Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Bình luận... không ngắn - :Phần 2: Khi thanh gươm vẫn còn nằm trong vỏ

Phần 2: 

 Khi thanh gươm vẫn còn nằm trong vỏ


“Thoát Trung” bằng… hội thảo

Nhiều bác đã bàn vô vàn kế sách để giúp dân, giúp nước, giúp lãnh đạo “giải quyết” cái vụ giàn khoan này.

Mới đây có một số bác còn mở hẳn một cái Hội thảo lấy tên rất máu là “Thoát Trung” (không phải em Thoát Hoan), người đến xem, nghe đông vô kể. Em đồ rằng các bác ấy chẳng qua lấy cái tên đó để “câu” người đến tham dự thôi, vì không cần đến dự cũng biết là kết quả nó như thế nào rồi. Bàn chuyện “thoát Trung” rồi đi đến kết luận rằng phải thay đổi thể chế thì có khác gì hội đồng chuột bàn chuyện thắt cổ mèo? Đấy là cái chuyện hoàn toàn thuộc phạm vi khác và các bác tổ chức hội thảo, hoặc ngây thơ, hoặc do mị dân (em cho rằng cái này là phần nhiều), mới tổ chức một cái hội thảo dớ dẩn mất thời giờ như vậy.

Hay là chơi với Mỹ?

Có bác bàn chuyện khác: hay mình quay sang liên minh với Mỹ chống Tàu? Thứ nhất là ngay cả bây giờ mình đưa ra đề nghị đó, liệu Mỹ nó có chấp nhận không? Em e là không. Nghe ông Mỹ này có ngày khố không có mà mặc. Các bác chắc còn nhớ chuyện mới đây Mỹ cũng hùng hổ “ngôn” rằng sẽ bảo vệ Philippines khi đụng độ với Tàu ở bãi cạn Scarborough, thế nhưng đến khi Trung Quốc nó làm thật thì ông Mỹ im re, còn Philippines lỡ bộ, một mình một chiến tuyến! Thứ hai là việc Mỹ bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa (và phần nào cả Đài Loan) trong quá khứ là những vết sượng sùng không bao giờ có thể gột rửa được về lòng tin trong lịch sử quan hệ đồng minh của Mỹ.

Hí họa của Pohlenz về quan hệ Mỹ-Trung

Trong lịch sử, Việt Nam đã không ít lần là nạn nhân những cuộc mua bán sau lưng của các cường quốc cũng như do quá cả tin vào những lời thề thốt, hữu nghị, mồm miệng đỡ chân tay. Các bác để ý mà xem, từ khi xảy ra chuyện giàn khoan, đã thấy ông quan chức Nga chính thống nào lên tiếng một câu ủng hộ Việt Nam chưa? Hoàn toàn không có. Mà đây không phải lần đầu các bác nhá! Cuối năm 1978, Việt Nam với Liên Xô khi ấy ký Hiệp ước hợp tác hữu nghị mang tính chiến lược, đến tháng Hai năm 79, Tàu nó kéo mấy chục vạn quân vào biên giới phía Bắc, ông Liên Xô chỉ to mồm “cực lực phản đối”, còn khi Việt Nam chỉ yêu cầu Liên Xô cho vài cái tàu chiến chạy qua chạy lại ở ngoài khơi Cam Ranh (để dọa), bạn Liên Xô cũng từ chối!

Có bác quay sang bàn: hay liên minh với Nhật?

Lại là một ảo tưởng hão huyền nữa. Nhiều bác phân tích rằng giả sử Nhật với Tàu chiến ở vùng biển Hoa Đông thì kiểu gì hải quân Nhật nó cùng đè ngửa hải quân Tàu ra mà mần thịt, vì nó tập trận nhiều hơn, vì được Mỹ trang bị vũ khí tối tân hơn. Xin thưa rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, nếu chiến theo lối thông thường thì có thể Nhật chiếm ưu thế, nhưng vĩnh viễn Nhật không bao giờ có thể chiếm được thế thượng phong, đơn giản bởi bọn Tàu có lực lượng hạt nhân răn đe, còn Nhật thì không. Đặt giả thiết kiểu đánh trận giả của trẻ con đi, là nếu vào một ngày đẹp trời, bọn Tàu sử dụng đến cái vũ khí kinh khủng ấy với Nhật thì liệu có bác nào tưởng tượng ra cảnh Mỹ sẽ vác bom hạt nhân đến ném xuống Bắc Kinh với Thượng Hải không? Khả năng đó hầu như là không thể. Cho nên có thể xin vài cái tàu tuần tra của Nhật thì được, nhưng trông vào một liên minh kiểu quân sự với Nhật để chống Tàu là chuyện hão huyền.


Hí họa của Chappatte về vai trò của Mỹ trong vụ tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật và Trung Quốc

Dựa vào Tòa chăng?

Trong chuyện đấu với Trung Quốc, chỉ có dựa vào chính sức của mình thôi, thêm cộng hưởng với dư luận bên ngoài thì mới mong có kết quả. Tàu sẽ phải cân nhắc thiệt hơn những gì nó sẽ mất nếu bị thế giới tẩy chay hay ít nhất là nghi ngờ cái bánh vẽ “trỗi dậy hòa bình” mà nó vẫn rêu rao. Ở đây có thể thấy một bài học mới keng xà beng của Nga: sau khi sát nhập Crimea, Mỹ nó phong tỏa tài sản của hơn chục ông quan chức Nga, các bạn Nga cười khẩy vì “ông có tài sản ở nước ngoài đâu mà mày phong tỏa!”; nhưng trong quý 1 vừa rồi, bọn nước ngoài rút hơn 60 tỷ đô ra khỏi thị trường Nga! Đòn đó mới nặng và bạn Nga ngấm đòn. Với Tàu cũng phải vậy. Nếu Việt Nam có trông vào sự giúp đỡ bên ngoài thì cũng chỉ là hụ hợ, chả nên có ảo tưởng là có ông bạn nào tốt bụng sẽ cùng mình chiến với Tàu. Lớ ngớ lại gặp phải một ông “quyết đánh Tàu đến người Việt Nam cuối cùng” thì hỡi ôi!


Hí họa Của Laraby_ar về việc Nga-Trung mới ký ngày 21. 5. 2014 thỏa thuận khí đốt lịch sử với giá trị 400 tỉ USD trong 30 năm. Chú ý mặt Putin buồn rười rượi vì bị Tàu ép. Không có vụ Crimea thì cũng còn lâu…

Có bác bảo ra tòa quốc tế kiện thôi! Em nghĩ đây cũng là một cách hay. Nhưng phải chuẩn bị hết sức cẩn thận. Bởi lâu nay, cách tuyên truyền của chúng ta luôn từ cực nọ nhảy mẹ nó sang cực kia, khiến cho dân hoặc thiếu thông tin, hoặc có thông tin chỉ một chiều, nên mới cứ hào sảng tin rằng hễ ra tòa là thắng!

Không đơn giản thế đâu ạ. Tàu thì chắc nó không chịu ra tòa rồi, như đã xảy ra với thằng Philippines, nhưng ngay cả nó có chịu ra cũng mệt. Chỉ nội cái công thư của ông Đồng ký năm 1958 gửi Chu Ân Lai đã là một hớ hênh lịch sử (vào thời điểm đó) mà bây giờ, để khắc phục, đã phải ong hết cả thủ! Ta có bản đồ, ghi chép, Tàu nó cũng có, mà có khi nhiều hơn ta (có bao nhiêu bản đồ ta đã trưng ra hết rồi còn Tàu thì hiện chưa biết nó có bao nhiêu!). Ta có hiện vật, Tàu nó cũng có cả mớ, chưa biết cái nào đáng tin hơn cái nào! Ấy là chưa kể cái Tòa đó chả có hiệu lực chế tài gì, nếu thắng thì chỉ có mỗi tác dụng làm giảm uy tín của thằng Tàu chứ cũng chả bắt nó rút giàn khoan được nếu như Tàu cứ cố tình cắm ở vùng biển của Việt Nam.

Mà các bác có biết không, trong số các thẩm phán ở tòa án quốc tế La Haye chuyên lo chuyện kiện tụng liên quan đến biển đảo này, có 4 vị thẩm phán là người Trung Quốc đấy!

Vậy phải làm gì?

Thú thật với các bác là em cũng không biết! Nhưng em nghĩ thế này. Cho đến nay, đối sách của nước Việt ta với cái giàn khoan tạm thời là thích hợp. Tránh hết sức vấp phải mưu khiêu khích gây hấn của Tàu. Nhưng kiên trì bám giàn khoan, dù ở khoảng cách 7-8 hải lý, để nói với thế giới rằng đấy là vùng biển của chúng ta, thằng Tàu là quân ăn cướp chứ không phải đấy là vùng đang tranh chấp.

Nhân dịp này, chúng ta đã có cơ hội nhận rõ hơn bản mặt của ông bạn đểu này. rằng một khi lợi ích của ông bạn đểu đã trỗi dậy thì ông bạn bất chấp tất cả, mèo trắng mèo đen mèo nào cũng tốt, miễn là làm thịt được!

Chúng ta có dịp này lượng định lại những hệ quả có thể xảy ra một khi nền kinh tế của Việt Nam bớt phụ thuộc vào Tàu để có những điều chỉnh thích hợp. Lệnh cấm pháo mới đầu làm cho làng Bình Đà lao đao, nhưng sau một thời gian chuyển sang làm vàng mã lại giàu hơn!

Hí họa của The Economist về giao thương giữa Trung Quốc và Ấn Độ, cũng không khác ta là mấy…

Chúng ta cũng đã nhân dịp này nói hết những điều mà trước kia truyền thông chính thống không được phép nói, như chuyện Tàu chiếm Hoàng Sa năm 1974, đánh Gạc Ma 1988, lừa ta về công thư năm 1958 (trong tuyên bố của Chu Ân Lai mà ta công nhận, tiếng Tàu có ghi rõ tên cả Tây Sa, lẫn Nam Sa, tức Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng trong bản tiếng Anh công bố với thế giới Tàu nó lại không ghi tên mấy cái đảo này mới kinh chứ!).

Và người dân đã trở nên đoàn kết hơn, điều không có trong những ngày dzui dzẻ, bình an!

Về những lời chê trách

Có bác phê phán ông Tổng, ông Chánh không chịu lên tiếng gì cả mà chỉ có ông Thủ lên tiếng mạnh mẽ, em nghĩ trong ngoại giao, có một nguyên tắc rất quan trọng là đồng đẳng, có nghĩa là cấp nào lên tiếng thì cấp tương đương bên kia mới lên tiếng. Việc Tập kiêm cả tổng lẫn chánh chưa lên tiếng thì không có lý gì ta phải lên tiếng ở cấp đó. Còn chuyện ông Thủ đi vào lịch sử với tuyên bố không đổi quạt mo lấy bè gỗ lim ở tít mãi đâu đâu trên rừng mà gỗ còn chưa đẵn là chuyện bình thường của một người biết làm chính trị, ở những thời điểm thích hợp.

Nhiều bác chê trách tướng Thanh của Bộ quốc phòng nhũn như chi chi trong bài phát biểu ở Shangri La, em nghĩ cũng bất công cho ông ấy. Cần phải nhớ rằng Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc chưa hề công khai lên tiếng một câu nào về chuyện giàn khoan. Ông Thanh một vai mang trọng trách gánh vác lực lượng vũ trang của quốc gia, khi một lời nói ra đều thành gươm đao cả thì lúc ấy chỉ có “chiến”, mà đấy là điều cuối cùng nên nghĩ tới với thằng Tàu đểu giả này. Vả lại, nếu như bác nào có điều kiện dự những buổi họp song phương của tướng Thanh với các Bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Nhật ở Shangri La, nghe những gì tướng Thanh nói với họ thì hẳn sẽ không đến nỗi phê tướng Thanh nặng nề đến thế! Em chắc ở ta, khi đi họp đều có phân công phân nhiệm, có phao phỏm cả chứ không phải là chuyện ngẫu nhiên đâu! Công việc chặt cầu đốt thuyền chắc không phải được phân cho tướng Thanh.

Cuối cùng, có một ý mà em thấy các bác hay đề cập, ấy là các bác hay than thở chuyện ta sao lại ở cạnh Trung Quốc, không chuyển nhà được để đến nỗi khổ thế! Chuyện này một phần trách nhiệm không thể chối cãi thuộc về các vua Hùng, nhưng theo em nghĩ, cũng không đến nỗi quá bi quan. Bởi nếu không ở cạnh thằng Tàu thì biết đâu đấy, ta lại như Sudan hay Ethiopia, Somalia, chỉ nổi tiếng về khoản nghèo mạt rệp với cướp biển, chứ đâu có nhận được những khoản trợ giúp hào phóng và hậu hĩ như từ trước đến nay đã từng (từ các nước không-phải-Tàu) chính nhờ cái vị trí ngặt nghèo đây.

Vậy thì có nên bi quan quá không về tình hình hiện nay ở biển Đông xung quanh cái giàn khoan Hải Dương 981 đang ngày đêm nung đốt tâm can những người dân Việt như em, như các bác? Em nghĩ Trung Quốc luôn nghĩ rằng nó mạnh bởi vì nó có 1,4 tỷ dân, rằng có thể lấy số đông để bù đắp cho những yếu kém chết người của nó. Nó không bao giờ hiểu rằng tổng cộng những cá thể tiểu nhân, thực dụng, yếu hèn không bao giờ tạo nên một số đông mạnh mẽ được cả.

Người Việt mình tuy ít nhưng nếu đoàn kết, thận trọng, bình tĩnh và bền bỉ, được làng xóm xung quanh hô hét ủng hộ thì kiểu gì cũng mạnh hơn mấy thằng Tàu ô dầm củ cải. Như xưa nay vẫn thế, người Việt mình không bao giờ là người rút gươm ra trước, nhưng bao giờ cũng là người tra gươm vào vỏ sau cùng!   

Hí họa Nhật về chiến thắng năm 1894 của tí hon Nhật trước Tàu khổng lồ to xác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét