Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

Tạp luận: Tìm người hiền tài ở đâu bây giờ ?



Ông cha ta ngày xưa định danh người có học,có tài ,có đức lấy quốc gia dân tộc làm thượng tôn-người hiền tài, là nguyên khí quốc gia. Thời nay gọi là tầng lớp tinh hoa. Nếu tính số người Việt Nam có học vị tiến sĩ,thạc sĩ ,giáo sư,phó giáo sư ở các chuyên ngành khoa học,khoa học công nghệ và khoa học nhân văn thì chỉ tính riêng học vị tiến sĩ đã là “con số khủng long tiền sử” ở khu vực Đông Nam Á : 24 ngàn 300 người. Cũng đã có người đưa ra con số ngầm so sánh thực chất tiến sĩ giữa ta và Nhật Bản: tính từ hàm thứ trưởng trở lên,số tiến sĩ người Việt Nam cao hơn Nhật Bản những 5 lần !. Quả là về số lượng, không chê vào đâu được,cao ngất nghểu.
Nhưng nếu có ai hỏi một câu cắc cớ: tiến sĩ đông như thế,cán bộ trọng trách nhà nước có học vị tiến sĩ đáng nể như thế ở các ngành khoa học lẫn kinh tế xã hội, mà sao mọi mặt củaVN lại có vẻ dẫm chân tại chỗ nếu không muốn nói thụt lùi trước đà tiến tăng tốc chung của khu vực và thế giới văn minh phát triển ?
Tiến sĩ haycao hơn tiến sĩ , là học vị khoa học. Đã là học vị khoa học thì lẽ đương nhiên học vị đó phải tương ứng với quá trình học tập,nghiên cứu và ứng dụng khoa học ở một trình độ,một chuẩn mực không chỉ ở ta mà được các trung tâm khoa học thế giới thừa nhận,công nhận. Ta không thể nói chỗ này “ta có cách làm “Việt Nam hóa” sáng tạo của riêng ta”, không cần cái thước đo khoa học “sùng ngoại” “sính ngoại”. Mỗi năm có bao nhiêu luận án tiến sĩ được “cỗ máy nội” sản xuất? Ấy thế là hội đống khoa học,ấy thế là trình bầy luận án, ấy thế là phản biện,ấy thế là thông qua với số phiếu tuyệt đối. . .Nghe nói không hiếm trường hợp các thí sinh láu cá láu tôm rất khôn khéo rất chu đáo trong việc chuẩn bị sẵn phong bao hậu hĩnh và bữa nhậu đặc sản tưng bừng sau khi ” biết chắc từ trước” thoát hiểm trên đoạn đầu đài khoa học. . .
Cũng đã có người trích thống kê con số 8519 vị tiến sĩ đang giảng dậy ở các trường đại học và đưa ra câu hỏi hoài nghi tại sao nước Việt mình có đội ngũ học vị tiến sĩ trên bục giảng đại học rất đáng tự hào như vậy mà không một trường đại học nào mác Việt được đứng trong tốp 500 trường đại học đầu bảng thế giới. Nếu mượn câu ngạn ngữ phương Tây cái áo chúng thâm không làm nên ông thầy tu, có thể nói chăng học vị tiến sĩ mác Việt chưa hẳn đã làm nên ông tiến sĩ thật sự, nghĩa là bên cạnh không ít những vị tiến sĩ xứng tầm quốc gia,khu vực, hữu ích cho quốc kế dân sinh thì cũng phải kể đến không ít ông tiến sĩ ma giáo, tiến sĩ giấy mà ngày xưa cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã chế diễu ” Cũng tàn cũng lọng cũng cân đai-Cũng gọi ông nghè có kém ai”. Đấy là những ông nghè kiểu bí thư tỉnh ủy một tỉnh khi đương quyền muốn tăng thêm uy tín học thuật mác mỏ bằng cách chịu tốn phí 17 ngàn đô la để sáu tháng theo học “kiểu gì không biết” Đại học Nam Thái Bình Dương chưa được quốc tế chính thức công nhận. Đấy là những ông tiến sĩ khởi điểm “một chữ tiếng Anh không biết”song cũng có bằng đại học chính quy vân vân và vân vân. Nạn bằng cấp giả, tiến sĩ rởm là hệ lụy tất yếu của một nền giáo dục quá nhiều mặt yếu kém.lạc hậu, mấy thập niên chắp vá cho đến giờ vẫn không sao hoạch định được một chiến lược giáo dục phù hợp với thời đại hội nhập toàn cầu và kinh tế tri thức cộng với lộ trình thực hiện nó. Chỉ thấy loay hoay bàn về chuyện để thi,bỏ thi, nên thêm hay bớt đại học,đại học thế nào là đủ chuẩn quốc tế, sách giáo khoa cải cách thế nào vân vân và vân vân. Cái đáng có và phải có ngay từ đầu như một điều kiện tiên quyết thì chả thấy đâu,chỉ thấy cải cách nối tiếp cải cách; cứ sự vụ chậy vuốt đuôi mãi thế này thì lấy đâu ra một nền giáo dục ” tiên tiến đậm đà bản sắc” bền vững !. Vị thế của các vị tiến sĩ giáo dục trong bộ máy công quyền ngành chủ quản thể hiện ở đâu. Vị thế của các vị tiến sĩ nông nghiệp và phát triển nông thôn ở chỗ nào mà không ít địa phương dân ” bỏ đất chậy lấy người” chạy chợ,làm thuê kiếm sống tứ tán ; nhiều vùng phì nhiêu mầu mỡ tự nhiên có được mùa thì dân vẫn không yên vì mất giá sản phẩm; còn dân ngư nghiệp đánh bắt xa bờ mũi nhọn của ngành thủy sản thì chưa đủ sức mạnh để đối phó với thương trường lỗ lãi và “đường lưỡi bò”. Vị thế của các vị tiến sĩ ở nơi mô mà ngành y tế cùng hệ thống hoạt động của nó khiến nhiều nơi dân chỉ còn biết dơ tay lên trời kêu. . . trời sợ. Cứ lan man đặt những câu hỏi đại loại như thế biết đến bao giờ cho hết. Không ai còn tư duy bình thường và có một trình độ học thức chung, bình thường lại đi quy kết hồ đồ,đổ mọi sự gọi là ” bất cập” cho đội ngũ gần 25 ngàn tiến sĩ !.Đóng góp chất xám của họ là đáng quý chứ !
Người ta chỉ muốn âm thầm tự hỏi một nước đông người bằng cấp,một nước nhiều người thông thái như thế mà sao vẫn nghèo, vẫn tiếm ẩn nguy cơ tụt hậu “thua chị kém em” so với các nước xung quanh. Và người ta không thể không nén tiếng thở dài: biết bao giờ giới trí thức tinh hoa mới có vị thế,mới tìm được chỗ đứng vững chắc trong tiến trình hiện đại hóa công nghiệp hóa để chỉ sau 6 năm ngắn ngủi nữa, Việt Nam trở thành nước công nghiệp-như tiêu chí đã hoạch định trịnh trọng giấy trắng mực đen. Và người dân nước Việt cũng muốn phiếm đàm thêm một câu hỏi: biết tìm các vị tân khoa rồi đại khoa nguyên khí quốc gia chỗ nào trong cái rừng tiến sĩ khoa học mênh mông Việt Nam, để có thêm niềm tin chắc chắn nước mình rồi cũng sẽ có ngày (cuối thế kỷ 21 chăng?) “sánh vai với các cường quốc năm châu” như hoài bão của người khai sinh ra nước Việt Nam Mới ./.

Đào Dục Tú
Chia sẻ bài viết này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét