Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Con Ngựa Thượng Tứ

Bà Tham Trọng ngồi trên sập gụ, trên sập là cái mẹt tròn bày những cánh cà rốt, đu đủ tỉa những bông ngọc lan, bông trà, thược dược, ớt đỏ, ớt xanh. Bà nhìn ra ngoài trời, cơn mưa vẫn tầm tã. Năm nay đã ba trận lụt lớn trôi nhà trôi cửa rồi, có một cái Tết cho con dân Huế được thở tí xíu, ông Trời cũng làm ngơ sao?
Nhà ba gian hai chái, cột gỗ lim bóng lóang có treo hai bên hai câu liễn đối sơn son thiếp vàng. Của các cụ ngày trước để lại, bao đời rồi không biết, hai câu liễn đối vẫn uy nghi ngự trên hai cột gỗ dựng hai bên bàn thờ. Thì một nửa gian giữa dùng làm nơi thờ phụng tổ tiên, phía ngoài chắn một tủ trà cổ bằng gỗ quí và kê bộ đồ gỗ gồm có một bàn dài và sáu ghế chạm  lọng, khảm xà cừ, cũng của các cụ xưa để lại. Bộ bàn ghế đó trước đây ông Tham Trọng mời khách, kéo ghế, đặt bộ trà mai hạc, một chén tống và bốn chén con nhỏ xíu, nghe nói từ đời ông Nguyễn Du đi sứ sang Tàu, cảm hai câu thơ mà ông đã dịch ra tiếng nôm: Nghêu ngao vui thú sơn hà, mai là bạn cũ hạc là người thân.
Bà Tham Trọng lắc đầu, ôn lại kỷ niệm cũ sao trong bụng buồn quá là buồn. Lật bật ông Tham đã bỏ lại bà mà đi trước cũng tới bốn năm rồi, cũng vào cuối năm, cũng những ngày mưa thúi đất thúi đai như bữa nay…
Bộ đồ trà mai hạc đã thiếu mất một chén con, vì trong buổi giỗ bốn chín ngày, khi rót trà, bà đã lỡ tay đánh bể hay ông Tham muốn đem đi theo một chén, không biết chừng. Phần còn lại, từ đó tới nay vẫn được cất trang trọng trong tủ cổ, chỉ ngày giỗ của ông Tham, bà mới lấy ra rót trà cúng rồi cất lại liền.
Mưa tới ngày nào mới tạnh đây.  Những món bà đã tỉa dùng để ngâm nước mắm làm dưa món nếu không được phơi nắng  cho héo mặt thì khi ngâm đã không dòn mà còn bị lầy, thúi. Bà Tham Trọng gọi:
"Chị Gái mô rồi….Gái, Gái…"
Chị ở, tuổi cũng ngũ tuần chớ không ít, lon xon đâu từ dưới bếp chạy lên:
"Bà kêu con?"
"Không kêu chị thì kêu ai, hí? Chị tên Gái chớ phải tên Trai mô mà còn hỏi."
Chị ở, biết tính bà Tham Trọng, cười hề hề:
"Dạ, con tra rồi, lú lẫn quá hỉ."
"Mi noái ai tra. Mi tra bằng tau khôn?"
Chị ở giật mình. Cứ càng nói càng sai, càng bị bắt bẻ. Đợi  cho bà Tham Trọng nhíu mày, quắc mắt xong, chị  mới tiếp:
"Dạ thưa, bà sai con chi?"
"Kêu mi là có việc mới kêu. Nì, đem cái sàng ni xuống, quạt lò lửa rồi hong cho khô khô bớt. Đợi từ mấy ngày ni, bữa mô cũng mưa, làm răng mà chờ cho được."
"Dạ."
"Đừng đứng đó mà dạ nhịp nữa. Đem xuống đi. Nhớ khơi than cho đều, ủ tro cho bớt nóng, chớ khôn, như năm ngoái, mi làm cháy hư hết trơn."
Chị Gái lại cười, đưa tay lên gãi đầu. Bà Tham Trọng lắc đầu. Bởi ngu rứa không đi ở thì làm chi đây? Hồi trẻ chị Gái đi ghính nước mướn, rồi vô ở nhà bà, tính cũng cả hai chục năm, không ít. Ở hai chục năm mà vẫn còn chưa biết ý chủ, còn noái không ngu?
"Thôi đi đi cho khuất mắt tau."
"Dạ đi, con đi, con đi.
Chị Gái vội vã đưa cả hai tay, cẩn thận cầm cái sàng tre dựng những hoa lá tỉa của bà Tham Trọng đi xuống bếp.
Bà Tham Trọng cũng xếp lưỡi con dao  bằng thép  mà bà rất ưng ý. Bà đặt thợ rèn làm riêng cách đây cả ba chục năm, chỉ dùng một việc là tỉa bông, vậy mà lưỡi dao cũng mòn đi nhiều. Bà mở nắp cơi trầu để bỏ con dao xuống dưới. Cái cơi trầu bằng đồng, cũng của cụ ngoại hồi xưa để lại. Bà  cẩn thận bổ cau, têm trầu. Giòng dõi vua  quan, ăn trầu vôi phải pha mầu hồng, trầu phải têm cánh phụng.  Răng cỏ của bà cũng thảm lắm rồi, hồi xưa còn con gái, nhuộm răng đen, nhớ lần nhuộm răng, xức rồi ngậm thứ thuốc đặc biệt, đau đớn, khó chịu, cả mười ngày không nhai được, khổ sở biết mấy. Nhưng bù lại, hàm răng của bà thời đó đen nhưng nhức, làm tăng giá trị nụ cười, không phải sao, hồi đó, ông Tham Trọng đã đỗ đạt gì đâu, mới là thư sinh, mà đã bị nụ cười răng đen của bà xô té cái bịch, nằm luôn  với bà cho tới lúc nằm một mình dưới đất.
Hàm răng đã có cái lung lay rồi, không  biết gìn giữ lại càng khổ thêm với nó.  Bà bỏ trầu và cau vào cái xoáy để nghiền cho dập dập trước khi bỏ vô miệng, bà bỗng nhìn thấy một bóng người lướt vô sân rồi biến rất nhanh ở góc. Bà dụi mắt, có quáng mắt không chớ. Rõ ràng bà nhìn thấy mà, người chớ đâu phải là ma mà biến mau quá vậy?
"Gái. Gái."
Giọng từ dưới bếp vang lên:
"Dạ ạ…"
"Ai mới vô trong sân nhà mình, mi thấy khôn?"
"Dạ, có."
"Ai rứa?"
"Con chơ ai, mạ."
Bích Trâm ló cái mặt lên cho mạ nhìn thấy, rồi rụt lại liền. Bà Tham Trọng tằng hắng một tiếng, rồi kêu:
"Trâm, lên đây mạ biểu."
Bích Trâm chưa kịp thay quần áo. Cô vừa lội nước mưa về, hai ống quần xắn cao, áo xốc sếch, tóc tai thấm nước mưa dính bệt. Vừa bước lên nhà, Trâm đã thấy mạ rút cây roi treo nơi cột, sau bức liễn đối ra.
"Nằm xuống."
"Mạ ơi, mạ ơi, cho con thay quần áo, con mới đi mưa về."
"Không thay chi hết, nằm xuống. Mả cha mi, tau đã noái ở nhà, mi không nghe. Tết nhứt tới nơi, con gái con dứa chi mà vô hậu tế đợi rứa."
Bích Trâm đành phải nằm dài trên  tấm sập gụ. Bà Tham Trọng nhịp nhịp cây roi  trên cái đít nong nẩy của đứa con gái út.
"Trâm. Có phải mạ dặn con, bữa ni nghỉ học, ở nhà, phải rứa khôn?"
"Dạ phải."
"Dặn rồi răng khôn nghe, mi khôn coai mạ mi ra chi hết."
"Con.”
"Tao biết mi như rứa, tao bóp mũi cho chết ngắt từ hồi mới đẻ đỏ hỏn, chớ nuôi thứ quả báo ni mần chi trời. Mi đi mô, há, đi mô?"
"Con đi mượn vở về làm bài. Con tới nhà con bạn ở ngoài Gia Hội, mạ không tin."
"Ngày mô cũng đi mượn bài, sáng đi, trưa đi, túi cũng đi. Mi hẹn thằng mô, noái, tau đập chết, đập chết."
Cái roi quất xuống, một, hai, rồi ba, bốn. Cái đít của Bích Trâm cong lên, đã quen đòn rồi, nhưng mỗi lần bị đập, Bích Trâm đều cảm thấy mạ mình có một kiểu đập roi làm cho mỗi lần đau đớn mỗi khác nhau. Bích Trâm kêu lên:
"Mạ ơi, con lạy mạ, hu hu, đau quá, hu hu…đau quá, đau quá."
Không rách thịt tét da, nhưng những lằn roi sẽ còn in vết lâu lắm, lúc đầu đỏ, rồi tím bầm. Cái đít của Bích Trâm, lằn roi cũ chưa lặn thì lằn roi mới đã in. Bà Tham Trọng ngứa con mắt quá rồi, đứa con gái, đánh lằn ngang lằn dọc, cái đít nó vẫn cong lên, hàng ngày vẫn xách đi."
"Đồ ngựa Thượng Tứ, chết đi, chết đi. Ngựa Thượng Tứ, con Thượng Tứ….Thượng tứ…"
Chiều tối hôm đó, cơm nước xong, chị Gái cầm lọ muối đi vô buồng Bích Trâm:
"Đau khôn?"
"Hỏi ngu rứa cũng hỏi."
Chị Gái không thấy buồn vì bị chửi. Chị tới bên giường.
"Cô nằm sấp xuống, tui xoa muối cho khỏi bầm."
Bích Trâm nằm sấp. Chị Gái kéo cái quần của Bích Trâm xuống rồi dơ cây đèn dầu lên soi, chị kêu:
"Khổ như ri thì thôi. Lằn cũ chưa lặn, lằn mới chu cha ơi, đau chết cha… Nì, có lằn rướm máu nì."
Chị Gái xát muối lên những lằn roi. Bích Trâm rướn người, cắn môi chịu đau. Chị Gái hỏi:
"Đau lắm khôn?"
"Không đau."
"Túi ni đừng đi nữa hí?"
"Không, cứ đi. Mạ chửi tui là con ngựa Thượng Tứ mà. Có phải mạ chửi tui là con đĩ… Ừa, tui đi mần đĩ, mần con ngựa Thượng Tứ luôn cho coi."
Chị Gái lắc đầu, dấu nụ cười. Bích Trâm vẫn nằm sấp, hỏi chị:
"Nì chị Gái, tui hỏi, chị có bị đập như tui khi mô chưa?"
"Tui?"
"Thì chị chơ ai. Tui hỏi chị đó."
"Tui, chiện tui cô nghe mần chi cho nhớp lỗ tai…"
Chị lặng lẽ bưng cây đèn dầu ra. Trước khi khép cửa, chị nói nhỏ:
"Tui để cửa sau, nhưng nhớ đợi bà ngủ rồi đi hí. Bà biết thì tui cũng…"
Cánh cửa khép lại. Chị lắc đầu. Biết sao được, đã làm con ngựa Thượng Tứ rồi, thì phải nhảy qua cổng thành mà đi.

*
"Mấy giờ rồi rứa anh?"
Người con trai đưa một tay lên soi soi, còn tay kia thì đang bận làm gối cho cô gái kê.
"Mười… mười một giờ hơn. Bữa nay em sang trễ quá đấy."
Bích Trâm muốn lăn người, nhưng cái đít đau ê ẩm, cô nằm nghiêng, nói nho nhỏ:
"Em sợ ôn nớ thấy quá. Liệu ôn có thấy khôn anh, thấy là ôn mét mạ em liền."
"Chắc không đâu. Ông già ngủ sớm lắm, vì sáng sớm ông dậy uống trà."
"Anh đã gài cửa chưa?"
"Sao bữa nay em lo gì vậy. Rồi. Yên tâm mà. Không ai biết đâu. Nhé, nhé, anh thương."
"Đau."
"Em sao vậy?"
"Cái đít em…"
"Em lại bị đòn?"
Bích Trâm thút thít.
"Dạ."
"Tội em quá. Anh  thương em mà không biết làm sao. Anh chỉ là một thanh niên nghèo trọ học. Anh làm khổ em…"
Bích Trâm đưa tay bịt miệng người thanh niên:
"Anh đừng nói rứa. Cũng tại vì em thương anh."
"Cho anh coi được không?"
"Coi cái chi."
"Coi cái đít em ra sao. Đi, cho anh coi."
Nằn nì mãi, Bích Trâm mới chịu cho người yêu coi cái đít lằn roi ngang lằn roi dọc của mình. Anh chàng cầm cây đèn lên soi, kêu xót xa:
"Úi trời ơi, tội em quá, em ơi, em ơi."
Bích Trâm kéo quần lên, lặng lẽ khóc. Bên ngoài, càng khuya mưa càng mau, càng xối xả. Hai người vẫn nằm ôm nhau, ấm lắm. Bích Trâm nức nở:
"Mạ không khi mô chịu tin em."
"Tin chi?"
"Tin là chưa khi mô anh làm chi em, chưa khi mô em làm chuyện bậy bạ…"
Anh chàng vuốt tóc người yêu:
"Chuyện đó, khi thương yêu nhau đâu phải bậy bạ. Nhưng anh thương em, nể em. Người Huế khó lắm,  anh gìn giữ cho em."
Bích Trâm ôm riết người yêu, hôn tới tấp lên mặt chàng:
"Bữa nay, em khôn thèm giữ nữa, em cho anh, cho anh rồi ra răng thì răng. Em hận mạ em, em hận tất cả."
Cái đít Bích Trâm cong lên, những lằn roi đau đớn bỗng nhức nhối thêm, dục dã thêm. Họ quấn lấy nhau.  Nhưng rồi, tay anh chàng đụng những lằn roi và Bích Trâm rên nho nhỏ:
"Em đau. Em đau. Em đau."
"Thôi, thôi, anh xin lỗi."
Chàng thanh niên sắp chịu thua, nhưng tiếng kêu của Bích Trâm làm anh ta tỉnh lại.
Bích Trâm:
"Mai mốt học xong, anh bỏ em mà đi."
"Không bỏ."
"Rồi anh mần răng?"
"Anh thưa với ba mẹ xin cưới em. Nhà anh nghèo lắm."
"Em biết mà. Rứa nên chi anh trọ học mà phải đi dạy kèm kiếm thêm tiền. Em biết nên mới thương anh. Chớ mạ em..."
"Mạ biết?"
"Chưa, nhưng rồi sẽ  biết thôi, tại vì em "ăn quen nhịn không quen rồi, em ghiền hơi của anh."
"Bữa nay em đi đâu mà bị đòn?"
"Em đi tới bạn học bài thiệt. Mạ không khi mô tin em. Mạ sống như một bà già cổ hủ. Mạ đóng khung trong cái Huế của mạ, mạ không thèm hiểu cho ai."
Chàng thanh niên Bắc lặng thinh. Anh không nghĩ gì ngoài chuyện học cho đỗ đạt. Cha mẹ anh đã quá khổ cực từ khi di cư vào Nam, bỏ bao nhiêu nhà cửa, của cải lại. Anh còn các em đang trông chờ hy vọng ở anh. Ra Huế học, yêu một cô gái Huế. Anh yêu lắm, nhưng yêu chỉ là yêu, còn mộng tưởng thì đâu dám thêu dệt.
Nhà trọ của Linh gần nhà Bích Trâm. Một bữa, cả hai dong xe đạp về nhà, Bích Trâm bị trật sên xe đạp, Linh dừng lại giúp, từ đó quen nhau.  Mùa hè vừa rồi, hẹn hò nhau đi chơi núi, đi uống nước dừa, dần dà thân hơn, hẹn ăn chè tối ở vườn bông, rồi tới nhà, nằm chung giường. Quen và yêu nhau gần một năm rồi, lửa gần rơm cũng suýt cháy mấy lần…
"Linh à, em yêu anh có chi không phải?"
"Trai gái lớn lên đều phải có tình yêu, Bích Trâm, em đâu làm gì nên tội chứ."
Bích Trâm bật khóc:
"Bữa nay mạ em chửi em. Bà nói em là con ngựa Thượng Tứ. Ở Huế mà bị chửi vậy coi như nhục, nhục lắm."
"Khuya rồi, em về đi. Mai mốt cái đít lành…"
"Nói chi mà dị òm…"
Bích Trâm ngoe nguẩy. Có tiếng ông già khi không ho sù sù, rồi tiếng chân lẹt đẹt. Ông già mở cửa sau ra vườn đi tiểu. Bích Trâm không dám hó hé, cô đứng nép mình  trong góc phòng. Chờ một lúc lâu, tiếng chân ông già trở vào, rồi tiếng ho dứt, Linh mới cẩn thận mở cửa cho Bích Trâm ra phía vườn sau. Ở  góc vườn, có cái lỗ chui một người lọt, sang một cái vườn, rồi tới cái vườn nữa là đến nhà. Bích Trâm hồi hộp lắm, nhà bên này có con chó siêng sủa lắm. Cũng may, lúc này mùa đông, chó được nhốt lại trong cũi, đem vô bếp. Bích Trâm yên ổn về tới nhà. Chị Gái đã chờ sẵn, mở then cửa sau, giúp Trâm vô phòng an toàn.
Bích Trâm về rồi, nhưng anh chàng thì  đêm ngủ không yên, thắc mắc về bốn chữ "con ngựa Thượng Tứ". Sáng dậy sớm, thấy ông già ngồi uống trà, bèn lân la:
"Bác dậy sớm thế?"
"Tui bữa mô khôn dậy sớm, cậu. Già rồi, khó ngủ lắm. Đêm chợp mắt mấy tiếng rồi mở con mắt thao láo, cậu."
Linh nhìn lên bàn thờ, mấy tấm ảnh cũ, hai cái bình để hai bên, không cắm hoa. Nhưng mấy ly nước sáng nào cũng rót đầy. Linh làm thân:
"Có phải hình bác gái không, bác. Bác gái ngày xưa chắc đẹp…"
"Cũng tàm tạm thôi cậu. Bà ấy bỏ tui đi lâu rồi. Mấy đứa nhỏ lớn lên, lấy vợ lấy chồng cũng bỏ đi ở chỗ khác.  Tụi nó xúi tui bán  căn nhà ni, nó ọp ẹp lắm rồi, nhưng tui có chết cũng chết trong cái nhà ni, cậu nờ."
Chuyện qua chuyện về, thấy vui, Linh mới dám hỏi:
"Bác ơi, người ta hay chửi "con ngựa Thượng Tứ" là nghĩa làm sao, bác."
"Ui chui choa. Tiếng đó nặng lắm nghe. Người ta chửi mấy con đĩ ngựa, mấy đứa con gái hư. Nguời ta chửi "đồ ngựa thượng tứ" là con nớ hết xài rồi, đồ gái thúi rồi."
"Nhưng mình ở đường này không phải cửa chánh Tây là cửa Thượng Tứ sao."
"Thì đúng rồi, cậu. Mà chuyện chi rứa?"
"Dạ không. Nghe người ta nói nên cháu mới hỏi bác. Bác chắc lớn lên ở đây?"
"Tui, ngũ đại cậu ơi. Bởi rứa, cậu thấy cái nhà ni chẳng ra nhà nữa. Người ta noái không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Đến đời ông già tui với tui là mạt rệp luôn."
"Hay quá. Cháu muốn biết sự tích con đường này."
"Cậu muốn biết thì tui kể cho mà nghe nì. Cửa Thượng Tứ là tên chính của cửa Chánh Tây, người mình gọi là Thượng Tứ, tại vì ở cửa thành ni có có trại huấn luyện ngựa,  có rứa thôi. Cửa ni là nơi nuôi ngựa của vua, nên toàn ngựa giỏi. Ông già tui thời trước cũng là một viên chức dạy ngựa, ông già tui kể Tứ là tên con ngựa chạy giỏi, cũng như tên ngựa câu, ngựa kỳ… Ui chu choa, năm ni là năm ngựa phải không cậu."  
"Dạ phải."
"Con ngựa tứ là con ngựa chạy giỏi. Trại ngựa này phải huấn luyện cho vua những con ngựa tứ chạy đã nhanh mà phải sải đều bốn vó.  Con ngựa phải đẹp, lông mượt, chân dài, mắt tinh khôn…"
"Ngựa tứ là ngựa đẹp, chạy giỏi, vậy tại sao nhiều cô con gái bị rủa là ngựa Thượng Tứ."
"Cũng không chỉ rứa mô, cậu nờ. Người ta còn noái hồi trước có Mã binh, viện lo về ngựa. Ngựa thao diễn chạy từ cửa Thượng Tứ tới Gia Hội, từng đoàn rực rực, lồng lộn, ý nói mấy con tinh ranh lồng lộn tìm đực như ngựa cái đó cậu ơi."
Ông già cười cười, thì thầm với cậu trai:
"Thì đó, ngựa tứ là ngựa giỏi, cậu cứ thử một con "ngựa tứ" rồi biết. Đã thử chưa?"
Anh chàng thật thà:
"Dạ chưa."
"Con trai chi mà dở ẹc."

Buổi chiều, Linh đón Bích Trâm trước cổng trường. Trời tạnh mưa từ lúc trưa, nhưng mây vần vũ, âm u, bóng tối sụp xuống nhanh lắm, nhưng bao cặp mắt đã nhìn thấy rõ ràng rồi.
Chuyện con Bích Trâm lớp đệ ngũ B, có trai chờ trước cổng trường, đã là một tin động trời nẻ đất. Còn nữa, gan  dạ quá rồi,  hai đứa đạp xe đạp song song với nhau. Đi đâu? Còn đi đâu nữa, lên núi Ngự Bình, tới Đồi Vọng Cảnh, vô mấy chùa xa, lăng tẩm, bụi rậm, chán chi chỗ kín đáo không ai thấy chớ. Thiệt là " con ngựa thượng tứ".
Con gái Huế chi mà voi dày ngựa xé rứa hè! Dám hẹn hò công khai trước mắt trước mũi người ta thì còn coi ai ra gì nữa. Mấy cô tuổi chị thì hậm hực, háy nguýt, mấy cô tuổi em thì có trề môi, nhổ nước miếng, nhưng con mắt thì long lanh khó tả.
Những ngày cuối năm của Linh và Bích Trâm êm đềm, thơ mộng quá. Ở Huế đâu cũng có cảnh đẹp. Có lúc đôi bạn dựa xe đạp vào nhau, mặc áo mưa đứng trên bờ nhìn mưa rơi trên giòng sông Hương. Có lúc đứng trên cầu Bạch Hổ nhìn xuống giòng nước chảy. Cũng có khi, đạp xe dọc một bờ sông, đôi bạn xuống bến, ngồi nắm tay nhau tâm sự.  Mưa gió như vậy mà cả hai cùng trốn học, đạp xe đạp lên  tận lăng Khải Định, leo  không biết bao nhiêu bậc cấp để chui ngồi dưới một con ngựa đá hay vuốt râu một ông quan  đá bao nhiêu năm tháng rồi giãi gió dầm mưa. Mùa đông, lạnh giá, lại thêm vào những ngày cuối năm, đôi bạn tới đâu cũng đều vắng hiu vắng ngắt, chỉ có trời mây, cây cỏ nghiêng ngả, tiêu điều với mưa gió. Bích Trâm hỏi người yêu:
"Khi mô học xong, anh có cho người đi  "noái" em không?"
"Cái gì, cái gì là "đi noái", anh không hiểu."
"Đi noái là…dị quá, em không noái nữa mô…"
Cuối cùng Linh cũng hiểu.
"Nhà anh nghèo lắm. Lúc di cư vô Nam, đã bỏ lại hết, gia đình em khó như vậy…"
"Em không sợ. Mặc kệ…"
"Tội nghiệp em, vì anh mà chịu roi chịu vọt. Bích Trâm."
Đâu chỉ có roi vọt. Một đồn mười, muời đồn trăm. Chỉ mấy ngày Bích Trâm đã hứng thêm không biết nhiêu tăm tiếng.  Con trai Huế  cay cú, con gái Huế ganh tị. Gặp Bích Trâm, đã có tiếng xì xào:
"Con ngựa Thượng Tứ đó tề."
Còn cất tiếng kêu:
"Ê, con ngựa Thượng Tứ."
"Vác cái ba lô ngược chưa rứa, để người ta đánh trống thổi kèn."
Vài chàng trai đạp xe đạp theo, nói bâng quơ, nhưng cốt ý cho Trâm và Linh nghe.
Bọn cao bồi chọc phá thì ăn nói quá trớn hơn:
"Ọ è, cái bụng thè lè, con ngựa cái bị đá, văng lên tới bầu ghè…khóc be he…be he…"
Bạn bè bắt đầu xa lánh Bích Trâm.  Mấy người anh của bạn học, trước thương Bích Trâm, lúc nào cũng ân cần săn sóc, nay thấy là ngó lơ. Kể cả Phước Hồng, con bạn thân nhất, ra chơi hai đứa thường cầm tay nhau, chạy ù xuống quán mụ Cai ăn quà vặt, khi thì chè, khi me chua, kẹo vừng. Bữa nay, ra chơi vội vã đi chỗ khác, ngó lơ:
"Phước Hồng."
Bích Trâm tới tận mặt. Phước Hồng lơ đễnh ngó lên mấy đọt cây xanh.
"Chi rứa. Chi kêu tui…."
"Phước Hồng."
Bích Trâm muốn bật khóc. Mặt bạn vẫn lạnh tanh:
"Chi, kêu tui chi rứa."
Phước Hồng cầm tay một bạn khác, tươi tỉnh:
"Đi, hai đứa mình xuống mụ Cai ăn chè hí."
Bích Trâm như bị tạt một gáo nước lạnh vô mặt.
"Cái mặt khôn biết ốt dột chi hết , dị òm , dễ sợ rứa thê."
"Ngựa."
"Mà ngựa cái."
"Ngựa Thượng Tứ mới đúng."
Hai cô bạn cùng lớp đi ngang mặt Bích Trâm, nói. Không cốt cho Bích Trâm nghe thì còn ai nghe nữa.
Không nghe, không sợ.  Bích Trâm gạt ra ngoài tai. Nhưng bà Tham Trọng không gạt ra ngoài tai được. Lời đồn đãi mỗi lúc một ồn ào, độc địa. Bỏ cả việc lo ba ngày Tết, bà nhất quyết dạy cho được đứa con hư.
Bà dạy cũng không được. Càng bị la rầy, đánh đập, Bích Trâm  càng lì đòn, càng trốn nhà đi chơi nhiều hơn. Đêm chỉ có chị Gái săn sóc, thoa dầu, bóp muối cho Bích  Trâm, chị Gái thấy Bích Trâm nhịn đau giỏi quá. Một bữa, Bích Trâm hỏi:
"Hỏi thiệt chị nghe,  trong đời chị, có khi mô chị bị đòn nứt đít như  tui chưa?"
Chị Gái cũng có một kỷ niệm trong đời, chị tâm sự:
"Cũng có một lần."
"Một lần thôi há? Chị kể đi, kể đi…."
"Hồi đó tui đi ghính nước thuê, ghính từ sáng tới trời tối mịt lận kìa.  Có một nhà nớ, tui ghính nước tới đổ vô bể buổi tối. Nhà đó có một cậu học sinh, cậu tốt lắm, hay giúp phụ tui khiêng thùng nước đổ vô bể…"
Bích Trâm lắng nghe. Chị Gái kể chuyện cũng có đầu có đuôi lắm.  Chị kể có một bữa nhằm vào mùa nóng, giếng nước khô mà người thả gàu lấy nước đứng đầy miệng giếng. Chị phải ghính thuê đầy một bể nước, nên tới tối mịt mà chưa xong. Tới ghính nước cuối cùng thì qua mười hai giờ đêm rồi, vì quá mệt nên khi bưng thùng nước lên, chị trượt tay, thùng nước đổ lênh láng ướt cả người chị, quần áo dính khít rịt vô da. Đúng lúc đó cậu học sinh xuất hiện, rồi sau đó, hai người đưa nhau ra vườn sau. Chuyện không dấu lâu, chủ biết được, chị bị một trận đòn thừa sống thiếu chết, rồi đuổi luôn, không thuê ghính nước nữa.
"Cô bị đánh là bà còn nương tay, chớ tui, người ta đánh như đánh kẻ thù. Cô biết không, cái đít tui thịt rách từng lằn, máu chảy dầm dìa, ba tháng sau chưa lành. Tui nằm liệt giường liệt chiếu, tưởng chết luôn."
"Rồi chị sợ."
"Tui…"
Chị không trả lời hết câu.  Cũng hiểu thôi, anh chàng kia chỉ lợi dụng một người con gái nghèo khổ, dại dột. Chơ thật sự thương đậm thương đà thì mấy núi cũng trèo, mấy  sông cũng lội,  mấy đèo mà không qua.
"Nì, cô."
"Chi?"
"Ở ngoài người ta đồn dữ lắm.  Người ta nói thiệt từ trước tới chừ chưa có khi mô con gái Huế mà hoang như cô?"
"Hoang răng. Tau làm chi mà hoang?"
"Hoang răng thì cô biết chơ tui biết chi mô."
Chị rụt rè:
"Người ta nói cô là… ngựa thượng tứ. Con gái mà bị nóai chữ đó nặng lắm cô nờ."
Cắn răng chịu đau, Bích Trâm cười gằn ngạo mạn. Con ngựa Thượng Tứ là ngựa hay, chạy giỏi, ngựa của vua cưỡi.  Dễ dầu gì được làm ngựa Thượng Tứ chớ.
Bích Trâm không buồn nữa, mà ngầm thích cái tên người ta nguyền rủa cô.
Ba ngày Tết, Bích Trâm vẫn lén đi hẹn hò với Linh như thường. Cũng may, đầu năm bà Tham kiêng, không đè con xuống đánh  cho hả giận. Bà chỉ rủa:
"Thứ con gái như mi cho voi dày ngựa xé mới vừa. Qua ba ngày Tết rồi biết tay tao, không trị được mày,  tao thà chết đi cho rảnh mắt…"
Mùng bốn, hai người đạp xe lên Kim Long, đi lễ chùa Thiên Mụ, hái lộc tặng cho nhau. Sao thấy Linh có vẻ không linh hoạt vui vẻ như mọi bữa khác. Đến tối mịt rồi mà hai người vẫn còn dựng xe đạp, đứng trên cầu Bạch Hổ nhìn xuống dòng sông đang xẫm màu.
"Trâm"
"Dạ."
"Em dễ thương quá. Anh không bao giờ quên được những ngày như thế này…"
"Em cũng vậy. Nếu phải xa anh, em thà ngay bây giờ, nhảy xuống dưới đó cho xong."
Bích Trâm đăm đăm nhìn mặt nước sông. Không có cả một con đò, mặt sông lóng lóng một nền xám xịt sắp bị màn đen hòa lẫn.
"Em nhảy xuống, anh nhảy theo liền."
"Vậy…một, hai, ba, cùng nhãy nhé…"
Linh cầm tay người yêu. Không ai nhảy hết mà cả hai tựa người vào nhau. Rồi Linh cúi xuống, trong bóng chiều nhòe nhoẹt, trên mặt nước, dưới bầu trời mênh mông, Linh cúi xuống, hôn rất lâu lên môi, lên mắt người yêu.
"Bích Trâm, dù mai sau này ra sao, em phải nhớ lòng là anh yêu em lắm."
Bao nhiêu ngày, bị đánh đập tả tơi, bị cả thành phố nhiếc móc, chê cười, Bích Trâm chỉ mới đổi được những chiếc hôn dắm đuối đó.
"Con ngựa Thượng Tứ của lòng anh…"
Bích Trâm vừa vui thích, vừa cười thầm cái câu rất kim sanh mà rất thường của bất cứ cuộc tình nào khác.
"Em thích làm con ngựa Thượng Tứ."
"Phải. Ngựa thượng tứ là ngựa hay, ngựa chỉ để dành cho nhà vua."
"Nì, anh. Anh chính là ông vua của em."
"Chuyện đó về sau, còn bây giờ, thì cưỡi xe đạp đi về."
Vẫn chỉ là hai chiếc xe đạp song song.  Ở những khoảng đường nào vắng, hai người dong xe, tay cầm tay.  Vô thành phố thì họ thả tay ra, không phải vì sợ bị thiên hạ chửi, chửi cũng đã đầy tai rồi, nhưng  vì xe cộ đông, phải cẩn thận hơn.
Hai người còn dựng xe lại, chia tay ở phía ngoài hàng rào nhà Bích Trâm.
"Em."
"Dạ."
"Anh có chuyện mà chưa nói được."
Bích Trâm lắc đầu:
"Em biết rồi, đừng noái, đừng noái."
"Bích Trâm, an.…"
Bích Trâm cầm bàn tay Linh, cắn nhẹ vào ngón tay út của chàng:
"Biết rồi mà, anh noái, Bích Trâm, anh yêu em dị rứa thê. Ghét anh, không thương anh mô mà ham."
Bích Trâm lấy chân gạt cây chống, dẫn xe vô cửa thiệt lẹ:
"Mạ rình ở trong nớ kìa, đi mau lên…"
Bích Trâm sợ bà Tham Trọng bước ra bắt gặp. Đầu năm, Linh bị chửi một trận thì xui lắém. Năm nay là năm thi cử của chàng!
"Bích Trâm, em em..."
Nhưng Bích Trâm đã khuất dạng. Điều muốn nói, Linh đã không nói được.

*

Gần năm chục năm sau, câu chuyện về “con ngựa Thượng Tư” mới có dịp nhắc lại. Mùng bốn Tết,  Bích Trâm  đi với chồng tới  dự một buổi họp Tân Niên của Hội Thân Hữu Huế ở một nhà hàng ở quận Cam. Mỗi bàn sắp cho mười chỗ, khi Bích Trâm tới thì chỗ đã đủ, chỉ còn một ghế trống bên cạnh. Người khách đến trễ rụt rè:
"Chỗ này còn trống, tôi ngồi được không?"
Cả nhà hàng đang ồn ào, râm ran giọng Huế, bỗng nhiên nghe một giọng Bắc thật lạc lõng, Bích Trâm nhìn lên. Người đàn ông cao, gầy, đang bỏ bớt chiếc áo khoác ra, gật đầu chào.
"Còn có một chỗ. Ông đi một mình."
Cặp vợ chồng ngồi gần hỏi. Người đàn ông mỉm cười:
"Vâng. Một mình."
Nụ cười mỉm của người đàn ông, chao ôi, Bích Trâm cảm thấy như một luồng điện chạy ran trong người. Sao quen quá vậy? Người đàn ông đã ngồi xuống rồi, sát bên. Bích Trâm không tiện nhìn mặt ông ta nữa.
"Sao ông người Bắc mà lại đi dự hội Huế của tụi tui?"
Cặp vợ chồng ngồi kia khơi chuyện.
"Tôi. Từ ngày có hội Huế, năm nào tôi cũng đi dự.  Tôi đi dự với kỷ niệm của tôi. Xin lỗi, chuyện riêng…"
Ông ta làm như đã lỡ lời. Nhưng những lời đó đã lọt hết vô tai Bích Trâm. Ông ta có ý muốn nói cho Bích Trâm nghe không? Sao tới già rồi mà cứ gặp chuyện là thất kinh hồn vía…tay chân gì cũng lóng ngóng hết trơn. Quay qua Bích Trâm, dường như mắt ông ta có khựng lại.
"Tôi lấy nước cho chị. Xin phép ông anh…"
"Dạ, ông cứ tự nhiên."
"Xin lỗi, ở Huế chị ở khu vực nào?"
Bích Trâm cau mày:
"Dạ ông hỏi làm chi rứa?"
"Hồi mới di cư vào Nam, tôi có ra Huế học nên có chút tò mò vậy thôi."
"Tôi cũng xin tiếp cho ông anh nữa."
Ông ta với tay rót thêm rượu vào ly cho chồng Bích Trâm.  Bích Trâm lùi người sát thành ghế, nghiêng cái đầu tránh né, nhưng cái hơi hướm như quen thuộc quá, mấy chục năm rồi, vẫn còn nhận ra. Không nghi ngờ gì nữa.
Đúng là Linh.  Chàng trai Bắc di cư thủa nào. Bây giờ đã thay đổi nhiều, mái tóc tiêu muối vẫn còn bồng bềnh, lãng đãng. Đôi mắt tinh anh ngày nào giờ như đã xa xăm, bàng bạc vẻ gian dối bạc tình. Có nhận xét lầm lẫn không? Chắc không. Hơn bốn mươi năm trước, sau ngày ngày đầu xuân đó thì Bích Trâm không gặp Linh nữa. Sang thăm, phòng vắng lạnh tanh. Ông già nói trống lốc:
"Lên tàu hỏa vô Nam rồi."
Bích Trâm chết đứng. Nước mắt nuốt được nhưng nghẹn lời:
"Dạ khi mô?"
"Sáng ni. Đi sớm lắm. Thằng thiệt... túi qua mới nói với tui là sáng ni ra ga liền. Hỏi răng gấp rứa cũng không chịu nói chi hết trơn. Đi là đi."
"Dạ anh có để chi lại.
"Để chi. Tới một cái rương nhỏ, đi cũng cái rương nhỏ, có cứt khô chi mà để."
Một ngày, hai ngày, một tháng hai tháng, một năm, hai năm, chờ một lá thư cũng không có. Vậy đó, cho đến giờ này...
Chồng Bích Trâm vui vẻ bắt chuyện:
"Cám ơn. Cụng ly với ông đầu xuân. Trâm, em cũng cầm ly lên đi."
Hai người đàn ông đã cụng ly xong rồi mà Bích Trâm vẫn không nhấc bàn tay lên nổi.  Có hận trong lòng, có vui gặp lại, có ngàn thắc mắc muốn hỏi. Nhưng thôi, nay đã ngồi bên chồng rồi, còn hỏi gì nữa.
"Nghe ông nói tiếng Bắc, nhưng chắc gia đình gốc Huế."
"Dạ không. Tôi chỉ có một hồng nhan tri kỷ người Huế thôi. Nhưng từ ngày có Hội Huế thành lập ở quận Cam này, năm nào tôi cũng phải đi để… để nghe lại tiếng Huế quen thuộc."
"Vậy chắc chị nhà người Huế?"
"Cũng không phải. Nhà tôi, xin lỗi, bà ghét đàn bà Huế lắm."
Chồng Bích Trâm cười, vô tư:
"Phải có lý do mới ghét. Chắc tại ông mê xứ Huế quá phải không?"
"Mê xứ Huế. Đúng ra là mê một cô Huế. Ông cũng biết đó, hồi xửa hồi xưa, nhà nghèo, đi dạy kèm lấy tiền đi học. Bất thình lình ông già bệnh, rồi chết. Tôi phải nuôi mẹ, nuôi một bầy em. Ở trường hợp ông thì ông phải làm sao?"
Chồng Bích Trâm dí dỏm:
"Kiếm một bà vợ giàu là giải quyết xong hết."
"Xin được bắt tay ông một cái.  ÔÂng đã nói ra được điều tôi  không nói với ai được. Ông biết không, năm nay Nhâm Ngọ phải không? Lúc tôi bỏ Huế cũng đúng năm Ngọ, ngày cuối cùng tôi còn nhìn thấy Huế cũng là ngày mùng bốn như bữa nay…"
"Hồi ở Huế, ông ở đâu?"
"Tôi ở trong thành nội, cửa Chánh Tây. Chắc ông biết mà, cũng có tên là cửa Thượng Tứ nữa. Ở đó hồi trước có chuồng nuôi ngựa của vua để tuyển ngựa tứ."
"Tôi cũng có nghe chuyện đó. Ở Huế, con gái hư người ta hay chửi là ngựa thượng tứ. Mấy đứa bị chửi vậy là ế chồng luôn, không ai dám lấy."
"Nhưng tôi nghe giọng anh thì  anh cũng không phải người Huế."
"Ông đóan giỏi thật. Tôi, hồi đó học trò trong Quảng ra thi..."
"Thấy cô gái Huế bỏ đi không đành phải thế không? Hiểu thôi. Vào hồi đó, cũng ngày mùng bốn năm con Ngọ, suýt chút nữa tôi đã giết chết một con ngựa."
"Ông nói chơi?"
"Không nói giỡn đâu. Tôi đã mê một con ngựa Thượng Tứ."
Cả bàn cười ồ. Mặt Bích Trâm tái đi, người đàn ông có vẻ nhận ra điều đó.
"Chuyện lãng mạn kể ra chắc ông không tin đâu. Nàng bị người ta gọi là ngựa Thượng tứ vì nàng đẹp, nàng dám yêu, dám bất chấp mọi chuyện. Hôm đó, hai đứa đứng trên cầu Bạch Hổ, nhắm không lấy nhau được, tôi đã tính xô nàng xuống rồi nhẩy xuống theo. Nhưng mình hèn lắm, làm không được.  Ngày mai phải lên tàu vào Nam mà cũng không dám nói, vì nói sợ nàng nhẩy xuống mà mình  thì không dám nhẩy theo."
Một bà trong bàn nói với:
"Đã là ngựa thượng tứ thì chỉ xô ông xuống sông rồi đi tìm ngựa đực thôi, đời nào ngu nhẩy xuống một mình…."
Đàn bà là vậy đó, với một người vắng mặt, không biết mà vẫn còn ghen ghét. Người đàn ông lắc đầu:
"Con ngựa của tôi khác, con ngựa thượng tứ này chỉ có vua mới xứng với nó. Mà lúc đl tôi chỉ là một anh học trò nghèo kiết xác, chưa đi thi, nên hai đứa tôi chỉ cưỡi xe đạp.  Một con ngựa thượng tứ mà mấy ông bà biết không, quen mấy năm, lửa gần rơm không biết bao nhiêu lần... Vậy màø không bén."
Cả bàn lại cười. Bích Trâm cắn môi. Người đàn ông cũng cắn môi cùng một lúc. Cả hai đang cùng nghĩ, cùng nhớ một chuyện. Chu choa ơi. Tra rồi bà ơi, đừng ngựa nữa. Bích Trâm tự mắng mình.
"Ông nói chuyện vui quá. Mời ông thêm một ly." Ông chồng Bích Trâm có vẻ vui thích đặc biệt.
"Thôi đủ rồi anh. Không uống nữa." Bích Trâm thình lình bảo ông chồng.
"Há, răng không uống?"
"Tui nhức đầu, chóng mặt. Về cho rồi!"
"Còn lâu mà, ở lại coi văn nghệ cho vui."
"Tui không thấy vui."
Chồng Bích Trâm cười:
"Ông thấy đó, lúc này bà ấy lớn tuổi rồi, tính tình khó chịu, thay đổi bất ngờ lắm. Thôi anh ở lại uống tiếp, tôi phải đưa bà ấy về…"
Bích Trâm đứng dậy.  Lí nhí chào mọi người, cũng phải chào người đàn ông đó thôi. Bích Trâm bắt gặp một ánh sáng rất lạ, nồng nàn, thương tiếc, ăn năn ở đôi mắt đã già nua.
Điều muốn nói trên Cầu Bạch Hổ, trên dòng sông của  buổi chiều mênh mông mây xám Huế, phải chờ tới năm mươi năm sau Bích Trâm mới nghe.
Bích Trâm chậm chân lại, cầm tay chồng. Cầm thật chắc.
Thương ông ấy quá, ông đã sống bên bà mấy chục năm qua mà không hề biết mình đã lấy nhằm một con ngựa Thượng Tứ.

 Nhã Ca 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét