Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

Trung Quốc Đang ở Điểm Giao Thời? – Phần I

Carl Minzner | ChinaFile
Mai Xương Ngọc dịch

Điều gì sẽ trở thành tương lai của hệ thống chính trị độc tài Trung Quốc?
Nhiều người dự đoán rằng sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc trong vài thập kỷ qua chắc chắn sẽ dẫn đến tự do hóa dần dần. Tăng trưởng kinh tế được dự đoán sẽ tạo ra một chuỗi các sự kiện thay đổi, trước tiên là cho xã hội, sau đó đến luật pháp, và cuối cùng là chính trị. Các sự kiện diễn ra dường như đã khẳng định những dự đoán trên. Khi chính quyền Trung Quốc mở cửa nền kinh tế vào cuối thế kỷ XX, họ cũng khởi động những cải cách sâu rộng đối với thể chế lập pháp và tư pháp của quốc gia.

Chính sách cải cách và mở cửa đã mang lại cho Trung Quốc những thay đổi lớn chưa từng có, đưa Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001. (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, những sự kiện trong thập kỷ vừa qua đã làm dấy lên những nghi vấn về các giả định đó. Từ năm 2000 đến năm 2011, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đã nhiều hơn gấp 5 lần, tăng vọt từ 949 USD đến 5.445 USD. Nhưng chế độ độc đảng lãnh đạo vẫn còn nguyên vẹn dưới quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và chính quyền Trung Quốc đã quay lưng lại với nhiều cuộc cải cách tư pháp mà chính họ đã ban hành trong những năm 1980 và 1990. Các luật sư đã phải chịu đựng những áp lực gia tăng. Các chiến dịch chính trị cảnh báo chống lại các chuẩn mực của nhà nước pháp quyền đã lan tỏa trong các tòa án. Theo các chính sách mới ưu tiên hàng đầu cho “duy trì ổn định” (Weiwen), chính quyền trung ương đã ồ ạt tăng tài trợ cho các tổ chức ngoài khuôn khổ pháp luật nhằm mục đích chuyển hướng, hạn chế, và triệt tiêu sự bất bình của công dân.
Những chuyển đổi này đã bóp nghẹt các thể chế có khả năng giảm bớt bất mãn và khắc phục những yếu kém, đó là những cơ chế giữ vai trò quan trọng cho sự tiếp tục tồn tại lâu bền của Đảng Cộng sản Trung Quốc với tư cách là một chế độ độc tài. Những chuyển đổi này đã thúc đẩy tình trạng bất ổn xã hội, biến nỗi bất bình của công dân thành một làn sóng biểu tình đường phố thay vì thể chế hóa quyền tham gia về chính trị hoặc tư pháp. Và việc này đã dẫn đến những lo ngại mới ở trung ương trước mối nguy hiểm do các cá nhân quan chức ĐCSTQ (ví dụ như vết nhơ Bạc Hy Lai, Bí thư Trùng Khánh) tiếm chiếm một số thành phần trong bộ máy “duy trì ổn định” vì mục đích riêng. Chính xác là vì những lý do này, một số lượng ngày càng tăng gồm các quan chức, học giả và các nhà hoạt động đã kêu gọi chính quyền trung ương khôi phục lại các cải cách luật pháp đang bị suy yếu khi giới lãnh đạo kế tiếp nổi lên vào tháng 11 năm 2012.
Trung Quốc thực sự có thể đang ở điểm giao thời. Nhưng không rõ là nước này sẽ nghiêng về phía nào. Các nhà chức trách có thể khởi động lại cuộc cải cách luật pháp như là một phần trong chương trình chuyển đổi toàn diện về chính trị và thể chế. Hoặc họ có thể bác bỏ, gây rủi ro xảy ra rối loạn xã hội và chính trị lớn hơn. (1)
Trong những năm 1970 và 1980, chính quyền ĐCSTQ đã quay lưng lại với thập kỷ theo đuổi chủ nghĩa chính trị cực đoan và các chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa. Họ khởi động những cải cách pháp lý rộng lớn nhằm xây dựng những cấu trúc quản lý mới cho Trung Quốc.
Các quan chức đã mở trở lại các trường Luật bị đóng cửa trong thời kỳ xảy ra tình trạng hỗn loạn của Cách mạng Văn hóa (1966-1976). Họ áp dụng trao đổi học thuật và chuyên môn để tích cực thu nhận các khái niệm pháp lý từ nước ngoài. Họ đã ban hành hàng trăm đạo luật và quy định mới, tạo ra một khuôn khổ toàn diện về luật dân sự, thương mại, hình sự và hành chính. Chính quyền khuyến khích các phiên tòa xét xử theo các luật mới được ban hành, được nhìn nhận như là một nơi ưu tiên giải quyết các khiếu nại và tranh chấp dân sự hoặc thương mại thông thường. Trong năm 1989, chính quyền Trung Quốc thậm chí còn ban hành một bộ luật tố tụng hành chính cho phép những công dân bình thường có các quyền hạn chế nhằm kiện các quan chức nhà nước ra tòa.
Cải cách tiếp tục diễn ra trong suốt những năm 1990. Các quan chức chuyên nghiệp hóa bộ máy tư pháp, từ bỏ thông lệ tuyển dụng các cựu sĩ quan quân sự làm nhân viên tòa án. Họ loại bỏ các định nghĩa về luật sư như là “những công nhân pháp lý của nhà nước” và tư nhân hóa nghề luật sư. Đến đầu những năm 2000, các công ty luật quốc doanh của những năm 1980 đã mở lối cho sự bùng nổ các công ty tư nhân, trong nước cũng như nước ngoài. Trong năm 1997, chính quyền trung ương đã thông qua “nhà nước vì pháp quyền” (yifa zhiguo) như là một khẩu hiệu cốt lõi của Đảng. Các sửa đổi hiến pháp diễn ra đồng thời hai năm sau đó. Cải cách pháp lý thậm chí nổi lên như một chủ đề trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, khi các nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc đồng ý khởi đầu các cuộc trao đổi hợp tác về cải cách tư pháp.
Theo lẽ tự nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn thúc đẩy quyền lợi của họ thông qua những cải cách này. Về ý thức hệ, họ muốn có một nguồn chính danh khác để thay thế các nguyên tắc cách mạng của phe Mao-ít và giữ quyền cai trị. Trong thực tế, họ muốn có các cơ chế mới giúp giải quyết các xung đột xã hội gia tăng bởi sự phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng. Luật pháp, tranh tụng, và tòa án dường như chính là giải pháp. Về mặt hành chính, lãnh đạo trung ương tìm kiếm những cách thức mới để giám sát các quan chức địa phương và phản ứng tốt hơn trước những nan giải về vấn đề người ủy thác – người đảm nhiệm diễn ra tràn lan nội trong bộ máy quan liêu. Họ cũng muốn thu thập những thông tin tốt hơn về các vấn đề mà Trung Quốc phải đối mặt ở trong nước. Việc cho phép công dân có quyền hạn chế để thách thức các quan chức địa phương thông qua các kênh tòa án, hoặc để bày tỏ ý kiến thông qua các kênh pháp luật, hứa hẹn sẽ giải quyết được những mối lo ngại đó.
Tương lai của cải cách luật pháp
Như học giả Andrew Nathan lưu ý trong năm 2003, những cải cách này sẽ giúp tăng cường sự ổn định nội bộ của nhà nước Trung Quốc. (2)
Họ thể chế hóa sự cai trị của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Họ chuyển những bất mãn phổ biến (liên quan đến những vi phạm quyền công dân hoặc lạm dụng chức quyền) vào trong những thể chế thuộc hệ thống chính trị hiện hành, thay vì cho các tổ chức cực đoan ngầm tìm cách lật hệ thống đảng – nhà nước. Cải cách pháp lý cũng đóng góp vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại. Ví dụ các cuộc thảo luận về nhà nước pháp quyền với các chính phủ nước ngoài cung cấp môt diễn đàn chính trị dễ chấp nhận hơn để tranh luận về nhân quyền trước khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001.
Cải cách trung ương khuyến khích các công chức từ trên trở xuống đẩy mạnh hơn nữa thay đổi thể chế dưới ngọn cờ của nhà nước pháp quyền. Vào cuối những năm 1990, giới học thuật về luật của Trung Quốc cũng bắt đầu nóng với các cuộc thảo luận xung quanh chủ nghĩa hợp hiến và tính tối cao của hiến pháp (xianfa zhishang). Năm 2001, Tòa án nhân dân tối cao (cơ chế tư pháp cao nhất của Trung Quốc) đã tiến hành một bước đột phá cho phép một tòa án tỉnh lẻ thực sự áp dụng hiến pháp (dù không có quyền tài phán) của Trung Quốc trong một trường hợp riêng lẻ. Một số tòa án địa phương đã bắt đầu mở rộng giới hạn quyền lực của mình, tuyên bố một cách độc lập về tính vô hiệu lực của các quy tắc và quy định địa phương trái với luật quốc gia. (3)
Các công dân áp dụng những phương thức mới để bảo vệ lợi ích riêng của họ. Những vụ tranh tụng dân sự và hành chính tăng lên. Nông dân sử dụng những lời lẽ nhà nước pháp quyền của chính quyền trung ương để thách thức những sách nhiễu và việc thu hồi đất đai bất hợp pháp ở địa phương. Đến đầu những năm 2000, một đội ngũ luật sư công ích và các nhà hoạt động pháp lý (ví dụ như ông Chen Guangcheng) đã xuất hiện. Họ hợp nhất các vụ kiện công ích với những chiến lược truyền thông có hiểu biết để thúc đẩy cải cách sâu rộng hơn, và đạt được một vài thành công vang dội. Năm 2003, sau khi một người nhập cư có tên là Sun Zhigang bị thiệt mạng dưới bàn tay của chính quyền thành phố Quảng Châu, ba học giả luật đã gửi một bản kiến nghị đến cơ quan lập pháp quốc gia để thách thức tính hợp pháp và hợp hiến của hệ thống hành chính tạm giam ngoài khuôn khổ pháp luật. Đồng thời, giới truyền thông rộng lớn đã tạo ra sự náo động dư luận về việc lạm dụng chức quyền trong trường hợp của ông Sun và những trường hợp tương tự. Đáng chú ý là chính quyền trung ương nhường bước – bãi bỏ toàn bộ hệ thống tạm giam trên toàn quốc. (4)
Phản ứng thuận nghịch
Mặc dù có những dấu hiệu khả quan và đáng hy vọng trong gần một thập kỷ trước, các quan chức đã quay lưng lại với những cải cách trước đó của họ. Một số lo ngại là hoàn toàn có thực. Những cải cách cuối thế kỷ XX được tạo ra để hướng các tranh chấp dân sự và thương mại vào các phiên tòa của tòa án địa phương. Nhưng vùng nông thôn Trung Quốc lại có nguồn lực hạn chế về pháp lý. Vẫn thiếu thẩm phán đã qua đào tạo và luật sư được cấp giấy phép. Tòa án vẫn bị yếu kém về mặt thể chế và thường gặp khó khăn trong việc thực thi phán quyết của họ. Khi Trung Quốc bước vào thế kỷ XXI, những vấn đề như vậy dẫn đến đối đầu công khai giữa các tòa án địa phương và người dân bị thiệt hại đòi công lý, cũng như việc tăng vọt số lượng kiến nghị và kháng nghị ngoài khuôn khổ pháp luật gửi đến các cấp chính quyền cao hơn có liên quan đến các quyết định của tòa án cấp thấp hơn.
Những mối lo ngại khác hiển nhiên mang tính chính trị. Phương tiện truyền thông nhà nước đã cảnh cáo rằng “các khái niệm tư pháp…không phù hợp với niềm tin quốc gia [Trung Quốc] đã ‘từ phương Tây thổi vào phương Đông’” (5). Các quan chức của Đảng cảnh báo rằng một số thẩm phán đã sử dụng sai các khái niệm như “tính tối cao của pháp luật” như một cái cớ để tránh hoặc phản đối giới lãnh đạo Đảng trong những trường hợp xét xử. (6)
Điều này đã tạo ra một sự bước giật lùi. Kể từ đầu những năm 2000, chính quyền Trung Quốc đã lái các tranh tụng công dân ra khỏi các phiên tòa, nơi giải quyết sự vụ theo pháp luật. Thẩm phán phải đổi mặt với những áp lực mới trong việc giải quyết các vụ án thông qua hòa giải kín. Các cơ quan hòa giải cộng đồng có niên đại từ thời kỳ Chủ tịch Mao Trạch Đông (mất năm 1976) đã được “phủi bụi” và phục hồi. “Các phiên họp phối hợp” mới ngoài khuôn khổ pháp luật do Đảng lãnh đạo đã được tổ chức, dưới đề mục hòa giải, để xử lý những trường hợp mà các quan chức lo sợ có nhiều khả năng dẫn đến phản kháng xã hội.
Trong một số lĩnh vực, những nỗ lực này đã tạo ra những thử nghiệm có ý nghĩa ở cấp địa phương, đáp ứng nhu cầu của nông thôn tốt hơn hơn so với các kênh pháp lý chính thức khác được đề cao trong cuối thế kỷ XX. Trong những lĩnh vực khác, những nỗ lực này đã trở thành lý do cơ bản rất thuận lợi cho chính quyền địa phương để hoàn toàn từ bỏ các quy chuẩn pháp lý khi họ tìm cách củng cố ổn định xã hội bằng mọi giá, bất kể bằng cách triệt tiêu nỗi bất bình chính đáng của các kiến nghị cá nhân hoặc bằng cách làm bẹp các nhóm khiếu nại mà không cần tới cơ sở pháp lý, nhưng được ủng hộ bởi nhiều người dân nổi giận.
Các cơ quan Đảng cũng đã cố gắng kiểm soát các thẩm phán ương ngạnh về mặt chính trị. Trong năm 2006, các quan chức ĐCSTQ phát động chiến dịch mới trong hệ thống tòa án để nhấn mạnh lòng trung thành với Đảng và cảnh báo chống lại các chuẩn mực của nhà nước pháp quyền phương Tây. Năm 2008, chính quyền trung ương đã đưa một viên chức ĐCSTQ chính thức trở thành người đứng đầu Tòa án Nhân dân Tối cao dù không có hiểu biết về pháp lý. Tiếp theo đó là cái gọi là Ba chiến dịch Tối cao (sange zhishang) – một nỗ lực để nhắc nhở các thẩm phán rằng các chính sách của ĐCSTQ và “ý chí nhân dân” là tương đương (hoặc đứng trên) hiến pháp. Không để cho ai bỏ qua thông điệp này, cả hai chương trình giảng dạy về luật và kỳ thi luật quốc gia đã được sửa đổi để nội dung của những chiến dịch đó trở thành những chủ đề bắt buộc.
Luật sư đã phải chịu đựng những áp lực gia tăng. Các chiến dịch của Đảng từng gọi họ là “công nhân pháp luật xã hội chủ nghĩa” và gây sức ép để tạo ra các “tế bào” của ĐCSTQ trong các công ty luật. Để lấy được giấy phép hành nghề luật sư, giờ đây họ bắt buộc phải thề trung thành với Đảng. Các nhà chức trách ngày càng sách nhiễu và ngược đãi các luật sư công ích nổi tiếng và các nhà hoạt động pháp lý bằng cách đóng cửa một số tổ chức và buộc người khác đi tù, bị quản thúc tại gia, cũng như biến mất định kỳ hoặc bị tra tấn.
Nói ngắn gọn, các nhà lãnh đạo ĐCSTQ đang cố gắng trung lập hóa những áp lực của nhà nước pháp quyền mà chính họ đã phát động vào cuối thế kỷ XX. Họ luôn tìm cách khóa các cuộc thảo luận (chủ nghĩa hợp hiến), các kênh pháp lý (phiên tòa), cùng các lực lượng xã hội (luật sư) mà các nhà hoạt động đã sử dụng để vận động cho thay đổi lớn hơn. Và họ đã tái khẳng định quyền kiểm soát các tác nhân nhà nước (các thẩm phán và tòa án), những người có thể bị cám dỗ để quên đi quyền kiểm soát hiện thực của Đảng Cộng sản.
Ở nhưng nơi nào vắng bóng những mối lo ngại, công cuộc cải cách vẫn tiếp tục. Ví dụ, trong lĩnh vực tư pháp hình sự, chính quyền Trung Quốc đã triển khai chương trình thí điểm không phạt giam người phạm tội chưa đến tuổi vị thành niên. Luật tố tụng hình sự 2012 tạo thêm sự che chở cho người chưa đến tuổi vị thành niên trước sự thẩm vấn và xét xử. Đối với án tử hình, cơ quan tư pháp Trung Quốc đã có những nỗ lực để tăng tính minh bạch và cải thiện việc xem xét các phán quyết. Kết quả là, các chuyên gia nước ngoài ước tính rằng số lượng các vụ hành quyết ở Trung Quốc đã giảm một nửa kể từ năm 2007, xuống khoảng bốn ngàn vụ năm 2011. (7)
Các chính sách trung ương khắc nghiệt đã tạo ra một loạt các hiệu ứng trái chiều. Điều trớ trêu là chúng đã làm gia tăng tình trạng bất ổn xã hội. Nhiều người dân bất bình về môi trường hoặc đất đai chống lại chính quyền địa phương đã đi đến kết luận rằng cơ hội tốt nhất để được đền bù không nằm trong các tổ chức pháp lý nhà nước, nơi chúng đang suy yếu dần dần. Thay vào đó, họ đang ngày càng viện đến các hoạt động đường phố tập thể trực tiếp (và đôi khi là bạo động), để tìm cách ép các quan chức trung ương can thiệp và chính quyền địa phương phải nhượng bộ. Đáp lại, chính quyền trung ương đã tăng cường nguồn kinh phí và thế lực của các cơ quan an ninh trong nước. Điều này đã cho phép một số chính quyền địa phương phân cấp thành các tỉnh trưởng gần như thời phong kiến, trong đó các quan chức dùng kinh phí khổng lồ (và những biện minh chính trị đúng đắn về “sự duy trì ổn định xã hội”) để triệt tiêu các khiếu nại hợp pháp của công dân, che giấu các sai lầm của họ, cũng như làm giàu cho bản thân bằng tham nhũng.
[*] Carl Minzner là Giáo sư Luật tại Đại học Fordham. Một chuyên gia về pháp luật và quản lý nhà nước Trung Quốc, Minzner đã viết nhiều về các chủ đề này trong cả tạp chí khoa học và báo chí đại chúng. Các bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của ông đã xuất hiện trên tờ New York Times, Los Angeles Times, và Christian Science Monitor.
Ông đã từng là Cố vấn cao cấp của Ủy ban Đđiều hành Quốc hội về các vấn đề Trung Quốc. Ông cũng là một thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại về các vấn đề quốc tế năm 2006-2007, đồng thời là thành viên Ngành Giáo dục pháp lý liên kết Đại học Yale – Trung Quốc tại Học viện Xibei về Chính trị và Luật pháp ở Tây An, Trung Quốc. Ông cũng làm việc với tư cách cộng sự cấp cao tại McCutchen & Doyle (Palo Alto, CA), và một thư ký luật cho ông Hon. Raymond Clevenger của Tòa án Phúc thẩm Liên bang. Minzner có bằng cử nhân của Đại học Stanford, bằng M.I.A của Đại học Columbia về vấn đề quốc tế và công cộng, và một bằng Luật của trường Luật Columbia. [*]

Carl Minzner 

GHI CHÚ
1. Một số nội dung và ngôn từ được chuyển thể từ bài viết ” Trung Quốc quay lưng với Luật” của Carl Minzner, American Journal of Comparative Law 59 (Thu 2011): tr. 935–84.↩
2. Andrew J. Nathan, “Thay đổi Lính canh Trung Quốc: Khả năng phục hồi sự chuyên chế,” Journal of Democracy 14 (tháng 1 năm 2003):. 13-15 ↩
3. Keith J. Hand, “Hiểu hệ thống Trung Quốc để giải quyết xung đột pháp lý,” Columbia Journal of Asian Law (sắp xuất bản năm 2013). ↩
4. Keith J. Hand, “Sử dụng Luật cho mục đích chính đáng: Sự cố Sun Zhigang và Sự nổi lên các hình thức công dân hành động ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,” Columbia Journal of Transnational Law 45, no. 1 (2006): 127–31.↩.
5. Wei Lihua and Jiang Xu, “Sifa shenpan zhong de renmin qinghuai yu qunzhong luxian” [Tình cảm và đường lối đại chúng trong việc thử nghiệm tư pháp], trang Web tòa án Trung Quốc, truy cập ngày 22 tháng 6 năm 2011, chỉ có tiếng Trung Quốc: www.chinacourt.org / html / article/201106/22/455318.shtml. ↩
6. Minzner, ” Trung Quốc quay lưng với Luật,” Minzner, 947. ↩
7. “Dui Hua ước tính 4.000 vụ hành quyết ở Trung Quốc, hoan nghênh đối thoại công khai”, trang Web của Dui Hua, ngày 12 Tháng 12 năm 2011, tại http://duihua.org/wp/?page_id=3874. ↩
8. Richard Pipes, Nước Nga dưới chế độ cũ (London: Weidenfeld và Nicolson, 1974), 295 ↩.
Nguồn: CARL MINZNER, “China at the Tipping Point?“, ChinaFile, ngày 11 Tháng Bảy 2013.
Bản Tiếng Việt © 2013 The Pacific Chronicle



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét