Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Tại sao những người “lừng khừng” bỏ Đảng

Đặng Ngữ
Chia sẻ bài viết này


Đã từ lâu lắm rồi, những người làm công tác lý luận của ĐCSVN đã không còn theo kịp thực tế. Ngay cả nhóm tinh hoa, Hội Đồng Lý Luận Trung Ương, cũng không có khả năng đưa ra một lý luận toàn diện và nhất quán nào về tư tưởng, chính trị, kinh tế và xã hội khả dĩ có thể đối chọi lại được các phong trào vận động dân chủ được tiếp sức bởi những thành công của các cuộc cách mạng màu, mùa xuân Ả Rập hay phong trào vận động hòa hợp dân tộc của Myanmar. Những lý thuyết gia của Đảng đã chẳng còn có thể làm được điều gì khác hơn ngoài việc nói ngược lại những điều mà chủ nghĩa tự do hiện đại đề cập. Hoặc tệ hai hơn, họ tạo ra một con ma có tên “những âm mưu của các thế lực thù địch”. Tất nhiên, về mặt chữ nghĩa, họ cũng đưa ra những hứa hẹn nhất định nhưng những hứa hẹn đó đa phần không được người dân ủng hộ. Và hầu hết đều thất bại về chính trị ngay từ đầu.

Vấn đề là, ngay cả khi công tác lý luận của ĐCSVN bế tắc trầm trọng thì những người chống đối, những nhà vận động dân chủ ở trong và cả ngoài nước cũng không đưa ra được một lý thuyết toàn diện và nhất quán nào ngoài chuyện công kích vào những vết thương vốn đã lở loét của chế độ mà ai ai cũng nhìn thấy. Khi Ông Lê Hiếu Đằng và Ông Hồ Ngọc Nhuận đưa ra những lời kêu gọi về một cuộc bỏ Đảng tập thể và thành lập một đảng mới thì có thể thấy rằng những người mong muốn được sớm nhìn thấy một cuộc “lột xác” thực sự của đất nước đã tỏ ra vui mừng đến nhường nào. Thật ra, việc ông Lê Hiếu Đằng “tính sổ sòng phẳng” với Đảng của mình sau 45 năm đứng trong hàng ngũ đấy đơn thuần mang tính biểu tượng nhiều hơn việc ông ta đứng ra thành lập một đảng mới thật sự.

Chúng ta đều biết, một trong những nguyên tắc tối thượng của Đảng: tổ chức cực kỳ chặt chẽ và tuyệt đối trung thành. Thiếu hai đặc tính này, Đảng CSVN sẽ không còn là Đảng mà chúng ta đã từng được thấy trong quá khứ. ĐCSVN tồn tại được đến ngày nay và còn đứng vững như thế bởi tổ chức chính trị này đã tạo dựng được một cơ chế để không đảng viên nào dám nghĩa đến việc rời bỏ tổ chức. Mọi đảng viên phải nằm trong tầm kiểm soát của tổ chức Đảng và Đảng sẽ giữ mãi họ trong tình trạng kiểm soát như vậy. Trong quá khứ, sao nhãng công việc của Đảng sẽ bị nghi ngờ, còn ra khỏi Đảng có nghĩa là trọng tội, bị tẩy chay hoàn toàn về mặt chính trị, xã hội. Thực tế hiện nay cho thấy, những người ngoài Đảng hoàn toàn có thể sống cuộc sống kinh tế sung túc mà không chịu bó buộc về mặt chính trị, xã hội đương trở thành một hình ảnh đầy hấp dẫn đối với các đảng viên cấp thấp. Đảng đương tỏ ra đuối sức trong cuộc chạy đua đường trường đòi hỏi sức bền này. Nếu không còn giữ được những đảng viên của mình trung thành với tổ chức, những người đang trong trạng thái lừng khừng, thì đấy sẽ thực sự là một nguy cơ. Cho đến lúc này, có thể còn nhiều cách để làm dịu lại, giảm nhẹ những nguy cơ vừa xuất hiện. Nhưng nếu không giữ được những đảng viên cơ sở trong vòng tay kiểm soát của mình, nguy cơ tiềm ẩn sẽ trở thành một thảm họa thật sự.

Quay trở lại quá khứ, ĐCSVN trở thành Đảng cầm quyền duy nhất như hiện nay bởi họ đã thực hiện việc kết hợp một cách nhuần nhuyễn phương pháp đấu tranh vũ trang-bạo lực cách mạng và phương pháp đấu tranh tư tưởng-trí tuệ cách mạng. Đảng đã từng thuyết phục rất thành công dân chúng tin rằng họ có đủ năng lực giữ vị trí lãnh đạo đất nước chứ không chỉ sử dụng vũ lực đơn thuần. Nhưng hiện nay, có vẻ như nhóm tinh hoa lãnh đạo đã không còn đánh giá cao phương pháp trí tuệ như trước kia. Việc lựa chọn phương pháp vũ lực, thậm chí sử dụng bạo lực một cách thô thiển đã trở nên ngày càng phổ biến hơn. Nói như Ludwig Von Mises “sử dụng bạo lực trần trụi-nghĩa là không cần biện hộ bằng những luận cứ được xã hội công nhận-chỉ làm cho những kẻ mà ta muốn đánh có thêm nhiều bạn bè mà thôi. Trong cuộc đấu tranh giữa bạo lực và tư tưởng, tư tưởng bao giờ cũng chiến thắng”.

Nếu muốn chiến thắng trong cuộc chiến cuối cùng này, Đảng phải lấy tư tưởng làm vũ khí đối địch với “các thế lực thù địch”. Nhưng biết lấy đâu ra thứ vũ khí đó bây giờ khi nhiều người trung kiên đang trở nên lừng khừng và nhiều người lừng khừng thì đang muốn rời bỏ tổ chức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét