Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

Những Bàn Tay Ðen Trong Vụ Án Lê Quốc Quân

Ngày 25 tháng 2 năm 2014

H,

Ngày 18/2/2014 Luật sư Lê Quốc Quân vừa bị tòa phúc thẩm giữ nguyên 30 tháng tù giam về tội danh ‘trốn thuế’. Bản án bị giới bảo vệ nhân quyền quốc tế và các nước dân chủ trên thế giới xem là mang động cơ chính trị nhắm vào các hoạt động ôn hòa của ông đòi thực thi nhân quyền cho dân tộc Việt Nam. Phần Luật sư Quân, dù tình trạng thể lực suy kiệt, do 17 ngày tuyệt thực để phản đối, anh vẫn cứng cỏi đối đáp, không chấp nhận lời cáo buộc của viện kiểm sát và tòa án.

Ngay sau khi bản án được công bố, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ, Jen Psaki, nói rằng bản án dành cho luật sư Quân không phù hợp với quyền tự do bày tỏ quan điểm, các nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị, cũng như nhũng cam kết thể hiện trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền. Ðồng thời, Hoa Kỳ cũng kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam phóng thích các tù nhân lương tâm và cho phép người dân Việt Nam được thể hiện quan điểm chính trị ôn hòa.

Cùng ngày, Ủy ban Bảo vệ Ký giả CPJ có trụ sở tại Mỹ cũng lên án Cộng sản Việt Nam rằng phiên tòa phúc thẩm của Luật sư Quân chứng tỏ những giới hạn nghiêm trọng về một nền tư pháp độc lập tại Việt Nam. Ông Bob Dietz [xem hình], điều phối viên chương trình Châu Á thuộc CPJ, nói với VOA Việt ngữ:

“Chúng tôi xem bản án này là một bước nữa trong chiến dịch đàn áp các blogger và nhà báo độc lập tại Việt Nam. Trong nhiều năm qua, CPJ chúng tôi đã theo dõi sát và phản ảnh thường xuyên về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục phổ biến các trường hợp vi phạm nhân quyền kiểu này của Việt Nam ra công luận thế giới. Việt Nam trở thành nhà tù lớn hàng nhì ở Châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Chúng tôi đã làm việc với Bộ Ngoại giao Mỹ để yêu cầu đặt vấn đề nhân quyền Việt Nam trong các cuộc thương lượng về Hiệp định Ðối tác Tự do Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP. Bộ trả lời rằng họ đang thực hiện yêu cầu này. Dù chúng tôi chưa thấy có bằng chứng nào cho lời cam kết của Bộ, nhưng sớm muộn gì các nước phương Tây giao thương với Việt Nam bằng cách này hay cách khác cũng phải đề cập đến thành tích nhân quyền tồi tệ của Hà Nội.”

Cũng trong ngày 18/2, tổ chức Phóng viên Không biên giới RSF ở Pháp cũng tố cáo bản án của Luật sư Quân nhằm răn đe những người cung cấp tin tức độc lập trong cuộc chiến chống kiểm duyệt thông tin tại Việt Nam.

Còn nhớ, Luật sư Lê Quốc Quân bị bắt vào ngày 27/12/2012 về tội bị cáo buộc trốn thuế vô căn cứ. Sau khi bị bắt, ông bị giam biệt tăm và không được phép gặp luật sư trong hai tháng. Lời yêu cầu của gia đình đi thăm bị liên tiếp từ chối. Ông Quân lần đầu tiên gặp người nhà trong phiên xử 2/10/2013. Phiên xử này kết tội ông trốn thuế lợi tức công ty và kết án 30 tháng tù giam và nộp phạt 1.2 tỷ đồng (khoảng USD 59,000). Ông Quân đã kháng án lên tòa phúc thẩm.

Ủy Ban Ðiều Tra về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc, do Cao Ủy Nhân Quyền LHQ thành lập, đã đưa ra phán quyết rằng Lê Quốc Quân trở thành mục tiêu tấn công vì việc hoạt động và viết blog. Ủy Ban kêu gọi trả tự do cho ông ngay lập tức, hoặc bản ản phải được xem xét lại bởi một tòa án độc lập. Ủy Ban còn đề nghị Việt Nam phải bồi thường thiệt hại cho ông Lê Quốc Quân vì việc bắt giữ tùy tiện này.

Phán quyết của Ủy Ban Ðiều Tra về Bắt giữ Tùy tiện là để trả lời cho kiến nghị đệ đơn từ các tổ chức Media Legal Defence Initiative, Media Defence-Southeast Asia, Lawyers for Lawyers, Avocats Sans Frontières, Front Line Defenders, Access, English PEN, Reporters Without Borders, the Electronic Frontier Foundation, ARTICLE 19, Index on Censorship and Lawyers’ Rights Watch Canada. Các tổ chức này kêu gọi chính quyền Việt Nam tuân theo quyết định của Ủy Ban Ðiều Tra về Bắt giữ Tùy tiện và trả tự do cho ông Lê Quốc Quân ngay lập tức. Họ lập lại nhận định là việc kết án và giam giữ ông Lê Quốc Quân là tùy tiện và vi phạm quyền tự do ngôn luận, quyền tự do hội họp, quyền xét xử công bằng và những quyền hạn của một nhà hoạt động nhân quyền.


Luật sư Hà Huy Sơn
Ngoài ra, trao đổi với ban Việt ngữ của đài VOA về các khía cạnh pháp lý của vụ án, Luật sư Hà Huy Sơn [xem hình], đại diện pháp lý của Luật sư Lê Quốc Quân cho biết:

“Thứ nhất, truy tố và xét xử ông Quân về tội ‘trốn thuế’ là không xác đáng, không khách quan. Vì cứ cho là ‘trốn thuế’ đi nữa thì đây là doanh nghiệp do ông Quân làm giám đốc ‘trốn thuế’ chứ không phải cá nhân ông ‘trốn thuế’. Còn trách nhiệm của ông Quân thế nào thì là một việc khác, không phải là tội ‘trốn thuế’ đối với cá nhân ông. Cáo trạng cũng nói là doanh nghiệp do ông Quân làm giám đốc ‘trốn thuế’ doanh nghiệp, chứ không phải cá nhân ông Quân ‘trốn thuế’. Thứ hai, các chứng cứ-chứng từ hợp pháp sau này không được người ta thừa nhận mà họ lại dựa vào lời khai của những người liên quan để bác bỏ. Kế tiếp, vị giám định viên để dựa vào đó kết luận là doanh nghiệp ‘trốn thuế’ lại không có thẻ Giám định viên. Nghĩa là bản kết luận giám định không hợp pháp vì người giám định không có thẻ Giám định viên...”

Mặt khác, tại kết luận điều tra, cơ quan điều tra (CQÐT) cho rằng Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam “trốn thuế” là dựa chủ yếu vào lời khai của bà Phạm Thị Phương, người làm kế toán ngoài giờ cho Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam, ông Lê Quốc Quân không có lời khai. Nếu theo logic thì bà Phạm Thị Phương phải bị khởi tố trước bị can, rồi sau đó mới dùng lời khai của bà Phương làm căn cứ để khởi tố bị can đối với ông Lê Quốc Quân. Nên nhớ Quân bị bắt ngày 27/12/2012, CQÐT không lấy được lời khai, không đủ chứng cứ để đề nghị truy tố; trong khi đó, phải gần 02 tháng sau, tức ngày 20/02/2013, CQÐT mới ra quyết định khởi tố bị can đối với bà Phương, nhằm tìm kiếm chứng cứ để truy tố ông Quân; như vậy là không hợp lý [Dù vậy tòa vẫn buộc tội bà Phương, bà bị xử 8 tháng tù giam.  Xem hình Phạm Thị Phương (bên trái) Ảnh: Doan Tan/TTXVN].

Bà Phạm Thị Phương (bên trái) Ảnh: Doan Tan/TTXVN.
Do vậy, theo lời tường thuật của phóng viên Chris Brummitt của Thông tấn xã AP, trước tòa Luật sư Lê Quốc Quân đã tuyên bố rằng:

“Tôi là nạn nhân của những hành động chính trị. Ðã từ lâu tôi là người tố cáo và chiến đấu với vấn nạn tham nhũng, bộ máy quan liêu, và sự trì trệ đang làm nguy hại đất nước này. Nói thật, tôi bị tuyên án chỉ vì tôi yêu đất nước tôi.”

Cũng được biết thêm là phản ứng trước án quyết dành cho Luật sư Lê Quốc Quân về tội gọi là “trốn thuế” này, giáo sư Jonathan London, thuộc Ðại học TP Hong Kong, từng làm việc và nghiên cứu tại VN trong nhiều thập niên, đã lưu ý:

“Tòa án thành phố Hà Nội tuyên án 30 tháng tù giam cùng với 1,2 tỉ tiền phạt, truy thu 600 triệu đồng đối với Luật sư, nhà đấu tranh nhân quyền Lê Quốc Quân với tội danh “trốn thuế.” Trong khi đó, cách đây vài ngày một người khác ở Bắc Ninh trốn thuế 11 tỉ đồng nhưng chỉ bị tù treo. Thấy lạ chưa?”


Mặc khác, blogger Nhật Ký Yêu Nước cũng đưa ra so sánh trường hợp “Ca sĩ Ðàm Vĩnh Hưng trốn 700 triệu đồng tiền thuế nhưng chỉ bị truy thu và không phải ngồi tù.”

Hơn nữa, qua bài “Luật sư Lê Quốc Quân trốn thuế ư ?”, blogger Nguyễn Ngọc Già nhắc tới tình trạng nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại VN trốn thuế mà những vụ như vậy, nói chung, hiện “vẫn chưa biết đi về đâu”, hay “vụ việc trôi như nước mùa mưa lũ”, vẫn bình an vô sự, từ “nghi án trốn thuế” của Coca-Cola, Keangnam-Vina trong hơn 5 năm đầu tư liên tục báo lỗ mỗi năm vài chục tỷ đồng..., đến dự án Landmark Tower của công ty, hồi năm 2011 đạt hơn 5.200 tỷ đồng nhưng vẫn báo lỗ hơn 140 tỷ đồng..., cho tới doanh nghiệp TQ cũng trốn thuế khỏang 40 tỷ đồng... Trong khi đó các doanh nghiệp, cá nhân trong nước, như tập đoàn EVN trốn thuế và bị truy thu 1,2 tỷ đồng nhưng chỉ bị “xử lý hành chánh”..., đại gia Nguyễn Thạc Thanh ở Bắc Ninh trốn thuế hàng chục tỷ đồng mà chỉ bị án tù treo 36 tháng...  Tác giả Nguyễn Ngọc Già chiết tính ra rằng: Một khi với hơn 600 triệu tiền thuế mà gán cho Luật sư Quân 30 tháng tù giam, thì cỡ như Ðinh La Thăng cùng bộ sậu “xăng dầu”, cho đến các doanh nghiệp FDI đầy... ‘tiếng tăm’, các ‘đại gia’, các ‘siêu sao’ v.v... cứ thế mà ‘đổ đồng’, rồi lấy số đó tính ra tháng tù giam cho bảo đảm ‘công bằng’ và ‘công khai’ (!).Nghĩa là 600 triệu/30 tháng tù giam, vị chi 20 triệu/tháng tù giam. Theo đó, tính ‘rợ’ 1.400 tỉ đồng của cơ quan gọi là ‘Chi cục thuế’ quận 1 TP.HCM, cứ thế mà ra 70.000 tháng tù, tương đương 5.800 năm tù giam... v.v...

Trở lại thời gian trước khi Luật sư Lê Quốc Quân bị khép tội trốn thuế, người ta được biết:

“Sáng 3/10, lực lượng công an xông vào hai trụ sở của Công Ty Báo Cáo Tín Nhiệm-Xếp Hạng Doanh Nghiệp Việt Nam (VietnamCredit) ở Hà Nội và Sài Gòn tiến hành lục soát, bắt người, và tịch thu tài sản, dữ liệu của công ty do em trai luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân làm chủ.”

Ngay sau đó, nói chuyện với ban Việt ngữ đài VOA, tối ngày 3/10, luật sư Quân cho biết:

“Hiện tại các em của Quân (ông Lê Ðình Quản) đã được trả tự do rồi, nhưng họ tiếp tục giữ một người kế toán của công ty VietnamCredit. Họ lấy đi ở Hà Nội 8 bì tải toàn bộ tài liệu, ở Sài Gòn 15 bì tải và 8 thùng các-tông tài liệu cộng với 20 máy tính. Nhân viên đang làm việc, họ xông vào khống chế bắt đứng yên, cúp điện, rồi lấy đi toàn bộ máy tính. Hầu hết là các hồ sơ của công ty, của doanh nghiệp. VietnamCredit là công ty thông tin tín nhiệm và xếp hạng doanh nghiệp Việt Nam, theo dõi, đánh giá rất nhiều các doanh nghiệp ở Việt Nam để xếp hạng, nên hồ sơ nhiều lắm. Họ lấy các hồ sơ đấy đi, nhưng không cho biết lý do.”

Nên nhớ, Công Ty Báo Cáo Tín Nhiệm-Xếp Hạng Doanh Nghiệp Việt Nam và công việc của Luật sư Quân cực kỳ ảnh hưởng tới một số doanh nghiệp lớn. Ðó là việc xếp hạng tín nhiệm các công ty lớn trong nước. Luật sư Quân có đầy đủ số liệu để đánh giá năng lực của các doanh nghiệp lớn trong nước; trong đó có một vài ngân hàng lớn bị đánh giá kém, như trường hợp của Viettinbank...

Trong vấn nạn này, điều rất đáng lưu ý là chuyện Nhà nước đang có kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà thủ tướng đang thúc đẩy. Nó sẽ ra sao khi các đối tác tìm hiểu để đánh giá tài sản, giá trị doanh nghiệp... để mua cổ phần doanh nghiệp; bằng cách tham khảo tài liệu từ Công Ty Báo Cáo Tín Nhiệm-Xếp Hạng Doanh Nghiệp Việt Nam của Luật sư Quân. Ðây là việc làm cả bên mua lẫn bên bán đều cần biết để khỏi bị hớ. Nó đòi hỏi sự minh bạch, mà Nhà nước thì lúc nào cũng muốn giấu giếm để việc cổ phần hóa có lợi cho chúng và đồng bọn gian thương.

Chính vì vậy mà khi khám xét các văn phòng của Quân và em trai Lê Ðình Quản, Nhà nước đã thu sạch máy móc, giấy tờ..., tất cả những gì có thể thu được, trong đó có rất nhiều dữ liệu đánh giá tín nhiệm các doanh nghiệp lớn.

Ðó là mặt nổi mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy. Bên cạnh đó còn có mặt chìm khiến các gian thương Trung Quốc và Nhà nước Bắc Kinh rất sợ bị nhìn thấy. Ðó là một số doanh nghiệp gian thương Trung Quốc cùng nhà cầm quyền đang đô hộ Việt Nam đang tận dụng lòng tham của lãnh đạo và gian thương Việt cộng để lừa đảo bảo hiểm quốc tế.

Bọn này đã ký các hợp đồng xuất khẩu nhiều lượng hàng lớn (kể cả có thật và không có thật, chỉ có trên giấy tờ) sang cho các công ty ở Việt Nam (kể cả có thật và không có thật, chỉ có trên giấy tờ). Sau đó, mang hợp đồng mua bán này đi mua bảo hiểm rủi ro quốc tế. Ðến khi công ty ở VN không thanh toán tiền thì họ sẽ nhận được tiền bảo hiểm. Vấn nạn này đã khiến các công ty bảo hiểm quốc tế thuê Công Ty Báo Cáo Tín Nhiệm-Xếp Hạng Doanh Nghiệp Việt Nam của Luật sư Quân tìm hiểu, xác minh hai bên mua bán có thật không; hàng hóa đã được bên bán giao, và bên mua có thật là không trả tiền? Thực tế xảy diễn khiến độ tín nhiệm doanh nghiệp của Việt Nam trên thương trường bị ảnh hưởng trầm trọng.

Chúng rất sợ Luật sư Lê Quốc Quân được tự do và Công Ty Báo Cáo Tín Nhiệm-Xếp Hạng Doanh Nghiệp Việt Nam của ông được hoạt động dưới sự giám sát của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế. Chúng cũng rất lo ngại ông, với sự mến mộ của quần chúng và uy tín tràn ngập khối người Thiên Chúa giáo, mà mọi người đều thấy trong các buổi cầu nguyện trước các phiên tòa Sơ thẩm và Phúc thẩm vừa qua. Nó khiến ông có thể trở thành một thủ lĩnh nào đó của phong trào dân chủ, nếu ông được trả tự do vào thời gian này.

Do vậy, sự chờ đợi bản án dành cho ông có thể như bản án treo dành cho Nguyễn Phương Uyên và Ðinh Nhật Uy đã không thành. Tất cả đều thất vọng khi thế lực của những bàn tay đen từ Trung quốc và Cộng sản Việt Nam vẫn còn đè nặng tương lai ông cũng như tương lai dân tộc Việt Nam.

Nhưng, bài học êm thắm của Aung San Suu Kyi và chính quyền Thein Sein ở Miến Ðiện; cùng sự tháo chạy của Tổng thống Viktor Yanukovych của xứ Ukraina, rời bỏ dinh thự riêng cực kỳ xa hoa của mình, sau ba tháng kéo dài tranh đấu trong băng giá của dân chúng chống độc tài. Nó hiện rõ qua bản tin được đưa lên Danlambao ngày 24/2/2014 cho thấy nhiều cảnh sát chống bạo động Ukraina mặc quần áo dân thường tập trung tại thành phố Lviv để quỳ gối, công khai xin lỗi nhân dân vì sự liên quan của họ trong các cuộc đàn áp nhắm vào người biểu tình. Mặc dù khẳng định không trực tiếp tham gia đánh đập người dân, nhưng dường như tự bản thân những cảnh sát này thấy có trách nhiệm trước cái chết của hàng chục người vô tội sau các vụ giao tranh đẫm máu tại quảng trưởng Ðộc Lập (thủ đô Kiev), như hình ảnh được hãng thông tấn quốc tế Reuters ghi lại truyền đi khắp thế giới [xem hình đính kèm]. Cuộc cờ giữa dân chúng và chính phủ coi như kết thúc.
Cảnh sát Ukraina quỳ gối xin lỗi dân về tội đàn áp biểu tình.
Trước sự kiện đặc biệt này Tiến sĩ Hà Sĩ Phu đã có nhận xét: “Người ta bảo nhân dân là một dãy số 0 nhưng khi nó đứng sau một con số có nghĩa thì những số 0 ấy trở thành có nghĩa...”. Nó khiến những thế lực và những bàn tay đen núp sau vụ án Luật sư Lê Quốc Quân có thể như bàn tay không che được mặt trời đang rạng rỡ sáng sau đêm đen, báo hiệu bình minh tự do dân chủ trên quê hương Việt Nam.

Hẹn con thư sau,
Giáo Già

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét