Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Đòn độc

nguyendt01301113
Nguyễn đạt Thịnh
Mặc dù vẻ mặt hiền lành, vóc người nhỏ thó, luật sư Lê Thị Công Nhân đang đánh Việt Cộng một đòn tối độc: cô nhuộm máu cuộc đấu tranh của người Việt Nam hiền hòa.

Cho đến giờ này Việt Cộng vẫn bắt nguội những người chống đối chúng, xử cuội họ trước những tòa án kangaroo (kangaroo court), rồi câng cáo khoe là chúng thượng tôn luật pháp. Đối với đám đông biểu tình, chúng âm thầm giải tán họ, chặn cửa không cho những người cầm đầu chống đối ra khỏi nhà, và cứ như thế chính sách công an trị của chúng tồn tại suốt 38 năm nay, mà không xảy ra những trận giao tranh trên đường phố như Ai Cập.

Cô Công Nhân muốn Cairo hóa những cuộc biểu tình Việt Nam, muốn người biểu tình giao tranh với công an, muốn công an bắn chết người biểu tình để làm sôi lên bầu máu nóng Việt Nam, và gây phẫn nộ trong dư luận quốc tế.

Cô gây sự với công an Việt Cộng, cô đánh chúng và bị chúng đánh hôm thứ Ba 19 tháng 11 tại trụ sở công an phường Thụy Khuê.

Cô kể lại nội vụ như sau:
“Mười một giờ sáng nay thứ 3 ngày 19/11/2013 gia đình chúng tôi (Nhân-Quyền-Lucas, tên vợ chồng Công Nhân và đứa con 1 tuổi) cùng với chú Lê Hùng (biên tập viên nhà xuất bản Thanh Niên đã về hưu), và anh Trương Văn Dũng đến đồn công an phường Thụy Khuê, số 23 đường Thụy Khuê, để yêu cầu họ giải quyết việc anh Dũng, anh Lê Thiện Nhân và chị Bùi thị Minh Hằng bị công an đánh đập dã man gây thương tích (riêng anh Dũng bị gãy 3 xương sườn–được khám thương tại bệnh viện Quân Y 103) vào tối ngày 25 tháng Mười.

“Đến nơi chúng tôi thấy gần 50 bà con dân oan Dương Nội và một số nơi khác tập trung ở vỉa hè bên kia đường đối diện đồn công an. Vào đồn, tôi thấy anh trực ban–một công an trẻ mặc quân phục đeo hàm thiếu úy nhưng không đeo biển tên. Ngay lập tức anh Dũng nhận ra hắn là một trong những tên công an đã đánh đập nhóm anh.

“Tên trực ban hỏi tôi đến có việc gì, tôi đáp là có việc và hỏi biển tên của hắn đâu. Tên này nói hắn mới về làm nên chưa có biển tên. Tôi nói với hắn một lần cho hết nhẽ: “Thôi đi, đeo hàm thiếu úy mà lại không có biển tên à. Công an có biển tên, số hiệu từ khi còn là sinh viên kia mà”. Và chúng tôi yêu cầu hắn gọi chỉ huy ra làm việc. Tên trực ban cứ ngồi ỳ ra không đáp và liên tục đuổi chúng tôi ra ngoài bằng chữ “mời”. Thậm chí còn dọa cưỡng chế (bắt) chúng tôi. Tôi bảo hắn: “Đây là phòng tiếp dân chứ không phải nhà riêng các anh. Chính người dân nộp thuế để trả mọi chi phí ở đây”.

Ngôn ngữ chỉ trích táo bạo, ra mặt gây sự của cô, và thái độ thụ động, chịu đựng của anh thiếu úy công an cho thấy rất rõ là cô không sợ công an và đang vận động để người Việt Nam cũng không sợ công an nữa.

Đã từng bị Việt Cộng giam giữ trong tù suốt 3 năm, Công Nhân phải biết là cô có thể bị Việt Cộng lại bắt giam, lại đưa ra tòa, và sẽ trở lại cảnh tù ngục thêm lần nữa.

Nhưng không chỉ bất cần tù tội, mà rõ rệt cô tìm đường trở lại lao tù, hoặc chết ngay trên mặt đường trong một cuộc đàn áp biểu tình, hầu tìm cách tạo sinh khí cho cuộc tranh đấu đang chìm dần vào yên tĩnh, vì không có những diễn biến lớn, đẫm máu, bạo động.

Cô viết: “Chúng ta đã và đang dùng nhiều biện pháp để đòi lẽ phải, để tố cáo tội ác của công an cộng sản Việt Nam nhưng biện pháp này chúng ta chưa làm”. BIỆN PHÁP NÀY là đánh nhau với công an”.
Cô viết tiếp: “Liệu rằng chúng ta chưa làm vì chúng ta thật sự cho rằng có biện pháp khác tốt hơn? Hay là vì chúng ta sợ? Chúng ta chưa đủ can đảm đi đến và chỉ thẳng vào mặt những kẻ đã hãm hại chúng ta mà bảo: “Chính mày là người đã đánh tao. Mày phải xin lỗi và bồi thường cho tao”.

Bị cô tấn công bất ngờ, những anh công an phường Thụy Khê không biết phải phản ứng như thế nào trước những người “dân oan” kéo đến khiêu khích sỉ nhục chúng? Do đó, chúng rơi vào cạm bẫy của cô: chúng đánh nhau với cô và những người đến trụ sở công an Thụy Khê; những người chủ động kéo đến tìm chúng, sỉ nhục chúng, gọi chúng là những “thằng khốn nạn”.

Công Nhân thành công trong giai đoạn khiêu khích, cô kể tiếp: “Bọn chúng đang túm tụm trong phòng bên cạnh ùa ra đánh chị Nga trước tiên, tôi lao vào can, hô to công an đánh người (chị Nga vẫn bồng bé Tài) thì tên Xuân gằn giọng chửi luôn “Đ.C.M mày!” túm lấy tay trái của tôi và dùng nghiệp vụ đánh người được đào tạo bài bản, bẻ quặt ngón tay cái khiến tôi bị sai khớp bong gân luôn.

“Lúc đó tôi bị tên Phạm Công Định đá một cái rất đau vào ống chân phải, hiện giờ bị sưng và nhức tận xương. Ngoài ra một tên mật vụ mặc áo sơ mi trắng muốt không một vết nhàu đứng trước tôi dùng chiêu huých cùi chỏ tay ngược ra phía sau trúng ngực tôi. Cú huých khiến tôi choáng váng vì bất ngờ.
“Chúng đẩy đánh được chúng tôi ra sân thì một nam mật vụ trẻ bế Lucas ra đưa cho tôi, và nói: “Con chị, chị không lo à”. Trời! Tôi bị bọn chúng đánh hội đồng lạc mất cả con ngay trước mắt hắn, lúc đó tôi vừa ngã xuống đất đứng dậy không vững, bay cả giày cả kính ngay trước mắt anh ta”.

Nhóm thường dân Việt Nam do cô Công Nhân hướng dẫn đến tấn công trụ sơ công an, và lực lượng công an trong bót Thụy Khê không chỉ chửi nhau thôi mà đã thật sự đánh nhau, và có thể nói là cô Công Nhân chủ trương điều này. Cô muốn chúng bắt cô, chúng đánh cô; cô chấp nhận cả cái chết ngay tại chỗ để đẩy cuộc đấu tranh qua giai đoạn trực diện và bạo động như cuộc đấu tranh của tín đồ Hồi Giáo chống quân đội ở Ai Cập.

Không nói ra nhưng có thể cô mong muốn có người chết, dù người bị giết là chính cô. Cô không muốn Việt Cộng tiếp tục đánh lừa thế giới, tiếp tục phô trương một mặt đại dương bình lặng, dù sóng ngầm sôi sục dưới lòng biển, như chúng đã đánh lừa thế giới bằng cuộc tắm máu trắng, giết vài chục ngàn cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa bằng những trại khổ sai cực kỳ độc ác.

Việc làm của cô Công Nhân rất đáng ca tụng, tuy nhiên có những yếu tố cô cần cân nhắc; yếu tố đầu tiên là sự an toàn của bé Lucas. Mẹ của cô Công Nhân bị stroke, nằm liệt giường không chăm sóc được cháu ngoại, khiến cô phải bồng con đi đánh nhau với Việt Cộng, đứa bé bị đánh rơi ra khỏi vòng tay mẹ, về đến nhà vẫn còn hốt hoảng, sợ sệt. Nửa đêm nó giật mình khóc thét lên. Hai vợ chồng cô chỉ biết khóc theo con.

Công Nhân cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin giúp chúng con”. Chúa sẽ giúp cô, và người Việt hải ngoại cũng đã giúp cô. Vài năm trước, sau ngày cô được phóng thích ra khỏi lao tù Cộng Sản, chúng tôi chuyển gần 8,000 Mỹ kim về tặng cô làm nhiều lần, trong khoảng 1 tháng.

Nhưng sự giúp đỡ đó không đem lại an toàn tâm thần và thể chất cho đứa bé vừa đầy năm vài tháng trước. Hình ảnh nó chứng kiến mẹ nó bị đánh nặng nề đến độ rơi cả con, rớt cả kính, tuột cả giày sẽ đeo đẳng theo nó suốt đời; ấy là chưa nói đến não bộ nó có thể đã bị hư vì chứng kiến một cuộc đánh nhau khiếp đảm như vậy.

Tôi ca tụng quyết định can đảm của cô–dám đem tính mạng của chính mình ra để đánh Việt Cộng một đòn rất độc–nhuộm máu cuộc chống đối thầm lặng của người Việt Nam hiền hòa, nhưng tôi phản đối việc cô ẵm Lucas đi biểu tình, để đứa bé gánh chịu những nguy hiểm thể chất và tâm thần.

Nguyễn đạt Thịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét