Nguyễn Hưng Quốc
Trong mấy tuần vừa qua, giới quan sát Việt Nam cũng như quốc tế đã bàn luận khá nhiều về Nghị định 72 với nội dung “quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng” do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 15/7 và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 9 năm 2013.
Trong nghị định, các trang thông tin điện tử được chia thành bốn loại: Một, trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có chức năng cung cấp thông tin tổng hợp; hai, trang thông tin điện tử nội bộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp với chức năng cung cấp thông tin trong phạm vi cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp của mình; ba, trang thông tin điện tử cá nhân với chức năng cung cấp và trao đổi thông tin của chính cá nhân ấy; và bốn, trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành với chức năng cung cấp thông tin trong phạm vi chuyên ngành của mình.
Điều khiến dư luận chú ý nhất là điều 20.4 với nội dung như sau: “Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp.”
Trong điều khoản ấy, nhà cầm quyền Việt Nam nêu lên hai giới hạn cho các trang thông tin điện tử cá nhân: Một, không đại diện cho ai khác; và hai, không đăng tải các loại “thông tin tổng hợp”. Giới hạn đầu tiên dễ hiểu. Ở đâu cũng vậy. Ngay trong blog này của tôi, ở cuối mỗi bài viết, bạn đọc đều thấy câu này: “Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.” Điều đáng nói là giới hạn thứ hai: Không được “cung cấp thông tin tổng hợp”. Vậy “thông tin tổng hợp” là gì? Điều 3.19 giải thích như sau: “Thông tin tổng hợp là thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin, nhiều loại hình thông tin về một hoặc nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.”
Bất cứ người bình thường nào cũng thấy sự cấm đoán ấy là phi lý.
Thứ nhất, tại sao người ta không có quyền tổng hợp các thông tin chính thức trên báo chí? Một số cán bộ Việt Nam giải thích: vì để tôn trọng vấn đề bản quyền. Nhưng tổng hợp khác với việc in lại. Tổng hợp là chỉ lấy ý hoặc, cùng lắm, trích dẫn ý từ các bài viết khác. Không có luật bản quyền nào cấm trích dẫn một số câu cho việc phân tích và phê bình cả. Khi những câu ấy xuất phát từ giới lãnh đạo chính trị hoặc những nhân vật được xem là người của quần chúng (public figure) thì lại càng không thể cấm đoán.
Thứ hai, cái gọi là “thông tin của chính cá nhân đó” hoàn toàn không mâu thuẫn với loại “thông tin tổng hợp”. “Thông tin của chính cá nhân” không phải chỉ là những thông tin liên quan đến đời riêng, đến vợ/chồng, con cái, nhà cửa, xe cộ, quần áo, bạn bè, ăn nhậu, yêu thương, chơi bời, v.v. mà còn bao gồm cả những điều cá nhân ấy suy nghĩ, thao thức, dằn vặt. Và những điều khiến người ta suy nghĩ, thao thức, dằn vặt không thể chỉ giới hạn trong phạm vi cá nhân hoặc quan hệ liên-cá nhân: Đó có thể là những vấn đề liên quan đến xã hội, văn hóa, chính trị của một nước hoặc ở phạm vi thế giới. Ví dụ, khi tôi bàn đến các chuyện chính trị ở Trung Quốc, đúng là các sự kiện xa xôi ấy đều nằm ngoài “cá nhân” tôi, nhưng sự quan tâm và các suy nghĩ trình bày trong bài viết thì thuộc về tôi. Là một phần của tôi.
Biết phi lý, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn cứ ra lệnh. Tại sao? Đã có nhiều người bình luận: Để hạn chế quyền tự do ngôn luận của các công dân Việt Nam trên mạng lưới internet. Thật ra, theo tôi, vấn đề không phải chỉ là hạn chế quyền tự do ngôn luận. Vấn đề chính là âm mưu tái lập chế độ toàn trị trong lãnh vực tư tưởng ở Việt Nam.
Âm mưu ấy được thể hiện ở ba điểm:
Thứ nhất, chỉ có các cơ quan thông tin và truyền thông chính thống của đảng và nhà nước mới được bàn đến các chuyện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa... nghĩa là về chuyện quốc sự. Nói cách khác, với các vấn đề này, nhà nước hoàn toàn độc quyền. Độc quyền thông tin.
Thứ hai, khi cấm các trang thông tin điện tử cá nhân không được “cung cấp thông tin tổng hợp”, người ta không nhắm đến quyền thông tin mà chủ yếu là nhắm đến quyền diễn dịch tin. Nhân dân, nếu muốn, có thể đọc các tin tức do nhà nước cung cấp, nhưng không được tự mình diễn dịch các tin tức ấy và công bố các sự diễn dịch ấy. Nói cách khác, ở đây, nhà nước muốn độc quyền trong cả lãnh vực diễn dịch tin tức.
Thứ ba, quan trọng hơn, qua những giới hạn ấy, nhà cầm quyền Việt Nam muốn thu hẹp ý nghĩa của khái niệm cá nhân: Đó là một cái gì hoàn toàn bị cô lập với xã hội. Cá nhân không được bàn, không được phát biểu bất cứ điều gì không thuộc về mình. Nghĩa là sao? Nghĩa là, họ muốn mọi người sống như những con vật. Nhớ, cuối bộ phim tài liệu Chuyện tử tế (1985), đạo diễn Trần Văn Thủy có trích một câu nói nổi tiếng của Karl Marx: “Chỉ có loài súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của con người, và chăm lo riêng cho bộ da của mình.”
Nhắc đến Karl Marx, lại sực nhớ đến một ý khác: “Lịch sử thường lặp lại, trước là bi kịch, sau là hài kịch.” Khi viết câu ấy, ông đang nghĩ đến cuộc cách mạng năm 1848, thoạt đầu, ở Pháp, sau đó, lan rộng sang nhiều nước khác ở châu Âu và thế giới, nhưng cuối cùng, riêng ở Pháp, mấy năm sau, nó kết thúc bằng việc tái lập đế chế quân chủ và độc tài dưới quyền của Louis-Napoleon (còn gọi là Napoleon đệ tam). Kiểu lịch sử ấy đang tái diễn ở Việt Nam. Trước, bao nhiêu xương máu người Việt đã đổ ra để xây dựng chế độ “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” và “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” với hai lý tưởng chính: cộng hoà và dân chủ, bây giờ, cái họ nhận được là sự phục hồi của sự độc tài và tàn bạo.
Trong thời đại của hài kịch, bao giờ cũng lố nhố những tên hề. Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, là một trong những tên hề ấy khi cố gắng biện hộ là Nghị định 72 không hạn chế quyền tự do ngôn luận. Ông nói: "Về mặt hình thức có vẻ ràng buộc. Nhưng theo tôi, khi pháp luật quy định đầy đủ nhất là khi chúng ta tự do nhất. Tôi biết tôi được làm gì và không được làm gì. Chứ làm mà không biết mình đang làm cái gì, đúng hay sai thì còn nguy hiểm hơn.”
Ông nói đúng: Những người đang ở tù không hề bị hạn chế tự do. Bởi luật pháp đã quy định như vậy và mọi người đều biết toàn bộ không gian ăn, ngủ, đái,... của họ là trong bốn bức tường kiên cố và kín mít ấy.
Chả trách gì bà Nguyễn Thị Doan, Phó chủ tịch nước Việt Nam, đã có lần dõng dạc tuyên bố: Dân chủ của Việt Nam “cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét