Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Tâm thư của tiến sĩ sử học Nguyên Nhã gửi các bạn trẻ trước chuyến đi Châu Âu

Tâm thư của tiến sĩ sử học Nguyên Nhã gửi các bạn trẻ trước chuyến đi Châu Âu

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã
(Trưởng Đề án bếp Việt - Bếp của thế giới)
Chia sẻ bài viết này

TÂM THƯ GỬI CÁC BẠN TRẺ NHÂN CHUYẾN ĐI NÓI CHUYỆN VỀ CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM TẠI HOÀNG SA, TRƯỜNG SA VÀ BIỂN ĐÔNG TẠI CÁC NƯỚC Ở CHÂU ÂU: PHÁP, ĐỨC, TIỆP...

Sau chuyến đi tham gia Hội thảo về Biển Đông ngày 16/6/2012 tại Đại Học Harvard do Hội sinh viên Việt Nam vùng Boston mở rộng tổ chức, nay tôi lại có dịp đi nói chuyện về Chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông tại một số nơi như Pháp, Đức, Tiệp cũng do các bạn trẻ Việt Nam tại các nước ấy tổ chức.
Với tính cách của một nhà nghiên cứu sử học, tôi muốn trình bày khách quan khoa học về sự thật chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa- Trưởng Sa và Biển Đông. Tôi đã từng nói “Tôi rất trân trọng những nhà chính trị ở bất cứ nơi đâu, song cũng mong những nhà chính trị cũng tôn trọng những người nghiên cứu sử học như tôi”.
Tôi cũng muốn nêu hai vấn đề cùng trao đổi với các bạn trẻ ở khắp nơi trong và ngoài nước:
Một là làm cách nào các bạn trẻ góp phần quảng bá sự thật lịch sử rất khách quan về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa & Biển Đông tới người dân trong nước cũng như nhân dân các nước kể cả nhân dân Trung Quốc?
Hai là làm cách nào để mỗi người Việt Nam, nhất là các bạn trẻ có một kế hoạch nhỏ xây dựng nội lực đất nước hùng cường trong tương lai không xa trở thành cường quốc biển để không còn bị xử ép, làm nhục hay ý đồ biến Việt Nam trở thành thuộc quốc.
Theo tôi, đất nước là của chung, dĩ nhiên thời nào cũng vậy, chính quyền đóng vai trò quan trọng nhất, song không có ai độc quyền yêu nước mà “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Kẻ thất phu cũng có trách nhiệm, huống hồ chúng ta đều là thành phần trí thức chắc chắn cũng phải có trách nhiệm không kém đối với đất nước ; mỗi người mỗi việc, mỗi người một chuyên môn, nhất là do nỗ lực học hỏi các tinh hoa thế giới như các bạn để nỗ lực góp phần xây dựng đất nước như bao thanh niên các nước phát triển trên thế giới trong đó có thanh niên Nhật Bản từ cuối thế kỷ 19 đến nay.
Hai vấn đề nêu trên, chắc chắn mỗi người đều có ý riêng tham gia có thể phát biểu công khai trước mọi người. Song tôi mong muốn mỗi người có thể tự nhủ với lòng mình, âm thầm tìm các giải pháp và tự mình âm thầm hành động chứ không chỉ góp ý suông mà thôi.
Theo tôi hiện nay, chúng ta đang thiếu hai điều khiến cuộc sống kém hẳn chất lượng: Một là thiếu minh bạch, thiếu trung thực, hay quá gian dối. Hai là thiếu sự tử tế với nhau kể cả nói chung người với người. Nếu mỗi người chúng ta cố thể hiện khắc phục hai điều nói trên, chắc chắc xã hội sẽ có nhiều chuyển biến, thay đổi chất cuộc sống kể cả đời sống chính trị.
Tôi là người vừa nói thẳng, nói thật hết tâm tư của mình trong ba tập Việt Nam Huyết Lệ Thi Thư Tập 1 (năm 2006) và tập II, III (năm 2013) và bằng những hành động cụ thể về Kế hoạch nhỏ: xây dựng Bếp Việt- bếp của thế giới và khởi xướng Chương Trình” Ngàn Thanh niên thế kỷ XXI.
Chính “Chương trình ngàn thanh niên thế kỷ XXI” với 4 tiêu chí trong đó có tiêu chí phải có tâm, có tầm, cố gắng có đề án để đời góp phần xây dựng Việt Nam trở thành cường quốc biển trong Tương lai và phải trung thực, tử tế với mọi người. Trong ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương vừa qua đã có một số thanh niên đăng ký đề án của mình như thanh niên từng du học Nhất Bản, đăng ký đề án “Ngàn cánh hạc”, rèn luyện kỹ năng sống theo cách thanh niên Nhật hay một siêu đầu bếp đăng ký đề án “đào tạo ngàn thanh niên đầu bếp giỏi” qủang bá bếp Việt ra thế giới hay một thanh niên đăng ký “ngàn thanh niên thế giới du”, học hỏi các tinh hoa thế giới về xây dựng đất nước nhà….
Ở mỗi nước chúng ta có thể học hỏi những tinh hoa đem về xây dựng đất nước, nhất là loại bỏ những gì xấu xí của người Việt hiện nay. Riêng tại Châu Âu, ước mong học tập tính kỷ luật, trọng danh dự của người Đức sẽ giúp Việt Nam thay đổi nhanh chóng, phát triển đất nước hùng cường.
Tôi muốn nhắc lại tâm nguyện của tôi khi tôi đến Singapore vào ngày 1/6/2013 nói chuyện về Cơ sở pháp lý quốc tế về Chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa & Biển Đông do Hội Chuyên gia Việt Nam tại Singapore tổ chức với ước mong bạn trẻ trong và ngoài nước chia xẻ Tâm nguyện của tôi khi khởi xướng Chương trình Ngàn Thanh Niện thế kỷ XXI nêu trên. Chương trình này không mang tính phong trào, cốt lấy thành tích, mà chỉ cần âm thầm thôi thúc thanh niên thực hiện trong thế kỷ này xuất hiện những sự nghiệp để đời góp phần xây dựng đất nước thành cường quốc biển. Xin tặng các bạn trẻ trong và ngoài nước ba bài hát nói, một thể loại ca trù cốt yếu, một thể thơ rất độc đáo vừa có cước vận, vừa yêu vận của Việt Nam.
Mong vậy thay!
Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, tiến sĩ sử học
(Trưởng Đề án Bếp Việt - Bếp của Thế giới)
Blog Hãn Nguyên Nguyễn Nhã Foundation: www.hannguyennguyennha.com
www.amthuc.net.vn
Email: hannguyen1940@yahoo.com

1. Người Tử Tế:

Thử hỏi như thế nào là người tử tế?
Là người đối xử tử tế với mọi người.
Không gian tham, không độc ác, không ai chê cười,
Chỉ cốt sống đúng với lương tâm người trần thế.
Sống phải đạo ở đời thực tế!
Chết đi rồi trần thế còn khen!
Chịu thua chịu thiệt trong cuộc đua chen,
Song nhất định không thèm dối trá!
Biết sống biết lo cái lo thiên hạ!
Biết làm, làm tốt cả những việc khó khăn
Cùng lo xây dựng Việt Nam

2. Đồng thuận

Duyên cớ Việt Nam sao cần đồng thuận?
Chỉ là vì nguy cơ trở thành thuộc quận quá lớn lao!
Nguy cơ Đại Hán thưở nào,
Đang trỗi dậy làm sao không biết,
Nguyễn Trãi bình Ngô xưa bất diệt!
Nguy cơ “Hán hóa’ quá rõ ràng!
Sớm làm sao thức tỉnh chớ mơ màng!
Kẻo sẽ tới lúc trở thành khu tự trị!
Ôi hổ thẹn! cha ông đâu có thế!
Phải giữ gìn truyền thống đáng nể khi xưa!
Đồng thuận Đại Việt có thừa!

3. Hai mối nhục

Thử hỏi thanh niên ơi, thấm thía chưa hai mối nhục,
Cường quốc bá quyền làm nhục, tụt hậu nhục có thế không?
Hãy nghe tiếng gọi của non sông!
Quyết noi theo truyền thống cha ông không chịu nhục.
Cường quốc bá quyền làm ta nhục,
Việt Nam tụt hậu khiến âu lo!
Phải làm sao tránh tụt hậu dân ấm no,
Độc lập tự do phải đổi mới,
Đất nước hòa bình phải tiến tới!
Ngang hàng cường quốc năm châu,
Việt Nam cường quốc tiến mau!
Hãn Nguyên Nguyễn Nhã
3/3/2013

*** Lịch các buổi nói chuyện ở Châu Âu ***

- Ngày 18-08 - 2013 tọa đàm ở Nuremberg - Đức.
Nội dung buổi tọa đàm: Tư liệu về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa - Trường Sa.
- Ngày 25-08-2013 tọa đàm tại Praha - Séc.
Nội dung tọa đàm: Tư liệu về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa - Trường Sa.
- Ngày 26-08-2013 tọa đàm ở Plzen - Séc với cùng nội dung trên.
- Ngày 31-08-2013 tọa đàm ở Praha - Séc.
Nội dung tọa đàm: Biển Đông và tương lai cường quốc biển của Việt Nam.
( chú ý ngày 31-8 vẫn chưa có chốt được ngày và đang đợi ban tổ chức bố trí)
- Ngày 03-09-2013 tọa đàm ở Paris - Pháp.
Nội dung toạ đàm: Tư liệu về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa - Trường Sa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét