Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Nhìn lại 70 năm lịch sử Việt Nam

Nguyễn Hữu Liêm 

Tác giả gửi Dân Luận
Chia sẻ bài viết này

Cách đây 70 năm, trong những ngày cuối năm bên đèn dầu heo hắt, Lý Đông A, một chàng thanh niên trẻ Việt Nam, nhìn lên tấm lịch cũ treo trên tường đất, suy tư về ý nghĩa của con đường đấu tranh và lịch sử dân tộc. Đối với Lý Đông A, cha đẻ của chủ thuyết Duy Dân, thì lịch sử là một tiến trình hiện thực hóa lý tưởng của con người, của nhân loại. Với phong thái quán tưởng của một con người trong giai đoạn chuyển tiếp, Lý Đông A kêu gọi thanh niên Việt Nam, nhân những ngày cuối năm, “Hãy nhắm mắt lại, trở lại tự mình, xem cái sinh mệnh của tự mình tất thấy tất cả cái kết hợp và sinh mệnh của loài người, của lịch sử muôn năm cho đến ngày hôm naỵ"
Đối với Lý Đông A thì cuộc đời, “chỉ thấy đau khổ và chỉ còn rớt lại đau khổ trong cái vạch hướng thượng của đời sống.” Là một Phật tử, Lý Đông A chiêm nghiệm cuộc đời trên căn bản của một con người nhận chân ra giá trị của khổ đau để vươn mình đi tới. Ông trích Mạnh Tử rằng, “Trời sắp giáng đại mệnh cho ai, tất bắt người đó óc mỏi, gân nhừ, tim héo, phổi mòn, đủ điều khốn khổ, bách chiết thiên ma, làm cho người đó đứng dậy mà lớn lao lên.” Theo Lý Đông A thì mỗi dân tộc có một khổ nạn của số phận. Dân tộc phải chịu đau khổ như cá nhân để dân tộc đó được đi đến con đường “Thắng Nghĩa” và “Thắng Nhân”. Có thể ông đã chịu một ít nhiều ảnh hưởng của Immanuel Kant cách khoảng 150 năm trước, Lý Đông A chủ trương rằng mục đích của lý tưởng quốc gia và dân tộc là thể hiện được chân lý và đạo đức của Tạo hóa. Theo ông, “Quốc gia với dân tộc chỉ là một khái niệm, một tên gọi rỗng không nếu không sung thực cho nó một thực thể ở bên trong.” Lý Đông A nói tiếp, “Quốc gia hay dân tộc chỉ là hư danh” mà phải tìm thấy và phải thực hiện “cái sinh mệnh thực thể của giống nòi và toàn dân hướng theo một lý tưởng và chính nghĩa.”
Khi Lý Đông A đang viết những dòng chữ trên thì Thế chiến thứ Hai đang tiếp diễn. Những con người thao thức của thời đại đang đi tìm và bị đẩy vào những chọn lựa quyết liệt. Mỗi bước đi tới của Việt Nam thời đó đều mang thảm họa trộn lẫn với cơ hội. Lý Đông A nhìn
lên tường, trầm tư để nghĩ đến cái “Sử hồn” của dân tộc Việt. Từ những thao thức đó, ông viết thành một tiểu luận phân bày một ý nghĩa về tiến hóa lịch sử gọi là “Duy Dân Biện Chứng.”
Lý Đông A hỏi, “Trải 5.000 năm qua, nòi giống chưa bị diệt vong, phải có một lẽ gì? Và phải có một việc gì để làm?” Có thể ông đã hỏi tiếp, “Không lẽ cái giá trị hiện hữu của dân tộc Việt chỉ là để bị đau khổ?” và “Đau khổ cho mục đích gì?” Lý Đông A không trả lời những câu hỏi này mà chỉ còn hy vọng là “Chỉ có những người dưới địa ngục mới thực nghiệm thấy cái đau khổ của nòi giống và chúng sinh.”
Nhưng khi nhìn vào khối nhân loại trước mặt, nhất là dân tộc Việt, Lý Đông A nhìn thấy được luồng “Gió Đáy”. Luồng “Gió Đáy” của ông là thế hệ của thập niên 1940-50. Thế hệ của thời đó “tác dụng chủ đạo của mình” để làm việc cho “Thời Đại 2000.” Ông nói, “Chỉ có thế hệ thực tiền tiến” trang bị cho mình “trí viễn kiến và dũng cảm” để “đủ huyết tính ra gánh vác công việc lớn lao của thời đại trao cho.” Lý Đông A nhấn mạnh rằng dân tộc tính chỉ “tỏ lộ được sinh mệnh thực thể” khi chúng ta mang “chính nghĩa kiến thiết.” Và cái nền tảng căn bản là sự tiến hóa. Tiến hóa cho mỗi con người và cho cả dân tộc. Theo ông, “Người Việt ta phải hiểu thấu cái Để Uẩn tối thiêng liêng của nòi mình, cái lý niệm tối thực tại của Tiên với Rồng.” Ông trầm tư về “Một thế kỷ lâm ly, khố ải để thẩm thấu vào lòng mọi người Việt, cái bột phát của tương lai, cái đột biến của sự nghiệp.”
Lý Đông A có lẽ là triết gia chính trị duy nhất của Việt Nam trong gần thế kỷ qua. Ông là cha đẻ của sử quan mới trong đó cái “Lẽ Sống” của dân Việt phải được suy nghiệm. Tất cả chính trị và cách mạng đều phải cho sự tiến hóa của đạo lý dân tộc. Nhưng Lý Đông A chỉ nói lên được nỗi khát khao của con người thời đại với những vốn liếng kiến thức giới hạn và cũng còn quá nhiều cực đoan tính. Lý Đông A chỉ dừng lại ở biên giới dân tộc và chủ trương cách mạng bạo
lực với những ngôn từ của một nhà giảng đạo hơn là một tư tưởng gia - mặc dầu ông đã nói lên được nhiều nội dung triết học cách mạng sâu sắc của thời đại. Năng lực cách mạng của thời đại Lý Đông A ở tiền bán thế kỷ XX này vẫn còn mang nhiều tính chất thô sơ của tình cảm “non song,” “dân tộc” mơ hồ khi đối diện với một logic mới của lịch sử mà Tây phương đang nắm đầu dây chuyển động. Lý Đông A đáng cố gắng vùng vẫy thoát ly khỏi qua khứ ràng buộc nặng nề vào tư duy của một người Việt Nam đang đi làm cách mạng cứu nước.
Tuy nhiên, khuyết điểm lớn nhất của triết học chính trị Lý Đông A là không đưa ra được một nội dung giá trị cơ chế nào ngoại trừ lẫn quẫn ở chữ “Nhân” mơ hồ ràng buộc bởi cái đạo làm người trong hệ thống giá trị của Trung Hoa và Khổng Giáo. Lý Đông A cũng như toàn thể hệ thống triết học Đông phương đã thần tượng và lý tưởng hóa quá mức về khả năng chính trị của con người, vượt qua khỏi biên độ thực tế cần thiết, nhằm xác định một tầm mức khả thể thực tiễn cho vấn đề chính trị và xã hội vốn đòi hỏi những phương thức giải quyết trên căn bản định chế, tổ chức, và chính sách.
Từ trong khoảng trống to tát của triết học chính trị này, thanh niên Việt lên đường đi tìm tư tưởng chính trị mới. Trong đó có Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu và biết bao nhiêu người trẻ thao thức khác. Trường hợp của Hồ Chí Minh và các nhà tiền phong Cộng sản đại diện cho một trào lưu cách mạng tuyệt đối và cực đoan mà thời đại tạo nên. Những người Cộng sản Việt Nam là những người yêu nước với lý tưởng dân tộc, công bình xã hội. Họ ra đi trong cái nỗi đau chung của thế hệ với cực đoan tính của thời đại với những năng lực cách mạng sôi bỏng. Kết tụ lịch sử oai hùng của dân tộc và của người Cộng sản Việt Nam là chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là một chiến thắng hiển hách, mang đủ anh hùng tính của dân tộc ta thời đại đó trước vấn nạn thực dân bạo lực.
Có lý luận cho rằng người Cộng sản đã “cướp công” kháng chiến chống Pháp của toàn dân vì những người đi kháng chiến thời Việt Minh đã không ra đi và chiến đấu cho lý tưởng Cộng sản. Lý luận này mang tính chất tình cảm để phủ nhân giá trị lịch sử của đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng ta phải có một cái nhìn quân bình hơn.
Nguồn gốc của chủ nghĩa Cộng sản, hay Xã hội Chủ nghĩa theo mô thức Marxist-Leninism, là lương tâm nhân bản hiện thực hóa qua ảo tưởng triết học. Đây là một hệ thống triết học chính trị phát xuất từ sự bất mãn với tình trạng dã man và bất công của giai đoạn kinh tế tư bản non nớt ở Âu châu ở thế kỷ thứ XIX. Chủ nghĩa này đặt niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh của con người đối với lịch sử và muốn chuyển hóa xã hội bằng lý tưởng quản trị lịch sử. Lịch sử phải được nắm đầu và dìu dắt đến một chọn lựa lý tưởng trừu tượng và toàn thiện. Chủ nghĩa Cộng sản lạc quan quá đáng vào khả năng cách mạng giá trị toàn bộ để chuyển hóa con người và xã hội một cách khẩn cấp. Tính lạc quan này tập trung được những ước mơ đầy ảo tưởng của nhiều thế hệ từ những con người có đầu óc nhìn thấy được những hiện tượng bất thường và bất thiện của lịch sử. Họ phân tích sâu sắc căn bệnh của thời đại và đổ tội vào cơ chế và cơ cấu xã hội èo uột và bất công đương thời. Chính ảo tưởng lịch sử với những lý luận mang nhiều tính chất khoa học và triết lý Tây phương mà chủ nghĩa này đã nắm được năng lực tình cảm chính trị của quần chúng, nhất là giới trí thức đang được mở mắt ra trước giá trị Tây phương nhưng vốn ngây thơ và nông cạn về triết học chính trị.
Chủ Nghĩa Cộng sản đóng vai trò của một tôn giáo cho những xúc động nhân bản để biến tất cả những con chiên thành những chiến sĩ cực đoan cho một lý tưởng cực đoan. Thảm họa bắt nguồn từ đó. Khi một tuyệt đối luận như Marxist-Leninism được trang bị cho những con người cực đoan thì hậu quả không lường được. Chính câu nói của Lenin, "Cực đoan cộng với ngu dốt là thảm họa" đã áp dụng đúng cho trường hợp này. Thêm vào đó, người Cộng sản biết sử dụng tình cảm lý tưởng cao độ này để biến thành sức mạnh tổ chức, biến chính quyền thành khí cụ để chuyển hóa toàn bộ xã hội. Đối với giới trí thức, nhất là khối quần chúng vừa bắt đầu có ý thức chính trị ở các nước chậm tiến như Việt Nam thì chủ nghĩa này vừa khoa học, vừa nhân bản, lý tưởng, tuyệt đối, cách mạng toàn diện, có mục tiêu tôi hậu và điểm đi đến cho lịch sử nhân loại.
Giới tiền phong Cộng sản Việt Nam lớn lên trong bối cảnh đầu thập niên này khi nước nhà thì nghèo đói, nô lệ, lạc hậu, nhục nhã, với cơ chế thực dân áp bức, bất nhân cùng với triều Nguyễn bất lực, lạc hậu, ngu dốt. Việt Nam thời đó không những chỉ đương đầu với hai cơ chế trên mà thôi mà còn bất mãn tận cùng cái truyền thống văn hóa, xã hội lạc hậu, phong kiến, thiển cận không đủ năng lực để chuyển hóa. Những giá trị và cấu trúc xã hội Khổng Nho và Phật giáo giống như những ngôi miếu trong góc vườn thiếu khả năng đương đầu với chao động toàn diện của giai đoạn lịch sử đó. Chúng ta hãy đọc lại những vần thơ Chế Lan Viên để thấy được tâm tình này: “Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ!” Ở đầu thế kỷ XX, nếu không có Pháp đô hộ Việt Nam đi nữa, thanh thiếu niên Việt Nam cũng lên đường ra đi. Thời đại như thế đã sinh ra những đứa con lãng tử lịch sử bị chơi vơi với trước ánh sáng mới của văn minh nhân loại. Họ ra đi không những chỉ vì bất mãn mà còn muốn tìm kiếm một linh hồn cho chính mình, cho dân tộc. Đây là những con người dân tộc muốn phủ nhận quá khứ và hiện tại phủ phàng để mong cứu đất nước và chính mình. Dù họ có muốn trở lại căn nhà xưa đi nữa, họ cũng đã phải bước vào ngõ cụt không lối thoát. Căn nhà tổ tiên đã mục nát tận rường cột. Đình làng, chùa chiền, đền miếu bị Pháp, tức là văn minh Tây phương, đang tiêu diệt cả về phương diện vật thể lẫn tinh thần. Tâm hồn của họ chìm ngập trong tâm trạng đau xót của nỗi “nước mất, nhà tan.” Những đứa con dân tộc Việt ở đầu thế kỷ XX đã phải đương đầu với hai công trình lịch sử lớn: Giành độc lập và xây dựng một Việt Nam mới.
Đứng giữa hai gọng kềm, một là bất mãn và thất vọng với truyền thống và hiện tại; hai là mặc cảm và hận thù đối với Pháp và Tây phương, người con Việt chỉ còn muốn đi tìm một con đường thứ ba. Phan Bội Châu, Lý Đông A, Phan Chu Trinh cùng các nhà yêu nước thời đại đều nhìn ra phía ngoài, hy vọng tìm một mô thức mới khả dĩ có thể cứu nước, xây dựng nước nhà trên căn bản giá trị Đông phương nhưng với tính thực tiễn và khoa học Tây phương. Nhưng những nhà cách mạng này lúng túng cho một hệ ý thức cho thời đại. Họ chỉ có diễn đàn đánh đuổi thực dân nhưng mơ hồ về một mô hình chính trị và xã hội cho Việt Nam khi đã giành được độc lập. Trong khi đó, Hồ Chí Minh và đồng chí của ông nao nức và triệt để hơn. Họ cảm nhận được cái lúng túng của những nhà cách mạng thời đó. Họ muốn có một phương thức cách mạng sâu rộng và toàn diện để đáp ứng nhu cầu to lớn của thời đại.
Trước bối cảnh tinh thần và hoàn cảnh mà những người Cộng sản tiền phong đã có như thế, chúng ta hãy thử đặt chính mình vào thực tế khách quan và nội tại đó - bỏ đi mấy chục năm cái xa xỉ đứng nhìn những thảm họa từ chủ nghĩa Cộng sản đối với Việt Nam - thì chúng ta đã có khuynh hướng chính trị như thế nào?
Những người như Hồ Chí Minh, Trần Phú, Tạ Thu Thâu... lần đầu tiếp xúc với chủ nghĩa Cộng sản Marxist-Leninism đã cảm thấy như một người lạc lõng, tuyệt vọng giữa sa mạc tìm được nước uống và bản đồ. Sự chọn lựa chủ nghĩa Cộng sản đối với họ, trong hoàn cảnh đó, là sự chọn lựa sai lầm của những người yêu nước. Nhưng sự sai lầm này không thế tránh được.
Khi họ đã có chủ hướng, người Cộng sản từ đó đã được trang bị một ý thức hệ và khoa học tổ chức cách mạng chính trị hiệu năng và tàn bạo. Cộng sản Việt Nam, từ đó, đáp ứng được với nhu cầu chiến tranh bạo động chống thực dân. Họ không ngần ngại sử dụng hết mọi thủ đoạn để phục vụ chọ lý tưởng ý thức hệ và mục tiêu tổ chức. Bất cứ cản trở nào đối với họ đều phải bị tiêu diệt, kể cả các phe cách mạng dân tộc chống Pháp, những nhà yêu nước, những chiến sĩ dân tộc. Cuối cùng, người Cộng sản làm chủ được năng lực cách mạng dân tộc thời đại và thành công đánh đuổi thực dân Pháp.
Chúng ta phải nhớ rằng, trong đấu tranh chính trị quyết liệt, nhất là ở mức độ lạc hậu của dân tộc ta thời đó, mục tiêu giành được chủ động độc tôn cách mạng và lãnh đạo chính trị là điều đương nhiên. Cái tàn bạo, giết chóc không cần thiết cũng không chỉ có người Cộng sản đã vi phạm. Hãy nhìn thực dân Pháp đã tàn sát dân lành như thế nào trong thời gian này. Hãy nhìn lính Nhật và trận đói khủng khiếp Ất Dậu. Chính đảng Cộng sản Việt Nam đã có những chương trình cứu đói cho các tỉnh miền Bắc và Trung Phần. Các đảng phái quốc gia thì bất lực, thụ động, làm ngơ, lo tranh chấp nội bộ, và cũng tàn sát lẩn nhau không kém. Tuy nhiên, cái nỗi bật là tính triệt để và tàn ác cao độ khi người Cộng sản hành xử đấu tranh và cách mạng.
Phán xét nghiêm khắc trên phương diện chính sách và phương thức hành xử chính trị của người Cộng sản Việt Nam đối với các đoàn thể tổ chức, cá nhân yêu nước thời đại là một việc. Tuy nhiên, sự “đổ tội” cho người Cộng sản khi họ vận động, sử dụng được sức mạnh cách mạng bằng lý tưởng chủ nghĩa nằm trên phương diện khác. Nên nhớ rằng cách mạng phải cho một lý tưởng chính trị và xã hội nào đó khi đất nước đã được độc lập. Dân chủ, Tư bản, hay Cộng sản đều là những mô hình chính trị, xã hội Tây phương cả. Hãy ví dụ: Nếu Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học vận dụng được sức mạnh thời đại và đánh đuổi được thực dân Pháp, thiết kế Việt Nam bằng một mô thức mới (Quốc Dân Đảng là mô thức chính trị Trung Hoa) đem đến những hậu quả tai hại cho nước nhà, thì liệu cái lý luận Quốc Dân Đảng “cướp công” kháng chiến có hợp lý hay không?
Người Cộng sản Việt Nam đã không cướp công của ai cả. Tác phẩm chính trị, kinh tế, lịch sử hiện nay của Việt Nam là của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng Việt Nam đang đi về đâu?
Trước hết, trên bình diện rộng lớn về một viễn kiến chính trị cho tương lai, người Cộng sản Việt Nam, cho đến nay, 1991, vẫn tiếp tục xác nhận lý tưởng Xã hội Chủ nghĩa, mô thức Marxist-Leninism. Họ vẫn tin vào rốt ráo tính của những dự phóng ý thức hệ mà lịch sử và nhân loại đã đào thải. Hãy bình thản nhìn lại ý nghĩa của cách mạng và chính trị.
Những vận động cách mạng, chính trị, xã hội đều nằm trong sự vật lộn của con người đương đầu với vấn nạn ngàn năm về mục tiêu tối hậu của lịch sử và giá trị hiện hữu. Những chuyển biến liên tục trong khoảng năm thế kỷ qua đều nhằm đánh thức và mở lối những con
đường có thể của ý thức. Một lộ trình đã được mở ra là “lịch sử tuyệt đối luận” không còn bị kềm kẹp bởi ảnh hưởng thần học. Nhân loại kinh nghiệm tuyệt đối luận này qua kinh nghiệm Cộng sản trong suốt thế kỷ qua. Tinh hoa của hệ thống triết học chính trị Marxism thu gọn trong niềm tin rằng vật thể cấu tạo tiền đề cho ý thức. Xuống một mức nữa, Marxism muốn lấp cái hố sâu chia cách cá nhân và xã hội để chấm dứt hiện tượng vong thân cho nhân loại. Cơ chế xã hội không thỏa mãn được lý tưởng nhân bản là nguồn gốc thao thức không cùng để tìm cách phế bỏ. Niềm tin vào khả năng của con người có khả năng kiến tạo cơ chế phản ảnh giá trị nội tại chủ quan là động cơ cách mạng thường trực. Nhưng niềm tin đó đã được hiện thực chưa và có thể thành đạt không?
Hãy nhìn vào lịch sử cận đại. Hãy nhìn vào Việt Nam. Hố ngăn cách giữa giá trị nội tại giữa cá nhân và cơ chế xã hội lại càng sâu thẵm. Tình trạng vong thân, tha hóa ở nước nhà còn trầm trọng hơn ở các nước tư bản, hay ngay cả những quốc gia nghèo đói lạc hậu không Cộng sản. Nền tảng triết học của Marxism sụp đổ trước kinh nghiệm lịch sử từ các quốc gia theo chủ nghĩa Cộng sản.
Lịch sử không thể uốn nắn bằng tuyệt đối luận, lãnh đạo bởi một thiểu số mang ảo tưởng. Lịch sử là tiến trình chọn lựa hợp lý, vừa phải, trong giới hạn của thời đại, hoàn cảnh và con người. Lịch sử là một trường tiến hóa bất tận. Lịch sử phủ nhận chủ nghĩa Cộng sản vì nó không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, cải tiến xã hội, giáo hóa con người. Nó đè bẹp và bóp chẹt giá trị nhân bản vì bản chất độc tài và hoàn cảnh đời sống kinh tế, vật chất khó khăn. Nó không mở lối tự do để đáp ứng những ước vọng phổ quát cho cá nhân. Nhân loại đã đổ quá nhiều máu xương và nước mắt để thử nghiệm xã hội chủ nghĩa. Cái mà người Cộng sản Việt Nam phải công nhận bây giờ là xã hội chủ nghĩa không có tương lai cho nhân loại và cho dân tộc.
Nghĩa là, Yêu nước là phải từ bỏ xã hội chủ nghĩa. Lúc này và bây giờ!

***
Cách đây hơn một thế kỷ rưỡi, Karl Marx bắt đầu bình chú về cơ chế chính trị của các quốc gia Âu châu thời đó. Marx mở đầu bằng công trình phê phán luận đề chính trị quan trọng nhất của Hegel thời đó, Triết Học Pháp Quyền. Marx viết,
Cái chế độ chính trị lỗi thời đã trải qua một lịch sử đầy thảm trạng bởi vì cơ chế quyền lực của nó đã biến ước vọng tự do của con người thành ảo vọng. Sờ dĩ chế độ này mang bản chất bi thảm là vì nó tự buộc cho mình một nội dung hãnh tiến vô vọng. Hễ cái chế độ này vẫn ngoan cố chống lại nguyên tắc và lý lẽ mới của thời đại, thì chính tự bản chất cùa nó là một lỗi lầm lịch sử... Chế độ này là vở hài kịch to lớn của thế giới mà tất cả những anh hùng của nó đều đã bị khai tử. Lịch sử tiến bước và sẽ không bỏ sót một ai. Nó sẽ đi qua những sân khấu mà chung cuộc sẽ vất bỏ những chế độ lạc hậu vào nghĩa trang. Sân khấu cuối cùng mà lịch sử vừa mới bước qua là cả một vờ bi hài kịch khủng khiếp.

*
**
Lịch sử là tiến trình của nỗ lực con người - cá nhân - tự cai quản chính mình, tự ý thức về mình, tự làm chủ được mình, tự thắng mình, tự vượt qua đau khổ, tự hòa nhập khách quan với chủ quan để thực hiện hóa tự do. Như Hegel đã nói thì lịch sử là sự chuyển hóa tiệm tiến của lý trí. Cách mạng hướng thượng là nỗ lực xây đắp tương lai bằng những kết quả lịch sử đã được tích trữ. Tiến bộ đích thực là tinh thần của tương lai trở về hòa nhập và bắt tay với nỗ lực hiện tại.
Trong đó, quốc gia là cơ chế vận hành lịch sử. Và luật pháp đóng được thế đứng cung cấp cơ hội, tự do tích cực, phương tiện cho sự thể hiện tiềm năng và ý lực cá nhân. Quốc gia trong lý tưởng này phải là một tập thể được sống chung trong cơ chế dân chủ pháp trị. Chỉ có luật pháp thể hiện được năng lực ý chí và lý trí để được tự ý thức, tự quản của cá nhân đối với xã hội.
Luật pháp là máu huyết của cơ thể quốc gia nuôi dưỡng những tế bào quốc dân. Hướng đi của quốc dân là tiến trình nâng cao ý thức về chính mình. Luật pháp, khi kiến tạo bởi cơ chế chính trị dân chủ, thể hiện được chính nội tâm của cá nhân.
Luật pháp, từ đó, là ngôn ngữ của tự do. Luật pháp là hơi thở của lịch sử.
(NHL: 1991)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét