Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Vụ Đinh Đức Lập: HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM BẮT ĐẦU LÊN TIẾNG BẢO VỆ HỘI VIÊN



Vụ Đinh Đức Lập
Báo Người làm báo lên tiếng bảo vệ hội viên

* Ban Thường trực Mặt trận tổ quốc không giải quyết tố cáo theo luật định
* Ông Lập – người bị tố cáo tự giải quyết tố cáo và xử lý kỷ luật người tố cáo
* MTTQVN cần giải quyết dứt điểm công khai, minh bạch
Tạp chí Người làm báo (thuộc Hội Nhà báo Việt Nam) trên trang 21 số 63 tháng 8/2013 vừa đăng bài viết lên tiếng bảo vệ ba nhà báo chống tiêu cực tại báo Đại Đoàn Kết bị chính người tố cáo (ông Đinh Đức Lập – Tổng biên tập) trả thù buộc thôi việc.

Bài viết chỉ rõ, theo Điều 12 khoản 1 luật Tố cáo quy định về thẩm quyền giải quyết những nội dung tố cáo của ba nhà báo thuộc Ban Thường trực Ủy Ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Thế nhưng, Ban Thường trực Ủy Ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã không giải quyết. Thay vào đó là việc “sút bóng” cho Đảng đoàn Ủy Ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam giải quyết. Đảng đoàn chỉ là lãnh đạo đường lối của toàn ngành chứ không quản lý trực tiếp chi bộ và báo Đại Đoàn Kết. Cái sai lại tiếp cái sai khi Đảng đoàn MTTQ không trả Kết luận cho người tố cáo theo điều 26 luật tố cáo quy định. Điều này nếu không phải nhằm bao che, cố tình giải quyết sai nội dung tố cáo ông Lập của Đảng đoàn MTTQ, mặt khác để người tố cáo không có căn cứ để khiếu nại thì là gì?.

P. V

Bài trên Người làm báo:
3 nhà báo bị kỷ luật tại báo Đại Đoàn Kết tiếp tục khiếu nại
Mộc Miên

Bài báo “Bị buộc thôi việc sau khi tố cáo” – liên quan đến vụ việc kỷ luật 3 nhà báo tại Báo Đại Đoàn Kết đăng trên báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh ngày 4.8.2013 đã gây sự chú ý trong dư luận. Vụ việc tiếp tục “nóng” lên khi Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết bày tỏ quan điểm kỷ luật thôi việc 3 nhà báo này ở mục “Cùng bạn đọc” (trang 3 số báo ngày 5.8.2013; daidoanket.vn ngày 9.8.2013) là do “Quá trình cơ cấu lại tổ chức, quy trình sản xuất của tờ nhật báo, một số cá nhân không theo kịp sự phát triển, vì lợi ích cá nhân đã tỏ ra bất mãn, dần xa rời tập thể. Họ liên tục có hành vi vi phạm quy chế hoạt động của Báo, vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ viên chức và những việc viên chức không được làm quy định tại Luật Viên chức, vi phạm các nghĩa vụ cam kết trong hợp đồng làm việc...”.

Vụ việc bắt đầu từ ngày 7.5.2012 khi 3 nhà báo của Báo Đại Đoàn Kết là Đặng Thị Kim Ngân – Phó Trưởng Ban Khoa giáo, Nguyễn Mạnh Thắng – Phó Trưởng ban văn hóa Nghệ thuật; Bùi Hữu Phước (tức Hữu Nguyên) – Phó Trưởng ban Đại diện Báo tại TP. Hồ Chí Minh làm đơn tố cáo sai phạm của Tổng biên tập Đinh Đức Lập.

Sau hơn một năm, Ban Thường trực Ủy Ban Trung ương MTTQVN vẫn chưa có kết luận giải quyết đơn tố cáo mà chỉ có kết luận giải quyết tố cáo của Đảng đoàn Ủy Ban Trung ương MTTQVN. Tuy nhiên, khi công bố kết luận này, 3 nhà báo chỉ được mời lên nghe thông báo kết luận với lý do “Thực hiện nguyên tắc Đảng” nên không trả lời kết luận giải quyết đơn tố cáo bằng văn bản theo như điều 26 luật Khiếu nại – Tố cáo quy định, khiến vụ việc càng căng thẳng hơn.

Nhà báo Kim Ngân, cho biết cả 3 anh chị đều phản ứng mạnh mẽ trước cách xử lý trên vì Điều 12 khoản 1 luật Khiếu nại - Tố cáo quy định rõ thẩm quyền giải quyết tố cáo: “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết”. Như vậy, thẩm quyền giải quyết những nội dung tố cáo đối với 3 nhà báo kể trên thuộc về ban Thường trực Ủy Ban Trung ương MTTQVN. Tuy nhiên tạiBáo Đại Đoàn Kết, trực thuộc Ủy Ban MTTQVN – Tổng biên tập Đinh Đức Lập đã giải quyết tố cáo và xử lý kỷ luật buộc thôi việc những người đã tố cáo mình.

Hiện nay, cả 3 nhà báo bị kỷ luật thôi việc vẫn tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền can thiệp, đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam, lên tiếng bảo vệ Hội viên, đồng thời nhờ luật sư hỗ trợ pháp lý và nộp đơn kiện ra tòa án Quận Hoàn Kiếm (TP. Hà Nội). Vụ việc không những vượt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của những “Quy chế hoạt động” nội bộ cơ quan báo chí, mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật khác như Luật Báo chí, Luật Lao động, Luật Viên chức, Luật Khiếu nại – Tố cáo.

3 nhà báo vẫn chưa hề nhận được bất kỳ văn bản kết luận giải quyết đơn tố cáo nào của cơ quan có thẩm quyền. Đã đến lúc cơ quan chủ quản cần giải quyết dứt điểm vụ việc tại Báo Đại Đoàn Kết một cách công khai, minh bạch các kết luận thanh tra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét