Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Người đẹp Bình Dương và cuộc di cư ra Bắc

Ngành Mai/ RFA 
Chánh hiệu Bình Dương
kim-cuc-305.jpg
Trước hết xin nói mau đây không phải người đẹp Bình Dương tài tử điện ảnh Thẩm Thúy Hằng, phu nhân của tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh mà là cô đào Kim Cúc, sinh quán tại Lái Thiêu, Bình Dương. Cô có một cuộc di cư ra miền Bắc, và câu chuyện kể về cuộc đời đi hát của cô cũng khá lý thú.
Sau 1975 khán giả cải lương miền Nam bắt đầu thấy nữ nghệ sĩ Kim Cúc xuất hiện trong một số vở hát trình diễn trên sân khấu cũng như trên truyền hình. Như vậy chớ còn trước 1975 Kim Cúc hát ở đâu, là người Bắc hay người miền Nam, và tại sao lại di cư ra Bắc?
Nếu như đào Kim Cúc không là một nữ nghệ sĩ nổi tiếng ở làng sân khấu, mà là một cô gái bình thường thì chắc rằng câu chuyện “di cư ra Bắc” của cô sẽ chìm luôn theo thời gian.
Trước khi đề cập vấn đề, cũng xin ngược thời gian trở về thời kỳ Hiệp Định Genève 1954 ra đời, lúc ấy đã có gần một triệu người miền Bắc di cư vào Nam, nhưng cũng cùng thời gian ấy lại có số ít người đã di cư ra miền Bắc, đó là trường hợp của cô đào Kim Cúc.
Số là song thân của Kim Cúc, người quê quán ở huyện Đông Anh gần Hà Nội. Vì hoàn cảnh nghèo nên vào Nam sinh sống lập nghiệp tại Lái Thiêu, Thủ Dầu Một từ những năm trước 1945, làm nghề thợ mộc. Cô và hai người chị được sinh ra tại vùng đất có nhiều trái cây sầu riêng, chôm chôm, măng cụt mà về sau tỉnh này được có tên Bình Dương.
Cha cô mất năm 1948, thì ít lâu sau 4 mẹ con về Sài Gòn cư ngụ ở khu Vườn Lài gần Ngã Bảy, và vẫn sống cuộc đời lao động nghèo nàn cho đến khi Kim Cúc được 10 tuổi.
Năm 1955 trong khi đồng bào từ miền Bắc di cư vô Nam, thì thân mẫu của Kim Cúc lại buồn nhớ quê nhà không muốn ở Sài Gòn nữa, nên đã dẫn 3 đứa con gái di cư trở ra miền Bắc.
Hai năm sau thì tình cờ gặp đạo diễn Văn Chiêu, là người quen biết với song thân cô lúc còn ở trong Nam. Ông đi kháng chiến và tập kết ra Bắc, lúc đó đang làm việc tại đoàn Kịch Nói Nam Bộ ở Cầu Giấy, Hà Nội. Lúc đó Kim Cúc mới 12 tuổi đã yêu thích nghề sân khấu nên xin đạo diễn cho đi theo học nghề sân khấu ca hát, thì lại đúng lúc đoàn đang thiếu một vai Bé An (em bé chăn trâu) trong vở kịch “Lòng Dân”. Thế là cô được chấp thuận cho gia nhập đoàn, khởi đầu sự nghiệp sân khấu kể từ đó.
Năm 1970 nghệ sĩ Kim Cúc được điều vào đoàn Văn Công Trung Ương Cục Miền Nam, và đến 1974 thì lại được lệnh trở về Bắc. Năm 1976 cô được cho đi xuất ngoại thực tập đạo diễn tại Bungary. Cuối năm 1978 về nước và năm sau thì cô được chuyển vào Nam, được điều về đoàn kịch nói Cửu Long Giang. Cô từng là diễn viên một số vở kịch, trong số có vở “Sông Dài” cô thủ vai bà chủ hãng phim, và vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt” vai bà Sáu Liệu. Về hoạt động ở màn ảnh nhỏ đài truyền hình, nữ nghệ sĩ Kim Cúc cũng đã từng có mặt qua nhiều vở kịch, trong đó có vở do chính cô đạo diễn.
Sau đây là câu chuyện xảy ra mà trong cuộc đời đi hát đã có mấy ai gặp phải? Cô được theo nhà hát Kịch Trung Ương đi Hòn Gay tập huấn. Hôm ấy là ngày 5 tháng 8, 1964 vào khoảng 9 giờ sáng, trong lúc mọi người đang quay quần nghe đạo diễn Lỗ Uy phân tích kịch bản “Đứng Gác Dưới Ánh Đèn Néon” thì bỗng đâu một đội chiến đấu cơ F. 105 của Mỹ bất ngờ xuất hiện oanh kích vào những tàu Hải Quân dọc theo bờ biển ngoài Hòn Gay. Tiếng đạn nổ, tiếng máy bay phản lực vang dội rền trời. Đội máy bay F. 105 của Mỹ đã bay là là sát mặt nước nên đã xuất hiện bất ngờ bắn vào các tàu Hải Quân. Các tàu cũng phản phản ứng kịp thời bắn trả lại...
Dân chúng ở bờ biển cũng như anh chị em nghệ sĩ của nhà hát Kịch Trung Ương vội vàng chạy tìm nơi trú ẩn, và có vẻ lo sợ vì đây là lần đầu tiên có chiến tranh xảy ra sau nhiều năm hòa bình không tiếng súng. Sau khoảng gần một giờ, tiếng súng không còn nữa, anh chị em nghệ sĩ vội vã trở về Hà Nội tập tiếp chớ không thể tiếp tục tập ở Hòn Gay nữa. Ở ngoài Bắc thiên hạ thắc mắc tại sao Kim Cúc là người Hà Nội, mẹ cô cũng nói tiếng Bắc mà sao cô lại nói giọng Nam? Người ta đâu có biết cô là người sinh ra ở miền Nam.

Sống chết với nghề

tth-305.jpg
Nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng.
Đầu thập niên 1990 hoạt động sân khấu ở trong nước chuyển qua cơ chế thị trường. Vấn đề trên có kẻ vui người buồn. Thật vậy, đối với nghệ sĩ và những người hoạt động sân khấu trong Nam thì cơ chế thị trường giúp cho họ hoạt động nghề nghiệp dễ dàng hơn, cũng gần giống như trước đây ở trong Nam, chẳng hạn như các nghệ sĩ hữu danh Út Trà Ôn, Minh Cảnh, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Kim Cương, Út Bạch Lan v.v... hoặc các bầu gánh như ông Bầu Xuân, Bầu Long, Kim Chưởng, những nghệ sĩ và người làm nghệ thuật trên đây, cơ chế thị trường rất tốt đối với họ. Nhưng rất tiếc là lúc ấy ho đã già rồi, đâu còn hoạt động được bao nhiêu, thành thử ra dù có cơ chế thị trường họ cũng chẳng còn năng nổ như trước.
Đó là những người đã từng làm ăn bằng khả năng nghề nghiệp, có nhiều kinh nghiệm, cũng như vốn liếng của mình và có sự may rủi trong đó. Tóm lại là làm “lời ăn lỗ chịu” đã quen rồi. Thế nhưng đối với số nghệ sĩ miền Bắc thì lại không quen, bởi suốt mấy chục năm được bao cấp, rồi giờ đây không được ưu đãi nữa, mà phải tự sống chết với nghề bằng khả năng của mình, mà trường hợp cô đào Kim Cúc là một vậy.
Kim Cúc vào nghề từ lúc 12 tuổi, hoạt động văn nghệ dưới chế độ bao cấp suốt mấy chục năm. Lần thứ nhứt (1976) đi thực tập đạo diễn ở Bungary, rồi đến năm 1989 lại được đi Bungary lần nữa, cũng thực tập đạo diễn. Lần này có kỳ nữ Kim Cương và cải lương chi bảo Bạch Tuyết cùng đi.
Nếu như vẫn còn chế độ bao cấp thì với mảnh bằng từ ngoại quốc mang về, Kim Cúc sẽ có chỗ ngồi xứng đáng trong văn nghệ, đồng thời có cả quyền hành, và hành nghề đạo diễn sẽ không khó.
Thế nhưng, học xong về nước thì đúng lúc hoạt động sân khấu chuyển qua cơ chế thị trường, đã khiến cho cô gần như mất chỗ đứng. Và sau đây là cuộc tiếp xúc của nghệ sĩ Kim Cúc với một nhà báo:
Gặp nữ nghệ sĩ ưu tú Kim Cúc khi chị đang trong giai đoạn tìm kiếm kịch bản, thương lượng với các tác giả, đề đạt xin dàn dựng... Tôi thấy chị không có vẻ phấn chấn, vui vẻ cho lắm...
“Tôi đang gặp khó khăn, 1 năm qua tôi vẫn chưa làm được gì từ khi sang Bungary lần thứ hai trở về. Tôi ray rức mãi vì điều đó... Giải thích mọi khó khăn của mình? Tôi nghĩ có lẽ không cần thiết.”
“Tôi gặp nhiều trở ngại không chỉ vì hoàn cảnh khách quan, mà ngay bản thân, tôi chưa dốc hết sức mà đã sớm chán nản... Khi sang Bungary lần 1 trở về, tôi muốn thử thách ngay, nhưng trong thời gian ấy, tôi làm được ít việc (chỉ dựng được hai vở ngắn), có lẽ do bản tính phụ nữ, tôi chưa quen và không bươn chải trong công việc mới của mình, mà cũng có thể phần lớn vì tôi vẫn thích đeo đuổi, chưa rời được cái “nghiệp diễn viên”. Sang Bungary lần hai trở về, tôi cảm thấy đã đến lúc phải bắt tay vào công việc đạo diễn, thì gặp không biết bao nhiêu khó khăn...” Kim Cúc lại tâm sự thêm. “Hiện giờ, công việc vẫn chưa tiến triển được bao nhiêu, nhưng tôi quyết tâm trong năm nay phải giải tỏa được những ray rức của mình...”
Tôi chợt nhận ra có lẽ cái không may mắn của chị là ở chỗ chị vừa không đủ sức đầu tư kịch bản, vừa không có nhiều người ủng hộ, và nhất là chẳng có quyền hành gì cả... Ba số không to tướng: (không tiền, không quân, không quyền) phải chăng là tất cả mọi trở ngại?
Không chính xác nếu nói rằng chị không có người ủng hộ, nhưng làm nghệ thuật bây giờ việc trước tiên là chị phải có khả năng đầu tư kịch bản, và để trở thành vở diễn thì công sức tìm tòi, lao động của chị và sự hỗ trợ các diễn viên không chỉ có tấm lòng là đủ...
Đến năm 1994, tiếp xúc với ký giả Huy Trường, nhà báo hỏi cô:
- Cô nghĩ gì sau nhiều năm hoạt động ở sân khấu? Suy nghĩ một lúc, Kim Cúc nói:
- Những điều tôi suy nghĩ, quan tâm về sân khấu đều thuộc về dĩ vãng, một dĩ vãng không thể nào quên được sau khi tôi đã ở trong nghề được 37 năm. Tôi đã từng ca hát trong thời chiến, có đêm vừa diễn vừa nhảy xuống hầm tránh bom cả mười mấy, hai mươi lần, gian khổ rất nhiều, nhưng cạnh đó đời sống không phải lo vì được bao cấp mọi mặt, chỉ có
việc phải cố gắng diễn cho đạt yêu cầu nghệ thuật, phục vụ đồng bào khán giả. Sau này khi sân khấu chuyển qua cơ chế thị trường, tính chất cao quý của người nghệ sĩ ngày nào dường như mất mát đi nhiều với sự bon chen, lấn áp lẫn nhau, tranh tiếng lớn tiếng nhỏ, lương cao lương thấp... những điều đó quả tình là tôi không quen, càng không quen tôi lại càng nhớ đến một thời kỳ trong dĩ vãng.
“Với nghề nghiệp đạo diễn, khi dàn dựng vở diễn, dĩ vãng luôn luôn hiện về như nhắc nhở tôi về cái quá khứ không nên quên...”
“Dù đã lớn tuổi, mỗi lần tôi tìm thấy một kịch bản có ý nghĩa, là tôi muốn lăn thân vào sân khấu làm bất cứ điều gì. Tôi như có ý muốn tìm cái gì đó cao đẹp ở dĩ vãng. Nhưng tôi tự hỏi chẳng biết mình tìm lại có được không? Vì sao cái gì đó như đã mất đi rồi ở trong lòng người hôm nay?”
Từ khi thực tập đạo diễn lần thứ hai về, Kim Cúc đã không thực hiện được cái nghề đạo diễn bao nhiêu, mà chỉ có mấy vai trò diễn viên đào mụ trên sân khấu, trên truyền hình. Mấy năm sau đó thì hầu như không còn hoạt động văn nghệ, cô về sống ở Trảng Bom, Biên Hòa. Đến năm 2001 mới 56 tuổi cô đã vĩnh viễn ra đi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét