Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Tế nhị trong giúp đỡ

Tế nhị trong giúp đỡ

viettudallas01
Huy Lâm

Có lẽ trên thế giới ít có dân tộc nào lại coi trọng việc dạy dỗ con cái như người Việt mình. Ngay từ khi còn nhỏ dại đã được cha mẹ uốn nắn cẩn thận như lời ông bà mình thường nói: “Dạy con từ thuở còn thơ”. Bé mà không dạy để hư thì lớn lên coi như bỏ, hết thuốc chữa.

Việc dạy dỗ con cái đã đi vào văn học sử. Tương truyền khi còn sống, Nguyễn Trãi đã viết nên quyển sách Gia huấn ca, đặt vào trong mấy trăm câu thơ là những lời nhắn nhủ vợ, dạy dỗ con cái. Có lẽ ý muốn của cụ Nguyễn Trãi là để lạiGia huấn ca không chỉ cho riêng gia tộc Nguyễn mà còn muốn truyền lại cho nhiều thế hệ mai sau của dân tộc Việt. Thế nên, sau vụ án Lệ chi viên với họa tru di tam tộc, dòng họ Nguyễn coi như tuyệt tự, nhưng Gia huấn ca thì vẫn lưu truyền đến ngày nay, là vì cuốn sách của Nguyễn Trãi đã đi vào đời sống dân gian.
Trong Gia huấn ca có mấy câu dạy con gái như sau:

Lòng yêu thân phải cẩn từng khi,
Tấm lòng trời đất chứng tri,
Dâu hiền có hiếu, tiếng ghi để đời.
Này con gái thuộc về khôn đạo,
Khôn đức nhu nết gái dịu dàng.

Và nữa:

Ở trên đời gái ở nết na
Con hiền đẹp mặt mẹ cha,
Chồng hòa yêu chuộng, họ hòa kính chung.

Còn con trai thì:
Bây giờ loạn lạc bơ vơ,
Cơ trời bĩ thái nắng mưa là thường.
Khuyên con học lấy văn chương,
Có bên nghĩa lý, có đường hiển vinh.
Loạn rồi lại có khi bình,

Khi bình ta hãy cá kình giương vây.
Say sưa kinh sử chớ khuây,
Sắt mài ắt hẳn có ngày nên kim.

Quan điểm cuộc sống gia đình và xã hội sau mấy trăm năm đã có nhiều thay đổi so với thời đại của Nguyễn Trãi. Vai trò của phụ nữ ngày nay không chỉ đóng khung trong công việc nội trợ mà còn làm được nhiều công việc như nam giới, nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng ngoài xã hội. Còn nam giới thì không chỉ “học lấy văn chương” để “có đường hiển vinh” mà còn hàng ngàn vạn ngành nghề khác để theo đuổi. Thế nhưng, nếu cứ lấy những ý chính trong những lời dặn dò của ông để áp dụng cho thời nay thì thiết tưởng vẫn có thể uốn nắn một con người trở nên một người con ngoan trong gia đình và một công dân hữu ích cho xã hội.
Còn trong ca dao tục ngữ dân gian thì đã có cả hàng trăm bài học về dạy dỗ con cái. Có lẽ không mấy ai trong chúng ta không từng nghe qua câu tục ngữ này: “Thương cho roi cho vọt / Ghét cho ngọt cho bùi”. Dạy con mà lúc nào cũng roi vọt thì có lẽ cũng hơi quá đáng. Hơn thế, dạy con thời nay mà cứ theo sát lối dạy như thế thì thế nào cũng có lúc cha mẹ sẽ gặp chuyện lôi thôi với pháp luật như chơi. Tuy nhiên, ta có thể hiểu hai câu tục ngữ trên có ý nói rằng nếu muốn con nên người thì phải khó với chúng, bắt buộc chúng vào khuôn phép, bằng không thì cứ chiều chuộng, rồi con hư thân lúc nào không hay.
Nhiều người nhận xét là các bậc cha mẹ ở Mỹ nói riêng và tại nhiều quốc gia Tây phương nói chung ngày nay biết lo lắng cho con cái hơn bao giờ hết, sống gần gũi và theo sát thời biểu sinh hoạt của chúng. Nào là khuyến khích và đưa chúng đi tham gia vào những sinh hoạt thể thao, theo học các lớp dạy nhạc, giúp chúng làm bài tập ở nhà và thậm chí khi con cái tới tuổi trưởng thành, cha mẹ còn tham dự và góp ý kiến về những môn học nếu chúng tiếp tục theo học ở bậc đại học hoặc những ngành nghề tương lai của chúng.
Những công việc đó đòi hỏi rất nhiều thì giờ và tốn kém tiền bạc – trương mục tại ngân hàng sẽ bị hao hụt, quỹ tiết kiệm cho hưu bổng sẽ phải bớt đi, thậm chí những sinh hoạt giao tế giữa bạn bè hay xã hội cũng phải khép bớt lại – nhưng đã là cha mẹ thì ai không muốn con cái có cuộc sống hạnh phúc, thế nên các bậc cha mẹ tin tưởng rằng những việc họ làm là cách tốt đẹp nhất mà họ có thể làm cho tương lai của chúng.
Tuy nhiên, nếu những việc làm đó mà các bậc cha mẹ tưởng là mang lại những điều tốt đẹp cho tương lai của con cái lại hóa ra là làm hại chúng thì sao?
Một nghiên cứu của giáo sư môn Xã hội học Laura T. Hamilton thuộc Đại học California cho thấy: cha mẹ càng đổ nhiều tiền vào việc học đại học của đứa con thì điểm học của người con đó lại càng thấp hơn.
Một nghiên cứu tương tự khác của giáo sư môn Tâm lý Holly H. Shiffrin thuộc Đại học Mary Washington cho thấy: cha mẹ càng tham dự nhiều vào việc học cũng như việc chọn khoa ngành tại đại học – nghĩa là lo lắng chăm sóc cho con cái nhiều hơn – thì những cô cậu sinh viên này càng cảm thấy bớt hài lòng với cuộc sống của họ hơn.
Vì sao những chăm sóc, lo lắng của cha mẹ lại đưa tới những kết quả xấu như vậy? Các nhà nghiên cứu giải thích rằng có những hình thức hay cách thức giúp đỡ, chăm sóc làm giảm bớt đi nhận thức trách nhiệm của người nhận về tính tự lập trong cuộc sống.
Mà những hậu quả trên không chỉ xảy ra trong quan hệ cha mẹ và con cái. Ngay trong những quan hệ vợ chồng, bạn bè và đồng nghiệp ở sở, khi người này giúp đỡ, lo lắng cho người kia kỹ quá cũng sẽ đưa tới những hậu quả tương tự, làm cho người được giúp đỡ đâm ra ỷ lại, chần chừ mà không chịu bắt tay vào công việc của mình ngay và hậu quả là công việc bị trễ nải.
Các nhà nghiên cứu khuyên rằng thay vì giúp một cách trực tiếp thì vợ hoặc chồng nên giúp đỡ nhau một cách gián tiếp như chăm sóc con cái hay làm đỡ những công việc ở nhà để người kia có nhiều thì giờ hơn tập trung vào công việc để rồi hoàn thành công việc tốt đẹp hơn.
Mà không chỉ ở những người bình thường như chúng ta, ngay như những người đã từng hoặc đang giữ những chức vụ quan trọng cũng thế chứ không khác. Ta thường nghe câu: “Đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ”. Cũng câu nói trên, nay nếu đem đổi vị trí giữa đàn ông và đàn bà thì ý nghĩa cũng không khác mấy.
Người ta kể câu chuyện hai ông bà Dennis và Margaret Thatcher: Trong thời gian bà làm thủ tướng nước Anh, người cố vấn thân tín nhất của bà lại chính là chồng bà. Ông giúp bà được rất nhiều công việc và góp ý trong nhiều chính sách đối nội cũng như đối ngoại. Thế nhưng, ít khi người ta thấy ông xuất hiện trên báo chí hay được giới truyền thông nhắc tên. Tuy âm thầm nhưng ông lại là nhân vật chính đằng sau những thành công của bà vợ.
Một ví dụ điển hình khác là bà Samantha Cameron, phu nhân của đương kim Thủ tướng Anh David Cameron, cũng vậy. Bà là một người phụ nữ thông minh và rất tế nhị, luôn ủng hộ và giúp đỡ chồng một cách hết sức khéo léo và thực tiễn, nhưng không bao giờ gây ồn ào. Vì vậy nên ít khi nào bà bị báo chí Anh hài tên hay chỉ trích cũng do nể vì bà ở sự kín đáo tế nhị đó.
Do đó, trước khi để cho tình trạng tiêu cực vượt khỏi tầm kiểm soát, điều quan trọng là ta cần phải hiểu rõ rằng việc giúp đỡ người khác đạt mục tiêu cần phải mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Những quan hệ có tính tương trợ, hỗ tương cho nhau chính là nền tảng của một cuộc sống lành mạnh và phong phú.
Vấn đề là làm thế nào để ta vẫn có thể giúp đỡ con cái (người phối ngẫu, bạn bè và đồng nghiệp) đạt mục tiêu của họ mà không làm phương hại đến sự nhận thức về trách nhiệm cũng như nỗ lực cá nhân của họ.
Câu trả lời, theo đề nghị từ kết quả nghiên cứu, là sự giúp đỡ của chúng ta cần phải tùy thuộc vào hoàn cảnh của người nhận: nó phải được quân bình giữa nhu cầu cần được trợ giúp với nhu cầu cần tự lực cánh sinh. Ta không nên quá hấp tấp trong việc giúp đỡ ngoại trừ trường hợp nếu đối tượng thật sự cần được giúp đỡ, và ngay cả khi gặp trường hợp như thế, ta cũng chỉ nên giúp đỡ một cách chừng mực thay vì giúp hết mình.
Trong một nghiên cứu cho thấy, theo bản năng tự nhiên của con người, dường như ai cũng có cái khả năng đặc biệt để nhận biết khi nào người đối diện thật sự cần giúp đỡ, do đó ta cũng không cần phải quá lo lắng là lúc nào thì nên giúp đỡ và lúc nào thì không, mà cứ để cái bản năng tự nhiên của chúng ta xui khiến.
Mặc dù người ta vẫn cần có thêm nhiều cuộc nghiên cứu để làm sáng tỏ vấn đề hơn, nhưng với những kết quả mới nhất cho thấy: để có được kết quả tốt đẹp nhất khi ta giúp đỡ kẻ khác thì cần phải bao gồm một vài điều kiện: khi đối tượng thật sự cần giúp đỡ, giúp đỡ cần phải chừng mực để người cần được giúp đỡ hiểu là họ cũng phải tự cố gắng để vươn lên, và ta phải khéo léo hành xử để người nhận sự giúp đỡ cảm thấy an tâm hơn là áy náy vì phải mang ơn.
Cha mẹ giúp đỡ con cái, vợ giúp chồng, chồng giúp vợ, người thân trong gia đình hay bạn bè giúp đỡ lẫn nhau – là việc làm nên được khuyến khích. Nhưng đừng vì thế mà để công việc của mình thế chỗ cho công việc của người kia. Giúp đỡ nhưng không có nghĩa là làm thế. Phải khéo léo, tế nhị, kín đáo trong việc giúp đỡ lẫn nhau thì con cái, vợ/chồng, người thân, bạn bè của chúng ta mới có cơ hội đạt được những mục tiêu đề ra của chính họ.

Huy Lâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét