Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

"NẠN KIỀU" TRUNG QUỐC, một đe dọa mới cho Việt Nam, nhìn từ bài học Ukraine?

Putin đổ quân vào Ukraine – lại thức tỉnh thêm người Việt và thách thức giới lãnh đạo CSVN về hiểm họa “nạn kiều” Trung Cộng


Vậy là những lo ngại, phỏng đoán qua bài Putin tính giở trò “nạn kiều”, nhắc người Việt cảnh giác Trung Cộng hơn đã nhanh chóng thành hiện thực, vào rạng sáng hôm nay 2/3/2014, sau khi Thượng viện Nga phê chuẩn đề nghị của viên cựu sĩ quan tình báo Liên Xô KGB, nay là TT Nga Putin, đưa quân vào Ukraine nại cớ để “bảo vệ người dân Nga”. Hội đồng bảo an LHQ họp khẩn lúc 2h giờ VN. (Bài bình luận này được lên trang lúc 4h sáng, Chủ nhật, ngày 2/3/2014.)
Trước đó lại đã có bài Báo động Vũng Áng – Formosa: Hoành Sơn … thất đái, vạn đại vong thân, lo ngại một tương lai cho chủ quyền Việt Nam bị đe dọa khi mà ngày càng nhiều các cơ sở kinh tế quan trọng của/hoặc dính líu tới Trung Cộng, cùng người Trung Quốc trên khắp đất nước VN, tại những điểm chiến lược xung yếu. 
Quân đội Nga tiến vào Ukraine dưới danh nghĩa bảo vệ “nạn kiều” Nga và cơ sở quân sự nước này sao mà giống một tương lai thấy rõ cho Việt Nam, khi quân Trung Cộng tiến vào, cũng để “bảo vệ người Hoa” và “cơ sở kinh tế của Trung Quốc”. 
Bởi sẽ có một ngày, khi mà một vài hòn đảo còn lại ở Trường Sa do VN chiếm giữ lại bị quân Trung Cộng bất ngờ tấn công cưỡng chiếm, hoặc lấn dần, thì bất cứ động thái chống trả nào của VN sẽ bị những vụ náo loạn của người Hoa tạo cớ cho Trung Cộng triển khai quân tại các cơ sở kinh tế như Bô-xít Tây Nguyên, Khu kinh tế Vũng Áng-Formosa,  hay Nhiệt điện, xi măng Hải Phòng, v.v..
Từ trên cao, Trung Cộng có thể lập “cầu hàng không” đổ quân lên Tây Nguyên khi quyền lợi và sự an toàn cho “công dân Trung Quốc” gọi là “bị đe dọa”. Nhẹ hơn thì đưa các đơn vị an ninh dân sự tới, núp dưới danh nghĩa các công ty dịch vụ bảo vệ cho cơ sở kinh doanh. Trên đường bộ, các đơn vị quân đội dưới danh nghĩa dân sự từ các cơ sở Bô-xít tại Lào cũng có thể vượt biên tràn qua, lẩn vào số công nhân tại Bô-xít Tây Nguyên. 
Từ ngoài khơi, quân Trung Cộng có thể đổ bộ vào cảng nước sâu tuyệt vời Vũng Áng, cũng dưới danh nghĩa tương tự.
Vậy là Việt Nam chưa đánh đã phải … hàng. Có nghĩa, một khi để cho Trung Quốc có được ngày càng nhiều cơ sở kinh tế, có người Hoa trong đó, nở rộ khắp VN, tại những địa phương quan trọng, nhạy cảm, thì nguy cơ bị mất lãnh thổ, lãnh hải một cách dễ dàng mà không dám động binh, ngày càng lớn. 
Chưa kể còn phải thấy rõ thêm những yếu thế quốc tế của VN so với Ukraine một khi bị tên đồ tể Đại Hán xâm lấn. Ukraine còn có EU, và đằng sau là Mỹ, có nghĩa là cả thế giới phương Tây không muốn bị xáo trộn, đe dọa, mất cân bằng. Còn VN thì sao? Dù thế nào, khả năng phương Tây và Mỹ ngày càng muốn ngầm công nhận, chấp nhận ảnh hưởng của Trung Cộng tại khu vực, đồng thời “nhường” vai trò “đối trọng” cho Nhật Bản, thêm cả Nam Hàn, Úc, … trong khi khối ASEAN vừa yếu vừa bị chia rẽ. Nên khả năng một khi xảy ra sự cố tương tự Ukraine, Mỹ và phương Tây can thiệp là không lớn.
Và một hình ảnh giống nhau rất ấn tượng, là mối quan hệ giữa hai kẻ bành trướng tham tàn cộng sản và hậu cộng sản, với những thuộc quốc nhỏ bé hơn nhiều lần, đang và từng là “bạn vàng”, lại được lãnh đạo bởi những kẻ yếu hèn, muốn chọn con đường lệ thuộc hoàn toàn hơn là tự cường, biết dựa vào bạn bè tử tế quốc tế. 
Sự “thức tỉnh” và “thách thức” càng có ý nghĩa và giá trị hơn khi mà sự kiện trên lại xảy ra vào đúng đầu tháng Ba này, với hàng loạt kỷ niệm các cuộc chiến tranh bi hùng chống quân Trung Quốc xâm lược, nhưng lại bị ban lãnh đạo CSVN tiếp tục cố tình lờ đi, đồng thời bằng mọi cách ngăn cản người dân yêu nước tưởng nhớ.
————-
01:21 ngày 02 tháng 03 năm 2014

Nga đưa quân vào Ukraine, LHQ, EU họp khẩn

Bên ngoài trụ sở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ảnh: RIA
Bên ngoài trụ sở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ảnh: RIA
TPO – Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào 23h (2h ngày 2/3 giờ Việt Nam) liên quan đến việc Nga gửi quân tới Ukraine. Dự kiến ngày 3/3, Liên minh châu Âu cũng tổ chức một cuộc họp giữa các thành viên theo đề nghị của chính quyền Ukraine.
Theo Lenta, thông tin về các cuộc họp khẩn cấp bắt đầu ngay sau khi Hội đồng Liên bang Nga (tức Thượng viện Nga) phê chuẩn đề nghị của Tổng thống Vladimir Putin đưa quân sang Ukraine nhằm ‘bảo vệ người dân Nga’.
Đề nghị của ông Putin được dựa trên điểm G trong phần đầu của điều 102 Hiến pháp Nga, theo đó cho phép sử dụng quân đội Nga vượt khỏi biên giới đất nước.
Trước đó, cả Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) lẫn Thượng viện nước này đều đã yêu cầu Tổng thống Putin đưa quân vào Crimea, nước Cộng hòa tự trị thuộc Ukraine, nơi đặt Hạm đội Biển Đen của Nga cũng như có đông người sắc tộc Nga sinh sống.
Tổng thống Putin cho rằng động thái đó cần thiết để bảo đảm với tính mạng của công dân Nga cũng như trước tình hình bất thường ở Ukraine.
“Tôi đệ trình Hội đồng Liên bang đề nghị được sử dụng các lực lượng vũ trang Liên bang Nga trên lãnh thổ Ukraine cho đến khi tình hình chính trị tại nước này trở lại bình thường” – Điện Kremlin dẫn lời Tổng thống Nga.
Trước đó, ngày 28/2, Ukraine cũng yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có động thái trong trường hợp Nga vi phạm chủ quyền của Ukraine, đặc biệt là tình hình bán đảo Crimea.
Tuy nhiên, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về vấn đề Ukraine Robert Serry đã tuyên bố rút lui vì không thể tới Crimea theo yêu cầu của Tổng thư ký Ban Ki-moon.
Cùng ngày, các thành viên Liên minh châu Âu dự kiến cũng sẽ tổ chức cuộc họp khẩn cấp tại Brussel, Bỉ, vào ngày 3/3 để thảo luận về tình hình ở Ukraine. “Đây sẽ là cuộc họp cực kỳ đặc biệt của EU, có thể kéo dài đến quá 13h chiều”, AP dẫn lời một nhà ngoại giao châu Âu nói.
Theo Lenta, AP
————
Chủ Nhật, ngày 2/3/2014 – 01:20

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét