Dường như cái giàn khoan 981 của Trung Quốc gần hai tháng "khuấy động" vùng đặc quyền kinh tế của Việt nam, tức là khuấy động lòng yêu nước, yêu lãnh thổ thiêng liêng của mình, đặt ra trước mắt mọi người nguy cơ mất nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, lay động rất nhiều trí thức lâu nay vì miếng cơm manh áo tạm thời thành "trí ngủ". Họ đã có những bài nghiên cứu phản hồi rất sắc nét, phân minh, không ấp úng, ù ù cạc cạc như mấy vị của "Tứ trụ Triều đình".
Tuy nhiên, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, gặp gỡ khác nhau ở trong nước và ở ngoài nước, các vị chóp bu của ta mỗi vị nói một cách. Những người quan tâm theo dõi tình hình lo cho số phận đất nước thì bảo, ông này nói rất hăng, rất mạnh nhưng mới chỉ mạnh ở một số diễn đàn thế giới, còn tại trong nước hình như còn dè chừng nhìn ngang nhìn dọc các "đồng chí" của mình, chưa dám "mạnh" như ở nơi khác. Có vị thì bảo "đó là va chạm trong gia đình" cũng thường thôi dễ giải quyết mà. Có vị từ đầu đến giờ dường như lúng búng ngậm hột thị, chưa thể thoát vị hoặc luận về "ngữ pháp học". Có vị lại "bận bịu" về thảo luận tín nhiệm và không tín nhiệm" tại cơ quan lập pháp có quyền lực tối thượng, phớt lờ cả ý kiến đại biểu quốc hội đề nghị quốc hội nên có ngay tuyên bố về biển đông.
Tôi sống ở cơ sở nhiều năm nay hiều rõ hơn đảng viên và dân chúng trước những diễn biến ngoài biển đông đã và đang suy nghĩ gì. Tất nhiên không thể nêu lên tất thảy mọi khía cạnh nhưng thông qua tình hình mà tôi nắm được thì có thể tạm kết luận rằng, trước âm mưu của Trung Quốc độc chiếm biển đông với những cái nhích dần của giàn khoan, của lập bãi đá nhân tạo Gac Ma, của mạng lưới truyền thông Bắc Kinh, của cuộc viếng thăm của Dương Khiết Trì v.v...rất nhiều người cả đảng viên lẫn quần chúng đều ngơ ngác, họ đã đã đến hỏi tôi.
Tôi không phải là cán bộ tuyên giáo, chỉ là một anh nhà báo quèn đã nghỉ hưu lâu rồi, chỉ ậm ừ nói lại những gì mà mình nắm bắt được qua theo dõi thông tin. Một ông đảng viên lão thành có 65 năm tuổi đảng gặp tôi, tôi hỏi ông, trong đảng được phổ biến thế nào về tình hình biển đông? Ông suy nghĩ một lúc rồi trả lời: "Hôm nọ họp chi bộ, cán bộ tuyên giáo của huyện về dự chỉ nói rằng Trung ương sẽ có đối sách, các đồng chí hãy tin vào Trung ương !" Nhưng theo dõi mãi chẳng thấy Trung ương có kế sách gì sáng sủa, vẫn gần hai tháng trôi qua kể từ ngày cái giàn khoan Trung Quốc cắm giữa lòng biển Việt Nam chỉ thầy mấy chú kiểm ngư và cảnh sát biển đối đầu gọi loa đuổi tàu Trung Quốc.
Ngoài ra ngay chi bộ cũng chưa biết phải lãnh đạo dân ở cơ sở làm gì để đối phó với tình hình. Giá có sự xâm lược của Tàu thì phải huy động tổng lực sức mạnh của dân, mà cho đến nay chưa có "Hội nghị Diên Hồng" nào được tổ chức ở cơ sở. Ngay cả đảng viên cũng hiểu vấn đề rất lơ mơ. Cầm súng đánh giặc mà không được biết rõ "giặc" là ai, là bạn hay thù? Rõ là nực cười.
Dân chúng quanh tôi, những người lao động cần cù, chỉ được nghe cái loa của Đài truyền thanh xã thông báo hằng ngày về gặt hái, về giữ gìn an ninh trật tự, về chống cướp giật, về mang trẻ con đi tiêm chủng và thông báo ông già bà cả chết giống như là tin buồn, thế thôi. Đài truyền thanh xã không được phép và không có chức năng nói về "biển đông" càng không có một tiếng nào chỉ rõ nguy cơ mất nước, nguy cơ bị Trung Quốc xâm lược... Sợ dân chúng hoang mang chăng?
Còn các cuộc họp dân thì rất hiềm, dân hầu như mù tịt không được ai phổ biến thông tin gì về biển đông, ai có phương tiện nghe nhìn thì cứ việc nghe, ai thắc mắc thì ngồi với nhau mà bàn tán chẳng đâu vào đâu. Tóm lại dân rất hoang mang, không còn biết đăng nào mà lần, không yên tấm sản xuất, buôn bán làm ăn. Các tờ báo lớn như Nhân dân, Quân đội nhân dân, phát không cho lãnh đạo để không đọc và đút vào ngăn kéo cả đống. Đài truyền thanh không chịu tiếp âm Đài trung ương, có loa mà tịt không nghe được gì. Dư luận xôn xao lo lắng hòa bình được bốn chục năm rồi chắc lại có đánh nhau thôi. Lần này không đánh Mỹ thì đánh ai đây ?
Thế đấy, chúng ta tốn kém rất nhiều tiền của để nuôi cả một đội ngũ tuyên giáo viên, dư luận viên à đầu tư rất nhiều phương tiện hơn 700 báo viết, báo hình, báo nói, báo điện tử, nhưng người dân ở cơ sở hầu như vẫn bị đói thông tin, nhất là những thông tin về biển đông. Hỏi ai cũng ù ù cạc cạc. Thế có chán không?
Thế đấy, chúng ta tốn kém rất nhiều tiền của để nuôi cả một đội ngũ tuyên giáo viên, dư luận viên à đầu tư rất nhiều phương tiện hơn 700 báo viết, báo hình, báo nói, báo điện tử, nhưng người dân ở cơ sở hầu như vẫn bị đói thông tin, nhất là những thông tin về biển đông. Hỏi ai cũng ù ù cạc cạc. Thế có chán không?
Nguyễn Mộng Hoài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét