Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

Phản ứng của thế giới khi đa số ủng hộ Crimea sáp nhập Nga

  1. 93% cử tri ủng hộ Crimea sáp nhập Nga
  2. Phản ứng của thế giới khi đa số ủng hộ Crimea sáp nhập Nga

93% cử tri ủng hộ Crimea sáp nhập Nga

Cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea kết thúc vào ngày 16.3 (giờ địa phương, khoảng 1 giờ sáng 17.3, giờ VN), với kết quả sơ bộ là 93% cử tri ủng hộ Crimea ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga.


Một phụ nữ bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea ngày 16.3 - Ảnh: Reuters 
Ngay sau khi kết quả sơ bộ cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea được công bố, Nhà Trắng lên tiếng bác bỏ kết quả này, theo AFP.
“Đây là một thời khắc lịch sử”, AFP dẫn lời Thủ tướng Crimea Sergiy Aksyonov nói với các phóng viên khi bỏ phiếu tại thành phố Simferopol (Crimea).
AFP mô tả không khí ngày 16.3 tại Crimea với cờ Nga bay phất phớt khắp nơi từ trên các xe buýt cho đến những chiếc xe hơi, gắn máy, trong khi hàng ngàn người đến các điểm bỏ phiếu.
Đa số người nói tiếng Nga đi bỏ phiếu, trong khi đó cộng đồng Hồi giáo thiểu số Tatar ở Crimea tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý này, theo AFP.
Trước đó, theo hãng khảo sát Đức GfK, 70% dân Crimea muốn bỏ phiếu thuận Crimea sáp nhập với Nga ngày 16.3, trong khi 11% lên kế hoạch bỏ phiếu cho Crimea vẫn thuộc Ukraine.
Theo AFP, công tác chuẩn bị sáp nhập Nga là một tiến trình có thể mất nhiều tháng liền, sẽ bắt đầu vào tuần này.
Chính quyền Crimea và Nga đều tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý là một ví dụ điển hình của quyền tự quyết như quyết định của Kosovo ly khai Serbia.
Nhưng Mỹ cho rằng cuộc trưng cầu dân ý này là không dân chủ bởi vì nó diễn ra “dưới họng súng”, ám chỉ việc Nga triển khai quân lính ở Crimea.
Hãng tin Interfax (Nga) dẫn lời quyền Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Ihor Tenyukh ngày 16.3 cho biết Nga tiếp tục tăng cường lực lượng tại khu tự trị Crimea và hiện có đến 22.000 lính Nga tại Crimea.
Theo AFP, binh sĩ vũ trang mặc quân phục không phù hiệu, được cho là lính Nga tại Crimea, đã kiểm soát Crimea kể từ lúc Tổng thống Viktor Yanukovych (thân Nga) bị phế truất hồi tháng rồi.
Còn Liên minh châu Âu (EU) cho rằng cuộc trưng cầu dân ý này là bất hợp pháp, kết quả của nó sẽ không được công nhận, đồng thời đe dọa sẽ đưa ra các quyết định tăng cường các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 16.3, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng Nga sẽ tôn trọng lựa chọn của người dân khu tự trị Crimea trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ngày 16.3, đồng thời tái khẳng định quan điểm của Moscow rằng cuộc trưng cầu dân ý này là tuân thủ luật pháp quốc tế.
AFP cho biết 3 người đã thiệt mạng trong những cuộc đụng độ gần đây tại các thành phố Donetsk và Kharkiv, miền đông Ukraine, nơi có nhiều người nói tiếng Nga. Trong khi đó, nhiều người ủng hộ Nga đã kêu gọi tiến hành những cuộc trưng cầu dân ý tương tự tại các khu vực khác nhằm ly khai khỏi Ukraine.
Tổng thống lâm thời Ukraine Oleksandr Turchynov kêu gọi tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea, tố cáo Nga lợi dụng Crimea để chuẩn bị xâm lược Ukraine.
Crimea là tâm điểm khủng hoảng Ukraine. Crimea thuộc về Nga từ thế kỷ 18 cho đến năm 1954 thì được nhập về Ukraine (lúc đó thuộc Liên Xô) như một “món quà”. Ukraine tuyên bố độc lập sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết.
Phúc Duy
Phản ứng của thế giới khi đa số ủng hộ Crimea sáp nhập Nga

Ngay sau khi kết quả sơ bộ cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea được công bố, Nhà Trắng đã lên tiếng bác bỏ kết quả này, theo AFP.

Cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea kết thúc vào ngày 16.3 (giờ địa phương, khoảng 1 giờ sáng 17.3, giờ VN), với kết quả sơ bộ là 93% cử tri ủng hộ Crimea ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga.
2 giờ 13: Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho rằng cuộc trưng dân ý là bất hợp pháp, vi phạm hiến pháp Ukraine.
Ông Fabius kêu gọi Nga ngay lập tức có những biện pháp nhằm giảm thiểu những căng thẳng “nguy hiểm và vô căn cứ” ở Ukraine, đồng thời cho rằng Moscow phải công nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine.
1 giờ 15: “Cuộc trưng cầu dân ý này trái với Hiến pháp Ukraine, và cộng đồng thế giới sẽ không công nhận kết quả cuộc bỏ phiếu được tiến hành dưới những mối đe dọa bạo lực và hăm dọa từ sự can thiệp quân sự của Nga vốn vi phạm luật quốc tế”, AFP dẫn lời người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết.
Ngoại trưởng Anh William Hague cho rằng Anh không công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea.
Ông Hague cho rằng Nga không nên dùng cuộc trưng cầu dân ý Crimea như là một cái cớ để sáp nhập Crimea.
Tiếp tục cập nhật
Phúc Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét