Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

Không chỉ là những lời nói với đối tác nước ngoài


Mặc dù tình hình trong nước vẫn phải đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhiều vị trong "tứ trụ triều đình" vẫn như con thoi nhận lời mời của nhiều nước để có những chuyến công du rầm rộ, những Tuyên bố chung hùng hồn, theo quan hệ ngoại giao chiến lược. Nghe những thông tin này, chắc chắn người dân Việt nào mà không phấn khởi, có người phấn khởi ra mặt, có người nhẩy cẫng lên hoan hô, nhưng cũng có người bình tĩnh hơn, "hãy xem xem đã".


 Tôi thuộc loại người thứ ba. Vì đất nước ta hiện nay, bên cạnh những thành tựu rất chậm chạp, rất cục bộ vẫn còn những điều thuộc "vĩ mô" thua kém rất nhiều so với các đối tác nước ngoài.

Chuyến thăm hơi dài ngày của một trong những nguyên thủ quốc gia tại Nhật Bản, một đối tác chiến lược được nâng lên "tầm cao mới", có nhiều điều về cả hai phía làm cho nhiều người quan tâm suy nghĩ. Nay lại có quan hệ "đối tác chiến lược ở tầm cao mới" chắc chắn, những bài học xây dựng và phát triển đất nước của Nhật sẽ thông qua các chuyến thăm cấp cao của ta mà thấm nhuần vào nước ta, giúp thúc đẩy tiến trình "xây dựng chủ nghĩa xã hội" ở nước ra có những bước đột phá.

 Ngoài Nhật Bản, chúng ta mấy năm qua đã xây dựng "chiến lược" với nhiều quốc gia, để có "niềm tin chiến lược" đưa đất nước mình nhanh chóng thoát nghèo và tiến lên trên mọi lĩnh vực. Điều này, cũng phải xem xem đã. Vì đã qua 40 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, mà chúng ta vẫn ỳ ạch, hết "công nghiệp hóa, hiện đại hóa" lại "đến năm 2020 "trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại". Trong nghị quyết của một số đại hội trước, chúng ta còn dám mạnh dạn ghi là "đến năm 2020, Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại" chứ không "theo hướng nữa". Mục tiêu thì cái gì cũng vĩ đại, vì dầu sao nó vẫn là mục tiêu mà đã là mục tiêu thì phải phấn đấu, mà phấn đấu chưa đạt thì tiếp tục phấn đấu?

 Chẳng thế mà, có lần Ông Tổng Bí thư của Đảng đã nói một cách chua chát rằng, hết thế kỷ 21 này, không biết Việt Nam đã có chủ nghĩa xã hội chưa !" Tôi hiểu rằng, đạt tới "chủ nghĩa xã hội" thì phải có một nền công nghiệp hiện đại, mà nền công nghiệp hiện đại ấy phải do con người hiện đại quản lý và phát huy chứ không phải "nhập" và cho đầu tư con người lao động phổ thông, máy móc lạc hậu để hình thành những khu công nghiệp lớn, những "đại công trường", "đại đầu tư" như Vũng Áng và Bảo Minh. Chúng ta kêu gọi đầu tư thật nhiều, càng có nhiều "ODA" càng tốt, vì có nhiều vốn thì mới phát triển được, nhưng nếu vốn đó vào Việt Nam, qua tay những quan chức "thiếu công tâm" thì chẳng khác nào "gió vào nhà trống", kiểu như đầu tư đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thì khốn đốn nhiều hơn là phát triển.

Tại các cuộc tiếp xúc, kể cả với Nhà vua Nhật Bản, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang của ta luôn nhắc đến "Việt Nam sẽ hoàn thiện thể chế, sáng tạo, và dân chủ" để bảo đảm tiếp nhận và sử dụng thật tốt "ODA" trong xây dựng đất nước mình. Hoan hô Chủ tịch nước, khi sang Nhật đã mạnh dạn nói lên ý đồ "chiến lược" của một nguyên thủ quốc gia. Tôi vui khi nghe tin này, nhưng l;ại hơi băn khoăn, không biết "Chủ tịch nước, Ủy viên Bộ Chính trị đã xin ý kiến Bộ Chính trị chưa" Nếu đây là ý kiến nhất quán của Bộ Chính trị thì khỏi phải bàn, vì ở ta cái gì có quan hệ đến đất nước mà không phải xin ý kiến bộ Chính Trị. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch. 

Chủ tịch nước nói trong các cuộc tiếp xúc tại Nhật Bản và cả trong "Tuyên bố chung", rằng Việt Nam "hoàn thiện thể chế". Bậy giờ tại Nhật, Chủ tịch nước nói "hoàn thiện thể chế", và trước đây hồi đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dúng nói "đổi mới thể chế". Thể chế là gì mà chủ tịch nước nói với đối tác nước ngoài là "hoàn thiện" còn ông Thủ tướng lại nói "đổi mới thể chế" ?

 Vậy nội hàm của những cụm từ này là gì. Nếu gọi là "đổi mới" thì tôi hiểu đơn giản  "đổi mới" như Nghị quyết 6 của Đảng hồi ông Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư. Đó là một sự thay đổi cơ bản về tư duy, trước hết là "tư duy kinh tế" rồi đến "tư duy chính trị" và như nghị quyết Đại hội Đảng 11 thì là "đổi mới toàn diện". Chúng ta đang đi được hơn nửa nhiệm kỳ của Đại hội 11, đang chuẩn bị Đại hội 12, vậy mà nhiều vấn đề của đất nước xuống cấp đến tận đáy, như các vị ngồi cấp cao hiểu rất rõ. Đến bao giờ thì chúng ta có được "nói đi đôi với làm" bơn bớt nói dối, và bơn bớt mỵ dân, hoặc bơn bớt "nói không đi đôi với làm". 

Nhìn từ quốc tế, ta rất vang giội khi báo cáo về Nhân quyền để các thành viên trong Hội đông nhân quyền LHQ trợn tròn mắt và nhiệt tình bỏ phiếu với tỷ lệ rất cao cho Việt Nam được vào Hội đồng Nhân quyền. Thế những trong thực tế của nội tình đất nước, ngoại trừ ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, chúng ta vẫn có những bê bối không những không giảm mà còn tăng. Suy thoái đạo đức tăng, nền giáo dục xập xệ, nền y tế nhũng nhiều, xây dựng cơ bản vẫn bị rút ruột và để xảy ra đổ vỡ chết người như cầu treo Chu Va ở Lai Châu, như chui vào túi nilon để qua suối lũ đi học, như tai nạn giao thông không hề giảm, và bây giờ chuẩn bị cho Đại hội 12, một loạt "người nhà" được bố trí đào tạo thử thách trên ghế đệm và phòng lạnh chuẩn bị vào trung ương, làm Chính phủ.

 Vậy "hoàn thiện thể chế" là gồm những vấn đề gì, ai giương cao ngọn cờ "hoàn thiện thể chế", có giảm được 100.000 công chức "vác ô" để ngân sách quốc gia bớt nặng nuôi béo những người không làm được gì, nhưng moi móc lại quá thành thạo. "Kê khai tài sản đến đâu" có trung thực hay không, những tài sản không thuộc tiêu chuẩn được hưởng thì có sung công hay vẫn "phạt cho tồn tại". Nạn tham ô, tham nhũng từ cơ sở thôn xã trở lên, có ai là người "tranh đấu" và có giảm hoặc diệt được không ? Nguy cơ sụp đổ từ bên trong cơ chế liệu có cách gì "hoàn thiện được không ?" Đã hết quý 1-2014 rồi, mà thông điệp của Thủ tướng chưa thấy thể hiện ra thực tế cuộc sống, mọi việc hầu như "vẫn như cũ", bây giờ lại đến Ngài Chủ tịch nước tuyên bố với nước Nhật là "hoàn thiện thể chế" thì chắc là có cơ hổi thay đổi tiến bộ vượt bậc đây. Dân Việt Nam hãy cứ chờ, một năm hai năm chưa được thì chờ cho đến hết thế kỷ này mới có "chủ nghĩa xã hội" cũng được !

Thật ra trong cuộc đời mỗi người, từ người dân bình thường nhất đến các vị nguyên thủ quốc gia, nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Tất nhiên nói cho hay, "chém gió" cho sành điệu thì cũng không dễ lắm. Tuy nhiên, làm mới là khó, cực khó, vì ở ta có nhiều trói buộc, ràng buộc khi có ý định tốt mà muốn làm, cá nhân có ý tốt nhưng còn đợi "xin ý kiến tập thể" cuối cùng thì cái "ông tập thể" này chẳng có ai chịu trách nhiệm. Phe, lại nhóm, nhóm bắt tay nhau, nhóm lợi ích, và nhòm "bồ bịch" nữa, nó ràng buộc ghê gớm quá. Rốt cuộc bộ phận dân chúng nào chịu cực quen thì cứ việc, đừng nghe rồi vui quá trớn, người ta gọi là "lạc quan tếu" đấy.

Nguyễn Mộng Hoài

Tác giả gửi Quê Choa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét