Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Thư gửi bạn ta (06/12/13)

mao gia 2

Bùi Bảo Trúc

Ngày 25 tháng 11 năm 2013

Bạn ta,
Những cuốn sách của bộ sách nhan đề Đồng Dao Dành Cho Trẻ Em Mầm Non do công ty văn hóa Đinh Tỵ xuất bản và phát hành mới đây có một đời sống rất ngắn ngủi. Nó vừa được tung ra thị trường được một thời gian ngắn thì bị thu hồi và đem đi tiêu hủy ngay.
Bộ sách này gồm 6 cuốn tất cả đã được phát hành khắp Việt Nam thì nay bị thu hồi hết. Thế là các mầm non Việt Nam không được dịp vỡ lòng học lấy những… nghề nghiệp hay. Một số ý kiến đã lên án nặng nề bộ sách này, nhưng tôi lại cho rằng chúng là bộ sách hay tuyệt, nhất là bài đồng dao có tên là Đồng Dao Chơi Vỗ Tay sẽ đề cập tới sau này.
Đồng dao là những bài hát dạy cho trẻ tập hát, tập nói, tập phát âm với những lời ca nhiều khi chẳng có ý nghĩa gì nhưng chúng vẫn được dạy cho trẻ để giúp chúng giải trí, lại có dịp để biết thêm vài ba chuyện nghe vui tai… Trong số những bài đồng dao này có những bài mà trẻ em Việt Nam đứa nào cũng biết, như:
Nu na nu nống
Cái cống nằm trong
Cái ong nằm ngoài
Củ khoai chấm mật
Ngon thật là ngon
Nhà tôi nấu xôi
Nhà mụ nấu chè
Tè he cống rụt …
Hay:
Chim khách là bác chim gi
Chim gi là dì sáu sậu
Sáu sậu là cậu bồ nông
Bồ nông là anh chim khách…

Mấy câu trên không đem lại một kiến thức nào cho trẻ, nhưng ít nhất chúng cũng biết được 4 tên của những giống chim. Chúng ta, ai cũng lớn lên với những bài đồng dao đó trong những năm thơ ấu. Một bài khác thì như thế này:
Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cầy
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp…
Bình yên và hạnh phúc biết là bao nhiêu.
Trong cuốn 6 của bộ sách, nơi trang 8 có bài Đồng Dao Chơi Vỗ Tay nguyên văn như thế này:
Ở với ai?
Với bà
Bà gì?
Bà ngoại
Ngoại gì?
Ngoại xâm
Xâm gì?
Xâm lăng
Lăng gì?
Lăng Bác
Bác gì?
Bác Hồ
Hồ gì?
Hồ ao
Ao gì?
Ao cá
Cá gì?
Cá quả
Quả gì?
Quả đấm.
Bài đồng dao này cũng dạy trẻ được thêm những danh từ mới, luyện cho chúng khả năng liên tưởng, nối kết những danh từ khác nhau, giúp mở rộng kho từ vựng của chúng.
Nhiều ý kiến phản đối bài đồng dao này, nói rằng bài hát chỉ dạy cho trẻ những điều nhảm nhí, không bổ ích cho đầu óc non nớt của trẻ. Điều đó đúng. Nhưng cũng hệt như bài nu na nu nống, bài về những con chim… Cần gì ý nghĩa.
Các ý kiến ấy có thể không thích vì đem hình ảnh bà ngoại nối vào với ngoại xâm, rồi xâm lăng… toàn là những hình ảnh không dạy cho trẻ được một điều tốt đẹp nào về tình bà cháu, gia đình, lại còn làm cho bà ngoại xấu đi vô cùng.
Bài đồng dao này cũng dạy cho trẻ khả năng liên tưởng, và hành động liên tưởng này có thể cũng cho chúng ta thấy những gì bị nhận chìm xuống vào khu vực tiềm thức như một kỹ thuật dùng trong những bài test dò nói dối (polygraph).
Điều mà người viết cuốn sách này có thể muốn che giấu là điều ông ta thực sự nghĩ về Hồ Chí Minh…

Hồ gì?
Hồ ao
Ao gì?
Ao cá
Cá gì?
Cá quả
Quả gì?
Quả đấm.
Chấm hết. Đang nhắc tới bác Hồ kính yêu, vặn vẹo vài ba câu, bác bị tặng cho quả đấm.
Chắc vì thế mà nhà cầm quyền mới bắt thu hồi bộ sách mang đi đốt. Đốt để các mầm non không lôi bác Hồ kính yêu ra tặng cho quả đấm.
Ai đời họ của bác bị hạ thấp xuống thành cái ao, lại là cái ao nuôi mấy con cá quả đấm thì bác đau quá. Thu hồi mang đốt đi chứ để không, trẻ em cả nước gọi bác là Hồ cá quả, hay Hồ một quả… thì quê quá.
Chỉ được có một quả thì dở ẹc. Lý Tiểu Long được đặt cho biệt hiệu là Lý Tam Cước tức là Lý ba đá, mà bác được có một quả thì các chị Minh Khai, Nông Thị Xuân cười cho.
Thu hồi là phải. Bác dở quá.
* * *
Ngày 26 tháng 11 năm 2013

Bạn ta,
Ai cũng phải nhận Heidi Agan giống Kate Middleton như hai giọt nước. Cũng mái tóc ấy, nụ cười ấy, cái cằm, cái đồng tiền ấy…
Duy chỉ có một chi tiết khiến hai người khác nhau là màu mắt. Của Kate thì nâu. Của Heidi thì màu xanh. Vì giống Kate nên Heidi đã được mời xuất hiện ở nhiều nơi và được trả thù lao đáng kể để có thể bỏ hẳn việc làm cũ để đóng vai Kate Middleton ở rất nhiều nơi, kể cả ở New York cách đây vài tháng. Không biết Heidi có tính mang cái bầu để cho giống Kate thêm nữa hay không.
Người có thể phân biệt Kate thật với Kate giả chắc chỉ có Hoàng tử William. Kate chắc không phiền vì Heidi giống mình, Heidi cũng xinh đẹp và thực sự rất giống mình. Heidi được tiếp đón nồng nhiệt ở tất cả những nơi cô xuất hiện.
Ở Miên Dương thuộc tỉnh Tứ Xuyên có một phụ nữ với một khuôn mặt rất giống một nhân vật nổi tiếng khác. Có điều nhân vật rất nổi tiếng kia lại là một người đàn ông. Người đàn ông này lại không đẹp trai chút nào. Nhà văn Vũ Trọng Phụng mà còn sống chắc thế nào ông cũng hét lên là đã tìm được nhân vật chị Doãn của ông rồi. Vũ Trọng Phụng viết về nhân vật chị Doãn của ông như thế này: “Chị Doãn có vẻ đẹp của một người đàn ông không đẹp trai”.
Người phụ nữ ở Tứ Xuyên tên là Chen Yan có một khuôn mặt không giống ai, mà lại giống hệt như Mao Trạch Đông từ những năm còn trẻ. Năm nay nàng 51 tuổi. Có thể nhan sắc cũng không còn bao nhiêu. Kỹ thuật bơm hút căng kéo chắc cũng chẳng thể cải thiện được tình hình, làm cho nàng giống… sao Hàn được nên nàng chấp nhận chuyện mình càng ngày càng giống Mao Trạch Đông. Nàng không vùng vằng phản đối nữa mà đành chịu giống Mao Trạch Đông cho rồi. Thế là nàng cắt tóc cho ngắn đi, chải tóc ngược ra đằng sau, gắn thêm cái nốt ruồi dưới môi, đôi mắt nhìn xa vắng thế là biến thành cục cưng của Giang Thanh ngay.
Chen Yan bỏ việc cũ, việc bán hàng, để đóng vai Mao Trạch Đông toàn thời gian. Báo chí cho biết nàng đang kiếm được khá tiền qua việc xuất hiện tại các cơ sở thương mại để quảng cáo cho các cơ sở ấy. Mỗi lần nàng đi ra đường là bao nhiêu người xúm lại xin chụp ảnh kỷ niệm với bác Mao giả.
Nhưng ở nhà thì chồng của nàng rất khó chịu về chuyện vợ mình giống Mao Trạch Đông.
Thôi mà ông Chen. Ông đừng buồn nữa. Cứ nghĩ như thế này nhé: có được bao nhiêu người ở Hoa lục làm được như ông? Ông cứ thử tối tối về bắt Mao Trạch Đông của ông phục vụ cho ông đủ mọi chuyện mà không đã đời hay sao?
Tưởng tượng bắt Mao Trạch Đông đi tắm, không được nằm trên giường tắm cạn, kỳ ghét như tiết lộ của Lý Chí Tuy trong cuốn sách viết về Mao. Hay bắt Mao Trạch Đông đánh răng cho bớt thối mồm cho chừa cái tật ở bẩn như nông dân, chỉ lau răng bằng bã chè xanh chẳng hạn. Hay bắt Mao Trạch Đông gãi lưng cho ông mà không đã đời sao?
Có điều lạ là cho tới nay, Mao Trạch Đông giả vẫn an toàn đi ra đường. Không thấy nói là Chen Yan bị dân chúng xúm vào đánh cho tan xác. Có thể người dân Trung quốc vẫn còn tin vào những chuyện nhảm nhí như câu “Vô Mao bần chí tử” nên để cho Mao… giả tung tăng tiếp tục mà không đập chết chăng?
Chứ ở Việt Nam mà có ai dại dột giống bác Hồ thì khổ đời ngay. Sẽ không có cách nào toàn thây được quá năm phút.
Nhưng cũng chẳng nên giống bác Hồ làm quái gì. Giống cái đẹp chứ giống cái xấu làm chó gì? May ra thì có một con mụ nhà văn nữ ngu xuẩn viết báo hít hà khen cái xác thối ở Ba Đình là đẹp trai hơn bác Mao là cùng.
* * *
Ngày 27 tháng 11 năm 2013

Bạn ta,
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, vào những ngày cuối đời trong khám Chí Hòa, đã ngán ngẩm ghi lại chuyện những con đường Sài Gòn bị đổi tên sau khi chính Sài Gòn cũng bị gọi bằng một cái tên khác bằng đôi câu đối:
Nam Kỳ khởi nghĩa tiêu Công Lý
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do

Công lý và tự do bị dẹp và thay bằng những cái tên oan nghiệt mới. Làm thế nào lại có những điều tình cờ đau xót đến là như vậy! Nhà thơ họ Vũ là người nhìn ngay ra được cái mỉa mai tồi tệ ấy ở trong tù trước khi ông được cho về nhà để chết.
Sài Gòn bị ép đổi thay từ những cái tên đường đẹp bằng những cái tên ngây ngô, mọi rợ Nơ Trang Long, thị Sáu, thị Siếc, Khai khú… và bây giờ, bọn cầm quyền lại đưa ra những đổi thay thô bạo và ngu xuẩn khác.
Chúng vừa đưa ra một danh sách gồm 28 thứ cây không được phép trồng trên các đường phố Sài Gòn. Trong khi thành phố càng ngày càng bị lún xuống, đường phố sau mỗi cơn mưa biến thành sông không được giải quyết thì chúng ra lệnh cấm trồng 28 loại cây, trong đó có cây trứng cá, một thứ cây đẹp thì không nhưng nó cũng không làm mất vẻ mỹ quan của thành phố, lại cũng không gây nguy hại cho môi trường.
Cây trứng cá là một giống cây kỳ lạ mà không một đứa bé nào lớn lên ở Sài Gòn lại không biết nó.
Ở những con đường đẹp của Sài Gòn người ta không thấy nó. Nó không mọc ở những đường Hồng Thập Tự, Tú Xương, Bà Huyện Thanh Quan, Tự Do… Người ta thấy nó ở những con đường hiền lành hơn, trong những khu gia cư như cư xá Nguyễn Tri Phương thì rất nhiều.
Trái cây trứng cá là thứ trái cây không một đứa bé nào không biết. Ngon lành thì cũng chẳng ngon lành gì nhưng đứa nào cũng thích. Có những đứa bé cầm những cái sào gắn một chiếc lồng nhỏ mỗi buổi trưa đi hái trái của những cây mọc bên đường cũng không ai thấy chuyện đó là phiền phải đuổi chúng đi. Hái được những trái chín, chúng cũng có thể bán được vài ba đồng.
Chính tôi cũng lớn lên cùng với cây trứng cá trước nhà. Cây không cao lắm, dễ trèo, trên cây có thể ngó ra nhìn thấy những chiếc xe chở học sinh đưa đón các học sinh của hai trường nữ trung học lớn ở Sài Gòn… cho đến khi trò leo cây… vời trông áo tiểu thư được thay thế bằng những chuyến cùng người bạn trốn học trên chiếc mobylette chạy ngang những ngôi trường ấy.
Nó được đặt cho cái tên thật là đúng. Những cái hột nhỏ li ti của trái trứng cá quả là có giống những cái trứng cá thật. Trứng cá của cá cũng như những cái trứng cá của thời mới lớn bôi đầy trên chiếc gương trong buồng tắm.
Nay những cây trứng cá này cũng bị đem ra… đấu tố, nói rằng loại cây này tạo rác rến cho thành phố, gây nguy hiểm cho trẻ em khi leo trèo chúng.
Căn nhà cũ nửa thế kỷ chưa về thăm lại, giờ đây tôi sợ khi trở về, trong một khung cảnh khác, thì cây trứng cá của những năm thơ ấu, của thời mói lớn sẽ không còn nữa.
Tuy không tưởng tượng ra cảnh “tay vít dây hoa trắng cạnh lòng” nhưng cũng sẽ nhớ nó vô cùng. Nhớ nó và giàn hoa giấy mọc ở hiên trước của căn nhà.
Tội nghiệp nó. Nó chưa bao giờ được đưa vào một bài thơ nào. Lãng mạn như ti gôn. Thơm như ngọc lan. Đẹp như cúc.
Thôi thì nhớ nó bằng mấy dòng viết vội hôm nay vậy.

Bùi Bảo Trúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét