Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Chỉ còn là vấn đề thời gian...

Trên hai vùng biển tranh chấp căng thẳng với nước láng giềng, Trung Quốc từng bước leo thang khiêu khích và áp đặt điều mà họ cho là “quyền lợi không thể tranh cãi” của Bắc Kinh.
Ngày 23/11 năm 2013, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đột ngột công bố bản đồ về “Vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) trên biển Hoa Đông bao gồm quần đảo Senkaku (Điếu Ngư), nơi từ lâu xảy ra tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Sự thách thức của Trung Quốc bị các quốc gia liên hệ trong vùng trong đó có Hoa Kỳ, phản ứng một cách chừng mực để tránh cho Trung Quốc gánh chịu hậu quả một cuộc chiến tranh khốc liệt không đáng có làm ảnh hưởng thế cân bằng hiện nay trên toàn cầu.
Nhưng Trung Quốc vốn dĩ tự tin vào tiềm lực kinh tế, quốc phòng mới trỗi dậy của mình và tự đánh giá hành động vừa diễn ra đủ làm Nhật Bổn và Nam Hàn e sợ, ngay cả Hoa Kỳ cũng phải xét lại chiến lược trở lại Á Châu.
Sự tự tin quá đáng ấy khiến Trung Quốc càng lấn lướt và biển Hoa Đông chỉ là màn giáo đầu trong vở tuồng “ chinh đông” kiểu mới.
Ngày 31/1/2014 báo Asahi Shimbun của Nhật Bản tiết lộ Bắc Kinh đang tiến hành việc thiết lập một “Vùng nhận dạng phòng không mới” trên Biển Đông, nơi mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm Quần Đảo Hoàng Sa năm 1974 của Việt Nam Cộng Hòa trong khi cả thế giới ngoảnh mặt làm ngơ.
Tin của Asahi Shimbun nói rõ rằng bản dự thảo về Vùng phòng không trên Biển Đông này đã được các chuyên viên không quân thuộc Bộ Quốc phòng soạn ra và trình lên các quan chức quân sự cấp cao của Trung Quốc xem xét quyết định từ tháng 5/2013. Từ đó người ta có thể suy ra kế hoạch lập vùng phòng không trên hai vùng biển tranh chấp nằm trong kế hoạch toàn diện của mưu đồ biến Trung Quốc thành một “cường quốc đại dương”, có thể kiểm soát hơn nửa phần thế giới trong lòng bàn tay.
Bản dự thảo này được mô tả lấy Quần Đảo Hoàng Sa của Việt Nam làm tâm điểm từ đó mở rộng vùng kiểm soát bao trùm hầu như toàn bộ không phận Biển Đông. Đây là một kế hoạch quân sự chưa từng có ngay trong thời chiến cũng như trong thời bình theo đúng sách lược Mao: chính trị là chiến tranh không đổ máu và chiến tranh là chính trị đổ máu…
Để hỗ trợ cho kế hoạch này, hôm cuối tháng 11/13 hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc đã vội vàng lên đường tiến xuống Biển Đông trong đội hình một tiểu hạm đội, gồm hai chiến hạm có trang bị hoả tiễn và hai khu trục hạm, nói là để tham gia một đợt tập huấn tại vùng biển này.
Sau một số hoạt động có tính cách thị uy ở Hoàng Sa, tiểu hạm đội Trung Quốc tiếp tục giương đao lập oai, khua động sắt thép tiếp tục tiến xuống phía Nam “tuần tiểu và tập trận chống tàu ngầm” ở khu vực Quần đảo Trường Sa. Hành động này rõ ràng để đưa ra một thông điệp đầy thách thức cho 6 chiếc tàu ngầm Kilo Việt Nam mua của Nga để bảo vệ hải phận của mình.
Để nung nấu tinh thần bá quyền nước lớn, tàu chiến Trung Quốc còn tiến sát hải phận Malaysia, tổ chức một buổi lễ cho binh sĩ hải quân “thề giữ biển đảo”! Nói cách khác, họ muốn ngầm cho cả thế giới hiểu rằng biên cương Trung Quốc thực sự kéo dài theo sức mạnh của hạm đội Liêu Ninh!
Như thế, sau khi đã tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông, kể cả tại những vùng rất xa bờ biển Trung Quốc mà không gặp một phản ứng nào mạnh mẽ ngoại trừ Philippines, Trung Quốc coi như đã hoàn thành mục tiêu trên mặt nước. Sự nhân nhượng gần như yếu đuối của các nước trong vùng được lý giải do quyền lợi kinh tế có được từ Trung Quốc dường như lớn hơn tham vọng của đế quốc bành trướng này.
Vấn đề còn lại “Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông” nay chỉ còn là vấn đề thời gian và sự cân nhắc, đánh giá lợi hại của Bắc Kinh trước khi công bố. Vì chính Bắc Kinh cũng thừa biết, dù đã ráo riết thực hiện "4 hiện đại hóa" theo lời dạy của Đặng Tiểu Bình, các lực lượng quân sự Trung Quốc chỉ là đối thủ dưới cơ con hổ giấy của Mao năm xưa.
Nhưng có một điều không may cho Trung Quốc và cả Việt Nam, kẻ mạnh thật sự trong vùng là Hoa Kỳ mà không phải Trung Quốc. Trong khi Việt Nam đang lúng túng trước sức ép ngày càng nặng của người dân Việt về thái độ hèn nhục bỏ quên chủ quyền đất nước của mình thì Hoa Kỳ âm thầm giương ra chiếc bẫy để Trung Quốc chui vào. Trong chiếc bẩy vô hình này, Trung Quốc tha hồ diệu võ giương oai, đe nẹt Việt Nam nhằm độc chiếm Biển Đông cả trên trời lẫn mặt biển trước sự khép nép vờ vĩnh của chính quyền Obama. Hoa Kỳ tiếp tục làm ngơ trước ly thuốc độc do Trung Quốc trao cho Việt Nam và ép uống. Thuốc càng đắng càng độc lại càng thúc đẩy Việt Nam phải chọn một cơ hội để sống còn.
Trong chiếc sân chơi thu hẹp, Việt Nam bị buộc phải đứng về một bên, bỏ qua lập trường “ba không" mà Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh thường rêu rao khi có dịp.
Phía trước là ánh sáng thênh thang của mặt trời dân chủ, quay nhìn phía sau là con đường tối tăm càng ngày càng thu hẹp. Sinh lộ của đảng hiện nay không thể nào khác hơn là từ bỏ não trạng chư hầu Bắc Kinh, chấp nhận tháo lui, thay thế thể chế độc đảng bằng sinh hoạt nghị trường. Để may ra trong đó đảng CSVN còn là một thành phần được chấp nhận một cách bình đẳng với mọi đảng phái khác bởi cuộc bầu cử dân chủ, tự do.
Bằng ngược lại, người Việt Nam phải trở lại thời kỳ "lên rừng tìm sừng tê, xuống biển mò ngọc trai" làm vật phẩm cống nạp thiên triều và mất nhiều xương máu để thoát ách đô hộ lần thứ tư.
Vì ai cũng biết, Việt Nam chưa bao giờ là quyền lợi thiết thân của Hoa Kỳ, ngay trong những thời kỳ gắn bó nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét