Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

Câu chuyện nước Mỹ: Một giờ nghe Madeleine Albright



Madeleine Albright. Ảnh: HM
Trên thế giới có vài bà đầm thép, Thatcher, cựu thủ tướng Anh, Albright, cựu ngoại trưởng Mỹ và Merkel, hiện là thủ tướng Đức.
Hôm 19-2-2014, bà Madeleine Albright, gốc Tiệp, ngoại trưởng (1997-2001) nữ đầu tiên của Hoa Kỳ thời Clinton, đến nói chuyện tại WB. Hiện nay, bà là giáo sư Đại học Georgetown, giảng dạy về quan hệ quốc tế.
Từng là đại sứ Mỹ tại UN, bà đọc thông viết thạo tiếng Anh, Pháp, Nga, và Tiệp, đọc và nói rất khá tiếng Ba Lan và Nam Tư (Serbia và Croatia). Bà tới WB nói chuyện về chủ đề Statecraft – nghệ thuật dẫn dắt quốc gia.
Có lẽ không gì hay bằng nghe những câu chuyện liên quan đến thời làm Ngoại trưởng, tham gia giải quyết chiến tranh Balkan (Bosnia và Herzegovina, Kosovo và Bosnia), xung đột Trung Đông và cả Châu Phi với nạn diệt chủng Ruanda.
Bà thừa nhận, cuộc chiến Nam Tư được ghép cho tên “Albright War – cuộc chiến Albright”, vì đã tham gia đàm phán nhiều bên để bắt đầu và kết thúc chiến tranh. Xem những hình ảnh diệt chủng tại Nam Tư, bà bảo, không thể không hành động, Hoa Kỳ tham chiến cùng NATO để giải quyết rốt ráo vấn đề Balkan.
Giải quyết một vấn đề khu vực nóng như Balkan, nhà ngoại giao phải biết đặt mình vào địa vị của Nam Tư, của Balkan, của NATO, và cả của Mỹ để tìm ra giải pháp. Bà coi đó là một trong những nghệ thuật dẫn dắt quốc gia trên trường quốc tế.
Nhớ một buổi sáng đến VP ở Bộ Ngoại giao, mấy trợ lý đã đợi sẵn trước cửa, biết chuyện chẳng lành,bà hỏi sao thế. Thưa bà, chuyện đã xảy ra với sứ quán Trung Quốc ở Belgrade. Bốn quả tên lửa đã bắn đúng bốn góc của tòa nhà này, một quả không nổ, có thương vong.
Albright không thể hiểu chuyện gì đã xay ra. Đó là việc hết sức nguy hiểm, vì Nga đã tức giận, Trung Quốc nổi xung thì chả hiểu ra sao nữa.
Bên Lầu Năm Góc thông báo, họ nhầm lẫn do dùng bản đồ cũ. Dù đã giải thích với phía Trung Quốc, nhưng họ vẫn cho rằng, vụ này Hoa Kỳ cố ý tấn công. Cho đến nay họ vẫn nghĩ như thế.
Cuộc chiến Nam Tư đã giải quyết xong kể cả di chứng. Sau này thăm Kosovo, người dân đón bà như một anh hùng. Hàng ngàn bé gái được đặt tên Madeleine để nhớ về ân nhân đã cứu họ khỏi nạn diệt chủng.
Ngay trong phòng họp, một đồng nghiệp đến từ Sarajevo đã nói “Khi chiến tranh bắt đầu, tôi 12 tuổi, sống cả thời niên thiếu dưới hầm và ngày nào cũng cầu nguyện khi nào thì hết bom đạn. Chúng tôi đợi ai đó đến và giúp cho bớt đổ máu. Từ đáy lòng, tôi cảm ơn bà”. Nghe na ná như bao bạn đọc trong blog này từng trải qua chiến tranh Mỹ – Việt.
Bà kể chuyện vui khi gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-Il, (Kim Nhất Chính), đi giầy cao gót nên bà nhỉnh hơn chủ nhà cái đầu, dù Chủ tịch Triều Tiên cũng mang giầy đế cao không kém. Albirght thừa nhận, dù tóc ông ấy có vẻ thưa hơn cả tóc bà, hội trường cười rộ. Bạn đọc xem ảnh thấy bà tóc rất thưa. Người thông minh biết cười giễu cả những nhược điểm của mình.
Tuy thế, bà nhận xét, đây là một nhà lãnh đạo thông minh, biết rất nhiều. Ai nói lãnh đạo Bắc Triều tiên là ngu dốt, chứng tỏ chẳng hiểu gì về đất nước ấy. Không hiểu người Triều Tiên thì khó mà giải quyết được vấn đề của bán đảo nóng như vạc dầu.
Sinh ra ở khu Smichov – Prague của Tiệp Khắc, bố mẹ cũng là nhà ngoại giao ở Belgrade trước thế chiến 2, bà phải chạy sang Anh cùng gia đình. Chiến tranh thế giới 2 kết thúc, gia đình quay về Prague, nhưng bố lại thành đại sứ Tiệp Khắc tại Nam Tư.
Gửi Madeleine đến trường ở đó, ông bố sợ con nhiễm tư tưởng cộng sản, nên đã gửi con sang Thụy Sỹ. Vì thế bà rất giỏi tiếng Pháp.
Khi Tiệp Khắc trở thành nước cộng sản sau 1948 với sự can thiệp của Liên Xô, dù được làm đại diện UN tại New York, gia đình Albright đã tìm cách ở lại Mỹ.
Albright lớn lên và trưởng thành tại nước Mỹ nên bà coi đây là tổ quốc của mình. Sau khi Tiệp Khắc lật đổ cộng sản, rất nhiều người muốn Albright về làm tổng thống Tiệp Khắc.

Madalene Albright at the Bank 19-2-2014. Ảnh: HM
Tại hội trường có người hỏi, bà đã nói “No way, I love being an American, and I am an American – Không thể được. Tôi tự hào vì là người Mỹ và tôi là người Mỹ”.
Bà giải thích, để làm tổng thống phải sinh ra và lớn lên ở đó. Sinh trưởng ở Mỹ không thể thay cho Havel. Muốn ở vị trí cao cấp đó, bạn phải ở trong cái giầy của người Tiệp, mới có thể dẫn dắt được quốc gia. Không hiểu dân thì đừng nói chuyện lãnh đạo họ, trừ phi đó là bạo chúa độc đoán.
Chả hiểu sao Albright lại rất mê IT nên nói khá hay. Bà cho rằng trên thế giới hiện có hai xu hướng khủng: công nghệ và toàn cầu hóa. Cả hai tưởng rằng hỗ trợ lẫn nhau nhưng trong thực tế đôi lúc lại phá nhau.
Toàn cầu hóa giúp nhân loại gần gũi nhau hơn, không còn biên giới, không còn quốc gia rõ rệt, người trong cuộc cảm thấy bị mất mình. Trong khi đó, công nghệ lại đẩy con người xa nhau. Nói chuyện với nhau từ hai phía của bán cầu qua iPhoen, tưởng là đang rất gần nhau, nhưng trong thực tế đó là sự xa cách vật lý mà con người không cảm nhận hết.
Công nghệ cũng giúp cho nhân loại “nhìn ra” người lãnh đạo của họ, bởi internet, google, facebook, blog đã bạch hóa mọi việc trên đời, từ cái chết bí ẩn, đến ngôi biệt thự xa hoa hay nhà thờ hàng trăm tỷ của bất kỳ ai.
Bà giải thích tại sao người biểu tình trên quảng trường Tahrir (Cairo) lại phản đối chính phủ “People are talking to their governments on 21st century technology, governments are listening on 20th century technology, and responding with 19th century ideas. – Dân chúng đang bàn về chính quyền bằng công nghệ thế kỷ 21, chính quyền nghe họ bằng công nghệ thế kỷ 20 và trả lời dân chúng bằng ý tưởng của thế kỷ 19”. Người nghe tán thưởng và vỗ tay ầm ầm.
Để quá khứ, dù có vinh quanh thế nào chăng nữa, gậm nhấm trong tâm và tầm của người lãnh đạo, không biết vượt lên chính mình, không chịu đi theo tiếng gọi của thời cuộc với công nghệ thay đổi chóng mặt, thì sớm hay muộn, những kẻ đó sẽ bị đào thải. Dẫn dắt quốc gia theo kiểu như thế, cách mạng mầu sẽ không tránh khỏi.
Ông Jim Young Kim, chủ tịch WB, nói vui khi giới thiệu bà lên nói chuyện. Nhận quyết định về tổ chức tài chính này, Madeleine gọi điện chúc mừng đầu tiên, hẹn ăn trưa và hứa giúp cho ông làm thế nào “tồn tại” ở Washington DC cho tới hết nhiệm kỳ.
Chả biết ông Jim Kim trụ được mấy năm. Nhưng nghe nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã 77 tuổi (Albright sinh năm 1937) nói chuyện, chẳng cần giấy tờ, các sự kiện nhớ vanh vách, giọng hóm hỉnh và lôi cuốn, hội trường chật ních hàng ngàn người “trụ” hơn một tiếng, biết được bao nhiêu điều về nghệ thuật dẫn dắt quốc gia.
Hiệu Minh
Chia sẻ bài viết này
Cụ nào không thích đọc thì xem ảnh do lão Cua chụp Capitol Hill về đêm

Tượng Ulysses S. Grant và hồ trước Capitol. Ảnh: HM

Nhà Quốc hội có sư tử canh. Ảnh: HM

By Night. Ảnh: HM

Icy Capitol Hill – phần bị mờ dưới nước là do tảng băng. Ảnh: HM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét