Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

NGƯỜI TRÍ THỨC Ở TẦM CAO THỜI CUỘC

VÂN LONG
Nhà thơ Vân Long và họa sĩ Phan Kế An (phải)
Nhà thơ Vân Long và họa sĩ Phan Kế An (phải)
Ở cái làng cổ Đường Lâm nổi tiếng ấy, với bao nhiêu di tích lịch sử, ngỡ như mỗi bước đi đều gặp bóng dáng tiền nhân: Một làng mà có đến hai vua, với lăng Ngô Quyền, đền thờ Phùng Hưng, rặng duối cổ thụ nơi Ngô Quyền buộc voi, đồi Hổ Gầm nơi Phùng Hưng đánh hổ! Vị sứ thần thám hoa họ Giang “bất nhục quân mệnh” có đền thờ và còn cả di tích Quán Giang, nơi quàn thi hài cụ từ bên Tầu chuyển về.
Một di tích gần gũi hơn, thân thuộc hơn với chúng tôi là ngôi nhà của cụ Phan Kế Toại, thân sinh người bạn vong niên trong nhóm bạn uống bia mấy chục năm nay của chúng tôi là họa sĩ Phan Kế An.
Ngôi nhà kề sát đình thôn Mông Phụ.Trên từng viên gạch cổ lát sân đình như còn lưu lại nét vẽ bằng gạch non của cậu bé họ Phan mô phỏng từng nét chạm khắc tôm, cua, hoa, lá của đình chùa ngày nào.
            Lần ấy, họa sĩ Phan Kế An mời một số bạn văn nghệ về quê Đường  Lâm cùng họ tộc của ông để làm lễ tưởng niệm 110 năm sinh thân phụ ông,   người nối tiếp vào danh sách những minh quân, danh thần của làng, có thể  xếp vào cùng chiếu mà không thất lễ với người xưa: Đó là vị danh nhân thứ tư của Đường Lâm! Ngắm ngôi nhà gạch 5 gian xây đơn giản với khoảng sân vườn không quá trăm mét, nhà văn Kim Lân tắc lưỡi: “Không thể ngờ cơ ngơi của vị khâm sai đại thần lại giản dị đến mức này! Cơ ngơi ông tuần phủ làng tôi phải to gấp năm bẩy lần! Thế mà cụ nhà này có quyền cách chức cả tổng đốc cơ đấy!” Hoạ sĩ Phan Kế An cười: “Có lần mình gặp một cậu bạn trường Bưởi cũ hồi chống Pháp, hàn huyên với nhau về gốc gác gia đình, hoá ra cùng là con nhà quan cả! Cậu ấy bỗng phát hiện: “ Thế ra hồi ấy bố mày đã cách chức bố tao đấy! “ Cả hai cùng cười…Nhà văn Hoài Việt thỉ bình: “! “Quan thanh liêm thế này thì mới lên án được bọn tham nhũng chứ!”
 Mở đầu buổi tưởng niệm, họa sĩ Phan Kế An thay mặt họ tộc  nói đại ý: “Buổi tưởng niệm 110 năm sinh của cụ căn cứ trên năm sinh thật 1892 (tuổi Thìn) chứ không căn cứ vào năm sinh  trên giấy tờ hành chính 1889, do cụ đã khai tăng tuổi để sớm được đi học theo quy định hồi ấy. Còn ngày tháng,  chúng tôi chọn ngày hôm nay, trước kỷ niệm Cách mạng tháng Tám một ngày để chúng ta nhớ lại bước ngoặt lịch sử đã mở sang trang mới cho cả dân tộc, trong đó có gia đình tôi.”
             Chúng tôi nâng ly, tưởng nhớ cụ và đều hình dung lại rất rõ chuỗi ngày này năm ấy (1945). Đang là Tổng đốc Thái Bình, khi xẩy ra cuộc Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), lập chính phủ tay sai mới, cụ được Bảo Đại thăng bổ lên chức Khâm sai đại thần, một chức toàn quyền thay mặt hoàng đế tại Bắc bộ, về danh nghĩa.
Thời gian còn làm nhiệm vụ Tổng đốc, cụ đã nhiều lần không thi hành hoặc thi hành nửa vời các chỉ thị của chính phủ Trần Trọng Kim và triều đình Huế. Hồi ký của Vũ Đình Hoè đã thuật lại việc cụ cáo ốm để không đi hiểu dụ dân nộp thóc cho Nhật. Nạn đói năm Ất Dậu (1945), ngay ở Hà Nội, đi phố nào cũng gặp xác người chết đói, đội thu xác chưa kịp đem đi chôn. Rồi những thân hình vạ vật các hẻm phố bất động, không rõ đã chết hay còn ngất ngư chờ chết. Chức càng to càng phải chịu trách nhiệm lớn, khi không có cách gì cứu dân mà còn tiếp tay cho bọn Nhật bòn rút đến nguồn sống cuối cùng của họ, kẻ thức giả sao có thể đành tâm?
Nghĩ vậy, cụ đã nhiều lần dâng biểu xin từ chức, nhưng đến ngày 17 tháng Tám 1945 cụ mới được triều đình Huế chấp thuận.
            Cao trào Cách mạng đang dâng cao, sắp tới đỉnh điểm, cụ sắp rời khỏi Bắc bộ Phủ, nơi hẳn sẽ diễn ra cuộc đụng độ quyết liệt với lực lượng Cách mạng, liên quan đến sinh mạng của bao con người, không thể không có hành động gì để giảm thiểu những tổn thất đó! Những người lính nông dân, những người lính dân nghèo thành phố, đăng lính cũng chỉ mong đến tháng lĩnh đồng lương ba cọc ba đồng trong khi giá cả từ cân gạo, mớ rau cứ leo thang chóng mặt. Ở thành thị, họ còn được học hành đôi chút, nhưng cũng chỉ đủ biết đọc biết viết, làm sao hiểu hết tình hình đang như nước sôi lửa bỏng…Tháng 3 – 1945, Nhật đảo chính Pháp,  lập chính quyền tay sai mới với khẩu hiệu mỵ dân Đại đông Á, nhưng trước sức ép của quân đội Đồng minh, đạo quân Quan Đông uy danh là thế cũng vỡ trận, bồi thêm là thảm họa bom nguyên tử ngay giữa hai thành phố lớn của Nhật. Ngày 15 tháng 8-1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh thì ngày 16 tháng 8, ở Bắc bộ phủ, nhiệm sở của chính quyền thân Nhật được tiếp hai cán bộ Việt Minh là Nguyễn Khang và Lê Trọng Nghĩa. Họ vào phủ Khâm sai để gặp cụ, thuyết phục cụ hợp tác trong những ngày biến động sắp tới.
            Với tầm nhìn còn hạn chế, một số trí thức và quan chức Tây học sau ngày Nhật đảo chính Pháp cũng muốn lợi dụng sức mạnh quân đội Nhật để cởi bỏ ách thống trị Pháp. Cụ Phan cũng có tâm lý ấy. Nhưng dần dần họ thấy đó chỉ là ảo tưởng khi mình không có thực lực trong tay. Đến hôm 17 tháng Tám, một cuộc biểu tình trước Nhà hát lớn, do các công chức cũ, các chính khách thân Nhật tổ chức, nhưng…sao lại đông người tụ tập đến thế!
Chỉ khi một diễn giả của Cách mạng cướp diễn đàn, tuyên truyền ủng hộ Việt Minh, đây đó trên quảng trường cờ đỏ sao vàng xuất hiện mỗi lúc một nhiều. Người dân hồ hởi hô to những khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh!”  “Nước Việt Nam của người Việt Nam!” Mọi người mới hiểu ra có một mạch ngầm vận động nào đấy để tương kế tựu kế mà đảo lộn tình hình! Theo lời hiệu triệu của diễn giả, cuộc mít tinh biến thành cuộc tuần hành thị uy. Đoàn tuần hành đi đến đâu lại hút thêm người đi theo đến đó. Dòng người trên mặt phố như một dòng sông nước tràn bờ,
Tôi, lúc đó là một chú bé 11 tuổi, lúc đầu chỉ chạy theo “xem” trên hè phố, sau hòa luôn vào dòng người lúc nào không rõ…Chiều về đến nhà thì vừa đói, vừa mỏi chân, khản cả cổ…nhưng thật là vui!
Nhiều dòng người trước khi tản ra các phố, đều đi qua Bắc bộ phủ như để biểu dương sức mạnh của đám đông. Những người lính gác lui vào trong sân phủ Bắc Bộ, nép sau cổng sẳt nhìn ra, không khỏi hoang mang…
Lúc này, cụ Phan càng thấy rõ những lời phân tích thấu đáo của hai cán bộ Việt Minh trẻ tuổi hôm qua, cụ thừa nhận lòng dân cũng là một sức mạnh rất đáng kể, nay đã ngả hẳn về phía Cách mạng.
Mười giờ đêm 17/8/1945 trước khi rời Bắc bộ Phủ, cụ cho gọi các quan chức dưới quyền, gồm quan Một Bảo An binh Nguyễn Sĩ Là (anh ruột họa sĩ Nguyễn Sĩ Ngọc) và viên Chánh quản Lại đến phòng họp. Cụ nghiêm khắc căn dặn: “ Tuyệt đối không được nổ súng, phải mở cửa ngay khi quân Cách mạng tới!”
            Cụ Phan đi khỏi, ông Là, ông Lại liền triệu tập binh lính dưới quyền     truyền đạt lệnh của cụ.. Lực lượng Bảo An binh đóng ở Bắc bộ Phủ có tới 134 người. Nghiêm lệnh của cụ không biết đã cứu được bao nhiêu mạng người, nếu không, một viên Cai Đội nào đó xốc nổi, dù chỉ cho lính nổ một phát súng, những nòng súng trong tay đơn vị tự vệ của đoàn biểu tình đang sôi sục ý chí chiến đấu, đâu chịu để yên, rồi ăn miếng trả miếng, lường sao hết hậu quả!…Những người lính này sau đó, hầu hết đều gia nhập hàng ngũ Cách mạng. Chính nhân cách của cụ Phan lúc ấy đã phát huy tác dụng, chỉ có cụ lúc ấy  mới đủ uy thế và lòng tin với binh lính…
            Hành động của cụ không đơn thuần là lòng nhân ái, nếu ta biết trước đó, khi còn làm Tổng đốc Thái Bình, cụ đã ngầm ủng hộ Việt Minh một tín phiếu 500 đồng Đông Dương (1944), nếu ta biết trước đó 34 năm (1911), cụ đã may mắn gặp người thanh niên đồng hương Nguyễn Tất Thành tại Paris. Do phụ thân hai người quen biết nhau, hồi nhỏ họ đã gặp nhau khi phụ thân hai bên thường cho con trai đi cùng (tư liệu của nhà văn Sơn Tùng: Cả trăm năm không dễ thấu ngọn nguồn, in trên 5 kỳ báo Sức khoẻ & Đời sống từ số báo 150 đến 155 (2002), để giải quyết cuộc tranh luận: Có hay không cuộc gặp của hai danh nhân này thời trẻ ở Paris? Do Triều Dương nêu ra trên báo Văn Nghệ số 43 (26/10/2002), bác lại lời kể của họa sĩ Phan Kế An (trong bài bút ký của Vân Long). Sau bài báo của Triều Dương, nhà văn Sơn Tùng, người lưu giữ nhiều tư liệu về các gia đình khoa bảng vùng Thanh Nghệ đã phải vào cuộc, để chứng minh cuộc gặp có thể có trong năm ấy ở Paris; Vậy là trước khi quyết định nhập học trường Hành Chính thuộc địa (L’école Coloniale d’administration), chàng thanh niên họ Phan đã hỏi ý kiến Nguyễn Tất Thành: “ Theo ý anh, tôi có nên vào học trường này không?”. Nguyễn Tất Thành trả lời ngay: ” Tôi cũng muốn  vào học mà Tây không cho. Tôi muốn có kiến thức về mặt này của Pháp. Tôi nghĩ rằng anh nên theo học. Sau này nếu làm được việc gì, tôi sẽ tìm anh!” (họa sĩ Phan Kế An thuật lại lời cụ Phan kể).
            Bác Hồ của chúng ta những ngày xây dựng chính quyền non trẻ, lại lo việc tổ chức kháng chiến, trăm công ngàn việc, nhưng đã không quên lời hẹn năm xưa. Khi gia đình cụ Phan đang sơ tán ở Thanh Lũng, Sơn Tây thì nhận được thư cụ Hồ cho người cầm về, mời cụ Phan lên chiến khu Việt Bắc tham gia chính phủ (1947). Lúc đầu là quyền bộ trưởng bộ nội vụ (thay cụ Huỳnh Thúc Kháng vừa qua đời) tiếp theo là Ủy viên Hội đồng quốc phòng tối cao mà cụ Hồ làm Chủ tịch (1948). Rồi bộ trưởng bộ Nội vụ (1951). Đến năm  1955, cụ được Quốc Hội nước VNDCCH tín nhiệm (đến 3 nhiệm kỳ), đề bạt Phó Thủ tướng Chính phủ cho đến lúc cụ qua đời (1892-1973). Tháng 8 năm 2009, cụ được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh về sự nghiệp đóng góp của cụ với đất nước.
            Đó là việc quan, việc nước xa vời!  Người dân ở đất Đường Lâm này chỉ nhớ những gì họ trực tiếp nhìn thấy.
            Trước chiến tranh thế giới lần thứ II, khủng hoảng kinh tế, đồng tiền với người làm ruộng thật hiếm hoi. Dưa hấu, dưa gang của Đường Lâm bán   rẻ như cho, ba đồng bạc Đông Dương một tạ gạo. Cụ Phan thương dân làng, nhưng phải tính kế lâu dài chứ không thể chỉ trợ cấp theo thời vụ! Cụ bèn đón một người thợ ở vùng Chuông về  làm thầy dạy cho dân làng làm nón lá, áo tơi lá, lớp học mở ngay trong Từ đường họ Phan. Rồi cụ xin “cô ta” của nhà máy sợi Nam Định về cho làng dệt gia công. Cảnh đường làng đang đìu hiu vì đói kém, bỗng trở nên nhộn nhịp khác thường. Người làng đua nhau để có “bông” (tức thẻ nhận sợi). Có “bông” là có sợi, có sợi là có hàng, có tiền. Dân làng thật nhớ ơn cụ. Giá cụ làm quan sở tại ở ngay đây thì dân sướng biết mấy! Nhưng còn bà con Thái Bình, nơi cụ trọng nhậm thì sao?
        Chính Thủ tướng Phan Văn Khải lại chứng kiến lòng dân ở nơi cụ trọng nhậm ngày xưa. Một lần về Thái Bình công tác, Thủ Tướng Phan Văn Khải nhận được một lá thư kèm theo hai tấm chân dung cụ ông, cụ bà Phan Kế Toại do một gia đình nông dân Thái Bình chuyển đến. Thư viết : “ Kính thưa ông, tôi bây giờ đã già, không thờ các cụ được bao lâu nữa. Vậy tôi nhờ Thủ tướng chuyển giúp hai tấm chân dung này cho con cháu cụ Phan Kế Toại để làm lưu niệm…” ký tên Hoàng Văn Khảm, địa chỉ hiện nay số 2 ngõ 279 phường Niệm Nghĩa – Quận Lê Chân, Hải Phòng. “
            Vậy là gia đình này đã thờ hai cụ từ những năm cụ Phan Kế Toại trọng nhậm ở các phủ, huyện tỉnh Thái Bình. Khi ông Khảm về sinh sống ở Hải Phòng vẫn mang theo để thờ. Đến đầu năm 2000 mới nhờ con cháu ở Thái Bình giữ gìn  và chuyển hộ, hẳn thấy Thủ tướng cũng họ Phan nên con cháu mới thực hiện lời dặn dò của  ông Khảm. Làm quan thời xưa mà được dân tự nguyện thờ phụng như vậy, hẳn là cụ thanh liêm đức độ lắm!
            Thủ tướng Phan Văn Khải giữ hai tấm chân dung, nhưng không chuyển giao ngay, như đã có dụng ý.  Đến tháng 2/2002, Thủ tướng đến nói chuyện với Hội Nghị  của UBTƯ Mặt trận TQVN khoá V thành phố Hồ Chí Minh mới là dịp Thủ tướng trao đôi ảnh tận tay họa sĩ Phan Kế An cũng đang dự Hội Nghị với tư cách Uỷ viên TƯ  Mặt trận, để mọi người đều thấy lòng dân rất công bằng, biết ơn những vị quan chức thanh liêm.
            Tại nhà cụ ở Đường Lâm, chúng tôi men theo tường xem những tấm hình ghi lại quá khứ lồng trong những khung kính. Đến góc nhà, một tấm biển nhỏ đập vào mắt tôi:
Lối lên trần nhà, nơi một số sinh viên Cứu quốc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã cất giấu súng đạn để chống phát xit Nhật, trước Cách mạng tháng Tám 1945.   Phía trên là một ô vuông vừa một người chui lọt, họa sĩ họ Phan nhớ lại câu chuyện độc đáo: Hôm đó, cụ tôi về làng không báo trước, lại đúng lúc tôi cử một cậu về cất mấy khẩu súng mới mua được. Thấy bóng cụ, người nhà vội giấu chiếc thang đi, trong khi cậu bạn tôi vẫn còn trên trần. Cụ ăn cơm, lúc đang ngồi uống nước giữa nhà, bỗng một mảng trần “toóc si” sập xuống, cụ giật mình khi thấy một chân người đi dép cao xu Con hổ lộ ra, gần như ngay trên đầu cụ. Hoá ra cậu sinh viên lò mò bước nhầm vào chỗ không có dầm. Khi biết  trên đầu mình là một kho súng của Việt Minh, cụ gọi cậu sinh viên  xuống, mắng: “Các cậu làm ăn thế này thì Nhật nó beng cổ đi!”
            Cụ không ngạc nhiên gì, vì không lâu trước đó, cụ đã nhận được công văn cảnh báo của Chánh Hiến binh Nhật nói về những tổ chức Việt Minh chống Nhật trong sinh viên, có gài một câu “Tiếc rằng trong số đó có cả quý công tử!”
            Không khí se se lạnh của mùa thu lại được ướp trong hương hoa ngâu, hoa ngọc lan lan tỏa đầy vườn. Một hương vị vừa cao khiết vừa dân dã đan xen vào những hồi ức theo chân chúng tôi đi dạo thăm các ngõ xóm đá ong  của ngôi làng cổ. Năm ấy, “quý công tử” Phan Kế An đã tròn tuổi 80 (2003), nhưng ông vẫn xăm xăm đi trước như chàng sinh viên Mỹ Thuật ngày nào!…
   Sau buổi kỷ niệm sinh nhật Cụ, tôi cứ suy nghĩ  về trường hợp tham gia Cách mạng có một không hai của cụ Phan: Xưa nay, quan chức cao cấp của chính quyền cũ, được mời làm quan chức cao cấp chính quyền mới cũng không phải chuyện hiếm khi triều đại thay đổi, bởi chính quyền mới cũng cần một số người yêu nước, có kỹ năng tổ chức, xếp sắp bộ máy chính quyền. Sau này, hồi tiếp quản thủ đô 1954, họ được gọi là những viên chức lưu dung! Thời cụ Phan, chưa có cách gọi ấy. Với cụ Phan, càng không thể gọi vậy! dù chỉ có một thời gian ngắn nghỉ việc, cụ đã sống như một chí sĩ, không còn lệ thuộc vào chính quyền nào, chính quyền mới không hề dùng cụ như một sự chiếu cố…Vậy lá thư cụ Hồ mời cụ tham chính như hình thức cầu hiền với một ẩn sĩ ? Cũng không hẳn cụ là một ẩn sĩ, bởi cụ đã từng gặp cụ Hồ thời trẻ. Một lời khuyên chân thành của Nguyễn Tất Thành hàm chứa sự khích lệ và hứa hẹn đã làm cụ Phan yên tâm: Không phải vào học trường này chỉ là đi sâu vào con đường làm quan cho người Pháp, mà còn để nắm kỹ năng quản lý đất nước sau này, khi thời cơ đến. Vậy là…về một khía cạnh nào đó: cụ Phan cũng là một hạt nhân, một hạt giống cách mạng được cụ Hồ gieo từ ngày ấy! Phải vậy chăng ?
Trong khi chờ ý kiến của các bậc thức giả, tôi chỉ ngộ ra một điều: Một kẻ sĩ có phẩm chất thiện lương, dù ở hoàn cảnh nào, họ cũng tìm được cách giúp dân, giúp nước…
(Bài tác giả gửi NTT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét