Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Cà phê mang đi, mang về…

caphemangve
Sài Gòn Cô Nương
Ngày xưa, thiên hạ đi lại, chuyển dịch với phương tiện cá nhân là bằng đôi chân, bằng xe đạp…
Nay sống vội, ăn nhanh mới bắt kịp nhịp sống hiện đại cho nên ai nấy phải di chuyển bằng xe gắn máy, xe hơi thậm chí máy bay riêng, tàu cao tốc… Còn đi bộ và xe đạp chỉ là cách tập thể dục để giảm cân, giảm béo.
Uống cũng vậy. Hết rồi thời ngồi bên phin cà phê nhìn từng giọt đắng rơi để suy tư về… thân phận!!! Giờ là thời của cà phê mang đi, vừa chạy xe, vừa uống… Ít người ngồi đếm giọt rơi như trước kia. Trong cuộc sống lúc nào cũng vội vã như rượt đuổi sát gót, nhiều người, nếu muốn trầm ngâm, lại thích xách cà phê pha sẵn trong ly bỏ bịch xách lủng lẳng đi kiếm chỗ nào đó ngồi nhâm nhi.
Tại các hàng nước, ngay cả quán vỉa hè, từ lâu vẫn sẵn ly nhựa để khách mang đi, từ cà phê nóng, cà phê đá, cà phê sữa, cacao, chanh tươi, chanh muối, xí mụi, la hán quả, cho đến nước ngọt… có khi kiêm luôn sữa đậu nành, sữa đậu phụng, rau má, nước sâm… Trong một hàng cóc nhỏ xíu với chiếc bàn gỗ tạp và mấy chiếc ghế đẩu cung cấp cho khách hàng chục loại thức uống từ sớm tinh mơ đến tối mịt. Các hàng chè, sinh tố, trà xanh… cũng đều sẵn sàng gói ly cho khách. Việc thức uống mang đi giờ đây phổ biến tới mức có sẵn các loại ly, hộp, bao đủ kích cỡ tiện lợi cho khách hàng.
Quán cóc từ xưa tưởng chừng độc quyền về giá rẻ và sự tiện lợi bình dân thì nay bỗng bị cạnh tranh bởi các hàng cà phê “take away” nhất loạt rộ lên. Có nơi ghi là “cà phê mang đi”, có nơi trưng bảng “cà phê mang về”, có nơi ghi cả chữ tiếng Việt lẫn tiếng Anh.
Mang đi hay mang về thì cũng có nghĩa không uống tại chỗ mặc dù để thu hút khách thì một số quán cà phê loại này cũng bày vài ba bộ bàn ghế nhưng chỗ quá chật hẹp khiến hiếm người muốn ngồi lâu trong một không khí dã chiến, vội vã ghé qua, vội vàng mang đi như vậy.
Thì cũng là nước giải khát mang đi thôi, so với quán cóc e còn ít chọn lựa hơn, vì chỉ tập trung vào mỗi món cà phê cùng lắm thêm cacao. Thế nhưng cà phê không chỉ đen, nâu, nóng, lạnh mà còn là cà phê espresso, cappuccino, cà phê rhum, đánh bọt… Dĩ nhiên chỉ số ít quán trang bị đủ máy móc cho các loại cà phê pha phức tạp. Còn thì theo thông lệ, vẫn đen nâu nóng lạnh.
Sự khác biệt chủ yếu nằm ở hình thức. Các hàng cà phê treo bảng “take away” dù là quán nhỏ, quầy đơn giản hay chiếc xe đậu vỉa hè đều được trang trí mới mẻ, tân kỳ, nhìn như “Tây”! Và điều quan trọng nhất là có vẻ sạch sẽ. Ly mang đi chỉ dùng một lần rồi bỏ, khỏi sợ ly thủy tinh bị chủ quán rửa trong một thau nước nguyên ngày, bảo đảm vấn đề vệ sinh thực phẩm đang là nỗi ám ảnh của dân thành phố.
Giá cả cũng thế, ngang với cà phê quán cóc, chót nhất chỉ khoảng mười, mười hai ngàn một ly. Một số nơi giá mắc hơn vì cà phê chọn lựa, không pha nhiều tạp chất hoặc có thương hiệu nổi tiếng, pha chế công phu hơn.
Trên đường đi làm, khách tấp xe vào hàng mua một ly mang vào sở vừa làm việc vừa uống chứ không phải một cữ cà phê sáng xong mới tới giờ làm việc như trước kia. Họ cần một ly cà phê uống được, giá vừa phải, miễn đừng nhạt phèo, đắng nghét, còn nếu cần thưởng thức hương vị và khung cảnh thì đã có cửa hiệu nổi tiếng để vào. Ghé một quầy cà phê “take away” xem chừng phù hợp với dân cổ trắng hay hơi, hơn là dừng ở hàng cà phê lem nhem, mặc dù dân ghiền đồng ý tại một số hàng cóc, cà phê ăn đứt nhiều quán xá màu mè. Ở cà phê “take away”, để phù hợp với đẳng cấp của mình thì dĩ nhiên cà phê không được quá dở, theo đúng quảng cáo là cà phê chính hiệu. Pha chế thứ gì không cần biết, miễn uống vào phải thấy hương vị thơm ngon hiển nhiên.
Ngoại trừ các quán cà phê cũ, nay treo thêm tấm bảng “take away” cho bắt mắt, vẫn theo lịch hoạt động từ xưa là mở cửa sớm và đóng cửa muộn. Còn các hàng “take away” mới toanh mọc ra gần đây, đều mở cửa khá muộn, vào khoảng tám giờ. Đó là giờ giấc phù hợp với tư chức và người đi học. Công chức vào sở sớm hơn, lọt qua cổng bảo vệ đúng bảy giờ rưỡi, điểm danh, sau đó quay ngược ra ngoài ăn sáng rồi mới thủng thẳng xách một ly cà phê “take away” trở về bàn giấy.
Các hàng cà phê này không dùng ly nhựa như hàng bình dân mà thường dùng ly giấy có in logo của quán, có quai xách, tay cầm, giấy quấn cho đỡ nóng. Vì thế đám học sinh cấp III, sinh viên và nhân viên văn phòng rất thích cầm trên tay chiếc ly, đi một mình hay đi một nhóm tản bộ trên đường vừa đi vừa uống. Đi từ hàng nước tới trường, đi từ bãi giữ xe vào tiệm sách, đi vào phòng họp hay trong sở, đi từ phòng này sang phòng khác… Nhân thể chụp tấm hình tay cầm ly cà phê đúng điệu để “up” lên facebook nữa chứ. Vào phòng họp, trên tay mỗi người đều nhất tề xách một ly “take away” đặt trước mặt khuấy lách cách hoặc đưa lên miệng thổi phù phù. Nếu không có ly cà phê đó chống đỡ thì chắc mọi người ngủ gục ngáy khò hết.
Một số cơ quan giàu có đặt bên cạnh máy nước nóng, nước lạnh mấy gói cà phê để nhân viên tùy nghi dùng. Ở một xứ sở trồng cà phê như Việt Nam và người dân miền Nam có thói quen uống cà phê mỗi ngày thì mấy gói cà phê bột hòa tan uống liền mùi vị đâu có ra gì. Cho nên vẫn phải uống cà phê bên ngoài hoặc mua mang đi.
Tất cả mọi người đều nhìn thấy rõ chiếc ly in hình tách cà phê bốc khói hay tên của quán, một cái tên rất thời thượng, đại khái Start, Delicious… Hình ảnh đó thật phong thái, thật thời thượng chứ không phải Mắt Biếc, Chiều Tím… là tên những quán nước quen thuộc với những bản nhạc tình lê thê nghe xưa ơi là xưa!
Một điều cũng dễ thấy là cà phê “take away” chỉ nằm trong nội thành. Ra xa hơn không thấy loại này xuất hiện. Có lẽ ở ven đô hay ngoại thành, nhịp sống chậm hơn so với thành phố, người dân dư giả thời gian để chậm rãi thưởng thức ly cà phê chứ không cần vội vã mang đi, vả cho dù có cầm ly cà phê đi nghênh ngang ngoài đường thì cũng khó kiếm ánh mắt ai thèm nghía!
Thật ra nghe “take away” có vẻ theo mốt, chứ thực ra hình thức không uống tại chỗ này đã có từ hơn chục năm nay. Đó là các “điểm” bán nước quanh trường học, công viên, sở, công ty, nhà máy, bến xe… Hình ảnh thường thấy là một cái bàn nhỏ để các thức uống như cà phê đậm đặc đóng chai khi cần rót ra ly thêm nước sôi hay mấy viên đá quấy đều, hũ chanh muối, chai sirô… và một lô ghế nhựa. Ban đầu ly thủy tinh được dùng nhưng rồi lề đường bị “ví” bắt quá nên ly nhựa dùng một lần được thay thế. “Điểm” bán cà phê dần gọn nhẹ hơn, chỉ còn là cái kệ, thùng xốp hoặc các túi xách treo toòng teng trên một chiếc xe đạp hay xe gắn máy có thể mau chóng di chuyển nơi này sang nơi khác. Hoặc đến thời kỳ cao điểm “thông thoáng lòng, lề đường” thì hàng hóa nằm đâu không biết. Bên cạnh gốc cây chỉ có ly cà phê uống dở trên cục gạch cho thấy nơi đó có sự hiện diện của một hàng nước, giống như cái phễu giấy đặt trên cục gạch là tượng trưng cho cây xăng lưu động vậy. Khách chỉ cần dừng trước cục gạch đặc biệt đó là có ngay một người từ góc bí mật nào đó hiện ra hỏi: “Uống gì”, “Mấy ly?”… Cảnh thường thấy ở Sài Gòn là khách đang ngồi uống cà phê ven bờ tường, bỗng nghe tiếng hô báo động dây chuyền từ đầu đường. Người bán xách chiếc giỏ chạy mất tiêu. Khách muốn ngồi đó ngắm hoạt cảnh tùy ý hay tỉnh queo cầm ly cà phê lững thững đi… nơi khác.
Các hàng “take away” được ồ ạt mở ra khắp nơi với hy vọng thay đổi phần nào diện mạo của một thành phố lớn. Thế nhưng các hàng cà phê cóc ngoài vỉa hè vẫn tỏ ra không chút nao núng với những phương cách “mang đi” tuy cũ mèm nhưng lại vượt trội về nhiều mặt.
Đó là những hàng cà phê lâu năm với những phin nhôm cũ kỹ, ấm nước đen xì trên bếp than ngoài góc phố. Khách vẫn cảm thấy thú vị khi ở những hàng lụp xụp đó, có thể uống thiếu tiền, ghi sổ. Hàng nước tuy không thể vẽ một bông hoa trên mặt tách cà phê nhưng lại có bán thêm thuốc lá, khách có thể ngồi hàng giở nhổ râu, hút một, hai điếu thuốc, nói chuyện tầm phào, do hàng cà phê bình dân bao giờ cũng là thông tấn xã vỉa hè với những tin tức vô cùng nhạy bén và phong phú trên mọi lãnh vực. Ngoài ra, bà Tư chủ hàng còn bán thêm vé số và kiêm cả chạy việc không tính phí dịch vụ. Thay vì liên hệ trực tiếp với nhà hàng gần đó cho bữa tiệc tiếp khách thì anh thư ký lại dặn qua bà Tư xem chừng đơn giản và mau chóng hơn. Bởi rất thạo việc nên bà tự động giải quyết những việc nhỏ bên lề mà không cần phải hỏi lại ý kiến anh thư ký.
Hàng nước nằm bên kia đường, nếu không muốn băng qua đường xe cộ đông và mất công thì khách đứng bên này ra dấu. Đưa chân đá lên mấy cái là cà phê đá, di bàn chân lên mặt đất là cà phê không đường, xốc cổ áo là cà phê nóng… Bà Tư ngồi đó bao nhiêu năm nên thuộc gu và cả tính tình của tất cả các khách trong khu vực. Người này khó chịu, người kia dễ thương, người này uống cà phê đặc, người kia uống nhạt… Chỉ cần thấy khách ngoắc tay là bà mang tới ly cà phê đúng boong.
Nếu khách kêu điện thoại, bà sẽ xách ly nước “take away” vào tận nơi. Ngay tại các cơ quan khó khăn, không có giấy giới thiệu, không có lịch hẹn trước, chẳng ai qua nổi cổng bảo vệ, thì chỉ có mỗi bà Tư vượt qua mọi cổng, mọi hành lang, để mang ly nước tới tận bàn làm việc của khách. Nếu có một cuộc họp đông người, bà được gọi vào để khách dặn, người này đen lạnh, người kia đen nóng không đường, người nọ bạc xỉu ba giọt cà phê và người nữa bạc xỉu năm giọt cà phê… Chỉ trong chốc lát, bà xách vào một giỏ to đặt trước mặt hàng chục người đúng ly nước yêu cầu một cách hết sức chuyên nghiệp, không hề lầm lẫn.
Hay là nhân viên muốn uống bia lén trong giờ hành chánh. Bà Tư sẽ vui vẻ đem vào tận nơi bốn cái tẩy hoặc thậm chí hai ngàn đồng nước đá mà không hề lườm nguýt.
Ngay cả khi gần bà có một tiệm nước khang trang mới mở, cũng khó mà vượt nổi bà. Sau tuần đầu tiên khai trương với các chiêu khuyến mãi: Uống hai ly tặng một bong bóng, uống bốn ly tặng một ly… thu hút đông đảo khách hàng tới thử cho biết nó là cái gì, thì sau đó, đa số khách quen lại rút về với bà Tư.
Bà nói thẳng thừng coi bên ngoài rực rỡ vậy chứ đâu có ai ra sau để biết cái bếp thế nào. Các ly thủy tinh của bà rửa ngay trong chiếc thau bên cạnh. Ly nhựa bà rút từ nguyên lố treo ngay đó chứ ở tiệm, khách uống xong, “nó” mang vào trong rửa dùng tiếp lần hai (!). Hộp sữa Ông Thọ khui ra rót rõ ràng, đường cát trắng chứ không phải đường hóa học… Tức là thứ gì cũng minh bạch ngay trước mắt. Với lại cái ly nhựa nhìn tuy đơn giản, bình thường nhưng miễn chỉ cần uống xong bỏ đi thôi chứ người lớn, ai mà cầm chiếc ly giấy có in hình con gấu hoặc hoa văn này nọ giống như tụi teen, nhìn chẳng “manly” chững chạc tí nào!
Đây là khu vực sở chứ không phải công trường xây dựng, tức là phần lớn là nhân viên văn phòng chứ không phải công nhân, nên bà Tư chỉ pha cà phê có thương hiệu phổ biến. Sếp tin cậy tới mức giao hẳn cho bà một ký cà phê chồn để pha riêng cho ông và khách của ông. Đâu dễ kiếm được chỗ ngồi chắc chắn lâu dài nên bà Tư chẳng tội gì gian dối làm mất khách quen.
Thành thử người ta tiên đoán cà phê “take away” chỉ rộ lên như một phong trào chứ chưa thể lật đổ được cà phê “mang đi” kiểu cũ.
Sài Gòn Cô Nương
-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét