Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

Cuộc tái sinh của Ashton Doudelet

LKTD1_15
Chu Nguyễn

Ashton Doudelet là một tài tử từng góp mặt trong các cuốn phim như Flash of Genius (2008), In With the Old World (2004) và Wilderness (2011).
Tuổi đời 23 và tương lai của chàng tuổi trẻ đầy hứa hẹn cho tới một buổi sáng thì bị đột quỵ (stroke) tại một phòng tập, bởi một chứng bệnh tim-mạch hiếm gặp. Ashton được cứu sống nhưng không còn là chàng thanh niên chứa chan ước vọng thăng tiến trong nghệ thuật thứ bảy của ngày hôm trước nữa, anh đã bắt đầu một cuộc đời khác hẳn. Giữa hai cuộc đời cũ mới cách nhau bằng một thử thách kề cận tử thần. Có thể nói cuộc đời thứ hai của anh là lần “tái sinh”.

Phần sau đây trích từ một tác phẩm thuộc loại “ebook” của nhà báo Jane Gerster, một cây viết quen thuộc của tờ Toronto Star. Tác phẩm có tên là Ashton’s Second Act (Hồi hai trong đời Ashton) trong loại ấn-phẩm-đọc (ebook) “Star Dispathches” xuất hiện hằng tuần của Toronto Star. Tác phẩm mô tả làm cách nào chàng tuổi trẻ dù bị căn bệnh quật ngã vẫn được giúp gượng đứng lên và bắt đầu làm lại từ đầu, từ học đi, học nói và học viết. Có thể nói Ashton bắt đầu một kiếp thứ hai trong một đời người.

“Vào lúc 10:30 một ngày thứ ba điện thoại reo vang và bên kia đầu dây người gọi báo với Jay Doudelet: “Tôi tìm thấy điện thoại của con trai ông, cậu ta đang ở phòng tập và bất tỉnh có lẽ vì say xỉn!”
Jay Doudelet không tin là con mình quá chén mà cho rằng có lẽ buổi sáng cậu ta quên ăn uống, việc này đôi khi đã xảy ra, nên vì thiếu chất dinh dưỡng mà mệt nhoài đó thôi.
Nhưng người gọi, một nhân viên quản lý phòng tập, cứ khăng khăng cho rằng không phải đơn giản như thế mà có thể là một chứng trạng bất thường xảy ra cho cậu ta. Nghe vậy Jay sốt ruột lái xe tới phòng tập. Khi xe của ông tới nơi cũng là lúc xe cứu thương chuẩn bị chuyển bánh.
Lúc này Jay mới biết, người ta tìm thấy Ashton ở trên sàn phòng tắm. Cậu ta không nói nổi một lời, toàn thân co giật đã gần một tiếng đồng hồ trong khi người tới phòng tập bu chung quanh và thắc mắc không hiểu cậu ta say hay mắc một thứ bệnh gì đó.
Khi Ashton được đưa lên xe cứu thương, Jay hay Jay Michaels, với biệt danh “Mad Dog” trong một chương trình âm nhạc, ngồi trong xe cứu thương bên cạnh con, vẫn nghĩ rằng phải chăng con mình quên ăn sáng hay uống ít nước quá nên kiệt lực sau khi tập? Nhưng khi ông nghe nhân viên trợ y điện đàm với tổng đài thì nỗi ưu tư tăng lên: “Xe đang chở bệnh nhân 23 tuổi… không phản ứng… Bị đột quỵ”.
Tin này có vẻ bất thường, nhưng sau đó thì ông tin chắc rằng con ông đã bị một chứng trạng nặng nề hơn ông nghĩ, vì xe cứu thương không ngừng tại bệnh viện Toronto East General gần nhất mà chạy tới một trong ba trung tâm chuyên trị đột quỵ của thành phố là St. Michael’s Hospital.
Thấy lo, Jay rút phone ra và gọi cho vợ là Shari Smith-Doudelet và cố nói với giọng bình tĩnh: “Em ở đâu? Đang làm gì vậy”. Tiếng Shari đáp lại bà ta đang làm việc.
Ông vẫn cố bình thản bảo vợ: “Thế à! Nhưng em ạ, có một việc cần em. Anh đang ở trên xe cứu thương với Ashton. Không biết ở phòng tập xảy ra việc gì với nó, em hãy tới bệnh viện gặp anh nhé!” Shari nghe thế thì cuống lên hỏi dồn và Jay chỉ biết trả lời là Ashton ở tình trạng ổn định dù bản thân ông không hề biết rõ.
Shari vội vàng gọi điện thoại cho một người bạn gái và hỏi thăm đường nào tới bệnh viện St.Mike là tiện nhất, vì trong suốt 23 năm hai con trai bà chưa từng tới một bệnh viện nào khác ngoài bệnh viện chúng ra đời vì chúng chưa từng đau nặng.
Bà không thấy chồng ở phòng cấp cứu nên text cho chồng. Jay xuất hiện và dẫn vợ tới một phòng chờ đợi khi Ashton được chuyển tới một nơi khác.
Shari làm sao bình tĩnh được, hỏi dồn chồng: “Con nó làm sao? Nó không ăn sáng à? Nó xỉu à? Hay nó va đầu vào đâu hả anh?
Jay bảo vợ: “Anh nghĩ chẳng như chúng ta tưởng mà do một nguyên nhân trầm trọng hơn nữa, thực tệ hại hơn nữa. Họ đã đưa nó vào trong và làm CT scan”.
Ngay lúc đó, một bác sĩ trong khu cấp cứu bước ra và báo cho họ biết phải giải phẫu ngay cho bệnh nhân và yêu cầu họ ký vào một số giấy tờ, vị bác sĩ này nói thêm: “Xem ra không lạc quan nhưng chúng tôi sẽ cố gắng”.
Shari gặng hỏi: “Không lạc quan là thế nào hở bác sĩ?”
Vị bác sĩ này không đáp thẳng câu hỏi mà chỉ nhấn mạnh trường hợp Ashton không nhẹ.
Jay  Shari hỏi phòng cấp cứu: “Cho chúng tôi được gặp con trước khi giải phẫu được không?” Nhưng nhân viên phụ trách cho biết không còn thời gian nữa nhưng họ có thể chờ ở hành lang và nhìn xe đẩy bệnh nhân đi qua trước khi lên bàn mổ. Và họ đã làm theo lời dặn và nhìn thấy Ashtonlúc này được gây mê sâu để ngăn làm kinh, nằm bất động trên xe tới phòng giải phẫu. Họ chỉ có thể nắm lấy tay đứa con trai yêu dấu và rồi nhìn chiếc xe đi khuất.
Vào ngày hôm đó, 21 tháng Ba 2012, cuộc đời thứ nhất của Ashton Doudelet coi như kết thúc để nhường cho cuộc đời thứ hai của anh bắt đầu. Ashton Doudelet của ngày cũ, với bao khát vọng bừng bừng trong tim, tình yêu, sự nghiệp, tương lai và hạnh phúc của một ngôi sao điện ảnh mới lên, nay vĩnh viễn tan vào hư không! Ashton từ đây bắt đầu từng bước–học nuốt, học nói, học đứng, học đi–và nhờ cậy vào người khác. Trong cuộc tái sinh có thể Ashton không hy vọng cứu vãn được những gì đã mất của “kiếp trước”.
Nhóm y bác sĩ Daniel Selchen đã sẵn sàng khi Ashton tới St. Mike trong tình trạng hôn mê và co giật và đồng tử mắt phải giãn ra, một dấu hiệu xấu.
Là giám đốc của trung tâm chữa trị chứng đột quỵ của bệnh viện và là trưởng nhóm điều trị,Selchen, một bác sĩ chuyên khoa thần kinh trong một năm đã phải chữa trị tới 500 vụ bị nghi là đột quỵ.
Đối với chứng đột quỵ, thời gian cấp cứu rất quan trọng. Điều này giải thích tại sao xe cứu thương lại không ghé bệnh viện gần mà phải tới St. Mike nơi chuyên trị chứng này vì ở đó có đầy đủ phương tiện và bác sĩ trị liệu thần kinh.
Sau khi làm CT scan, Selchen cho biết trong não của Ashton có một khoảng xuất huyết to bằng trái banh golf và ông cho biết vết bầm lớn như thế rất nguy hại.
Bác sĩ Benjamin Lo, một thành viên trong nhóm giải phẫu thần kinh đảm trách việc giải phẫu choAshton, tiết lộ vết bầm này là vết lớn nhất ông gặp trong hơn mười năm qua. Khám nghiệm sơ bộ cho bệnh nhân không thấy dấu hiệu lạc quan và Lo cho biết: “Hiển nhiên nếu may mắn sống sót trong trường hợp như thế này, ít nhất có tới một phần ba sẽ có rắc rối trường kỳ như loại đột quỵ”.
Xét nghiệm qua hình ảnh hoạt động của hệ tuần hoàn của Ashton cho biết bệnh nhân mắc một chứng bệnh tim mạch bẩm sinh có tên là AVM (arteriovenous malformation) mà số người mắc bệnh chưa chiếm tới tỷ lệ 1 phần trăm dân số. AVM sẽ tấn công bệnh nhân vào bất cứ lúc nào. Selchengọi đùa nó là vấn đề “nghẽn ống nước” (plumbing issue), nó là chứng biến dạng động mạch-tĩnh mạch bẩm sinh. Nguy cơ này nằm tiềm tàng trong người bệnh mà bệnh nhân không biết.
Khi người bệnh AVM trưởng thành, thì AVM có khuynh hướng nở rộng, tạo thành một hệ thống mạch mỏng manh dễ xuất huyết.
Một số người bị co giật và cảm thấy nhức đầu như búa bổ khiến bác sĩ phải thực hiện phép scan não và chữa trị trước khi nó tạo ra chứng đột quỵ.
Trường hợp Ashton không hề có chứng trạng báo trước. Số bệnh nhân AVM não bộ (brain AVM) sẽ xuất huyết không nhiều, khoảng từ 1 tới 3 phần trăm mỗi năm, nhưng nguy cơ nó gây ra đột quỵ đáng kể và làm hư hao não bộ lên tới mức 25 phần trăm trong vòng hơn 15 năm. Nhóm củaSelchen trong việc điều trị cho bệnh nhân bị đột quỵ do nhiều nguyên nhân khác nhau thì mỗi năm phải chữa trị một bệnh nhân AVM và trong năm 2012 bệnh nhân đó là Ashton.
Phải cần tới 4 bác sĩ và 2 y tá trong gần bốn tiếng đồng hồ để mở hộp sọ của Ashton, lấy máu và máu bầm ra để trị liệu. Sau đó họ phải gây mê cho bệnh nhân để bệnh nhân trong tình trạng hôn mê sâu giảm thiểu nguy cơ co giật, hay tránh xuất huyết thêm hay khiến một nơi khác của não bộ bị thương tổn. Phần hộp sọ được tách ra gọi là “nắp sọ”(bone flap) sẽ được gìn giữ cẩn thận trong nhiều tuần lễ để tránh nó đổi dạng. Lúc đó đầu của Ashton chẳng khác trái táo bị cắn một góc và sau này lại cần một cuộc giải phẫu khác để lắp mảnh sọ vào vị trí cũ.
Trong năm ngày Ashton hôn mê, Shari, lúc đó 40, xin nghỉ bớt việc trong vai trò chuyên viên trang trí nhà cửa để săn sóc con trai. Bà pha trò: “Trong mười bốn ngày tôi nghĩ tôi có thể lấy bằng PhD vì phải đọc bao nhiêu sách nói về AVM và chứng đột quỵ”.
Còn Jay, 42, cũng phải xin nghỉ hai ngày và giảm giờ làm việc. Hằng ngày, trong ba giờ phát sóng của chương trình âm nhạc vào giờ điểm tâm của 99.9 Virgin Radio mà xuất hiện với biệt danh “Mad Dog”, Jay khó giấu nỗi buồn khi đề cập tới đứa con trai bị nạn mà ông coi như “người bạn thân thiết nhất”. Hết việc làm, Jay hối hả tới thẳng bệnh viện thăm con.
Ngày 21 tháng Ba được gia đình ăn mừng, không phải lễ sinh nhật mà lễ tái sinh của Ashton Doudelet.
Người nghe câu chuyện Ashton có thể tự hỏi: việc gì xảy ra nếu trong gia đình mình có thêm một người, không phải một baby mà một người trưởng thành bỗng nhiên bị đột quỵ và biến thành một người khác? Đọc Ashton’s Second Act sẽ thấy những người thân của Ashton đã làm gì trong việc giúp Ashton bước đầu đời thứ hai.
Ghi chú: Sách điện tử có sẵn trong chương trình Star Dispatches hằng tuần. Chỉ cần lên địa chỉ mạngDispatches.com và “đăng ký” với giá 1 Gia kim một tuần. Một phần số tiền thu được nhờ bánAshton’s Second Act sẽ được quyên góp cho phòng giải phẫu thần kinh của St. Michaels’s Hospital.
Chu Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét