Mạc Ðăng Dung đã được Việt sử ghi như một kẻ “quỳ phục nhà Minh, hai tay dâng đất xin hàng”. Sự kiện Mạc Ðăng Dung lên Ải Nam Quan để trói mình, dâng đất cho quan lại Tàu đều đã được ghi nhận như một vết nhơ trong lịch sử hồi thế kỷ thứ 16. Sách Việt Nam Sử Lược viết: “Ðến ngày 11 tháng Năm, Canh Tí (1540) Mạc Ðăng Dung thấy quân Minh sửa soạn sang đánh, sợ hãi quá chừng bèn để Mạc Phúc Hải ở lại giữ nước, rồi cùng bọn Vũ Như Quế cả thảy hơn 40 người, tự trói mình ra hàng, sang chịu tội ở cửa Nam Quan, lạy phục xuống đất để nộp sổ sách điền thổ và sổ dân đinh, lại xin dâng năm động: Tế Phú, Kim Lạc, Cổ Xung, Liễu Cát, và La Phù đất Khâm Châu. Lại đem vàng bạc dâng riêng cho nhà Minh”.
Riêng Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám thì ” Vào năm 1541, Mạc Ðăng Dung cùng cháu là Mạc Văn Minh và bày tôi là bọn Nguyễn Như Quế hơn 40 người đã tự buộc dây thừng vào cổ, đi chân đất qua cửa Nam Quan quỳ lạy, phủ phục trước quân Minh, khúm núm dâng biểu xin hàng, nộp trình sổ sách đất đai cho quân Tàu để mong nắm giữ được vương quyền và thủ lợi riêng tư”.
Vết nhơ đó, lịch sử phải ghi một lần nữa, nhưng lần này, tủi nhục và đau đớn hơn cho giòng dõi Việt: “Cuối thế kỷ thứ 20, Lê Khả Phiêu, Tổng Bí Thư đời thứ 6 của Đảng CSVN cùng bày tôi các cấp như Lê Công Phụng, Vũ Khoan….., vì sợ hải bị mất quyền lực, vì đặt quyền lợi Ðảng lên trên quyền lợi Dân Tộc và Ðất Nước, đã cam tâm ký Hiệp Ðịnh Về Biên Giới với Trung Quốc. Hiệp Ðịnh này nhường đứt hơn 720 cây số đường biên giới phía Bắc, nhường mất nhiều di tích lịch sử, đất đai, làng mạc và cả dân cư Việt cho người Trung Quốc. Trong số di tích lịch sử bị mất, có Ải Nam Quan. Ðây là nơi Nguyễn Trãi đã từ biệt cha Nguyễn Phi Khanh, trở về phò Lê Lợi diệt Minh, nơi tướng nước Tàu Liễu Thăng đã bị quân Nam phục binh chém rơi đầu, nơi Mạc Ðăng Dung từng lê lết trói mình, qùy lạy xin dâng đất. Ải Nam Quan của Nước Nam đã chính thức xoá tên từ tháng 12 năm 1999.”
Cho đến giờ dư luận trong và ngoài nước vẫn chưa tìm ra nguyên do sâu xa và bí ẩn của việc bán một phần cơ đồ nước Việt cho Trung Quốc. Một số tin cho là có thể Ðảng CSVN bị Trung Quốc lừa nên phải ký Hiệp Ðịnh, hoặc chi tiết hơn thì cáo giác họ Lê đã bị trúng độc kế mỹ nhân nên phải ký nếu không muốn bị đốt cháy. Có tin là Trung Quốc hứa hẹn cho Việt Nam 2 tỷ dollars để đổi lấy các nhượng bộ trên, hoặc CSVN phải bán đất để trả nợ Trung Quốc vì thiếu từ thời chiến tranh chống Mỹ…. Những dư luận này cho đến nay vẫn không đủ tính thuyết phục và bằng chứng để biện minh cho những nhượng bộ quá lớn từ phiá Hà Nội bắt đầu từ thời Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. CSVN trong thời kỳ chiến tranh, đã phải chịu lép mình dưới Trung Quốc để được nhận viện trợ quân sư và kinh tế trị giá hàng tỷ dollars. Dù vậy, họ đã không có những nhượng bộ trắng trợn đáng kể, ngoại trừ văn kiện của Phạm Văn Ðồng công nhận tuyên bố của Trung Quốc về lãnh hải năm 1958. Thậm chí sau đó, Ðảng CSVN đã có những thái độ e dè trước mưu đồ xâm lược của Trung Quốc. Năm 1966, khi chiến tranh Việt Nam lên cao điểm, Trung Quốc đã gửi hơn 130,000.00 quân đóng dọc theo biên giới phía Bắc để yễm trợ Hà Nội. Dù vậy, Hà Nội đã có những phản ứng khó hiểu làm Mao Trạch Ðông đã chỉ thị cho quân đội Trung Quốc “hạn chế các sự yễm trợ quá nhiệt tình có thể gây ra hiểu lầm từ phía Việt Nam.
Trong khi đang hết sức cần yễm trợ của Trung Quốc để răn đe Hoa Kỳ, thì tờ Nghiên Cứu Lịch Sử ấn hành tại Hà Nội năm 1965 lại được Ðảng cho phép đăng tải các bài ca ngợi cuộc chiến tranh giữ nước chống các triều đại xâm lăng Trung Quốc. Khi Hoa Kỳ gia tăng chiến dịch bỏ bom tại Hà Nội, nhiều tàu chiến Trung Quốc đã bị Hà Nội từ chối cho đậu ở các bến Cảng. Ðiều này đã làm Ðặng Tiểu Bình bực mình và đã hỏi thẳng Lê Duẩn khi Duẩn dừng lại Bắc Kinh hồi tháng 4 năm 1966 trong chuyến về khi tham dư Hội Nghị lần thứ 23 của đảng Cộng Sản Liên Xô. “Các đồng chí nghi ngờ nhiệt tình của chính phủ Trung Quốc hay sao? Tôi xin thưa với đồng chí là phía Trung Quốc không muốn kiểm soát chính phủ Việt Nam đâu…. Nếu chúng tôi có phạm một số nguyên tắc làm quý quốc nghi ngại thì cũng chỉ vì đồng chí Mao Trạch Ðông đã có cái nhìn xa…”.
Khi Hà Nội mở cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân hồi 1968 càng làm Mao Trạch Ðông khó chịu hơn nữa vì nó đi ngược lại chiến lược chủ trương chiến tranh “hạn chế” của Mao. Cuối năm 1969, Bắc Kinh đã tìm cách giãm thiểu viện trợ quân sự cho Hà Nội một cách đáng kể, chỉ có 139 ngàn khẩu súng trường, 119triệu viên đạn, 1.36 triệu đạn đại bác cung cấp trong năm 1969 so với 219 ngàn khẩu súng, 247 triệu viên đạn và 2 triệu đạn đại bác đã được viện trợ trong năm 1968. Tháng 2 năm 1968 Trung Cộng tiến hành việc xây dựng con đường đến Mường Sai thuộc phía Bắc Lào. Có hơn 20 ngàn người bao gồm công nhân, kỷ sư, quân bảo vệ và trang thiết bị quân sự để thực hiện công tác này. Sự hiện diện của quân Trung Quốc ở Bắc Lào đã tạo ra khó chịu từ phiá Hà Nội. Tháng 9 năm 1968, dưới áp lực của Hà Nội, Tổng Bí Thư Lào Kaysone Phomvihane đã yêu cầu Trung Quốc cho rút toàn bộ phái đoàn xây dựng này ra khỏi Lào. (Chen Jian – China in Vietnam War).
Tháng 12 năm 1973 thấy nhu cầu cần khai thác các mỏ dầu. Hà Nội thông báo với Trung Quốc mong muốn mở các cuộc đàm phán để giải quyết các mâu thuẩn về đường biển. Tháng 8 năm 1974, đại diện cấp Thứ Trưởng Ngoại Giao hai nước đã họp ở Bắc Kinh. Cuộc thương thảo đi vào chổ bế tắc, phiá Việt Nam đòi phải chấp thuận biên giới theo Hiệp Ðịnh 1887 của Nhà Thanh. Trung Quốc từ chối, viện lý là đường ranh giới chia vùng biển thuộc vịnh Hải Nam chưa bao giờ hiện hữu trong hiệp đinh 1887. Vì vậy nếu Trung Quốc đồng ý đề nghị của Hà Nội thì khác nào nhượng bộ 2/3 vùng vịnh này cho phía Việt Nam.
Trong khi đó, thì dọc biên giới phía Bắc đã có những cuộc tranh chấp và đụng độ quân sự từ năm 1973. Năm 1974, theo Hà Nội đã có trạm chán quân sự tại cây số 179 biên giới phía Bắc, theo Trung Quốc thì đây là khu vực thuộc cây số 121. Tháng 3 năm 1975 Bắc Kinh yêu cầu mở cuộc đàm phán nhưng Hà Nội vì đang tiến hành kế hoạch xâm chiến miến Nam nên đã đề nghị để các viên chức tại địa phương giải quyết các xung đột trước. (Gilks, Breakdown of Sino-Vietnamese.
Tháng 9 năm 1975, Lê Duẩn chính thức thăm Bắc Kinh. Ðặng Tiểu Bình cho biết ông rất bực bội với không khí bài Hoa của các cơ quan ngôn luận tại Việt Nam. Năm 1976, Bắc Kinh thông báo ngừng viện trợ đồng thời giãm chi viện kế hoạch tài trợ 1976-1980 xuống 300 triệu mỗi năm thay vì 600 triệu như đã cam kết. Tháng 10, Lê Duẩn quay sang Liên Sô tìm đồng minh. Liên Sô đồng ý viện trợ 3 tỷ cho kế hoạch ngũ niên đồng thời ký với Hà Nội hiệp ược yễm trợ quân sự hổ tương Nga – Việt năm 1978. (Chanda, Brother Enemy, pg 28)
Tháng 2 năm 1979, chiến tranh Hoa – Việt bùng nổ. Họ Ðặng quyết định tấn công qua biên giới phiá Bắc để dạy cho đảng CSVN một bài học. Quân Trung Quốc đã chiếm giữ hơn 8 cây số đất thuộc tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Mặc dù chính thức tuyên bố rút quân, và hai bên đã có những cuộc đàm phán về đường biên giới, Bắc Kinh vẫn còn chiếm giữ một số đất thuộc lãnh thổ Việt Nam. Các khu vực bị Trung Quốc chiếm này, theo Hiệp Ðịnh Về Biên Giới Phía Bắc ký hồi cuối năm 1999 coi như Hà Nội chính thức chấp nhận bị mất, trong đó bao gồm một phần đất thuộc tỉnh Lạng Sơn, và các khu vực có tính lịch sử như Thác Bản Giốc và Ải Nam Quan.
Câu hỏi đặt ra là tại sao đột nhiên tập đoàn lãnh đạo đảng CSVN lại chịu mất đi phần biên giới phía Bắc một cách nhục nhã như vậy? Tại sao các đời Tổng Bí Thư khác cũng ở thế yếu nhưng dám trái ý Thiên Triều, mà bắt đầu từ đời Tổng bí thư Lê Khả Phiêu lại dâng đất, bán biển?. Tại sao ông Phiêu và lãnh đạo Ðảng các đời sau này không biết Ải Nam Quan đã từng là di tích lịch sử? Tại sao lãnh đạo đảng CSVN lại có thể đánh giá quá thấp lòng yêu nước và tự ái của dân tộc Việt Nam? Tại sao CSVN lại đồng ý rút lui các đòi hỏi về lãnh hải theo Hiệp Ðịnh nhà Thanh 1887 mà năm 1974 họ đã từng yêu cầu phía Trung Quốc phải chấp thuận. Tại sao Trung Quốc đã làm áp lực thế nào mà cả bộ máy lãnh đạo Ðảng CSVN đã phải cúi đầu ký nhận? Ðã có những nhượng bộ, đe dọa, đổi chác bí mật và bỉ ổi nào đằng sau các Hiệp Ðịnh trên không?
Nhiều năm đã trôi qua, về chính trị, một số biến cố lịch sử đã làm đảo lộn cán cân thế giới. Vị trí chiến lược và tầm ảnh hưởng quân sự của Trung – Việt cũng thay đổi. Liên Bang Sô Viết, chổ dựa vững chắc cho các lãnh đạo Ðảng CSVN đã và đang phải lo tự cứu lấy thân. Chủ nghĩa cộng sản bị hủy diệt ngay chính trên nơi sản sinh ra nó. Các nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc và Việt Nam phải biến theo hướng thị trường chủ nghĩa để sống còn. Việt Nam mất hoàn toàn các thế lực yễm trợ từ quốc tế vô sản, nên phải dựa dẫm và thần phục đàn anh bá quyền Trung Quốc. Dù vậy, so với những năm chiến tranh, hiện tại Hà Nội cũng không đến nổi tệ, phải chịu nhục để mang tiếng bán nước cho ngoại bang. Việt Nam đã không cần phải ngửa tay xin viện trợ Trung Quốc nữa. Dù về mặt chính trị vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề, nhưng ngược laị về kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến bộ. Chỉ riêng lực lượng người Việt hải ngoại, mỗi năm đã có hơn 10 tỷ dollars gửi về “cho không biếu không”. Số tiền viện trợ không hoàn lại này thừa khả năng làm đòn bẩy nuôi sống bộ máy nhà nước và thúc đẩy nền kinh tế phi lao động tại Việt Nam vận chuyển nhịp nhàng.
Trong bối cảnh chính trị và kinh tế như vậy, việc các nhà lãnh đạo đảng CSVN cam tâm bán nước, nhường đất bán biển cho Trung Quốc vẫn là một ẩn số?
© Đỗ Thành Công
© Đàn Chim Việt
© Đàn Chim Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét