Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

Thánh địa Mỹ Sơn

huycnh01
(Kỳ I)
Bài và ảnh Trần Công Nhung
Ngày xưa, khi bà Huyện Thanh Quan đi qua nơi cung điện nhà Lê, thấy cảnh hoang phế bà đã động lòng làm bài thơ “Thăng Long thành hoài cổ” để bày tỏ nỗi luyến tiếc kinh thành một thời tráng lệ nay chỉ còn lại rêu phong:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.


Ngày nay nếu đi tìm những hình ảnh tương tự của dân tộc Chămpa thì phần đất phía Nam từ Quảng Nam vào Bình Thuận chúng ta thấy có nhiều. Thánh địa Mỹ Sơn được công nhận là di sản thế giới, là di tích tiêu biểu đậm nét văn hóa quyền uy của người Chăm vào thời kỳ cuối cùng trước khi mất hẳn do công cuộc mở rộng bờ cõi của người Việt.
Trước đây có một thời tôi làm việc ở Quảng Nam, thường nghe nói đến Mỹ Sơn, quận Duy Xuyên, tuy không cách xa mấy nhưng lại thấy khó đi về. Thời chiến tranh, “xôi đậu” không rõ ràng, chẳng ai dại gì đi vào nơi rừng núi âm u, nguy hiểm tính mạng. “Gần nhà mà xa cửa ngõ”, là thế. Bây giờ cách một đại dương đi về lại dễ. Không gian và thời gian đổi thay theo cuộc sống và tình người.
Tour du lịch đi Mỹ Sơn không đắt, chỉ mấy chục nghìn đồng, nhưng không được thong thả theo công việc của mình, lại mất thì giờ chờ đợi. Từ Hội An lên Mỹ Sơn khoảng 50 cây số, tôi đi xe ôm.
Sáng sớm, thành phố Hội An thật yên tĩnh, đường vắng tanh, gió mát như máy lạnh. Đi bộ, hít thở cái không khí trong lành đầu ngày, vừa thể dục vừa ghi nhận những hình ảnh, âm thanh, của phố cổ lúc còn say ngủ:
Một hai chiếc xe đạp của dân lao động, một vài tốp học trò đến trường tập thể dục. Mấy chị “công nhân môi trường” với cây chổi tre dài, thong thả như đếm nhịp, tiếng xẹt xẹt nghe thật rõ. Cách quãng xa mới có một quán cà phê nhóm lò bên đường… Đây là giây phút phố phường thư giãn, hiền lành êm ả, tôi không thấy e ngại dù đi vào chỗ tối vắng người.
Ra đến đầu đường Nguyễn Thái Học, gặp một anh xe chịu giá đi Mỹ Sơn 55 nghìn. Không phải mặc cả, tôi ngồi lên xe vừa nói: “Anh ‘tranh thủ’ chạy nhưng chỗ nào tôi vỗ vai thì chậm lại. Nơi nào cần dừng thì dừng, chỉ vài phút thôi”. Anh xe hứng chí phóng nhanh như đua, tôi run cầm cập, co người núp sau lưng xe, thỉnh thoảng hé mắt nhìn làng mạc trong sương mờ, tự nhiên được sống lại cái cảm giác ngày còn nhỏ, những ngày mà tuổi thơ không thấy giá rét, không thấy cực khổ thiếu thốn, chỉ thấy cuộc đời thật vui, lúc nào cũng mong chóng đến giỗ chạp, Tết nhất, hội hè…
Trời mờ sáng xe chạy ngang làng đúc đồng Phước Kiều, đã thấy nhiều nhà mở cửa, nào tượng đồng, chiêng cồng, lư hương chân đèn… mớ bày dưới đất, mớ treo trên vách, la liệt như hàng chợ trời. Muốn ghé vào xem nhưng sợ tục lệ “mở hàng” đầu ngày, chủ nhà đã mời mà từ chối là có chuyện. Thường ít ai hiểu cho sự bất tiện những món lôm côm lích kích, chẳng thể nào mang theo với máy móc! Tôi vỗ nhẹ cho xe chậm lại,ngoái người bấm máy. Hình ảnh tư liệu, sao cũng được.
Vào đến ngã ba Quốc lộ 1 rẽ lên Duy Xuyên, trời sáng hẳn. Từng tốp học sinh trong đồng phục lũ lượt bên đường, hoặc hàng ba hàng bảy đạp xe, thong dong đến trường. Cảnh nữ sinh trong tà áo trắng tôi chụp đã nhiều ở trường Lý Tự Trọng (Võ Tánh) Nha Trang, Trưng Vương (Gia Long) Sài Gòn, Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho)… thế mà mỗi khi nhìn thấy áo dài lại vẫn thích, không thể không chụp. Có lẽ khung cảnh khác nhau, ánh sáng không giống nhau, nên cảm xúc dễ khơi động.
Huyện Duy Xuyên ngày nay có bộ mặt khác xa quận Duy Xuyên ngày trước, khu hành chính huyện nguy nga khang trang nằm ngay lộ, phố xá nhà tầng sáng sủa, buôn bán tấp nập. Với khách bàng quan, đây là dấu hiệu một đời sống sung túc, nhưng đấy là bộ mặt, lúc cởi áo không biết “thân hình” ra sao!
Phía trên huyện một đoạn có con sông, hai bờ tre soi bóng, tôi xuống xe, chụp ảnh giòng sông phải cần góc độ, cần tính toán, nhất là mặt trời đỏ ối đang lên từ từ. Rồi rỉ rả từ từ, đường lên Mỹ Sơn, nhiều cảnh cũng hay, nhà thờ Trà Kiệu, ngôi giáo đường từ hơn thế kỷ, không thay đổi, không sơn phết sửa sang theo “hiện đại”, gợi cho khách du cả một quãng dài lịch sử. Hầu như giáo đường nào cũng màu đá xanh, màu xám mốc: nhà thờ Phát Diệm, nhà thờ Phú Cam, nhà thờ lớn Hà Nội… Không hiểu sao Thánh Đường Sài Gòn lại màu chu đỏ.
Đường vào Thánh Địa, qua một cổng chào, từ từ lên cao, và như đâm thẳng vào núi xanh. Đến đầu ngọn đồi cuối đường, một khu nhà tranh thấp thoáng sau tàng cây xanh lá: Nhà nghỉ, quán ăn, giải khát, kiểu “du lịch sinh thái”. Trái với hình ảnh đối diện, đang có công trình xây dựng khá lớn. Công trình theo mô hình nhà máy, một dãy dài, không có nét riêng của địa phương. Bên cạnh có trạm bưu điện nho nhỏ mang một tí văn hóa Chăm.
Còn sớm, tôi mời anh xe uống cà phê và vừa nghỉ mệt. Quán chỉ một người lo các thứ cho khách. Anh xe lợi dụng gọi thêm 4 điếu thuốc Con Mèo.
- Cháu à, đang có công trình gì vậy?
- Dạ, nhà vãng lai khách quốc tế, và nơi làm việc cho các đoàn nghiên cứu.
- Hằng ngày khách đông không cháu?
- Dạ cuối tuần đông hơn, nhưng đa số khách phương xa theo tours và khách Tây là nhiều.
- Có phải mua vé không?
- Dạ, vé 30 ngàn. Chú qua cầu mua vé rồi có xe Jeep đưa vô tháp.
Chiếc cầu tre tương đối chắc, không lắt lẻo như cầu dây ở Buôn Đôn, nhưng chỉ dành cho người đi bộ và xe máy, không hiểu làm cách nào bên kia cầu lại có xe Jeep.
Phòng vé và chỗ nhân viên làm việc, ăn ở, rất luộm thuộm. Mấy ông cười nói bô bô, thấy khách ngơ ngác cũng mặc, hỏi họ mới chỉ cho cô bán vé ngồi giấu mình trong một góc phòng.
Đường dốc vào tháp có xe đưa, lúc ra, khách tự đi bộ. Mình tôi một chuyến xe, loại xe Jeep của quân đội miền Nam ngày trước. Dù đoạn đường chưa tới cây số, đi chân cũng hơi mệt. Xe thả khách xuống điểm trung tâm, nơi có nhà hàng, nhà bán quà lưu niệm, nhà biểu diễn văn nghệ. Từ đây theo con đường mòn, tương đối bằng, khoảng 500 mét là đến khu Thánh Địa.
Vẫn còn sớm, tôi thăm qua sinh hoạt chung quanh, một nhà bán giải khát sách báo kỷ vật và tượng phục chế theo kích thước nhỏ. Đối diện có nhà văn nghệ, các cô đang ôn tập múa. Lát sau có đoàn du khách vào, tôi nhập bọn cùng đi bộ vào tháp.
Chim rừng cất tiếng “chào mời”. Nhiều tiếng bồ chao, bìm bịp, chóp mào, chim sâu… toàn chim dân dã. Không nghe tiếng họa mi, hoàng oanh, chích chòe… Con đường mòn nhiều cành lá vươn ra lối đi, có lẽ ít người qua lại và cũng chưa được dọn cho tươm tất.
Sau chừng mười lăm phút thì mọi người đều dừng lại, trước mặt hiện ra một vùng đền đài, tháp cổ đã hư rã theo thời gian. Chu vi khu di tích ước chừng 100 mét mỗi bề.
Lúc này thì không ai nói gì chỉ có tiếng chim và tiếng máy ảnh. Tôi phải chụp nhanh nhiều góc độ trước khi đoàn du khách tràn vào. Toàn bộ khu di tích gần như nguyên trạng, không tô đắp sửa chữa, dáng vẻ và màu sắc nói lên cả một chuỗi lịch sử dài hàng thế kỷ. Ánh sáng tươi mát ban mai, sau lưng khu tháp là mấy ngọn núi xanh lơ, điểm mây bạc, trời rất mùa thu… tuy rừng cây lá không vàng.
Có lẽ đã đầy ắp cảm giác và hình ảnh về khu Thánh Địa nên ai nấy từ từ lần vào. Rải rác đó đây, có những tấm bảng chỉ dẫn: khu A, khu B, khu C… F, có 8 khu nằm kề nhau. Mỗi khu là một phần đặc trưng của Thánh Địa…
Trần Công Nhung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét