Bùi Tín
Bản Hiến pháp 2013 đã được thông qua, với tuyệt đại đa số phiếu có mặt 486/488 = 97% phiếu bầu.
Lãnh đạo đảng và Quốc hội kiên định đi theo ý của mình, bất chấp lời yêu cầu hoãn bỏ phiếu để lấy thêm ý kiến của công dân, thảo luận thêm cho kỹ vì khá đông trí thức trong nước cho rằng bản dự thảo còn nhiều điều cũ kỹ, giáo điều, có một số điểm còn lùi lại so với Hiến pháp 1992, chưa đạt mức đổi mới cần thiết.
Bộ Chính trị và Ban Thường trực Quốc hội vẫn tự tin mình là Vua tập thể, như cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nhận định, tự cho ý mình là ý Trời, toàn dân phải cúi đầu vâng lệnh.
Như thế, Quốc hội đã thông qua với tỷ lệ gần tuyệt đối 100%, không có phiếu chống nào, chỉ có 2 phiếu trắng.
Một cuộc bỏ phiếu hoàn hảo, mỹ mãn, chỉ có dưới thời Xô Viết của Stalin, thời Mao, thời họ nhà Kim/Bắc Triều Tiên.
Các vị lãnh đạo đảng, nhà nước, Quốc hội vui vẻ, hài lòng, hân hoan ra mặt. Họ mở đại tiệc trưa 30/11.
Theo mạng của Đảng Cộng sản ngày 29/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cao hứng tuyên bố rằng: ”Đây là cuộc họp rất quan trọng. Hiến pháp là đạo luật cơ bản làm nền tảng chính trị cho đất nưóc. Các đại biểu đã tận tụy hết mình, với tinh thần khoa học, đã lắng nghe, tìm hiểu, tiếp thu, chắt lọc tinh hoa trí tuệ của đồng bào, chiến sỹ, bà con ở nước ngoài, các cấp các ngành của hệ thống chính trị để hoàn thiện bản Hiến pháp này.“
Thay mặt Ban Thường vụ Quốc hội, ông Uông Chu Lưu mở ngay cuộc họp báo, tán tụng tiếp: ”Qua cuộc thông qua Hiến pháp mới, ý đảng là lòng dân, lòng dân khẳng định niềm tin, ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân đối với đảng lãnh đạo.”
Bà Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Doan huênh hoang: “Cuộc thông qua Hiến pháp hết sức dân chủ, cởi mở, việc dự thảo rất công phu, phản ánh trí tuệ của toàn dân. Việc thi hành Hiến pháp bắt đầu từ ngày 1/1/2014 sẽ đặt cơ sở cho bước phát triển mới của đất nước.”
Họ vui mừng, hớn hở ra mặt vì trong thâm tâm ngỡ rằng họ đã hoàn thành một cuộc đánh lừa hoàn hảo.
Thế nhưng thời thế đã khác, và cũng đã có những đánh giá khác hẳn. Nhiều trí thức đã không ngạch nhiên, tỏ ra thất vọng. Họ cho rằng với những người lãnh đạo hiện nay tất là phải như thế. Chỉ là một sự đánh tráo khái niệm, một cuộc lừa dối quy mô, đổi rất nhiều câu chữ thứ yếu để không thay đổi gì thực chất, nhằm kiên trì chủ nghĩa Mác - Lê lỗi thời, kiên định chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa xã hội mơ hồ, kiên định chế độ toàn trị độc đảng, kiên trì kinh tế nhà nước là chủ đạo, kiên trì sở hữu toàn dân về đất đai. Chính 5 điều kiên định đó mới cần thay đổi, dứt khoát vứt bỏ. Một cuộc phản biện lập tức diễn ra quyết liệt trên các blog tự do, đặc biệt là trên Diễn đàn Xã hội Dân sự, một cuộc phản biện sâu sắc, mạnh mẽ, triệt để, thấu lý đạt tình hơn.
Phản biện dữ dội nhất là lần này là về thái độ sai lầm của lãnh đạo không còn úp mở, công khai đặt đảng đứng trên nhân dân, Hiến pháp tuân theo Cương lĩnh của đảng. Rõ ràng nhất là Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) của đảng vừa duyệt bản Hiến pháp xong là đưa ngay ra buộc Quốc hội bỏ phiếu, như đóng kịch, vì 90% đại biểu Quốc hội là đảng viên, phải tuân theo kỷ luật của đảng. Đảng chủ đã tiêu diệt dân chủ. Quốc hội thực chất là “Đảng hội”. Đảng đã cưỡng ép Quốc hội, nên Hiến pháp thực chất là bản “hiếp pháp”. Theo mạng Dân làm báo ngày 30/11, Giáo sư Tương Lai nhận xét rằng Quốc hội khóa XIII đã phạm tội đối với đất nước, dân tộc do những hệ quả nguy hiểm nó mang lại. Công dân Nguyễn Lân Thắng đề nghị giải tán Quốc hội do sai lầm cao ngạo dám tự đặt mình cao hơn nhân dân.
Hiến pháp mới không mảy may mang chất nhân dân, do dân, vì dân, nên sau khi ông Uông Chu Lưu khẳng định đã tiếp thu, nghiên cứu, sàng lọc, rút ra tinh hoa trí tuệ của nhân dân để đưa vào Hiến pháp mới, một nhà báo hỏi ông đã tiếp thu những ý kiến nào hay nhất của nhân dân thì ông phó chủ tịch Quốc hội tịt mít, không nói nổi.
Công luận biết rõ một loạt ý kiến xác đáng nhất, tâm huyết, khoa học nhất trong kiến nghị của 72 trí thức được 14.785 công dân tán đồng đã bị vứt vào sọt rác, thậm chí còn bị chụp mũ là lạc hậu, trái đạo đức, phản động.
Trong cơn suy thoái của đảng CS về mọi mặt, về quản lý kinh tế tài chính cũng như về điều hành ngành y tế giáo dục, về tính cương trực cầm quyền cũng như về duy trì đạo đức xã hội, chưa bao giờ uy tín của đảng, của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, của chính phủ, Quốc hội lại xuống thấp như hiện nay, bị cả xã hội chê trách, coi thường. Cũng đúng vào lúc các tổ chức quốc tế và Liên Hiệp Quốc yêu cầu VN phải tỏ ra biết phục thiện bằng việc làm trong tôn trọng nhân quyền khi vừa mới được vào Hội đồng Nhân quyền.
Bô Chính trị đã tính sai một nước cờ khi quyết định ép Quốc hội thông qua một dự thảo cực kỳ bảo thủ, lạc hậu đến ghê người. Ngay đoạn mở đầu đã ca tụng chủ nghĩa Mác - Lênin, cứ như hơn 20 năm về trước. Họ đã khinh thường nhân dân, miệt thị trí thức, lườm ngúyt thanh niên, thù ghét nông dân, bóp chết nhà kinh doanh vừa và nhỏ, đàn áp người dân chủ, yêu nước, vậy họ định sống hòa thuận yên ổn với ai?
Với thái độ bịt chặt tai, nhắm nghiền mắt không thèm nghe tiếng dân, đặt dân dưới chân của đảng, bắt dân phủ phục thi hành từ ngày 1/1/2014 bản hiến pháp được thảo tuân theo cương lĩnh của đảng, thực sự đảng đã bắt dân hàng phục mình. Đây là một cuộc chiến tranh không tuyên bố, sau một cuộc phản bội tưởng như hoàn hảo, trót lọt.
Thật ra đây chỉ là một quả lừa vụng về, dại dột, không đúng lúc.
Và nhân dân đã và đang trả lời.
“Hội không đồng ý với Hiến pháp” lập tức xuất hiện. Chỉ trong vài giờ đã có vài trăm công dân ghi tên tham gia.
Hàng loạt công dân tuyên bố “bất tuân dân sự”. Một đảng khinh miệt dân, một nhà nước coi dân và trí thức dân tộc như cỏ rác còn xứng đáng cầm quyền, còn đáng được tôn trọng không? Một đảng rắp tâm phản bội nhân dân đến thế ắt nhân dân biết phải ứng xử lại ra sao cho phải lẽ. “Hội phụ nữ nhân quyền“ cũng đàng hoàng xuất hiện. Tổ chức thúc đẩy nhân quyền chuẩn bị xuất hiện. Người dân bật dậy, từ đất dấy lên, mời gọi, vẫy nhau.
Mọi người hãy nghĩ đến sức dân. Sức Ngu Công dời núi. Nguyễn Trãi, Chu Văn An đã bàn về sức dân. Chèo thuyền lật thuyền là sức dân. Thánh Gandhi đã chỉ rõ sức dân, tay không, ý chí vững bền là vô địch. Mandela gọi số đông thức tỉnh có tổ chức là phép nhiệm mầu, sức công phá mạng hơn vũ khí, bạo lực. Huống gì sức mạnh của dân tộc gắn với sức mạnh của thời đại sẽ làm tăng thêm sức công phá cường quyền, tăng thêm phép nhiệm màu.
Bùi Tín
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét