Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Một bức thư của Nguyễn Hữu Đang gửi Lê Nguyên Chí

Mt bc thư ca Nguyn Hu Đang gi Lê Nguyên Chí

Chia sẻ bài viết này
talawas - Bản tin ngày 21-1-1960 trên báo Nhân dân cho biết: “Ngày 19-1-1960, Tòa án Nhân dân Hà Nội đã xử vụ gián điệp có tổ chức do bọn Nguyễn Hữu Đang và Thụy An cầm đầu… Tòa án nhân dân là nghiêm trị bọn chủ mưu và bọn ngoan cố, khoan hồng với những người lầm đường, bị lừa gạt đã biết hối cải, Tòa án đã tuyên án: Nguyễn Hữu Đang, 15 năm phạt giam, 5 năm mất quyền công dân; Lưu Thị Yến tức Thụy An, 15 năm phạt giam, 5 năm mất quyền công dân; Trần Thiếu Bảo tức Minh Đức, 10 năm phạt giam, 5 năm mất quyền công dân; Phan Tại, 6 năm phạt giam, 3 năm mất quyền công dân; Lê Nguyên Chí, 5 năm phạt giam, 3 năm mất quyền công dân.”
Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Trần Thiếu Bảo và Phan Tại là những nhân vật mà dư luận biết đến nhiều. Còn Lê Nguyên Chí?
Nhà nghiên cứu Heinz Schütte, trong tác phẩm Năm mươi năm sau: Trăm hoa đua nở ở Việt Nam 1954-1960 đặt câu hỏi: ”Còn bị cáo thứ năm, Lê Nguyên Chí, là ai? Có vẻ như không ai thực sự biết người này là ai, ngay cả cái tên của ông ta cũng được các nhân chứng nhớ lại mỗi người một khác. Người thì bảo là Nguyễn Văn Thi hoặc Lý Nguyên Cát, có người lại bảo ông ta từng là tay chân của đế quốc Pháp. Hoàng Cầm kể câu chuyện đầy tính hoang đường kì bí như sau: “Đột nhiên xuất hiện một người lạ” – một người tầm tuổi 50, tóc đã bạc. Một ngày kia, ông ta đến trước nhà Phan Tại và dựng một cái hiệu cắt tóc vỉa hè, rồi ông ta lần lượt làm quen với những người sống ở đó, và chẳng bao lâu đã hình thành một mối quan hệ thân tình. Rốt cuộc, Lê Nguyên Chí đưa ra ý tưởng rủ cả nhóm chạy trốn trên một chiếc thuyền của em trai ông ta ở Hải Phòng… Như đã nói ở trên, tất cả những con người tuyệt vọng đó đã bị công an biển bắt giữ. Phải chăng Lê Nguyên Chí là một đặc tình, một nhân viên của Cơ quan An ninh Việt Nam? Trong phiên tòa, Lê Nguyên Chí là người duy nhất có sắc diện hồng hào, trong khi Nguyễn Hữu Đang và Thụy An thì xanh rớt, mệt mỏi và gầy gò. Bị ghép vào tội tham gia nhóm gián điệp, Lê Nguyên Chí bị tuyên 5 năm tù và 3 năm quản thúc – từ đó không một ai còn gặp lại ông ta nữa và nhiều người đã đặt ra câu hỏi: liệu việc kết án Lê Nguyên Chí có phải một vở kịch được dàn dựng hay không?”
Chúng tôi vừa nhận được tư liệu sau đây liên quan đến Lê Nguyên Chí: một bức thư của Nguyễn Hữu Đang gửi Lê Nguyên Chí ngày 30-9-1998, được công bố không lâu sau khi Nguyễn Hữu Đang qua đời tháng 2-2007. Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Nhớ chú Nguyễn Hữu Đang

Lê Mạnh Đức 


Đón tôi là một cụ già lưng đã còng nhiều, nhưng tôi đã nhận ra ngay người bạn của bố tôi bởi mái tóc chưa bạc, hàm răng trắng đều và nét mặt cương nghị mà cách đây trên 50 năm thường lui tới thăm bố tôi.
Tôi tự giới thiệu: “Thưa bác, cháu là Đức, bố cháu là Lê Nguyên Chí.” Ông nắm tay tôi, ngắm nhìn tôi như muốn tìm lại hình ảnh của người bạn cũ và ân cần thăm hỏi sức khỏe, cuộc sống của bố tôi hiện nay, rồi khẽ nhắc: “Gọi là chú Đang như xưa…”
Bố tôi hơn tuổi chú Đang, cùng là trí thức hoạt động bí mật thời tiền khởi nghĩa, cùng là một trong những người sáng lập và hoạt động tích cực trong phong trào Truyền bá Quốc ngữ. Hai người kết bạn và thân nhau từ những ngày gian khó đó. Cũng vì quan hệ bạn bè đó mà bố tôi bị kết án tù 5 năm và 3 năm mất quyền công dân với tội danh “Bao che tư tưởng”! Tôi xúc động kể cho chú nghe những ngày gian khó kinh khủng của gia đình tôi phải chịu đựng, nỗi oan khổ vô lý đè nặng lên cuộc sống của bố tôi trong 50 năm qua. Chú Đang im lặng, ngậm ngùi. Chú viết thư gửi cho bố tôi:
Hà Nội, ngày 30-9-98
Anh Chí thân thương,
Cháu Đức tìm chỗ ở của tôi và đến thăm tôi, cho tôi biết sơ qua tình hình anh tạm ổn trong cái khổ mà ai cũng có thể biết anh phải chịu oan. Thế là tôi yên tâm, càng yên tâm về chỗ anh đã 95 tuổi mà chưa đến nỗi hom hem mụ mẫm, tuy nghèo đấy nhưng cũng tạm đủ sống cơm rau, áo vải và có con cháu thương yêu kính trọng, giúp đỡ cho có hạnh phúc gia đình. Còn đối với xã hội, chuyện ác nghiệt đã qua về căn bản, ảnh hưởng còn rớt lại phần nào ta lấy tính khắc kỷ (stoïcisme) mà coi thường. Mong anh cứ giữ thái độ vô thưởng vô phạt[1], chắc cũng được người ta đối xử phải chăng. Điều chủ yếu là anh giữ dìn sức khỏe và tâm trạng điềm tĩnh. Theo ý tôi anh vẫn có thể tự tạo cho mình ba cái quý nhất khi bóng đã xế chiều là an, nhàn và thanh thản, cộng với sức khỏe và tình cảm gia đình, bạn hữu.
Chúc anh vui mạnh và gửi biếu anh mấy thứ lặt vặt, gọi là chút quà tình sâu nghĩa nặng của người bạn chưa có lúc nào quên anh và thiếu trân trọng đối với anh mà trước, sau tôi vẫn coi là bậc đàn anh đáng mến phục mọi mặt…
Tôi viết vội mấy dòng này đưa cho cháu Đức cầm về, thư sau gửi qua bưu điện đến anh, tôi sẽ nói chuyện nhiều.
Xiết chặt tay,
Em
Nguyễn Hữu Đang
Chú viết liền một mạch, chữ viết đẹp, cứng cáp, rồi cho vào phong bì, đề ngoài: Em Nguyễn Hữu Đang. Kính gửi: Anh Lê Nguyên Chí – Tp. HCM, vẫn theo tính cách của một người nghiêm túc trong mọi việc.
Sau khi viết xong, tôi thấy chú Đang đi tìm tờ báo Đại đoàn kết cuối tuần, trong đó có đăng bài “Gặp một người, nhớ một ngày” kể lại kỷ niệm chú được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho trọng trách Trưởng ban Tổ chức Lễ Tuyên bố Độc lập 2-9-1945 và viết đề tặng “Gửi biếu anh Lê Nguyên Chí thân thương”. 30-9-98 – Nguyễn Hữu Đang. Chú tìm trong ví còn mấy trăm ngàn, trong hộc tủ có gói bánh quy Trung Quốc, đem gửi cả về biếu bố tôi. Tiền thì tôi nhất định từ chối: “Chúng cháu lo cho bố cháu đầy đủ rồi”, chỉ nhận thư và gói bánh quy. Đọc thư, nhận quà, bố tôi không nói lời nào và buồn nhiều ngày. Năm 2003, khi bố tôi đã 101 tuổi, người lặng lẽ và nhẹ nhàng ra đi, đem theo nỗi oan đã chịu đựng gần 60 năm…
Hôm nay, đọc lại thư của chú Đang gửi bố tôi, khi cả hai đều an nghỉ ở cõi vĩnh hằng, thắp nén nhang tưởng nhớ chú, chỉ xin cậy nhờ chú an ủi bố cháu quên nỗi oan xưa để thanh thản nơi chín suối.
Nguồn: Báo Văn nghệ Trẻ số 21 (548) ra ngày 27-5-2007
_______________________
[1] Chú thích của talawas: Trong bản gốc thư của Nguyễn Hữu Đang (xem hình chụp đăng kèm), nguyên văn đoạn này là “Mong anh cứ giữ thái độ vô thưởng vô phạt đối với chính quyền”. Bản đăng trên Văn nghệ Trẻ thiếu cụm “đối với chính quyền”.
Thu-Nguyen-Huu-Dang-gui-Le-Nguyen-Chi-30-9-1998-A-291x400.jpg
Thu-Nguyen-Huu-Dang-gui-Le-Nguyen-Chi-30-9-1998-trang-2-294x400.jpg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét