Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Núi Bài Thơ

tcn02511131

Trần Công Nhung
Quê hương Việt Nam là một dải giang sơn gấm vóc của con Lạc cháu Hồng, đã là người Việt, ai cũng tự hào về điều đó. Chúng ta không lấy làm lạ khi thấy nhiều địa danh, nhiều danh lam thắng tích mang tên rất đẹp, rất “hoành tráng”, rất thần thoại. Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), động Tiên Sơn, Núi Thần Đinh (Quảng Bình), Núi Thiên Ấn (Quảng Ngãi), giòng Hương Giang, đồi Vọng Cảnh (Huế)… Cũng có khi dựa vào thực tế để gọi tên, hoặc tên gọi có gốc từ tiếng của dân tộc thiểu số: Hòn Rùa, Hòn Yến, cầu Hà Ra, Tháp Bà (Nha Trang), cũng có nhiều tên gọi mộc mạc lâu ngày thành quen như Hòn Đụn, Hòn Mun (Nha Trang). Khi nghe ở Quảng Ninh có Núi Bài Thơ, tôi nghĩ, có lẽ quả núi đẹp, nên thơ hoặc có sự tích sao đó mới được tên như vậy. Cũng như Núi Cô Tiên (Nha Trang), có dáng người thiếu nữ nằm xõa tóc, bầu ngực nhô cao, trên đỉnh có tượng người lính chiến, thế nên trường hạ sĩ quan Đồng Đế (trước 75) đã có câu:
Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ,
Em nằm xõa tóc đợi chờ ai.
Lúc đi tìm nguồn gốc Núi Bài Thơ mới biết, tên gọi quả núi không có gì bí hiểm, không có gì ẩn dụ khó hiểu, chính núi có bài thơ thật, tất nhiên bài thơ phải là của thi hào, thi bá, của nhân vật lịch sử tiếng tăm, người đời mới truyền tụng như thế.
Núi Bài Thơ nguyên gọi là Truyền Đăng Sơn (núi rọi đèn). Thời ấy lính thú thường xuyên gác trên đỉnh núi, mỗi khi có thuyền giặc vào thì đốt lửa báo về kinh thành. Từ đó có tên Núi Truyền Đăng. Núi là một phần bờ biển đá vôi phía đông bắc tỉnh Quảng Ninh, đỉnh cao 168m. 500 năm trước (1468), vua Lê Thánh Tông, cháu nội Lê Lợi, nhân một buổi tuần du qua vùng vịnh Hạ Long, thấy cảnh bắt mắt, giữa những mõm núi đá tai mèo tua tủa chĩa lên trời, có một tảng đá thẳng như vách hướng ra biển, trông rất đẹp. Nhà Vua dừng lại cho thuyền vào xem và tức cảnh sinh tình, vua Lê Thánh Tông đã viết bài thơ Hán tự gồm 56 chữ. Bài thơ được khắc lên mặt đá phẳng, khắc liền một mạch, không ngắt câu như hiện nay chép lại. Trong 56 chữ có 21 chữ đã mờ hẳn, không thể đọc, những chữ còn lại cũng rất mờ. Trước phần thơ có phần lạc khoản (đề tựa) gồm 49 chữ, cũng bị phong hóa gần như hoàn toàn. Qua hơn 5 thế kỷ, mưa gió bào mòn, bài thơ không còn đọc được. May thay, bài thơ có chép trong thư tịch cổ, nhờ đó người đời sau mới có sử liệu chính xác mà nghiên cứu. Bài thơ được dịch ra nô:
Nước lớn mênh mông, trăm sông chầu vào
Núi non, la liệt rải rác như quân cờ, vách đá liền trời
Có tráng trí, nhưng lúc mới dựng nghiệp vẫn theo người, như quẻ
Hàm hào cửu tam (đã định)
Nay một tay mặc sức tung hoành, quyền uy như thần gió
Phía bắc, bọn giặc giã như hùm beo đã dẹp yên
Vùng biển phía đông, khói chiến tranh đã tắt
Muôn thuở trời Nam, non sông bền vững
Bây giờ chính là lúc giảm việc võ, tu sửa việc văn.
261 năm sau, vào năm 1729, chúa An Đô Vương Trịnh Cương, một nhà thơ có tiếng thời Lê-Trịnh, cũng đem quân đi tuần qua chốn này. Ông cho quân đồn trú dưới chân núi Truyền Đăng. Đọc thấy bài thơ của vua Lê, chúa Trịnh bèn họa lại bằng một bài thất ngôn bát cú, lấy theo vận “yên” của bài trước, dùng lại 4 chữ “thiên” “quyền” “yêu” niên” trong bài của vua Lê.
Bài thơ của Chúa khắc theo lối chữ hành (chân) trên một tảng đá, mặt nghiêng xuống, nhờ vậy không bị mưa gió xói mòn nên còn đọc rõ cả bài.
Biển rộng mênh mang, nước dâng đầy
Núi chìm xuống nước, nước tràn mây
Bàn tay tạo hóa sao khéo dựng
Cảnh đẹp thần tiên một chốn này.
Mùi tanh giặc thác còn đâu đó
Cỏ hoa sương khói vẫn còn đây
Ba quân tướng sĩ đều vui vẻ
Bữa tiệc biển khơi chén rượu đầy.
(Bản dịch của Hào Minh)
Những năm đầu thế kỷ 20 nhiều tao nhân, mặc khách du ngoạn vùng Hạ Long, gặp bài thơ này lại cho khắc 7 bài nữa, vừa chữ Hán, vừa chữ Quốc ngữ trên những vách đá lân cận. Đến nay có tất cả 9 bài. Do có những bài thơ trên vách núi mà dân chúng mới gọi Núi Truyền Đăng thành Núi Bài Thơ. Viết thơ lên vách núi thì có nhiều nơi, núi Ngũ Hành, núi bà Đen, núi Sam… nhưng đấy là thơ dân dã, kỷ niệm riêng của một người nên không tạo được tên tuổi như Núi Bài Thơ.
Khu vực Núi Bài Thơ trước đây gọi là phố Lò Vôi (có nung vôi bán). Cũng may chưa ai phá những bài thơ để nung vôi như có người đã phá núi Tô Thị ở Lạng Sơn (1)! Tuy nhiên nhà dân đang “bao vây” những bài thơ, du khách khó biết thơ nơi nào. Ngày nay, phố Lò Vôi đổi tên mới là phố Bài Thơ, và còn có câu ca dao:
Hồng Gai có núi Bài Thơ
Có hang Đầu Gỗ, có chùa Long Tiên
tcn02511132Chùa Long Tiên nằm ở phía đông núi Bài Thơ, mặt quay ra biển, giáp với phố Bến Tàu cũ, nay đổi thành phố Long Tiên. Chùa được khởi công xây cất vào năm 1939 và hoàn thành năm 1942. Tuy được xây dựng vào giữa thế kỷ này, nhưng kiểu cách, kiến trúc đều theo kiến trúc thời nhà Nguyễn. Ngoài có tam quan, qua một sân rộng là bái đường, trên nóc có tượng ghép gốm, rồng chầu mặt nguyệt, hai bên là hai cung tả hữu. Chính diện trên tam quan có ba chữ nổi Long Thọ Tiên, nhân dân gọi nôm na là chùa Long Tiên. Gọi là chùa nhưng lại thờ cả Thánh. Ở chính cung thờ Đức Phật Thích Ca, Phật Bà Quan Âm và các chư Phật. Hữu cung thờ Đức Trần Hưng Đạo, tả cung thờ Vân Hương Thánh Mẫu.
Trong chùa Long Tiên có rất nhiều câu đối, đại tự được điêu khắc rất tinh vi. Các bộ đồ thờ của chùa có Bộ Cửu Long nổi tiếng, chín con rồng chầu Phật, đây là một công trình khắc gỗ độc đáo. Phía tây núi Bài Thơ còn có đền thờ Đức ông Trần Quốc Nghiễn−một vị danh tướng đời Trần. Tương truyền ông được đặc cử canh giữ biên ải vùng Đông Bắc, trấn ở vùng Hồng Gai, đã lập nhiều công lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Nhưng tiếc thay, đền lại dùng làm trường “Phổ thông cơ sở Hạ Long”.


Đấy là sự tích Núi Bài Thơ, nhưng sông núi mà chỉ biết qua thơ văn, chưa đủ. Với người nhiếp ảnh, phải được “nhìn tận mắt bắt tận tay” mới thỏa dạ kiếm tìm. Một chương trình leo núi sẽ thực hiện nay mai.
Theo dự tính, hôm sau mới đi Hạ Long, nhưng do cảm hứng bất chợt tôi đã gọi người bạn ảnh địa phương, anh Thái đi ngay sau buổi thăm làng lụa Vạn Phúc (2). Hạ Long cách Hà Nội chừng 160km, chúng tôi khởi hành lúc 12 giờ trưa. Đường khá tốt nhưng xe chạy nhanh lắm cũng chỉ 50km/giờ. Đến Bãi Cháy thì trời bỗng trong sáng lên. Mấy hôm nay trời âm u vì có gió mùa Đông Bắc. Du thuyền đưa khách đi chơi đảo đã bắt đầu quay về. Chúng tôi ra thẳng bến phà Quảng Ninh rồi qua bán đảo bên kia.
Anh Thái đã chụp ảnh Hạ Long nhiều lần, tưởng không còn gì lôi cuốn nữa, nhưng hôm nay nắng quá đẹp nên anh rất hứng thú trở lại cảnh cũ, anh nói:
- Tôi không ngờ hôm nay trời đẹp thế. Anh hên lắm. Nhiều anh em trong Nam ra cả tuần lễ chẳng làm ăn gì được.
- Anh à, tôi tưởng mình đi tàu ra đảo chứ?
- Cái đó để sáng mai. Đi đảo là phải đi từ sáng sớm mới kịp. Giờ mình qua bên kia rồi leo lên Núi Bài Thơ.
Anh vừa nói vừa chỉ cho tôi đỉnh núi cao sừng sững trước mặt. Tôi hơi lo, không biết có lên nổi không. Năm ngoái leo lên Đền Thượng chùa Thầy đã đuối, nay thấy núi mà ngán. Lại không hiểu lên đó rồi chụp cái gì. Tôi đang phân vân thì anh Thái nói tiếp:
- Từ trên đỉnh núi anh nhìn xuống mới thấy cái đẹp tuyệt vời và vẻ kỳ vĩ của vịnh Bái Tử Long.
- Đường lên có dễ không anh?
- Xưa thì gay lắm, nay người ta đã làm tam cấp, không khó, chỉ dốc thôi.
- Mất bao lâu để lên đỉnh?
- Ngày trước tôi leo 30 phút nay phải 45 phút.
- Nay đường dễ sao lại lâu?
- Dễ, nhưng mình lớn tuổi, yếu đi. Đến Hạ Long mà không lên Núi Bài Thơ thì kể như chưa biết Hạ Long. Chỉ sợ lên đến nơi trời còn nắng hay không.
Ý tưởng của người bạn làm tôi nhớ lại chuyện “anh thợ may khéo”. Một ông quan đi máy áo, người thợ hỏi: Ngài làm quan được bao nhiêu năm rồi? – May áo thì việc gì phải hỏi thế? – Dạ, nếu mới làm quan thì vạt trước dài hơn vạt sau, nếu làm quan lâu năm thì vạt sau dài hơn vạt trước! Thời gian vô tình đã làm thay đổi tâm sinh lý con người mà mình không nhận ra. Có người cứ tưởng trẻ mãi không già.
Tôi vừa lo, vừa nóng lòng. Phà cập bến chúng tôi vội đi ngay. Anh Thái nhìn đồng hồ trấn an: “Mới 3 giờ rưỡi, 4 rưỡi vẫn còn nắng”. Xe đưa chúng tôi quành qua một đoạn đường rồi dừng lại trước một dãy phố, nhà cửa đơn sơ, sát chân một ngọn núi cao mấy trăm mét. Thoạt trông chẳng thấy chỗ nào lên núi, nhà ở như một hàng rào chắn chạy dài. Tôi đang phân vân thì anh Thái giục: “Khẩn trương kẻo trời tắt nắng”.
Tôi theo anh vào một nhà dân gần đấy rồi men bờ tường ra sau hè, theo một lối mòn nhỏ lên núi. Tôi ngạc nhiên, sao một thắng cảnh nổi tiếng mà lại đi kiểu lạ vầy. Tôi sinh nghi. Lại vừa lo đề phòng, nhỡ có con chó nhào ra cắn thì thật tai hại. Xứ mình nuôi chó thả rong, mình lại không đi theo lối chính, thật không ổn. Nghĩ thế nhưng cũng phải nhanh chân cho kịp người dẫn đường.
Tôi cố giữ nhịp thở thật đều và xem như đây là một buổi đi tập hằng ngày. Mỗi ngày tôi mang ba lô máy đi bộ 5 khu phố khoảng nửa tiếng, nay phải leo tam cấp hẳn là vất vả hơn, song nghĩ mình sẽ được lên “tiên giới” nên lòng chẳng ngại gì. Phía trước, lâu lâu anh Thái nhắc chừng: “Mệt thì nghỉ nhé”. Từ ngày mổ tim làm bypass, tôi phải kiêng cữ nhiều thứ, từ ăn uống đi đứng và cẩn thận khi phải vận dụng sức lực trong mọi việc hằng ngày. Mười lăm phút đầu, “đường lên Tiên” có vẻ dễ chịu, cứ mươi lăm bậc cấp, đường lại ngang bằng một khoảng, sau đó thì cứ dốc đứng mà leo. Có lúc người trước phải kéo người sau. Tôi nghĩ thầm, vậy mà Núi Bài Thơ! Núi tập thở thì có, thở muốn hết hơi thì thơ đâu mà ra. Tôi hỏi vói lên:
- Đã được nửa đường chưa?
- Chưa đâu, nhưng lên một đoạn nữa anh sẽ thấy cái đẹp hoành tráng của Bái Tử Long.
Theo truyền thuyết, một thời xa xưa, Việt Nam bị giặc ngoại xâm, Trời sai một Rồng mẹ và đàn Rồng con xuống giúp. Rồng phun ra hàng ngàn châu ngọc (đảo) làm bức trường thành hay công sự chận đứng quân xâm lăng. Chỗ Rồng mẹ xuống gọi là Hạ Long, chỗ Rồng con xuống gọi là Bái Tử Long.
Nghe anh Thái mô tả làm lòng tôi phấn chấn lên. Trời còn nắng to. Bụng bảo dạ: “Đời có một lần thì ngại chi chuyện khó khăn”. Đã trót yêu nên “Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”.
Ít phút sau tôi nghe tiếng anh Thái vọng xuống:
- Ở đây anh đã có thể bấm máy được rồi.
Quả như lời, đến tảng đá bằng, nhìn xuống sườn núi bên trái, một vùng biển bao la xanh ngắt với hàng chục hòn đảo mở ra trước mắt tôi. Tôi sững sờ và không còn thấy mệt nữa. Tôi vừa lôi máy ra, tìm cách tránh mấy chòm lau trước mặt thì lại nghe tiếng gọi:
- Chỗ này còn hay hơn.
Tôi nghĩ, anh này có đọc kinh Pháp Hoa hay sao mà cứ làm theo lối “Hóa Thành Dụ”, Đức Phật thấy chúng sanh ngại đường xa biếng đi (tu học), nên lâu lâu Ngài cho tin: “Sắp đến thành” như để khích lệ người đi đường. Tuy nghe tiếng gọi, tôi cũng phải bấm mấy phát mới đi tiếp. Càng lên càng thấy đẹp, cảnh càng tráng lệ hùng vĩ hơn. Cứ lên vài bậc cấp tôi lại dừng chụp, “gỡ vốn trước cho chắc ăn”, lỡ đến nơi trời có hết nắng thì cũng huề.
Tôi lại gọi to:
- Gần đến chưa?
- Đến rồi.
tcn02511133

Tôi thở phào và khỏe như vừa bơi từ ngoài biển xa vào bờ. Đứng trên đỉnh Núi Bài Thơ, bao quát hết cả vùng biển từ trong Bãi Cháy ra tận phía bắc tỉnh Quảng Ninh. Đẹp nhất là vùng vịnh Bái Tử Long. Những đảo lớn nhỏ cao thấp được bài trí một cách vô cùng nghệ thuật. Trời nước liền một màu xanh sương mù. Nắng chiều xiên khoai làm cho đảo xanh nhuốm ít vàng, cảnh trở nên thần tiên, con người tự nhiên như vừa được rửa sạch bụi trần. Một đời mà được lên ngồi đây một lần là mãn nguyện lắm. Núi Bài Thơ, quả là lai láng hồn thơ cho những ai làm thi sĩ.
Trời còn nắng, ánh sáng tuyệt vời. Máy với ống kính tiêu cự 28-105 quét đi quét lại trong giác độ chừng 60. Chụp rồi mà tưởng như chưa, ngắm cả buổi mà tưởng như mới gặp mấy giây. Lòng đã thỏa mà tình còn lưu luyến mãi. Bởi quá ngỡ ngàng trước cảnh trí thần tiên mà người đời có tài ba đến đâu cũng khó mà tưởng tượng nổi. Tôi quay một vòng từ trái sang phải, tưởng như đi từ nơi bụi trần đến chốn bồng lai. Trên cao nhìn xuống cảnh núi đồi xanh mướt xen lẫn mái ngói đỏ, tưởng như cảnh bên châu Âu. Khác một điều nhà cửa xứ mình lí nhí mái nhỏ như con tem dán san sát, một hồ nước trong, một con đường vòng theo ven hồ không xe cộ qua lại… cảnh vắng yên.. Nhìn phía Bắc, bến cảng Quảng Ninh tuy không sầm uất như cảng Hải Phòng hay cảng Sài Gòn, nhưng có nét thiên nhiên gợi cảm, màu sắc tươi thắm. Quay ra biển Đông thì thôi khỏi nói, hàng hàng lớp lớp từng khóm đảo rất đa dạng nối tiếp nhau mãi tận chân trời rồi xóa nhòa cùng mây nước màu xanh mờ nhạt. Đảo trong vịnh Bái Tử Long cũng như Hạ Long hoàn toàn khác với đảo vùng Nha Trang, đảo là những đụn núi vôi có hình thù rất lạ, có đường nét nghệ thuật rất tinh. Một nghệ nhân non bộ giỏi cũng khó tưởng tượng được để tạo tác. Bàn tay Tạo Hóa gọt dũa sắp xếp, tạo cảnh thật tài tình mà ngay việc mô tả cũng đã khó chứ đừng nói chi khác. Tôi có cảm tưởng cảnh thiên tạo nơi đây là dành cho con Hồng cháu Lạc. Thật hãnh diện và tự hào biết bao.
Nắng dịu dần rồi chuyển qua ánh hoàng hôn. Sau khi chụp cảnh mặt trời chiều, chúng tôi dần xuống núi.
Đêm đó nghỉ lại một khách sạn trong Bãi Cháy, anh Thái kể cho nghe: Mấy năm về trước tự nhiên anh nghĩ đến đỉnh Núi Bài Thơ, anh nhớ năm 45 Việt Minh đã cắm cờ trên đỉnh núi, vậy tất có đường lên. Anh đã mày mò tìm ra đường leo lên. Nhưng hồi đó khó khăn lắm, phải măn từng tảng đá, cheo leo nguy hiểm vô cùng. Sau khi anh cho ra tác phẩm đầu tiên về Bái Tử Long, làng ảnh xôn xao và thiên hạ tủa ra đi tìm. Mấy năm liền anh hưởng nhuận ảnh mỗi mùa in lịch khá bộn. Riêng Đài Truyền hình Việt Nam, dùng ảnh của anh trong mục điểm thời tiết thì đến nay vẫn chưa cho anh xu nào (3).

Trần Công Nhung
—————–
(1) Xem bài Lạng Sơn, trang 27, QHQOK tập 1.
(2) Lụa Hà Đông, trang 149, QHQOK tập 1.
(3) Điều này rất bình thường đối với người Việt trong hay ngoài nước cũng thế, mọi thứ đều là của chùa cả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét