Liên
kết quân sự Việt
- Nga có ngăn được Trung cộng?
Khi thấy Trung Cộng đã “giở chứng” nói một đường làm một nẻo thì Việt Nam quay ra “hợp tác sâu rộng” quân sự với Nga, nhưng ai sẽ cứu Việt Nam khi bị Bắc Kinh “dạy cho một bài học nữa”? Đó là câu hỏi đang lảng vảng trong đầu nhiều tầng lớp người dân ở Việt Nam, sau chuyến đi Nga thành công nhiều mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, từ ngày 07 đến 10/08 (2013).
Trong thời gian làm việc vời người đồng nhiệm, Đại tướng Sergei Shoigu, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Liên bang Nga, ông Thanh xác nhận:
“Những nhu cầu phía Việt Nam đề xuất cơ bản phía Bạn đều đáp ứng, trong đó Bạn đồng ý đào tạo cán bộ cho Việt Nam ở tất cả các cấp, các lĩnh vực, các quân binh chủng và một số lĩnh vực khác.
Tiếp theo là hợp tác về lĩnh vực kỹ thuật quân sự, hai bên đã bàn các biện pháp tiếp tục triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã đạt được. Phía Bạn thống nhất một số điểm: trước hết là những hợp đồng mua vũ khí, trang bị kỹ thuật, phía Bạn bảo đảm chất lượng tốt, giá cả hợp lí và có ưu đãi đối với Việt Nam.
Thứ ba là vấn đề hậu mãi như sửa chữa, bảo dưỡng, cung cấp vật tư, phụ tùng, đảm bảo tuổi thọ của trang bị...
Thứ tư, là Bạn thống nhất với phía ta là có thể bàn hướng hai bên có thể liên doanh thiết lập các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng.” - (Phỏng vấn của VOV, Voice of Vietnam --Đài Phát thanh Quốc gia Việt Nam, 10-08-2013)
Đây là thỏa hiệp hợp tác Quốc phòng được coi là hoàn thiện nhất giữa hai nước Việt-Nga kể từ khi Liên bang Sô Viết tan rã năm 1991. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải chi trả cho Nga bao nhiêu tỷ dollars để canh tân hóa quân đội và mua vũ khí là điều bí mật giữa hai bên.
Điều chắc chắn là một phần phí tổn này sẽ được tính vào số lượng dầu khí của liên doanh Vietsopetro và các dự án mới ở Việt Nam của tập đoàn dầu khí Gazprom, theo thỏa hiệp đã đạt được trong chuyến thăm Hà Nội tháng 11/2012 của Thủ tướng Nga, Dmitri Medvedev.
Hợp đồng tìm kiếm dầu ở Biển Đông của các Công ty Nga đã bị Trung Cộng lên án xâm phạm chủ quyền biển của họ vì Bắc Kinh tự cho mình quyền làm chủ 85% diện tích, hay khoảng 2.6 triệu trong tổng số 3.5 triệu cây số vuông, trong hình Lưỡi Bò (hay còn gọi là Đường 9 Đoạn) mà họ đã tự vẽ rồi nạp cho Liên Hiệp Quốc tháng 5/2009.
Tuy nhiên phía Việt Nam cho rằng, khu vực tìm kiếm dầu chung Nga-Việt hoàn toàn nằm trong “vùng đặc quyền kinh tế” 200 hải lý (mỗi hải lý dài 1,852 mét) của Việt Nam
Việt Nam cũng đã đồng ý để Nga xây dựng nhà máy diện hạt nhân Ninh Thuận 1, mặc dù có lo ngại từ phía nhiều chuyên gia địa chất Việt Nam về những chỉ dấu động đất do cấu tạo của địa cầu ở vùng này.
Nhưng theo báo chí Việt Nam thì ông Dmitri Medvedev đã trấn an Nga “chủ trương dựa vào những tiêu chuẩn thống nhất về chất lượng và những đòi hỏi nghiêm túc về an toàn khi xây dựng đối với nhà máy điện hạt nhân đầu tiên này ở Việt Nam.”
Việt Nam mua vũ khí của Nga
Về chuyến thăm Nga, tướng Phùng Quanh Thanh nói thêm rằng: “Bạn đã trao đổi nhiều tình hình, hai bên đều thống nhất về mặt quan điểm, đánh giá; thống nhất về tầm quan trọng cũng như sự cần thiết của việc hợp tác ngày càng sâu rộng hơn, vì lợi ích của nhân dân hai nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực; quan hệ song phương không nhằm vào nước thứ ba.”
Cam kết “không nhằm vào nước thứ ba” trong hợp tác quốc phòng với nước khác được coi như một thông điệp ngoại giao của Việt Nam trong những năm gần đây nhằm trấn an các nước láng giềng, nhưng chủ ý là nói với Trung Cộng rằng Việt Nam không “chạy đua võ trang” và không “chuẩn bị gây chiến” trong khu vực.
Chính sách Quốc phòng của Việt Nam được Thứ trưởng Quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh xác nhận là “3 không” gồm: “không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.”
Nhưng có ai tin như thế không, nếu quay trở về thời kỳ trước 1975 với Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam Cộng hòa của quân đội Cộng sản miền Bắc?
Khi ấy đảng CSVN đã dựa vào viện trợ và súng đạn của Trung Cộng và Liên bang Sô Viết để làm điều được gọi là “nghĩa vụ Quốc tế” đem quân xâm lăng miền Nam Việt Nam nên đất nước mới băng hoại và nghèo đói, lạc hậu như ngày nay.
Tàu ngầm Kilo và vũ khí chống ai?
Bây giờ, trước đe dọa bị “ăn sống nuốt tươi” bởi nước láng giềng được gọi là “vừa là đồng chí, vừa là anh em” Trung Cộng, Việt Nam đã phải bỏ khoảng 3 tỷ dollars để mua 6 tầu ngầm loại Kilo có trang bị vũ khí mới tối tân hơn các tầu Kilo Nga bán cho Trung Cộng trước đây để bảo vệ lãnh hải.
Việt Nam cũng đã chi hàng tỷ dollars để mua 23 máy bay chiến đấu tối tân Sukhoi Su-30 MK2 của Nga và dự trù mua thêm 24 chiếc nữa. Ngoài ra Nga cũng đã bán cho Việt Nam ít nhất 6 tàu tuần tra cao tốc có khả năng truy tầm tầu ngầm lớp Svetlyak và 2 tàu khu trục Gepard. Các tầu mới này đều trang bị hỏa tiễn tối tân.
Theo tin của Bộ Quốc phòng Việt Nam thì Hà Nội còn mua thêm súng trường bắn chính xác nhất TAR-21 của Do Thái và hỏa tiễn Yakhont chống chiến hạm của Nga và dàn radar Vostok-E của Belarus để canh giữ bờ biển.
Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng đã thành lập Lữ đoàn tàu ngầm 189 tại Cam Ranh có nhiệm vụ chính bảo vệ bờ biển dài hơn 3.000 cây số bằng loại tầu ngầm Kilo.
Theo tin các mạng báo quân sự Nga được báo chí Việt Nam đăng tải thì loại Kilo có chiều dài 73,8 mét, đường kính thân tàu là 9,9 mét trọng lượng rẽ nước: 2.350 tấn. Mức lặn sâu tối đa: 300 mét, tốc độ khi nổi: 22 cây số /giờ, khi lặn: 40 cây số/giờ. Tầm hoạt động khi có ống thông hơi: 12.000 cây số, khi lặn: 640 cây số. Thủy thủ đoàn gồm 57 người. Thời gian hoạt động liên tục trên biển là 45 ngày.
Hệ thống vũ khí: sáu ống phóng ngư lôi 533 mm nằm ở phía mũi tàu, hoặc 24 trái thủy lôi. Độ chính xác cao. Trong hai phút có thể thực hiện loạt bắn đầu, năm phút kế tiếp là loạt bắn thứ hai. Tên lửa chống tàu chiến ZM-54e và Zm-54E đầu đạn chứa 450 kg thuốc nổ, sức công phá cực lớn, có tầm bắn 220 km, bốn tên lửa loại PZRK “Strela -3”, tầm bắn tối đa là 6 km để tiêu diệt máy bay đối phương.
Nga vào Tàu ra?
Trong các cuộc viếng thăm lẫn nhau trước đây, theo báo chí Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Nga Đại tướng Sergei Shoigu nói nước Nga coi Việt Nam là “đối tác chiến lược, là người bạn cũ thân thiết và đáng tin cậy”.
Tướng Shoigu cho rằng trong “bối cảnh quân sự - chính trị trên thế giới cũng như tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang có xu thế bùng phát” thì “hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực quân sự và kỹ thuật - quân sự càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng” (Vietnamnet, 13/08/2013)
Việt Nam và Nga đã nâng cấp “hợp tác chiến lược” lên “hợp tác chiến lược toàn diện” từ thỏa hiệp ký tại Mạc Tư Khoa (Moscow) giữa Chủ tịch nước CSVN Trương Tấn Sang và Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 5/2012.
Sự thay đổi này đồng thời cũng đưa hợp tác quốc phòng với Nga lên mức đối tác chiến lược hàng đầu của Việt Nam.
Vì vậy tướng Phùng Quang Thanh mới nói: “Việt Nam và Liên bang Nga, hai bên đã xác định xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Quan hệ này có mấy điểm như thế này: Chúng ta cùng có lợi ích, muốn duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đóng góp chung cho thế giới. Thứ hai là nó phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước. Về mặt quan điểm nói chung, Việt Nam và Liên bang Nga thường thống nhất, đồng quan điểm đánh giá về tình hình thế giới, tình hình khu vực và đóng góp chung cho việc duy trì hòa bình và ổn định.” (Theo VOV,10/08/2013)
Phát biểu của tướng Thanh không những chỉ phản ảnh sự “nhất trí đồng thuận” giữa Việt Nam và Nga về tình hình khu vực mà còn bao gồm những “điểm nóng” ở Biển Đông do Trung Cộng gây ra cho Việt Nam và các nước có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Bắc Kinh.
Nói về việc chọn Nga để “hợp tác quân sự toàn diện”, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh được VOV thuật lại: “Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay là cường quốc về quân sự, có bề dày truyền thống về lịch sử quân sự; kiến thức về quân sự, khả năng nghiên cứu, huấn luyện, đào tạo về quân sự cho cán bộ cũng rất tốt. Về mặt kỹ thuật quân sự, Liên bang Nga cũng là một trong những cường quốc sản xuất vũ khí, trang bị có trình độ công nghệ cao và chúng ta cũng đã sử dụng quen thuộc. Khối lượng vũ khí trước đây do Liên Xô viện trợ cho Việt Nam, quân đội chúng ta do quản lí, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, kéo dài tuổi thọ rất tốt.”
Nhưng nếu Nga đã dành ưu đãi “bán vũ khí với giá hợp lý” cho Việt Nam thì phía Việt Nam cũng đã có những tương nhượng thỏa mãn cho nhu cầu của Nga tại hải cảng chiến lược Cam Ranh như:
- Để Nga thiết lập một cơ sở bảo trì và huấn luyện cho đội Tầu ngầm của Việt Nam.
- Sẽ đơn giản hóa một số thủ tục cho tàu hải quân của Nga khi ghé thăm hoặc làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật ở các cảng Việt Nam sẽ được nhanh chóng, thuận tiện.
- Thành lập công ty hợp doanh Việt-Nga để sửa chữa, đóng tàu ở khu vực phi quân sự của cảng Cam Ranh. Tướng Phùng Quanh Thanh nói với báo chí hồi tháng 3/2013 rằng cơ sở này sẽ sửa chữa tàu, tiếp dầu, tiếp nước, tiếp lương thực thực phẩm, đón thủy thủ để vào bờ, tham quan nghỉ ngơi sau chuyến đi đường dài trên biển.
Ông Thanh cũng cho biết: “Tổng công ty Tân Cảng thuộc Quân chủng Hải quân Việt Nam được giao chủ trì, có tham gia liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Công ty Vietsopetro sẽ tham gia góp vốn. Nhưng ta làm chủ, chi phối, ta điều hành, quản lý. Chủ quyền là của Việt Nam.
Cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, các dàn khoan, các dịch vụ của dầu khí này phục vụ dịch vụ cho các tàu của bất kỳ một nước nào, trong đó có LB Nga.”
- Việt Nam cũng đã đồng ý để cho Nga bỏ vốn 100% xây dựng trung tâm nghỉ dưỡng ở Cam Ranh trong năm 2013 theo diện dự án đầu tư nước ngoài ngang hàng với Khách sạn 5 sao. Ông Thanh cho hay Nga dành cho Việt Nam quyền quản lý, điều hành. Phía Nga cũng sẽ gửi một số người tham gia cùng quản lý khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng.
Cho đến khi bài viết này được gửi đi (14/8/2013) thì chưa có phản ứng nào từ phía Trung Cộng về hợp tác quân sự mới giữa Việt Nam và Nga. Nhưng trước đây, khi có tin Việt Nam mua tầu ngầm hiện đại Kilo của Nga thì một số nhà bình luận quân sự Trung Cộng đã tỏ ra quan ngại về an ninh ở Biển Đông.
Báo Giáo dục Việt Nam ngày 22/02/2013 viết rằng: “Một số bình luận viên quân sự Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại trước triển vọng Việt Nam sở hữu các tàu ngầm mới. Trong số này có Thiếu tướng Doãn Trác, người phát biểu rằng tàu ngầm Việt Nam có thể "đe dọa" (từ được Doãn Trác dùng để suy diễn về sức mạnh hải quân VN) tuyến đường biển quan trọng đi qua eo biển Malacca và biển Biển Đông. Trung Quốc nhập dầu thô và nhiều nguyên liệu khác từ châu Phi và Trung Đông thông qua những tuyến đường này. Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến hoạt động của các tàu ngầm nước ngoài ở Biển Đông, kể từ khi một căn cứ tàu ngầm mới của Trung Quốc được xây dựng gần thành phố Tam Á, đảo Hải Nam. Đây sẽ là nơi đóng quân của các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc mang tên lửa Julang-2 /Sóng Lớn. Nhà cầm quyền Trung Quốc cho rằng, hoạt động của các lực lượng hải quân nước ngoài trong khu vực là tiềm năng đe dọa lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược của nước này. Theo bình luận của Đài Tiếng nói nước Nga, Trung Quốc không thể thờ ơ với biểu hiện tăng cường không ngừng sức mạnh của Hải quân Việt Nam, ở vào thời điểm khi căng thẳng tranh chấp lãnh hải giữa hai nước vẫn còn tồn tại.”
Tất nhiên Trung Cộng phải “la làng” để che khuất việc chiếm đóng biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông, đặc biệt ở quần đảo Hoàng Sa mà họ đã chiếm từ tay quân đội Việt Nam Cộng Hòa tháng 1/1974, và sau đó chiếm thêm 8 đảo đá ngầm từ tay quân CSVN năm 1988 thuộc quần đảo Trường Sa.
Hiện nay, nhiều đơn vị quân Trung Cộng đã thường trực đồn trú tại các “tiền đồn” ở Trường Sa trong khi Hạm đội Nam Hải đã mở rộng vòng đai kiểm soát an ninh trên Biển Đông từ đảo Hải Nam xuống tận biến giới Mã Lai, phía cực nam của Trường Sa.
Lính và ngân sách quốc phòng
Nhưng khi Việt Nam tăng cường phòng thủ thì ngân sách Quốc phòng của Trung Cộng cũng tăng ít nhất 10% cho năm 2013 với khoảng 114 tỷ Dollars. Phía Việt Nam vẫn giữ mức tăng 27,000 tỷ đồng, chiếm 1,8% ngân sách quốc gia, hay khoảng 1 tỷ 300 triệu Dollars.
Về số quân, nếu Việt Nam có 450 nghìn quân thường trực thì Trung Cộng có 850,000 bộ binh, 235,000 hải quân và 398,000 không quân.
Nhưng Trung Cộng lại có một lực lượng tầu ngầm tối tân và nguy hiểm gấp 100 lần hơn Việt Nam.
Báo chí Việt Nam đưa tin: “Theo trang tin lemur59. ru, hạm đội tàu ngầm Trung Quốc có 5 chiếc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo và 82 tàu ngầm điện - diesel. Số tàu ngầm này được chia làm 6 phi đội. Các tàu ngầm hạt nhân mang 12 tên lửa đạn đạo chiến lược, chiếm 1,1% số tên lửa này của Trung Quốc. Các tàu ngầm khác mang 146 tên lửa chống hạm (chiếm 9,9%), 1.1.82 ngư lôi (chiếm 82,4%) và 2.608 thủy lôi (31,5%).”
Như vậy, nếu chẳng may xảy ra chiến tranh với Trung Cộng thì Việt Nam sẽ chống đỡ như thế nào và ai sẽ cứu Việt Nam?
Hẳn Việt Nam chưa quên 2 cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 và từ 1984 đến 1989 đã làm cho trên 40,000 quân dân thiệt mạng và khoảng 5,000 cây số vuông lãnh thổ mất vào tay Trung Cộng?
Vậy liệu cuộc phiêu lưu quân sự mới của Việt Nam với Nga có lấy lại được Hoàng Sa và những phần biển đảo đã bị Trung Cộng chiếm ở Trường Sa và hàng ngàn mẫu đất đọc biển giới không hay chỉ làm cho đất nước nghèo mạt thêm và dân tộc phải đổ thêm máu cho tham vọng chính trị của một thiểu số cầm quyền độc tài?
Đảng CSVN chưa biết nhận ra rằng họ sẽ phải chiến đấu một mình vì khác với năm 1979, nhân dân bây giờ không còn muốn có chút “liên hệ máu thịt” nào với đảng nữa.
Thất bại của Nghị quyết 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” và Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 5 về “công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chống tham nhũng” là bằng chứng dân không còn tin vào khả năng lãnh đạo của đảng nữa.
Và ai cũng biết vũ khí là phương tiện cần thiết để bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ nhưng người dân chỉ sẵn sàng hy sinh xương máu cho một cuộc chiến có chính nghĩa và vì một nhà nước thật sự là của dân, do dân và vì dân.
Vì vậy nếu chỉ mua súng đạn, máy bay, tầu chiến và tầu ngầm để phô trương sức mạnh quân sự trong khi vẫn nhu nhược trước quân thù đã ngồi trên đất và trên biển đảo của Tổ quốc thì có ích gì không?
(08/013)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét