Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

Báo Đại Đoàn Kết lý giải chuyện Việt Nam để cho 64 chiến sĩ chiến đấu đơn độc trên đảo Gạc Ma trước bầy sói dữ

Trong dịp tưởng nhớ các chiến sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, ngày 14/3/2014, báo Đại Đoàn Kết đã có bài “Một nén tâm nhang”. Tác giả bài viết là Đức Anh – bút danh của Tổng biên tập Đinh Đức Lập.

Ở mục 2 của bài viết, tác giả đã đưa ra câu hỏi: “Sao lại để các anh (64 chiến sĩ) chiến đấu đơn độc giữa biển khơi, trước bầy sói dữ?”. Và tác giả đã lý giải đó là thực hiện mệnh lệnh của cấp trên: “Hết sức bình tĩnh, kiềm chế, tự vệ là chính, không nổ súng trước, nhưng kiên quyết, táo bạo, với phương châm có người có đảo, còn người còn đảo”. Tác giả bình luận: “Tôi nghĩ, đứng trước một âm mưu, một tham vọng chiếm trọn Biển Đông chúng ta đã khôn khéo không sập bẫy khiêu khích của kẻ địch, khi mà lực của chúng ta còn chưa đảm bảo chắc thắng cho việc bảo vệ chủ quyền an toàn cho các đảo trên quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc”.

Vậy là có “chủ trương chỉ đạo của cấp trên”  thà thí gần trăm sinh mạng binh lính còn hơn là để bầy sói dữ nổi khùng chiếm trọn biển Đông.

Mà mệnh lệnh cấp trên ở đây là ai nhỉ? Bài báo không nói đến.

Cũng với “ný nuận” là chúng ta không đảm bảo chắc thắng nên không tổ chức chiến đấu bảo vệ Gạc Ma thì lập luận này quá ươn hèn. Tổ tiên ta có bao giờ đợi lớn mạnh hơn kẻ địch mới đứng lên kháng chiến đâu?. Ai mà cũng “ný nuận” kiểu này thì mất nước sớm không chừng.

Đức Dũng
Bài của tác giả gởi tới blog Hữu Nguyên


Dưới đây là bài trên báo Đại Đoàn Kết

Một nén tâm nhang (14/03/2014)

Ngày 14-3-1988, ngày mà 64 chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh thân mình để giữ vững lá cờ Tổ quốc trên các đảo Gạc Ma, Côlin, Lanđao trong quần đảo Trường Sa- cái ngày đó đã đi vào lịch sử bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc như một trang đầy bi tráng. Các anh đã lấy cuộc đời của mình để khẳng định chủ quyền Tổ quốc. Các anh yên nghỉ trong lòng biển khơi mênh mông, để hôm nay các hòn đảo chìm đảo nổi của chúng ta vững chắc như những pháo đài, lung linh như những thành phố nổi giữa Biển Đông. 

Hôm nay, 14-3, một nén tâm nhang, mong linh hồn các anh phiêu diêu trở về trong vòng tay ấm áp của Mẹ Việt Nam bất diệt.

    
1. Dù đã biết trước, hải trình của đoàn  sẽ có Lễ tưởng niệm trên vùng biển đảo Côlin, Gạc Ma quần đảo Trường Sa, mọi người vẫn rất bồn chồn, mong ngóng. Đoàn đã đi được 3 ngày đêm, đã đến điểm dừng chân đầu tiên, đảo Trường Sa lớn, đã thăm cụm đảo Đá Tây… nhưng mọi người hầu như không ngủ, bởi chỉ vài tiếng nữa thôi chúng tôi sẽ được vào vùng nước thiêng: Côlin, nơi mà trong những ngày tháng 3-1988, các chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã dũng cảm chiến đấu chống quân xâm lược dù chúng đông và mạnh hơn gấp bội và đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền của Việt nam trên quần đảo Trường Sa thân  yêu. 

7giờ 30 sáng tàu 996, con tàu vận chuyển khách của Quân chủng Hải quân dừng lại. Mới đầu hè mà sao nắng gắt lạ thường. Biển lặng sóng. Nước trong vắt thẳm sâu. Tất cả mọi người trên tàu đã tập trung từ sớm trên boong, trước bàn thờ Tổ quốc. Một vòng hoa lớn với băng chữ "Đời đời biết ơn các liệt sỹ đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc”, rất nhiều lễ vật đã được bày lên. Đội tiêu binh bồng súng tuốt lê đứng trang nghiêm…

Đã gần 4 năm, kể từ sáng 3-6-2010 được dự Lễ tưởng niệm có một không hai đó cho đến hôm nay, tôi vẫn nhớ như in từng hình ảnh, sự việc cùng không gian trang nghiêm, xúc động của buổi lễ: Giọng đọc nghẹn ngào của đồng đội khi nói về các Anh, những tiếng nấc, những dòng nước mắt, sự chuyên nghiệp của các chiến sỹ làm nhiệm vụ thả vòng hoa, những ánh mắt dõi theo vòng hoa bập bềnh nhẹ trôi trên sóng. Đến hôm nay tôi như vẫn còn nghe có những lời thì thầm về nước biển sâu và lạnh lắm…Và dù đã quá nửa đời phiêu bạt, nhiều người trong chuyến đi chắc cũng như tôi cùng một nỗi đồng cảm rằng cảm xúc Gạc Ma cho ta hiểu sâu hơn, thấm đẫm hơn tình yêu  Tổ quốc. 

Đã có hàng trăm chuyến tàu đến đây kể từ ngày 14-3-1988, đã có rất nhiều những con dân đất Việt từ mọi miền đất nước, cả trong và ngoài nước với đủ mọi thành phần, dân tộc, tới đây cùng tổ chức, cùng dự Lễ tưởng niệm đơn sơ, cùng thể hiện tình cảm và sự tri ân sâu sắc sự hy sinh của các Anh.Và lòng biết ơn, sự tri ân sẽ còn được tiếp nối bởi đời đời con cháu vì một lẽ giản đơn: Tổ quốc là thiêng liêng, là máu thịt, là sự nghiệp chung của mọi con dân đất Việt anh hùng.


Lễ tưởng niệm trên tàu 996 tại vùng Biển đảo Côlin
Ảnh: Hoàng Long

2. Đã có nhiều, rất nhiều tài liệu, về sự kiện tháng 3-1988 trên quần đảo Trường Sa. Đã có nhiều bài viết về cuộc chiến đấu không cân sức của cán bộ chiến sỹ quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam, của Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 146…với các hạm đội của Trung Quốc trong ngày 14-3-1988 tại các đảo Gạc Ma, Côlin, Lenđao. Trong bài viết này tôi không muốn viết lại, nhưng vẫn cần phải nói thêm một lần nữa sự cảm phục vô cùng ý chí kiên cường và lòng dũng cảm của cán bộ chiến sỹ Hải quân. Ngày đó cách đây đã hơn ¼ thế kỷ trang bị của chúng ta còn lạc hậu, lại thiếu thốn về mọi mặt, kẻ địch thì đầy dã tâm xâm lược, quân lực và trang bị vũ khí vượt trội gấp nhiều lần. Biết nhận lệnh ra đi bội phần nguy hiểm, hy sinh tính mạng, vậy mà các anh vượt qua tất cả, vượt qua sóng to, biển cả để lên đường. 

Các anh đã đặt chủ quyền của Tổ quốc lên trên hết! 

Điều vô cùng khâm phục đó là những người chiến sỹ Hải quân đã nghiêm túc thực hiện chủ trương, mệnh lệnh của cấp trên: "Hết sức bình tĩnh, kiềm chế, tự vệ là chính, không nổ súng trước, nhưng kiên quyết, táo bạo, với phương châm có người có đảo, còn người còn đảo”. Và họ đã anh dũng tuyệt vời, nghiêm túc và sáng tạo tuyệt vời, hợp đồng tác chiến tuyệt vời khi lao thẳng tàu lên đảo Côlin để tiếp tục dựng lên "Cột mốc chủ quyền” trước khi bị địch bắn chìm.
Họ đã kết thành "Vòng tròn bất tử”trên đảo Gạc Ma quyết giữ cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc bằng chính máu của mình trước sự khiêu khích điên cuồng của kẻ thù.

Và họ, 64 cán bộ chiến sỹ của chúng ta đã anh dũng hy sinh, hầu hết nằm lại trong lòng biển xung quanh 3 đảo Côlin, Gạc Ma và Lenđao, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho mẹ cho cha, cho gia đình, vợ  con và đồng đội.

Đã có những câu hỏi đặt ra là khi đó lực lượng của chúng ta ở đâu? Sao lại để các anh chiến đấu đơn độc giữa biển khơi, trước bầy sói dữ? Tôi nghĩ, đứng trước một âm mưu,một tham vọng chiếm trọn Biển Đông chúng ta đã khôn khéo không sập bẫy khiêu khích của kẻ địch, khi mà lực của chúng ta còn chưa đảm bảo chắc thắng cho việc bảo vệ chủ quyền an toàn cho các đảo trên quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.

 Họ là những người anh hùng của dân tộc, họ đã đi tiên phong trong cuộc đấu tranh để hôm nay các đảo của chúng ta vững chắc như những pháo đài, lung linh như những thành phố nổi giữa Biển Đông. Cuộc sống của người dân và chiến sỹ trên quần đảo ngày càng sung túc, tiện nghi, đoàn kết. Sự kết nối giữa biển đảo biên cương và đất liền ngày càng thêm thiết tha gắn bó. Và chúng ta đã mạnh hơn, mạnh gấp trăm lần, đủ sức bảo vệ vững chắc chủ quyền trước mọi âm mưu thủ đoạn, trước mọi bão dông.

3. Tàu bị bắn cháy bắn chìm, các chiến sỹ còn sống trên 3 tàu vận tải HQ-505, 604, 605 đã nhằm hướng đảo Sinh Tồn bơi về. Nhưng sau hơn một ngày chiến đấu, khoảng cách đến đảo xa hơn 20 hải lý,các anh đã không về được Sinh Tồn. Tất cả đã nằm lại trong lòng biển Trường Sa. Máu của các Anh, thịt xương của các anh đã hòa quyện vào biển trời Tổ quốc linh thiêng. Nhớ công ơn các Anh, thương các Anh nằm trong nước biển sâu lạnh lẽo, một doanh nghiệp tại Ninh Bình đã phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây một ngôi chùa trên đảo Sinh Tồn. Chùa Sinh Tồn xinh xắn như một chùa làng bình dị của làng quê Việt Nam. "Mái chùa che chở hồn dân tộc” gắn bó với đời sống tâm linh người Việt từ bao đời nay đã hiện hữu không chỉ ở Sinh Tồn. Nhưng ý nghĩa của nó với chúng ta lại vô cùng sâu sắc bởi Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã làm lễ cầu siêu và tổ chức lễ "Bắc cầu” - một nghi lễ truyền thống của đạo Phật để đưa linh hồn các Anh về Sinh Tồn cho nhân dân muôn đời hương khói. 

Và các Anh đã về!

Tôi đã kể lại nhiều lần cho mọi người nghe câu chuyện của phóng viên VOV đi cùng khoe tấm ảnh chụp được những vệt sáng vụt lên từ biển trong lễ cầu siêu, câu chuyện của Thượng tọa Thích Giác Nghĩa (Khánh Hòa) - người chủ trì lễ "Bắc cầu” hôm đó "như thấy rất nhiều chiến sỹ đã về đây, quây quần”. Đó là đạo lý, là sự tri ân sâu sắc của dân tộc đối với các Anh, những người anh hùng đã quên mình hy sinh vì Trường Sa, vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam trên Biển Đông.

Tháng 3-2014

Đức Anh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét