Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Nửa giải Nobel cho thuyết tăng giá chống lậu của Việt Nam


Phạm Thanh
Chia sẻ bài viết này
Nửa giải Nobel Kinh tế còn lại của Việt Nam (nửa giải của Thống đốc Nguyễn Văn Bình) hẳn sẽ phải trao cho sáng kiến tăng giá để chống buôn lậu đang được áp dụng triệt để trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Ngày 30/7, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 7 của Chính phủ, khi đề cập tới vấn đề xuất lậu than, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nói rằng: “Than bán cho điện hiện nay thấp hơn than bán cho xã hội và các ngành khác, nên đã xảy ra tình trạng buôn lậu than, đi đường vòng để bán ra nước ngoài”.
Như vậy có thể hiểu, việc vừa rồi giá than bán cho điện tăng (kéo theo giá điện tăng 5% từ 1/8) là để chống buôn lậu.
Còn nhớ, khi trả lời chúng tôi, TS. Nguyễn Thành Sơn - Giám đốc BQL Các dự án than Đồng bằng sông Hồng (thuộc Tập đoàn Than và Khoáng sản VN - Vinacomin) có cung cấp, trong 6 tháng đầu năm 2013 đã có hơn 2 triệu tấn than xuất lậu sang Trung Quốc. Số than này chủ yếu được “rút ruột” từ các công ty thành viên của Vinacomin, nhờ có sự móc ngoặc với nhau để xuất lậu.
Quý vị cảm thấy sao, có phải cái lý luận tăng giá để chống buôn lậu nghe quen quen không? Đúng là quen thật, lý luận tăng giá than để chống buôn lậu không phải là lần đầu tiên được đưa ra, điều tương tự cũng đã từng được vận dụng để giải thích cho tăng giá xăng dầu và quản lý giá vàng ổn định ở mức cao.
Còn nhớ, hồi cuối tháng 3 vừa qua, khi quyết định cho tăng giá xăng lên mức kỷ lục là 24.580 đồng/lít, liên bộ Tài chính – Công Thương có lấy lý do là vì xăng dầu VN thấp hơn các nước có chung biên giới, nên xảy ra tình trạng buôn lậu, tăng giá lên ngang bằng để chống buôn lậu.
Tiếp đến là với việc Ngân hàng Nhà nước quản lý và tham gia bán vàng để giá vàng VN ổn định ở mức cao hơn thế giới từ 4-5 triệu đồng mỗi lượng (có thời điểm chênh lên tới 7 triệu đồng mỗi lượng) mục đích thì có nhiều, trong đó có cả việc chống buôn lậu.
Rồi còn vô số thức khác nữa cũng được đưa ra để chống buôn lậu, như Hà Nội đặt hàng gà Bắc Giang để chống gà thải loại nhập lậu, cá tầm nhập lậu, thực phẩm thối nhập lậu, hàng hóa tiêu dùng nhập lậu... tóm lại là nhiều vô kể thứ lậu làm người ta phải run sợ, mà chống mãi không được, dù để mỗi thứ hàng hóa trên tới được thị trường phải trải qua hàng chục “cửa ải” của nhiều lực lượng khác nhau, nhưng nó vẫn ra – vào được, làm cho cả đất nước hơn 86 triệu dân đều phải run sợ.
Nhưng trong 1001 cái lậu làm người ta sợ, thì cũng có 1 cái khiến người ta vui và ai cũng muốn có được, nó như kiểu ánh sáng cuối đường hầm để người ta tiếp tục mơ ước và cố gắng sống… đó là lương lậu.
Cái lậu này thì ai cũng thèm khác, và thực tế đã chứng minh đó là nguồn sống chính của không ít người, và vươn lên làm giàu, thậm chí tích góp đủ để 3, 4 đời sau có thể không làm gì vẫn sống vương giả. Một nghiên cứu công bố mới đây của Thanh tra Chính phủ cho kết quả, 79% cán bộ, công chức VN hiện nay có thu nhập ngoài lương (tức là có phần lậu). Con số 79% đủ nói lên cái lậu thứ hai này mới hấp dẫn làm sao, và ai ai cũng muốn có nó. Những người không muốn chẳng qua là vì không có.
Chỉ có điều, sao người ta chống buôn lậu các thức khác bằng việc tăng giá, mà cái lương lậu cũng thấy bán chống nhiều, chống ghê lắm, cũng hô khẩu hiệu nhiều lắm, nhưng cái mấu chốt lại không thấy ai làm, mà đôi khi chỉ là làm giống việc chống những cái lậu khác, đó là tăng lương để chống lậu.
Có lẽ điều làm người viết hối tiếc nhất là nghe đủ thứ tăng giá để chống buôn lậu mà chưa được nghe tăng lương để chống lậu. Chỉ thấy cái lương mới lận đận làm sao, bàn lên bàn xuống từ Quốc hội tới Chính phủ, mãi mới quyết định tăng được lên chút xíu, nhưng nó lại không đủ để bù cho tăng giá, lạm phát. Và người ta phải đồng ý với nhau rằng, thực tế tăng lương không phải để nâng cao mức sống người lao động, mà chỉ để bù trượt giá, để đảm bảo người lao động có đủ cơm ăn, áo mặc, chứ không phải để họ được ăn ngon, mặc đẹp bằng lương. Còn muốn ăn ngon, mặc đẹp phải dùng tới lậu, chỉ tiếc rằng cái lậu này không phải ai cũng muốn là được.
Vậy đấy quý vị ạ, người viết cũng chẳng biết phải nói thế nào, thực tế cuộc sống nó vốn dĩ đã trái ngang vậy rồi nên thôi thì, ai hiểu sao được thì hiểu.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét