Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

Đù má nó! Ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp khắp mọi nơi

Sự thật về việc ghi nhầm số điện và hành vi lấp liếm của EVN


Minh Hiếu
Chia sẻ bài viết này

EVN khẳng định không có chuyện nhân viên điện lực cố tình ghi nhầm số điện để ăn chênh lệch giá. Còn khách hàng liệu có tin được 2 nhân viên này ghi đúng số điện nhà bạn?
Liên tục những ngày cuối tháng 5 và tháng 6 năm 2013, hàng loạt người dân tại nhiều địa phương trên cả nước (Cà mau, TP HCM, Hà tĩnh, Nghệ an và Hà nội) đã gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan thông tấn báo chí đề nghị điều tra, làm rõ việc hoá đơn tiền điện tháng 5 tăng đột biến, gấp hơn 2 lần tháng trước đó, trong khi họ không sử dụng thêm thiết bị gì, thậm chí có hộ còn đóng cửa đi nghỉ mát…
Nhà chị Hương thuộc quận Ba Đình phản ánh với báo Tiền Phong, tiền điện đã bị nhảy vọt từ 339.000 đồng trong tháng 4 lên 606.000 đồng trong tháng 5. Anh Trung, ngụ đường Kim Mã (Ba Đình) cũng cho biết, tháng 5 anh phải trả 2.024.000 đồng tiền điện, tăng gấp 2,34 lần so với tháng 4. Gia đình chị Hương ở Nguyễn Tri Phương (Ba Đình) tháng vừa rồi phải đóng hơn 2 triệu đồng tiền điện, gấp đôi bình thường dù thời gian này nhà chị có 4 ngày đi du lịch. Dư luận nghi ngờ liệu có sự nhầm lẫn trong việc ghi chỉ số công tơ điện hoặc nhầm lẫn trong cách tính tiền hay không. Thậm chí, có độc giả còn kiến nghị các cơ quan chức năng cần thanh tra ngay lập tức và thật khách quan việc hoá đơn tiền điện tăng đột biến vừa qua để giải quyết triệt để, thấu đáo vụ việc. (Nguồn: http://kienthuc.net.vn/tieu-dung/bat-binh-cach-den-bu-khi-evn-tang-vong-so-dien-240241.html).
Trước đòi hỏi chính đáng đó của dư luận, như thường lệ EVN lại đăng đàn giải thích. Chỉ có điều, đáng lẽ tìm hiểu kỹ nguyên nhân, phúc tra những công tơ có mức tăng quá lớn (bằng hoặc cao hơn mức tăng bình quân của các hộ tiêu thụ điện) để giải quyết thoả đáng quyền lợi cho khách hàng thì EVN vẫn sử dụng cái lý của kẻ độc quyền luôn đúng để lấp liếm vụ việc. Theo đó, EVN Hà Nội cho hay, năm nay thời tiết nắng nóng sớm hơn mọi năm. Đặc biệt, nhiệt độ tăng cao từ trung tuần tháng 5 và kéo dài sang tháng 6, các hộ gia đình đã sử dụng nhiều thiết bị làm mát như quạt, điều hoà… khiến việc tiêu thụ điện tăng đột biến. Sản lượng điện ngày cao nhất của năm 2013 tính đến thời điểm này là 16/5, với tổng mức tiêu thụ toàn thành phố là 48,8 triệu kWh, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái… Tóm lại là do Trời nắng nóng và không có chuyện sai sót trong ghi chỉ số công tơ để ăn chênh lệch giá bởi EVN là doanh nghiệp nhà nước, kết quả sản xuất kinh doanh được hạch toán theo đúng các chuẩn mực kế toán và hàng năm đều được kiểm toán đầy đủ. Nếu ghi nhầm chỉ số, nhân viên ngành điện sẽ bị kỷ luật theo đúng các quy định của nhà nước và của ngành… (Nguồn: http://news.zing.vn/kinh-doanh/hoa-don-dien-tang-dot-bien-evn-do-loi-cho-ong-troi/a334981.html).
Được giải thích như thế mà vẫn không tin tưởng vào sự đúng đắn của EVN hoạ có là… thần kinh. Vì thế rất nhiều người dân bức xúc, tin chắc mình đang bị EVN móc túi mà không biết cãi thế nào. Sự việc có lẽ sẽ chìm xuồng nếu không có chuyện Phòng giao dịch của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), chi nhánh Ba Đình (tại số 62 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) phát hiện sai trái trong chốt chỉ số công tơ tháng 5/2013 của Công ty Điện lực Ba Đình (EVNHN) làm cho chi phí tiền điện tháng 5/2013 của đơn vị này (hơn 9,1 triệu đồng) tăng gấp đôi so với tháng 4. Đơn vị này đã có đủ chứng cứ và EVNHN đã phải thừa nhận sai sót của nhân viên trong ghi chỉ số công tơ.
Rõ ràng, lỗi của EVN là không thể chối cãi nhưng một lần nữa ứng xử của kẻ độc quyền, bất chấp phải trái lại có dịp bộc lộ qua cách khắc phục. Theo đó EVNHN sẽ trừ sản lượng điện bị ghi sai trong tháng 5 vào hoá đơn tiền điện tháng 6/2013.
Về việc này, PGS.TS Ngô Trí Long, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và giá cả, Bộ Tài Chính cho biết, EVN Ba Đình không chỉ "phủi tay" bằng việc bù trừ tiền điện vào tháng sau cho VietBank, đơn vị này phải tìm ra nguyên nhân (khách quan và chủ quan) của việc này và quy rõ trách nhiệm thuộc về ai, giải quyết hậu quả thế nào. Tất cả mọi thứ phải được làm minh bạch, minh bạch trong cả khâu kiểm tra kiểm điểm. Ông cho biết: "Việc làm này của EVN Ba Đình thể hiện sự độc quyền về điện. Anh không thể lợi dụng sự độc quyền đó mà làm sai trái, lấn át người tiêu dùng được. Hoặc nếu người tiêu dùng không phát hiện ra thì anh ém nhẹm đi. Đó là việc làm rất thiếu trách nhiệm của một cơ quan nhà nước".
Ông Ngô Trí Long cũng nhận định rằng, đối với doanh nghiệp như VietBank hiểu rõ pháp luật và việc kiện cáo với họ là chuyện bình thường, nhưng đối với những người dân, họ gặp khó khăn trong việc đó. Các cơ quan chức năng cũng nên vào cuộc để răn đe những "ông lớn" độc quyền như thế này. (Nguồn: http://kienthuc.net.vn/tieu-dung/bat-binh-cach-den-bu-khi-evn-tang-vong-so-dien-240241.html).
Có thể nói, nếu coi hành vi làm sai, chiếm dụng vốn của khách hàng (thu tiền trước một cách bạo ngược) khi bị phát hiện lại ngang nhiên đòi trừ vào tháng sau là chuẩn mực kế toán thì đây là chuẩn mực kế toán riêng có tại EVN mà không ở đâu trên thế giới này có. Đáng lẽ, theo chuẩn mực thông thường, phải trả lại ngay lập tức cho khách hàng số tiền tương ứng với sản lượng điện bị ghi nhầm (không biết vô tình hay cố ý, chúng tôi sẽ phân tích sau), kèm theo đó là lãi suất theo quy định số ngày mà EVN chiếm dụng. Vì nếu không tức là EVN đang ăn cắp tiền của khách hàng. Đồng thời, rà soát lại quy trình ghi chỉ số công tơ, khẩn trương xem xét sự bất hợp lý của vị trí lắp đặt công tơ, bảo đảm để khách hàng cũng có thể giám sát được; kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm khắc những người có liên quan, thông báo cho cả nước và công luận biết để làm bài học chung, tránh gặp phải trường hợp tương tự.
Chứng kiến toàn bộ vụ việc từ lúc ghi chỉ số công tơ, lập luận để chỉ ra sai sót khiến nhân viên EVN phải tâm phục, khẩu phục ký biên bản làm việc, anh Nguyễn Tuấn Linh, PGĐ phòng giao dịch chi nhánh ngân hàng Vietbank rất bức xúc với thái độ lấp liếm của EVN và khẳng định việc ghi sai chỉ số công tơ là hành vi cố ý. Trao đổi với chúng tôi, Ô NDA, 1 nhân viên EVHHN cho hay: “Chúng ta biết là hoá đơn tiền điện được tính theo bậc thang, luỹ tiến. Sản lượng điện tiêu thụ càng lớn thì khách hàng phải trả càng nhiều tiền. Nếu 2 tháng (giả định tháng 5 và 6/2013) gia đình bạn sử dụng 500 số điện (kWh) và hoá đơn được chia xấp xỉ 230 – 270 số điện/tháng thì tổng số tiền điện phải thanh toán hoàn toàn khác (chênh lệch lớn) với phương án tháng 5 là 350 số điện và tháng 6 là 150 số điện”. Đây chính là rủi ro chết người của khách hàng, làm lợi cho EVN và đương nhiên khách hàng phải chịu thiệt thòi.

Biên bản làm việc tại EVN Ba Đình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Thì ra, lâu nay, chúng ta mới chỉ nghe việc khách hàng ăn cắp điện của EVN, còn sau sự kiện này liệu đã có thế nói EVN cũng đang ăn cắp tiền khách hàng? Có thể nói khác được không?
Ô NDA nói tiếp: “Đúng là các nhân viên ghi chỉ số công tơ không thể “ăn trực tiếp” số tiền chênh lệch do thủ thuật chế biến sản lượng điện hàng tháng như nói ở trên”.
Vậy thì số tiền chênh lệch đó đó đi đâu và động cơ nào khiến nhân viên ghi chỉ số của EVN làm như vậy? Xin thưa, số chênh lệch đó vẫn vào túi của EVN và thủ phạm của tình hình này là cơ chế quản lý của chính EVN. Tại EVN, cấp càng cao thì lương thưởng càng cao nhưng trách nhiệm lại càng ít. Khổ nhất là lực lượng lao động trực tiếp, vất vả, nguy hiểm độc hại và phải chịu rất nhiều áp lực trong SXKD. Thường thì EVN sẽ khoán cho các đơn vị kinh doanh một loạt chỉ tiêu nhưng quan trọng nhất là doanh thu và tỷ lệ tổn thất điện năng. Đi kèm với việc giao khoán là tiền lương, tiền thưởng của nhân viên và sự thăng tiến của lãnh đạo đơn vị. Nên nhớ tổn thất thì chủ yếu phụ thuộc vào kết cấu lưới, phương thức vận hành và chất lượng thiết bị - những thứ rất cao siêu, không liên quan và tất nhiên là không phải do các nhân viên kinh doanh điện năng thực hiện. Ngoài ra, tổn thất còn do hiện tượng một số người dân ăn cắp điện của EVN, tuy chiếm tỷ trọng không đáng kể. Giao khoán chỉ tiêu, nghe thì văn minh nhưng thực chất đây là kiểu quản lý phát canh thu tô, vừa vô cảm vừa thiếu trách nhiệm đối với xã hội của EVN. EVN không cần quan tâm các đơn vị kinh doanh bên dưới làm thế nào để đạt chỉ tiêu. Đến lượt mình, nhiều khi, các công ty kinh doanh cũng không hiểu vì sao tổn thất của mình thì tăng còn doanh thu lại sụt giảm và thế là hình thành vòng lặp mới, khoán cho các tổ kinh doanh rồi các tổ kinh doanh lại khoán cho các nhân viên… Không có đủ sản lượng theo mức khoán, tức là tổn thất tăng, không đạt doanh thu thì ắt lương thưởng bị giảm. Đến đây, thì câu trả lời đã rõ, các nhân viên ghi chỉ số, khâu cuối của quá trình SXKD điện năng phải trổ tài để bảo đảm sản lượng và doanh thu theo mức khoán và thậm chí có cách gì mà làm cho doanh thu và sản lượng điện càng cao càng tốt. Bất chấp dân bức xúc thấu trời. Như vậy, có thể nói, số tiền chênh lệch do cố ý ghi sai số điện mặc dù không trực tiếp vào túi của nhân viên nhưng cũng đã vào túi họ một cách gián tiếp. Hiển nhiên, bản chất của lỗi không xuất phát từ hành vi của họ. Chúng ta đã từng chứng kiến một hiện thực, khi trời nắng nóng, hệ thống không đủ điện để cung ứng, EVN liền giao chỉ tiêu cắt điện cho các địa phương và các địa phương sau khi cắt luân phiên vẫn không đạt chỉ tiêu, liền sử dụng chiêu cắt điện hàng loạt để sửa chữa lưới…Dư luận chắc vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ khoán mức phạt hàng năm mà Bộ Công an giao Công an các địa phương mà rất vô tình đã được hé lộ bởi Ông Nguyễn Duy Hưng, Trưởng công an phường Thịnh quang, sau đó được Phó Giám đốc Công an thành phố Hà nội Trần Thuỳ xác nhận. (Nguồn:http://www.tienphong.vn/xa-hoi/561929/se-phai-tang-phat-de-dat-500-ty-dong-tpp.html). Nếu nhìn kỹ thì sẽ thấy cách quản lý của EVN cũng gần như cách khoán phạt của Bộ Công an. Và nếu vẫn tiếp tục quản lý đất nước thông qua các hình thức giao chỉ tiêu và thưởng phạt như thế này thì tìm đâu ra động lực để phát triển.
Độc quyền đã làm cho đầu óc EVN mụ mị, bảo thủ, xơ cứng đến mức ngoan cố. Thật khó để phát động một phương án cách tân trong SXKD điện năng trên nền tảng như vậy. Bao trùm EVN vẫn là tư tưởng lợi ích nhóm, thiếu trách nhiệm. Còn nhớ tại buổi giao ban tháng 5/2010, đích thân Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Phạm Mạnh Thắng lúc đó là Cục trưởng cục điều tiết điện lực đã thẳng thắn phê bình EVN giảm sản lượng điện chạy dầu để giảm lỗ. Những người có mặt tại buổi giao ban, ai cũng hiểu ý của Ông Thắng mặc dù Ông không toẹt móng heo rằng đáng lẽ năm nay điều kiện thuỷ văn không thuận lợi, mưa ít, thời tiết nắng nóng…(Đã được dự báo trước) nên EVN phải tranh thủ phát nhiệt điện ngay từ đầu năm để dành nước chạy thuỷ điện cho thời gian cao điểm. Nhưng EVN đã không làm như vậy. EVN cứ một mình một kiểu nào là đi tận Sơn la lập đàn cầu mưa, nào là hy vọng rồi Trời sẽ khác ?! và do đó sẽ có mưa để chạy thuỷ điện…Tức là EVN sẵn sàng đặt cược sự may rủi trong mưa nắng của trời với các nhu cầu phát triển KTXH cũng như sinh hoạt của nhân dân. Thế nhưng cũng tại buổi giao ban đó, vị lãnh đạo của EVN vẫn lấp liếm, vẫn cho rằng EVN hoàn thành nhiệm vụ và EVN vẫn đặt mục tiêu cung ứng đủ điện cho KTXH lên hàng đầu…Thực tế sau đó đã diễn ra đúng như ý kiến của Ông Phạm Mạnh Thắng. Điện thiếu trầm trọng, kinh tế đình đốn còn bức xúc của nhân dân thì khỏi nói…Cho đến nay, đây là ý kiến hết sức thắng thắn, dứt khoát và cụ thể của một quan chức quản lý đối với EVN. (Nguồn:http://www.tin247.com/evn_cho_lu_moi_khac_phuc_duoc_thieu_dien_nghiem_trong-3-21599381.html).
Giá điện đã lại chính thức tăng từ 1/8/2013. Mặc dù, bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định phải có lộ trình và tuyên truyền để nhân dân biết, còn bộ Công thương thì khẳng định chưa tăng giá điện. Có ngờ đâu các nhà quản lý nhà nước vừa tuyên bố hùng hồn xong thì chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau, nhân dân cả nước lại bị úp sọt bởi quyết định tăng giá điện 5% từ 1/8/2013.

Minh bạch công khai, tạo cơ chế giám sát có hiệu quả, nghiêm khắc vói những người cố ý làm trái vì lợi ích nhóm để phát triển điện lực hay là vẫn theo lỗi cũ để hình ảnh gắn liền EVN mãi mãi là thế này?
Liên tiếp các chuyên gia, các nhà quản lý đầu ngành TS Lê Đăng Doanh, bà Phạm Chi Lan… đã lên tiếng đòi hỏi ngành điện phải minh bạch hơn, có trách nhiệm hơn với đất nước, nhân dân nhất là khi kinh tế đang chìm sâu vào khủng hoảng. Dư luận một lần nữa lại ngạc nhiên khi được một lãnh đạo khác của EVN giải thích rằng lần tăng giá này, EVN thu về khoảng 3.500 tỷ đồng và EVN không dùng để bù đắp lỗ do kinh doanh mấy năm trước mà chỉ dùng để bù đắp do giá than bán cho điện tăng…Còn phần lỗ hàng chục ngàn tỷ những năm qua sẽ được EVN trích trả dần từ lợi nhuận hàng năm. Ô hay, không tăng giá lấy đâu ra lợi nhuận. Trả cho than hay trả cho ai thì cũng đều là chi phí. Đây lại là một câu trả lời lấp liếm. Và như thế, có nghĩa hàng chục ngàn tỷ EVN thua lỗ những năm qua sẽ lại được cân nhắc để úp sọt nhân dân và công luận dăm bảy lần nữa (từ nay không nên nghe các quan chức nhà nước nói về thời điểm tăng giá điện, xăng dầu nữa nhé, tốt hơn là nên chuẩn bị tâm lý bị úp sọt bất cứ lúc nào).
Đã đến lúc thay máu EVN để thay đổi gốc rễ cách thức quản trị vô cảm, lãng phí; rất thiếu trách nhiệm với dân với nước. Đã đến lúc người dân và công luận tuyên chiến với thói quản lý úp úp mở mở như mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng lãng phí hoành hoành tại EVN. Nếu không thì sẽ có một ngày hàng chục, hàng trăm tỷ đô la mà EVN đang nợ của các ngân hàng của các tổ chức tín dụng Quốc tế để đầu tư xây dựng hệ thống sẽ trở thành nợ xấu. Khi đó chắc không phải một Vinashin mà ta đã biết mà tầm vóc vụ phá sản sẽ là hàng trăm vinashin. Xin cảnh báo trước, Vinashin rất khác EVN, Vinashin thì có thể để thối rữa, rồi lấy chỗ này, chỗ nọ đập vô còn khi EVN phá sản thì ngay lập tức đổ xuống đầu nhân dân. Đã có nhiều nước làm cách mạng vì ngành năng lượng rồi đấy. Thật là khủng khiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét