Kinh không bao giờ đề cập đến Ba Bình vì Trung Cộng coi Đài Loan là phần lãnh thổ của họ. 

Đảo Ba Bình, theo Đài Loan, dài 1360 mét, rộng 350 mét, cao 3,8 mét và có diện tích là 0,4896 cây số vuông đã được xây đồn lũy phòng thủ kiên cố và có cả một đường bay dành cho máy bay vận tải quân sự lên xuống dễ dàng.

Theo Tân Hoa Xã, họ Tập đã đưa ra quan điểm “hợp tác cùng khai thác” tại buổi học tập với Bộ Chính trị đảng về điều được gọi là “quyền lợi biển” của Trung Cộng.

Ông Tập Cận Bình nói với các Ủy viên: “Trung Hoa sẽ bảo vệ quyền lợi biển và sẽ điều nghiên mọi dữ kiện cho kế họach toàn bộ này.” (China will safeguard its maritime rights and interests, and make overall plans and take all factors into consideration)

Họ Tập cũng cảnh giác rằng: “Trung Hoa sẽ phát triển theo đường hướng hòa bình, nhưng nhất quyết không bào giờ từ bỏ quyền lợi của mình hay hy sinh quyền lợi cốt lõi của quốc gia.” (China will adhere to the path of peaceful development, but "in no way will the country abandon its legitimate rights and interests, nor will it give up its core national interests.")

Ông Tập còn lưu ý rằng: “Trung Hoa sẽ dùng các biện phác hòa bình để thương thuyết giải quyết mối xung đột cho mục tiêu hòa bình và sự ổn định, nhưng cũng chuẩn bị đối phó với mọi tình huống và tăng cường khả năng của mình cho quyền lợi biển, và kiên quyết bảo vệ quyền này bằng mọi giá.” (China will "use peaceful means and negotiations to settle disputes and strive to safeguard peace and stability. China will prepare to cope with complexities, enhance its capacity in safeguarding maritime rights and interests, and resolutely safeguard its maritime rights and interests.)

Ai can đảm hơn ai?

Albert del Rosario
- Thứ nhì, Đáng chú ý là sau đó chỉ một ngày (01/08/2013), theo hãng AP (Associated Press), Ngoại trưởng Phi Albert del Rosario tuyên bố tại Manila: “The Philippines and Vietnanm have a similar position of not accepting any joint venture such as oil and gas exploration with China if Beijing insists that it has sovereignty over the areas to be jointly developed.” (“Philippines và Việt Nam có chung quan điểm không chấp thuận bất cứ dự án chung nào với Trung Hoa như khai thác dầu khí nếu như Bắc Kinh nằng nặc cho rằng họ có chủ quyền trên các vùng biển này.”)

Các báo của Phi Luật Tân đều đăng lời tuyên bố thẳng thắn của Ngoại trưởng Phi, nhưng chỉ thấy Bộ Ngoại giao Việt Nam phổ biến bản tin (ngày 01/08) cho các báo Việt Nam nói những chuyện rất cũ như thế này: “Trao đổi về Biển Đông, hai bên nhấn mạnh các nguyên tắc về duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và an ninh hàng hải; tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); hoan nghênh Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông; và khẳng định phối hợp thúc đẩy việc sớm hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).”

Báo chí Phi cũng đưa tin Ngoại trưởng Rosario còn bàn cả lời yêu cầu Bộ trường Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh ủng hộ Phi trong vụ kiện Trung Cộng ra trước Ủy ban Hòa giải Liên Hiệp Quốc về vụ tranh chấp biển đảo, nhưng báo chí Việt Nam và Bộ Ngoại giao Việt Nam không nói gì đến chuyện này.

Trương Tấn Sang
Tại buổi nói chuyện trước cử tọa của CSIS (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Center for Strategic and International Studies) chiều ngày 25/7 (2013) ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn trong chuyến thăm Mỹ, Chủ tịch nhà nước Trương Tấn Sang cũng đã tránh không cho biết lập trường của Việt Nam trong vụ kiện Phi-Trung.

Bản tin của Thông tấn xã Việt Nam chỉ viết rằng: “Về việc Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về đường lưỡi bò, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng đây là thẩm quyền của Philippines và Việt Nam hoàn toàn tôn trọng Philippines với tư cách là thành viên ASEAN và với tư cách là một thành viên đầy đủ của Liên Hợp Quốc.”

Lập trường rụt rè của các viên chức lãnh đạo CSVN với Trung Cộng trong tranh chấp chủ quyền biển đảo không thay đổi, đôi khi còn có hành động không phù hợp “đến hổ thẹn” với truyền thống quật cường của dân tộc đã chứng minh trong lịch sử chống ngoại xâm phương Bắc. 

Bằng chứng rõ nhất là nhà nước đã đàn áp nhân dân biểu tình chống Trung Cộng xâm lược biển đảo và đàn áp ngư dân Việt Nam ở Biển Đông. Nhiều người từng có bài viết chống nhà cầm quyền Trung Cộng cũng bị nhà nước bắt vào tù khiến nhân dân bất bình và mất tin tưởng vào lãnh đạo ngày một lên cao.

Gáo nước lạnh của Vương Nghị

Vương Nghị
- Thứ ba, vào ngày 2/8 (2013) tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan, Ngoại trưởng Trung Cộng Vương Nghị (Wang Yi), trong cuộc họp với Chủ tịch Hội đồng Hòa bình và Hòa giải châu Á, nguyên Phó Thủ tướng Surukiat Sathirathai, đã đưa ra giải pháp được gọi là "ba song song" để giải quyết xung đột ở Biển Đông.

Theo Tân Hoa Xã (Xinhua), được dịch lại tiếng Việt bởi Ban Việt ngữ Đài Phát thanh Quốc tế Trung Hoa (China Radio International, CRI), các bước này gồm có:

Một là, kiên trì phương án giải quyết thông qua đàm phán và thương lượng trực tiếp giữa các bên đương sự. 

Hai là, tiếp tục thực hiện "Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Nam Hải" (The Declaration of the Conduct of the South China Sea, DOC) trong quá trình này từng bước thúc đẩy thương lượng về "Bộ Quy tắc ứng xử" (The Code of Conduct, COC), dốc sức cùng nhau giữ gìn hòa bình và ổn định trên Nam Hải.

Ba là, tích cực tìm tòi "cùng nhau khai thác".

Điểm một không mới. Chỉ thương thuyết “trực tiếp với từng nước có tranh chấp với Trung Cộng”, thay vì thương thuyết giữa Trung Cộng với “cả khối” 10 nước trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN, The Association of Southeast Asian Nations) là chủ trương cố hửu của Bắc Kinh nhằm kéo dài thời gian, bẻ gãy từng chiếc đũa thay vì cả bó thì khó. Bắc Kinh cho rằng các nước còn lại gồm Cao Miên, Lào, Thái Lan, Tân Gia Ba và Miến Điện (Burma) không có tranh chấp biển với Trung Cộng nên không có lý do tham gia.

Điểm hai đã hoàn toàn thất bại sau hơn 10 năm ký kết DOC tại Nam Vang giữa Trung Cộng và ASEAN năm 2002 vì văn kiện này không có tính cách “pháp lý” ràng buộc mà hoàn toàn tùy vào “thiện chí” thi hành hay không của mỗi bên.

Thời gian cũng đã cho thấy Trung Cộng là nước vị phạm nghiêm trọng DOC, quan trọng nhất là 2, trong 10 Điều sau đây:

4. Các bên liên quan cam kết giải quyết những tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực, thông qua tham khảo ý kiến và thương lượng hữu nghị giữa các quốc gia có chủ quyền trực tiếp liên quan, phù hợp với các nguyên tắc phổ cập của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

5. Các bên liên quan cam kết tự kiềm chế không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc gia tăng các tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định, kể cả không tiến hành các hoạt động đưa người đến sinh sống trên các đảo, bãi đá ngầm, bãi cát ngầm, dãi đá ngầm và những cấu trúc khác hiện chưa có người sinh sống và xử lý các bất đồng một cách xây dựng.

(Trích Bản tiếng Việt của Bộ Ngoại giao Việt Nam)

Điểm ba bất khả dụng vì chỉ có lợi cho Trung Cộng, như tuyên bố ngày 31/7 (2013) của Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình đã một mình dành quyền làm chủ cả vùng biển bao la nằm trong hình “Lưỡi Bò”, hay còn được gọi là “Đường 9 Đoạn” do Bắc Kinh tự vẽ rồi nạp cho Liên Hiệp Quốc tháng 5/2009, chiếm 85% diện tích của khoảng 3.5 triệu cây số vuông Biên Đông.

Cả thế giới biết đây là đòi hỏi vô lý, không có bằng chứng lịch sử hay văn kiện Quốc tế xác nhận quyền làm chủ của Trung Cộng. Nhưng các “học giả” của Bắc Kinh cứ khăng khăng nói là biển của Trung Hoa với lập luận “tự chế” như đó là “vùng nước lịch sử” hay còn “bịa ra” là “các quyền lịch sử” nên mới có chuyện xung đột như đang xảy ra.

Vương Nghị tại Hà Nội

Thứ bốn, trong khi các nước có tranh chấp biển đảo với Trung Cộng, quan trọng nhất là Việt Nam và Phi Luật Tân, chưa “nuốt trôi” những thách thức mới từ phía Tập Cận Bình và Vương Nghị thì ông Vương Nghị đến Hà Nội họp với Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến được mang danh nghĩa “thăm Việt Nam theo lời mời của ông Phạm Bình Minh” từ ngày 03 đến 06/8 (2013).

Ông Vương Nghị không gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người mới thăm Hoa Kỳ họp và thảo luận rất lầu với Tổng thống Obama về tình hình Biển Đông hôm 25/7 (2013). Sau đó tại CSIS, ông Sang đã đưa ra lời tuyên bố không chấp nhận Đường Lưỡi Bò của Trung Cộng.

Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tường thuật khi ông trả lời một câu hỏi về hình Lưỡi Bò:“Trong vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Trương Tấn Sang khẳng định lập trường của Việt Nam trước sau như một là phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc, vì đường lưỡi bò được xác lập mà không căn cứ vào bất kỳ điều khoản nào của bất kỳ luật pháp quốc tế nào.”

Vấn đề Biển Đông đã được ông Vương Nghị thảo luận trong tất cuộc họp với ba ông Phạm Bình Minh, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng.

Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố 2 điểm then chốt trong cuộc họp giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao: “Về vấn đề biên giới lãnh thổ, hai bên đánh giá cao kết quả hợp tác giữa hai nước trong việc thực hiện nghiêm túc 3 văn kiện liên quan biên giới trên bộ; nhấn mạnh trong thời gian tới hai Bộ Ngoại giao sẽ tích cực thúc đẩy các cơ quan hữu quan trao đổi để sớm ký kết Hiệp định về hợp tác khai thác tiềm năng du lịch khu vực thác Bản Giốc và Hiệp định về quy chế tàu thuyền qua lại tự do ở cửa sông Bắc Luân.

Trao đổi ý kiến về vấn đề Biển Đông, hai bên khẳng định giải quyết mọi bất đồng thông qua đàm phán hòa bình, hữu nghị, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để các vấn đề này ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Trung cũng như hòa bình, ổn định tại Biển Đông. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, hai bên cần kiên trì giải quyết tranh chấp trên biển trên cơ sở Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).”

Tại cuộc họp với ông Dũng, phía Việt Nam loan tin: “Đề cập về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên giải quyết mọi bất đồng thông qua đàm phán hòa bình, hữu nghị, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để các vấn đề này ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Trung cũng như hòa bình, ổn định tại Biển Đông. 

Thủ tướng cũng cho rằng, hai bên cần kiên trì giải quyết tranh chấp trên biển trên cơ sở Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).”

Và trong cuộc họp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Vương Nghị, theo bản tin chính thức của Đảng CSVN đã: “Khẳng định lãnh đạo Đảng và Chính phủ Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam, mong muốn cùng với Việt Nam tăng cường mở rộng, đi sâu hợp tác trên mọi lĩnh vực theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt” nhằm không ngừng làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp.” 

Điệp khúc “16 chữ” và “4 tốt” là “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, nhưng trong thực tế Lãnh đạo Trung Cộng đã làm ngược lại với nhiều hành động “rất xấu” đối với Việt Nam ở Biển Đông như coi vùng biển của Việt Nam như “ao nhà” của mình. Trên đất liền thì không trả lại diện tích khoảng 5,000 cây số vuông đất dọc biện giới Trung Cộng đã chiếm của Việt Nam từ trước và sau hai cuộc chiến tranh biên giới 1979 và 1984-1989. 

Về phần mình, bản tin của đảng viết: “Tổng Bí thư mong muốn hai bên nỗ lực cụ thể hóa và thực hiện đầy đủ các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, tăng cường hợp tác hiệu quả, thiết thực trên mọi lĩnh vực, giải quyết thỏa đáng các vấn đề còn tồn tại thông qua đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và các văn kiện liên quan đã ký giữa hai nước, nhằm đưa quan hệ hữu nghị Việt-Trung phát triển theo quỹ đạo ổn định, lành mạnh, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.”

4 đoạn đường chiến binh?

Thông điệp từ phía Việt Nam đã không lọt vào tai Vương Nghị nên ngay ngày hôm sau (5/8), Đài Phát thanh Quốc tế Trung Hoa (CRI) loan báo: “Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 5/8 cho báo giới biết, Trung Quốc và các nước ASEAN đã đồng ý tiến hành thảo luận thúc đẩy tiến trình xây dựng "Bộ Quy tắc ứng xử trên Nam Hải" (Code of Conduct, COC) để cùng nhau giữ gìn hòa bình và ổn định trên Nam Hải trong khuôn khổ thực hiện "Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Nam Hải" (DOC).”

Theo dự trù, cuộc họp giữa ASEAN và Trung Cộng để bàn về COC, theo đề nghị của chính Vượng Nghị sẽ diễn ra ở Bắc Kinh vào tháng 9/2013.

Nếu được hai bên chấp thuận, COC sẽ có yếu tố ràng buộc Pháp lý đối với các bên hiệu lực hơn DOC, nhưng ông Vương Nghị đã bất ngờ đưa ra nhiều “chướng ngại vật” ngay tại Hà Nội để cản đường đi đến kết quả này.

Hành động của ông Vương Nghị có phải để trả đũa các thỏa hiệp giữa Việt Nam và Phi Luật Tân, sau chuyến đi Manila của ông Phạm Bình Minh từ 31/7 đến 1/8 và giữa Việt Nam và Mỹ, sau chuyến đi của ông Trương Tấn Sang từ 24 đến 26/7 hay không?

Thật khó ai biết được hậu ý của Ngoại trưởng Trung Cộng nhưng qua lời nói, ông Vương Nghị đã báo trước Trung Hoa chưa sẵn sàng ký COC với ASEAN và có thể chẳng bao giờ chuyện này sẽ xảy ra.

CRI nói tiếp lời của ông Vương Nghị: “Trung Quốc luôn giữ thái độ tích cực và cởi mở trong việc xây dựng "Bộ Quy tắc", cũng chú ý đến các bàn luận về thúc đẩy tiến trình xây dựng "Bộ Quy tắc" của các bên, quan điểm của Trung Quốc là:

Một là phải có dự báo hợp lý. Một số nước đề xuất "thuyết chớp nhoáng", mong hoàn thành "Bộ Quy tắc" chỉ trong một ngày đàm phán, đây là điều không phù hợp thực tế, cũng không phải là thái độ nghiêm túc. "Bộ Quy tắc" liên quan tới lợi ích nhiều mặt, việc xây dựng đòi hỏi một quá trình điều phối tường tận và phức tạp.

Hai là, phải hiệp thương nhất trí. Thúc đẩy việc xây dựng "Bộ Quy tắc" cần phải tham khảo kinh nghiệm trong xây dựng "Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Nam Hải", tìm kiếm nhận thức chung rộng rãi nhất, chiếu cố tới độ thoải mái của các bên. Không áp đặt ý chí của cá biệt nước hoặc vài nước cho các nước khác, dưa ép chín sẽ không ngọt.

Ba là, cần phải gạt bỏ các quấy nhiễu. Trung Quốc và các nước ASEAN trước đây từng nhiều lần thảo luận "Bộ Quy tắc" nhưng đều chấm dứt vì bị quấy nhiễu. Các bên cần làm nhiều việc có lợi cho thúc đẩy tiến trình xây dựng "Bộ Quy tắc", tạo ra điều kiện và môi trường cần thiết cho việc này, chứ không phải ngược lại.

Bốn là, cần phải tuần tự tiệm tiến. Xây dựng "Bộ Quy tắc" là các quy định trong "Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Nam Hải", "Bộ Quy tắc" không thể thay thế cho "Tuyên bố", càng không thể gạt bỏ "Tuyên bố" để làm mới. Điều bức xúc hiện nay là tiếp tục thực hiện tốt "Tuyên bố", nhất là tích cực thúc đẩy hợp tác trên biển. Trong quá trình này, hiệp thương xác định lộ trình xây dựng "Bộ Quy tắc", từng bức thúc đẩy lên phía trước.”

Với 4 bước đi “đủng đỉnh” mà rất “phức tạp” lại “quanh co, gập ghềnh” có nhiều “mìn bẫy” phía trước của phía Trung Cộng với câu nói méo “dưa ép chín sẽ không ngọt”, hay đòi phải “gạt bỏ các quấy nhiễu”, nhưng không nói ai đã quấy nhiễu, hoặc lại bảo “"Bộ Quy tắc" không thể thay thế cho "Tuyên bố", nghĩa là COC không thể thay thế DOC thì có họp ở Bắc Kinh vào tháng 9 cũng như không!

Đấy là mánh khóe và yêu sách mới của Trung Cộng để giải quyết xung đột ở Biển Đông, trong khi không biết đã có bao nhiêu Quân lính của Bắc Kinh đã đồn trú ở nhiều “tiền đồn” được xây dựng rất kiên cố từ hai năm qua ở vùng Trường Sa, trên 8 đảo đá ngầm Trung Cộng chiếm của Việt Nam trong trận chiến năm 1988.

Dàn khoan dầu của Trung cộng ở Biển Đông.

Tàu đánh cá Trung cộng có hộ tống quân sự tiến về khai thác Biển Đông

Ngoài ra Trung Cộng cũng đã xây xong một tiền đồn lớn có trang bị vũ khí phòng không tối tân, dựng dàn Radar để theo dõi hoạt động tầu bè và máy bay thám thính ở Đá Vành Khăn mới chiếm từ năm 1995. Đá Vành Khăn cũng là vùng tranh chấp với Phi Luật Tân. 

Căn cứ quân sự của Trung cộng ở Đá Vành Khăn

Lính Trung cộng ở Đá Vành Khăn

Đài radar Trung cộng ở Đá Vành Khăn (Trường Sa)

Đối với quần đảo Hoàng Sa mà Trung Cộng đã chiếm của Việt Nam Cộng Hòa năm 1974 thì Bắc Kinh nhất mực không muốn nhắc đến mỗi khi có cuộc thảo luận với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam.

Với sơ đồ quân sự mới này, Hạm đội Nam Hải của Trung Cộng đã mở rộng vòng đai kiểm soát an ninh từ đảo Nam Hải qua Hoàng Sa đến bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham) tranh chấp với Phi Luật Tân xuống phía nam của Trường Sa đến tận vùng biển Mã Lai.

Nhà nổi của Trung cộng trên Đá Châu Viên.

Lính Trung cộng ở Đảo Chữ Thập

Đồn binh của Trung cộng trên đảo Đá Gaven

Lính Trung cộng trên đảo Gạc Ma
Đồn quân Trung cộng tại Đá Tư Nghĩa (Trường Sa)

Đồn quân Trung cộng tại Đá Xu Bi (Trường Sa)

Vậy đảng và nhà nước CSVN có biết không, hay đã biết mà vẫn cứ nhắm mắt niệm thần chú “16 chữ” và “4 tốt” để cầu may mà không biết giặc đã ở trong nhà mình?

(08/013)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét