Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Trại sáng tác Krabi, một trải nghiệm đáng nhớ

Vào ngày 14 tháng Hai vừa qua tại thành phố du lịch Krabi của Thái Lan, Thị trưởng thành phố và Ủy ban Văn hóa nghệ thuật của viện bảo tàng Andaman đã mời ba mươi họa sĩ của nhiều quốc gia đến đây để sáng tác tại chỗ và những tác phẩm ấy sẽ được lưu giữ tại Viện Bảo tàng này như tài sản riêng mà bảo tàng Andaman có được.
Ngoài 15 họa sĩ đến từ Hoa Kỳ còn lại là các quốc gia Á châu bao gồm Thái Lan, Miến Điện, Indonesia, Malaysia, Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam.

Khuyến khích thưởng thức nghệ thuật

Họa sĩ Ann Phong, giảng viên mỹ thuật của trường đại học Cal Poly Ponoma miền Nam California là một trong ba mươi khách mời ấy đã dành cho chúng tôi buổi nói chuyện về hai ngày làm việc đặc biệt này. Trước tiên họa sĩ Ann Phong cho biết mục đích và cách làm việc của thành phố Krabi nơi có bảo tàng Andaman tuy chỉ trong giai đoạn đầu tiên xây dựng nhưng đã có những chuẩn bị rất quy mô và bài bản:
Krabi đã làm một viện bảo tàng và họ muốn khuyến khích người dân thưởng thức nghệ thuật, họ mời họa sĩ trên khắp thế giới tới, họ lo ăn uống chỗ ở để họa sĩ có chỗ sáng tác.
-Họa sĩ Ann Phong
Họa sĩ Ann Phong: Cám ơn anh trong chuyến đi này khi tới nơi tôi mới biết ông phụ trách Thái Cultural của Thái Lan có nhã ý mời nhiều họa sĩ trên thế giới nói chung đến Krabi để sáng tác tại chỗ vì thành phố Krabi là một thành phố tương đối mới so với Phuket. Krabi đã làm một viện bảo tàng và họ muốn khuyến khích người dân thưởng thức nghệ thuật. Hay ở một điểm là họ mời họa sĩ trên khắp thế giới tới, họ lo ăn uống chỗ ở để họa sĩ có chỗ sáng tác. Trước khi vẽ họ dẫn chúng tôi đi chơi, xem biển hay những giòng sông, hồ nước. Ngày thứ hai mới bắt đầu sáng tác.
Trong nhóm tôi thấy Mỹ có 15 người, họa sĩ Thái Lan có 5 người là những họa sĩ rất nổi tiếng của Thái. Có hai người Việt Nam, hai họa sĩ Miến Điện hai họa sĩ Trung Quốc, hai họa sĩ Nhật hai họa sĩ người Indonesia và hai người Malaysia cả nhóm khoảng 30 người.
Họ cho chúng tôi 2 ngày để sáng tác và khi sáng tác thì họ cung cấp đầy đủ vật liệu kể cả những vật liệu dùng để thực hiện mix-media như gỗ hay những thứ khác. Ai muốn vẽ thì họ cung cấp màu và canvas, mỗi người có riêng một station để làm việc.
Tranh tôi kỳ này tôi cảm thấy cũng thành công. Tôi lấy chủ đề tại Krabi tức tại bản xứ khi tôi có cảm xúc khi tới đây. Tôi lấy cảm xúc ấy vẽ vào tranh của mình. Theo tôi nhận xét thì nhiều họa sĩ trong nhóm vẽ rất tới, họa sĩ Việt Nam vẽ hay lắm được các họa sĩ bạn khen nhiều còn những họa sĩ khác thì tôi thấy có những người họ vẽ theo phong cách cận đại tuy nhiên cũng có người vẫn theo lối cổ. Hàng trăm năm trước vẽ thế nào thì ngày nay cũng lập lại y như thế.
Trash-250.jpg
Một tác phẩm của Họa sĩ Ann Phong.
Mặc Lâm: Thưa họa sĩ bà có thể cho biết họa sĩ mà bà vừa nói là vẫn tiếp tục mang nét vẽ hàng trăm năm trước tới Krabi là người nước nào và tại sao bà nhận xét như vậy?
Họa sĩ Ann Phong: Tác phẩm đương đại có nghĩa là khi người họa sĩ cảm được hoàn cảnh chung quanh mình như thế nào thì họ vẽ lại bằng kiến thức của hôm nay tức thế kỷ 21 vì vậy mình gọi họ là những họa sĩ đương đại. Ví dụ như họa sĩ người Malaysia là ông Awang Damit hay Nguyễn Quang Huy của Việt Nam họ vẽ được những nét đó. Trong khi đó thì có họa sĩ đem đồ nghề theo vẽ tấm nào cũng giống nhau đó là họa sĩ Trung Hoa họ vẽ thủy mặc. Họ đứng trước cảnh sông nước của Thái Lan nhưng vẫn nhắm mắt vẽ những gì của Trung Hoa đó là nước non của tranh sơn thủy của cả trăm năm trước nhưng ngày nay họ vẫn vẽ như vậy.
Mặc Lâm: Nhiều nhà phê bình nhận xét rằng tranh đương đại hiện nay tại khu vực Đông Nam Á thì Malaysia và Indonesia tỏ ra vượt trội so với các nước khác, bà có đồng tình với nhận xét ấy qua kinh nghiệm của mình không?
Họa sĩ Ann Phong: Nói chung họa sĩ của hai nước Malaysia và Indonesia thì họ có tầm vóc. Có lẽ do họ có được tự do sáng tác hay họ được ra nước ngoài nhiều để mà tiếp thu những tinh hoa tốt đẹp của nước ngoài. Nói chung nghệ thuật không có biên giới tùy theo sự nhận thức và trình độ của người họa sĩ họ diễn tả lại như thế nào thì theo tôi họa sĩ Malaysia có được những cái đó. Có lẽ tại tôi sống ở Mỹ tiếp cận với viện bảo tàng của Mỹ nhiều thành ra tôi hiểu được nét đương đại và tôi thấy họ vẽ tới cái tầm vóc đó.

Tự do sáng tác

Mặc Lâm: Trong workshop lần này có hai họa sĩ từ Việt Nam sang tham dự là Nguyễn Quang Huy và Trịnh Tuấn theo bà thì họ có biểu lộ được cái nét Việt Nam qua tác phẩm của họ hay không?
Tới nay chỉ hơn 60 năm thôi mà Nam Hàn và Thái Lan họ phát triển rất nhanh có lẽ vì họa sĩ họ có tự do sáng tác.
-Họa sĩ Ann Phong
Họa sĩ Ann Phong: Nét Việt Nam thì không nhưng nét của một họa sĩ Việt Nam đương đại thì có. Trong ngày đầu khi chúng tôi được đi tham quan vùng Krabi thì nói chung ở dây rất gần gũi với Việt Nam. Kế bên là biển chỉ bước ra mấy bước là biển. Những nét về biển hay những hòn đảo giống như đảo của Vịnh Hạ Long của mình vậy. Họa sĩ Nguyễn Quang Huy sáng tác được một tác phẩm rất hay. Huy nhận xét những cảnh vật xung quanh và trong tranh của Huy có mô tả lại cảnh vật của vùng Krabi nhưng đồng thời Huy lồng vô nét thiền trong đó. Có thể vì vùng Krabi có rất nhiều chùa, có nhiều ông sư thành ra chính nét đặc biệt đó làm cho Huy thấy được và lồng vào tranh của mình. Cách vẽ không phải theo classic mà rất đương đại với nét đặc biệt của nó.
Họa sĩ người Malaysia cũng vậy ông ấy nhìn cảnh sắc xung quanh và vẽ bằng những nét vẽ thô người ta gọi là practice quality vẽ trên mặt canvas tạo độ thô, dày và có nét rất đặc biệt.
Mặc Lâm: Đó là những họa sĩ khác còn bà thì sao? Tác phẩm của một họa sĩ gốc gác Việt Nam được đào tạo từ Hoa kỳ có cảm xúc nào đến từ Việt Nam hay không nhất là trong khung cảnh Thái Lan rất giống với quê nhà?
Họa sĩ Ann Phong: Chính tôi mình cũng ráng đi tìm một cái gì đó đặc biệt. Nét vẽ thì tự mình nhưng cảm xúc thì từ cảnh vật chung quanh. Tôi nhìn biển nhìn đảo mà nhớ Việt Nam, kỳ này tôi không vẽ về Việt Nam nhưng tôi vẽ về hoàn cảnh sống, môi trường sống của con người. Tôi đem đề tài rác vô trong tranh. Thiên nhiên nó đẹp như thế thì hy vọng con người không phá hoại nó. Đó là ý tôi muốn gửi tới trong tranh. Sau hai ngày hoàn thành thì tác phẩm này tôi cảm thấy rất ưng ý.
Jump-250.jpg
Một tác phẩm của Họa sĩ Ann Phong.
Mặc Lâm: Được sống và làm việc một thời gian tuy ngắn nhưng có lẽ đủ để bà cảm nhận đất nước và con người Thái Lan, bà có điều gì muốn chia sẻ qua hơn một tuần lễ tại đây?
Họa sĩ Ann Phong: Khi tới Thái tôi có một cảm xúc rất lạ. Nếu nhìn lại từ năm 1954 thì Việt Nam, Thái Lan và Nam Hàn nói chung không có gì khác biệt lắm. Trình độ phát triển về kinh tế, nghệ thuật văn hóa không cách xa nhau cho lắm. Tới nay chỉ hơn 60 năm thôi mà Nam Hàn và Thái Lan họ phát triển rất nhanh có lẽ vì họa sĩ họ có tự do sáng tác.
Thứ hai họ được tiếp xúc và cổ võ của những người có tiền, những người đó cũng có lòng với đất nước, quốc gia của họ. Sự yêu nghệ thuật của họ khiến họ giúp đỡ cho họa sĩ không những họa sĩ của họ mà kể cả những họa sĩ nước ngoài họ cũng sẵn sàng đầu tư cho thế hệ sau. Cái workshop này họ đã bảo trợ, đài thọ mọi chi phí. Đây là một điều rất hay.
Một điều nữa khi tôi gặp họa sĩ Trịnh Tuân và Nguyễn Quang Huy thì tôi có cảm xúc rất đặc biệt có lẽ vì tôi đã xa nhà 32 năm nay khi tự nhiên ở một nơi xa lạ gặp hai người Việt Nam nói tiếng Việt với mình nó có một cái gì rất gần gũi. Sau khi nói chuyện tôi lại cảm thấy đau trong người khi biết rằng cả hai anh ấy đều từ Hà Nội tới. Câu hỏi đầu tiên của tôi là tại sao chỉ có họa sĩ Hà Nội có thể đi được mà họa sĩ Sài Gòn không có ai? Hai anh ấy trả lời là tại vì mấy cơ quan Culture center của nước ngoài đều ở Hà Nội nên khi tin tức tung ra thì người Hà Nội nắm bắt nhanh hơn.
Tôi hy vọng sau này sẽ có dịp gặp những họa sĩ miền nam Việt Nam cũng được ra nước ngoài như họa sĩ Hà Nội để họ có dịp tiếp xúc với họa sĩ nước ngoài. Cảm xúc của tôi rất khó tả vừa vui mừng vừa tủi tủi nó hiện ra lúc đó.
Mặc Lâm: Bà nhận xét thế nào về việc Thái Lan tổ chức những buổi sáng tác như vậy. Việc làm của họ có gây ấn tượng gì cho bà hay không nếu so với sự trì trệ của Việt Nam?
Họa sĩ Ann Phong: Khi họ tổ chức một triển lãm như vậy họ đã biết đầu tư bằng cách mời những họa sĩ mỗi năm một lần cho nên mỗi năm họ lại mời một nước khác. Đó là cách họ tiếp thu tinh hoa của họa sĩ nước ngoài để cho dân chúng của họ hay những du khách thích nghệ thuật trong nước có dịp gặp gỡ tìm hiểu họa sĩ nước ngoài. Không phải ai cũng có thể ngồi máy bay đi Pháp, đi Mỹ, đi Ý để mà xem những tác phẩm lớn. Với cách làm này họ đã đầu tư vô thế hệ sau để họ có dịp tìm hiểu về những nét văn hóa, nghệ thuật đương đại của người khác. Một khi làm được như vậy thì nó tạo ra được nguồn cảm hứng cho thế hệ thứ hai.
Thật ra ở Thái Lan không phải chỉ có Krabi mới làm như vậy vì tôi đã được mời một lần đến Chiang mai tại miền bắc Thái Lan để tham dự một workshop ở đó và khi làm xong thì họ giữ lại tác phẩm. Có một lần khác tôi được mời tới Bangkok và chính bảo tàng viện của Hoàng Hậu cũng giữ một tác phẩm của tôi như vậy.
Hy vọng một ngày nào đó Việt Nam cũng tổ chức cho họa sĩ của mình đi ra nước ngoài đồng thời cũng tạo điều kiện cho họa sĩ nước ngoài tới Việt Nam để có một sự trao đổi văn hóa với nhau qua nghệ thuật thì mới có một tiến bộ dễ dàng hơn.
Mặc Lâm: Xin cám ơn họa sĩ Ann Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét