- Đọc phần trước: Group A, B
GROUP C
COLOMBIA
Những lần dự World Cup: 1962, 1990, 1994 and 1998
Cầu thủ đáng chú ý: Radamel Falcao (AS Monaco)
Colombia là một quốc gia người dân say mê môn bóng tròn, nhưng cũng là quốc gia có lịch sử đầy nước mắt ở sân World Cup. Thất bại đến tử lần đầu tiên khi dự World Cup 1962, phải đợi đến gần 30 năm sau mới trở lại sân cỏ thế giới và vào đến vòng 16. Bốn năm sau đó ở sân Hoa Kỳ, hầu hết các nhà phân tích thể thao đều dự đoán Colombia sẽ tiến xa hơn nữa, vì có dàn cầu thủ đầy tài năng. Rất tiếc dự đoán đó đã không trở thành sự thật: bị loại sau khi thua 2 trận vòng bảng, trong đó phải kể đến trận thua Hoa Kỳ vì anh cầu thủ Anders Escobar khi lao vào cứu nguy lại sơ ý đá trái banh tung lưới thủ môn nhà. Ít ngày sau khi về nước, anh cầu thủ trẻ tuổi này bị một trùm ma túy bắn chết chỉ vì trái banh của anh khiến hắn ta thua cá độ. Tin đó được xem là tin hàng đầu của làng thể thao thế giới năm 1994.
Lần này, Colombia đến Brazil với rất nhiều hy vọng: đứng nhì bảng CONMEBOL của những đội tuyển lẫy lừng Nam Mỹ (chỉ thua đội đầu bảng Argentina có 2 điểm), lại có tiền đạo lừng danh Falcao, cộng với dàn trung ứng quy tụ những cầu thủ trẻ nhưng đầy kinh nghiệm như Juan Cuadrado hay James Rodriguez in particular. Chính vì thế, chuyện Colombia vượt vòng bảng để vào vòng 16 là điều hầu như chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng liệu có đi xa hơn nữa hay không vẫn là điều rất khó đoán.
GREECE (HY LẠP)
Những năm dự World Cup: 1994, 2010
Cầu thủ đáng chú ý: Kostas Mitroglou (Olympiakos)
Có rất nhiều lý do để thế giới phải biết đến Hy Lạp. Đó là quốc gia đã tặng cho nhân loại những nhà hiền triết, những công trình xây cất nổi bật nhất thế giới, cũng là quốc gia nổi tiếng với những nhà toán học, những nhà thiên văn, là quốc gia nền tảng của dân chủ mà cả thế giới đều noi theo. Hy Lạp cũng là nơi có những đền đài cổ kính, những hòn đảo nghỉ mát đầy thơ mộng và là nơi khởi đầu cho Olympic v.v…
Trong số những lý do được nêu ra để nói về Hy Lạp, hầu như chẳng mấy ai nói đến làng bóng tròn của quốc gia này (cho dù từng bất ngờ đoạt Cúp Vô Địch EURO 2004). Điều đó chẳng ngạc nhiên vì sau 12 lần thất bại, mãi đến 1994 đội tuyển Hy Lạp mới góp mặt với World Cup và thua cả 3 trận vòng bảng (để đối phương đá tung lưới 10 quả, không đá thủng lưới đối thủ một trái nào). Bốn năm trước đây khi ra quân ở sân Nam Phi, tình hình cũng chẳng sáng sủa gì cho lắm: thắng trận đầu thật khít khao, thua đậm 2 trận sau, cũng đành phải xách va-li về nước.
Biết yếu điểm của mình cộng với lý do không có được dàn cầu thủ tên tuổi như những nước Âu Châu khác, nên từ năm 2004 đến giờ đội tuyển Hy Lạp không thay đổi chiến thuật khi ra sân: phòng thủ thật cứng, hy vọng đối phương sơ hở để tạo bất ngờ vào phút cuối cùng. Chiến thuật này giúp đưa Hy Lạp đến Nam Mỹ vào mùa hè năm nay với thành tích 8 thắng 1 thua và 1 hòa, cho dù trong 10 trận vòng loại của Âu Châu họ chỉ đá lọt lưới có 12 quả và bị tung lưới có 4 lần, trở thành đội banh bị tung lưới ít nhất trong số những đội tuyển thế giới góp mặt ở World Cup Brazil 2014.
Thành tích khá lạ lùng đó có đủ để giữ Hy Lạp ở lại lâu hơn trên sân Nam Mỹ không? Câu trả lời: với lối dàn dựng được xem là khá nhàm chán, thiếu sôi động, có lẽ đoàn quân đến từ xứ sở thần thoại không thể viết được câu chuyện thần thoại trên sân Brazil. Hai lần góp mặt với World Cup trước đây Hy Lạp đều bị loại từ vòng bảng, lần này e cũng chẳng có gì mới lạ hơn.
CÔTE d’IVOIRE (BỜ BIỂN NGÀ)
Những lần dự World Cup: 2006 và 2010
Cầu thủ đáng chú ý: Didier Drogba (Galatasaray)
Có thể nói không sai: chính Didier Drogba là cầu thủ đã giúp Bờ Biển Ngà cơ hội đặt chân lên sân thế giới hồi 2006. Thành tích đó giúp người dân quốc gia bị tàn phá vì chiến tranh lên tinh thần, nhưng vẫn chưa đủ để những anh con cưng của Bờ Biển Ngà qua khỏi vòng bảng ở sân Đức, và cũng không đủ để thành công ở sân Nam Phi 4 năm sau đó. Mặc dù Bờ Biển Ngà không gặp khó khăn khi lấy chỗ dự World Cup, nhưng sân cỏ Phi Châu và sân cỏ thế giới hoàn toàn khác biệt nhau, điển hình là 4 năm trước đây họ thắng Bắc Hàn thật dễ dàng, nhưng không vượt qua được tài nghệ của Brazil và Portugal.
Lần này, chuyện gì sẽ diễn ra? Một lần nữa Bờ Biển Ngà biết sẽ đại diện cho Phi Châu dự tranh giải thể thao quan trọng nhất thế giới sau khi lần lượt thắng Gambia, Morocco và Tanazia khá dễ dàng để dẫn đầu bảng C, kế đến là thắng Senegal để chiếm phần thưởng là chiếc vé đi Brazil mà mọi quốc gia đều mong ước. Ngay sau khi biết đã thành công ở bước đầu, các cầu thủ của đội tuyển đều cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa trên sân Nam Mỹ để không bị loại ngay ở vòng bảng. Lởi hứa đó giúp mọi người lên tinh thần, nhưng có đủ để giúp đội banh tiến xa hơn hay không vẫn là điều mọi người thắc mắc.
Thắc mắc đó, có lý do. Dàn tiền đạo của Bờ Biển Ngà gồm Drogba, anh em nhà Touré và Didier Zokora, những cầu thủ nhiều kinh nghiệm nhưng đã quá tuổi để có thể thi thố tài năng ở sân cỏ thế giới, do đó mọi người trông chờ vào phép lạ xảy đến qua những cầu thủ trẻ hơn -đứng đầu là Salomon Kalou từng đá choChelsea- và dàn phòng vệ với những cầu thủ mới nổi bật của làng bóng tròn Châu Phi. Vì thế ước mơ sẽ vào đến vòng 16 vẫn là ước mơ của cả một quốc gia, nhưng không ai ngạc nhiên nếu thấy -một lần nữa- Bờ Biển Ngà lại bị loại ngay từ vòng bảng.
JAPAN (Nhật Bản)
Những lần dự World Cup: 1998, 2002, 2006 và 2010
Cầu thủ đáng chú ý: Keisuke Honda (CSKA Moscow)
Có nhiều điều khán giả thế giới không biết về làng bóng tròn Nhật Bản: mãi đến 1993 Liên Đoàn Bóng Đá Nhà Nghề Nhật mới được thành lập, 3 năm sau đã đưa cầu thủ đầu tiên sang đá cho Âu Châu, 5 năm sau đã có mặt dự tranh Giải Vô Địch Bóng Tròn Thế Giới 1998, đặc biệt vào đến vòng 16 ở Giải 2002 và Giải 2010. Bước tiến vừa nhanh vừa vững chắc đó giúp Nhật Bản trở thành một “cường quốc bóng đá” Á Châu, điển hình là loạt trận tranh vé đi Brazil. Nằm trong toán với Australia, Jordan, Oman và Iraq, đội tuyển có biết danh “Samurai Blue” không gặp khó khăn nào, dễ dàng thắng hết trận này tới trận khác, như đã từng làm ở những vòng tranh vé dự World Cup trước đó.
Thành công đó chưa đủ để giúp khán giả ủng hộ Nhật Bản an tâm, nhất là sau khi đội tuyển Nhật thua cả 3 trận vòng đầu của Giải Liên Lục Địa (Confederation Cup 2013). Thất bại đó dẫn mọi người nhớ đến nhận xét của các bình luận gia thể thao thế giới khi nói về đội banh của Xứ Mặt Trời Mọc: không thể chối cãi đây là đội banh tài ba nhất của Châu Á, có đủ lực để lấy vé đi Brazil nhưng vẫn chưa đủ sức để trở thành một đội tuyển đáng ngại trên sân thế giới.
Những nhận xét mang tính “nửa khen nửa trách” đó đã trở thành lực đẩy để dội tuyển Nhật Bản vùng lên khi thủ hòa với Hòa Lan 2-2 và thắng Bỉ 3-2 trong loạt trận giao hữu ở sân Âu Châu. Kết quả đó giúp con cháu Thái Dương Thần Nữ lên tinh thần dù họ thấy rõ trong số các cầu thủ được chọn chỉ có Keisuke Honda, Shinji Kagawa và Yuto Nagatomo là những chân sút đẳng cấp quốc tế, tất cả những cầu thủ còn lại vẫn ở diện trung bình nếu đem so với dàn quân của những quốc gia khác.
Điều đó có nghĩa là Nhật Bản sẽ bị loại ngay từ vòng bảng như trường hợp đã xảy ra ở Confederation Cup, và cũng có thể là đội banh “ngựa về ngược như họ từng tạo ngạc nhiên trong những trận giao hữu trước khi rời Tokyo để sang Brazil.
GROUP D
URUGUAY
Những lần dự World Cup: 1930, 1950, 1954, 1962, 1966, 1970, 1974, 1986, 1990, 2002 và 2010
Cầu thủ đáng chú ý: Luis Suarez (Liverpool)
Phải nói thế nào cho đúng về làng bóng tròn Uruguay? Xin thưa: một quốc gia nhỏ ở Nam Mỹ, không đông dân, nhưng đã 2 lần chiến thắng Giải Vô Địch Bóng Tròn Thế Giới (1930 ở sân nhà, 1950 ở sân Brazil), 3 lần vào bán kết (1954, 1970 và 2010). Những chi tiết đó nói lên một điều: đừng vội coi thường Uruguay.
Thành công ở Nam Phi giúp ông huấn luyện viên Osacar Tabarez được mời ở lại hướng dẫn đội tuyển thêm 4 năm nữa, nhưng những trận tranh tài giữa các quốc gia Nam Mỹ khiến nhiều người từng nêu câu hỏi không biết ông có phải là người thật sự cần cho tương lai hay không, nhất là với những thất bại liên tục xảy ra khiến Uruguay phải gặp Jordan để tranh vé vớt, và chỉ giúp mọi người tạm thời an tâm khi đội banh thành công để có mặt tại World Cup Brazil.
Đương nhiên, người dân Uruguay có quyền ước mơ thấy đội banh của họ trở lại bán kết, nhưng điều đó hầu như rất khó trở thành sự thật vì cả Diego Forlan và Diego Lugano đều đang ở trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời cầu thủ, mọi thử thách bây giờ đều do Luis Suarez và Edinson Cavani gánh vác, trở thành những khẩu thần công của quốc gia. Dàn trung ứng của Uruguay được coi là khá vững, khá nhịp nhàng, nhưng dàn hậu vệ vẫn bị chi trích vì thường phạm phải những lỗi lầm, tạo sơ hở ngay trước khung thành. Vì thế Uruguay có thể vượt vòng bảng, nhưng đi sâu tới bán kết là điều không nên tính tới ngay trong lúc này.
COSTA RICA
Những lần dự World Cup: 1990, 2002 và 2006
Cầu thủ đáng chú ý: Bryan Ruiz (Fulham)
Là một quốc gia nhỏ bé, Los Ticos chỉ được giới hâm mộ bóng tròn biết đến từ 1989 sau khi thắng Giải Vô Địch CONCACAF 1989, và một năm sau đó gây ngạc nhiên khi thắng cả Scotland lẫn Sweeden ở vòng bảng để bước vào vòng 16. Thành công bất ngờ đó không đủ để đưa đội tuyển Costa Rica đi xa hơn, bằng chứng là mãi 12 năm sau đó họ mới có cơ hội trở lại sân cỏ thế giới dưới sự điều khiển của cựu cầu thủ nổi tiếng Trung Mỹ Alexandre Guimaraes. Rất tiếc ở Giải 2002 lẫn 2006, đội banh đều không vượt qua được vòng đầu tiên, và không lấy được chiếc vé đi Nam Phi hồi 2010.
Phải đợi đến giữa năm 2013 Costa Rica mới thấy được hy vọng đi Brazil dự Giải 2014 khi vào vòng trong của CONCACAF, nhưng 2 trận thua Panama và Hoa Kỳ khiến những người ủng hộ lo âu, không biết làm sao vượt qua được đoạn đường đầy chông gai còn lại. Điều không thể ngờ: dàn cầu thủ dưới sự hướng dẫn của ông huấn luyện viên Jorge Luis Pinto bỗng dưng khởi sắc, thắng cả 6 trận để lấy được chiếc vé lên đường, đặc biệt với chiến thắng cuối cùng khi gặp Mexico giúp Los Ticos đứng hạng nhì trong bảng, chỉ kém mỗi Hoa Kỳ.
Những chiến thắng đó giúp dàn cầu thủ học trò của ông Pinto tự tin hơn, tin tưởng sẽ thành công trong những trận so giầy cùng với các đội tuyển khác trên sân cỏ thế giới, đồng thời cũng giúp ông Pinto cơ hội dựng mội đôi banh như ông trồng chờ, tức sẽ nặng ở phần công để ghi bàn thắng. Mọi trông chở của ông và khán giả Costa Rica đều đặt dưới chân của Ruiz, Joel Campbell và sự trợ giúp của anh cầu thủ đầy kinh nghiệm Alvaro Saborio có thể đi cả 2 cánh. Cả 3 cầu thủ này đều là những chân sút đáng được chú ý tới, chỉ tiếc là họ không có dàn trung ứng đủ mạnh và tài nghệ để mở đường banh, đồng thời sân CONCACAF không phải là sân World Cup. Do đó, chuyện Costa Rica bị loại ngay ở vòng bảng là điều không ai ngạc nhiên, chuyện Los Tocos vào đến vòng 16 là điều quá xa vời, không ai dám nghĩ đến.
ENGLAND (Anh)
Những lần dự World Cup: 1950, 1954, 1958, 1962, 1966, 1970, 1982, 1986, 1990, 1998, 2002, 2006 và 2010
Cầu thủ đáng chú ý: Wayne Rooney (Manchester United)
Có rất nhiều điều thế giới thường nói về đội tuyển bóng tròn của Xứ Sương Mù. Điều đầu tiên: thành công ở Giải 1966 ngay tại sân nhà; điều thứ nhì: vắng bóng trong một khoảng thời gian rất dài (từ 1970 đến 1982); điều thứ ba: đây là đội banh quy tụ toàn những cầu thủ tên tuổi lẫy lừng của làng banh Âu Châu; và điều thứ tư: thường chỉ vào đến tứ kết chứ không đi xa hơn.
Lần này khi củng nhau đến Brazil, câu hỏi lớn nhất vẫn là đội tuyển Anh sẽ đi tới đâu, có thế vào đến bán kết hay không? Ngay chính giới hâm mộ không bỏ sót trận banh nào của Premier League cũng trả lời với giọng đầy lo âu: chưa vội vã nghĩ đến chuyện Anh sẽ cầm chiếc cúp vô địch, vì chưa vội nghĩ đội tuyền thần tượng của họ sẽ vào được tứ kết. Lời giải thích được đưa ra: khi tranh vé đại diện Âu Châu, các tuyển thủ Anh Quốc dù không thua trận nào ở bảng H (6 thắng, 4 hòa), nhưng cũng chỉ hơn đội tuyển Ukraine về nhì có 1 điểm. Điều đó được xem là dấu hiệu báo trước những khó khăn mà đội tuyển Anh phải vượt qua trên sân cỏ Nam Mỹ. Điều đó còn có nghĩa là ông huấn luyện viên Roy Hodgson phải vất vả hơn khi đi tìm đấu pháp giúp tận dụng được tài nghệ của hàng công mà không phân tán mỏng dàn quân của hàng phòng thủ.
Mặc dù ông Hodgson nổi tiếng về tài dàn dựng và kết hợp cầu thủ thành một tập hợp coi trọng sức lực toàn đội hơn khả năng cá nhân, nhưng ngay chính các bình luận gia thể thao cỉa Abnh cũng nói đó không phải là điều dễ làm, đặc biệt trong tình huống dàn quân Anh không có những chân sút độc chiêu như những đội tuyển Âu Châu và Nam Mỹ khác. Wayne Romney vẫn là cầu thủ được chú ý tới, nhưng cần nhiều hỗ trợ của bạn đồng đội để anh có thể đưa banh vào lưới của đối phương. Nói cách khác: chuyện Anh vào tới vòng 16 là điều hầu chư chắc chắn xảy ra, nhưng qua khỏi tứ kết để vào bán kết là điều không dễ.
ITALY
Những năm dự World Cup: 1934, 1938, 1950, 1954, 1962, 1966, 1970, 1978, 1982, 1986, 1990, 1994, 1998, 2002, 2006 và 2010
Cầu thủ đáng chú ý: Andrea Pirlo (Juventus)
Nên gọi Italy là gì? Câu trả lời: đây là ông khổng lồ của World Cup với 4 lần đoạt vô địch (chỉ kém mỗi Brazil), và 6 lần vào tới bán kết trong 11 kỳ tranh giải gần nhất. Như vậy, Italy sẽ thành công ở sân Brazil vào mùa hè năm nay phải không? Câu trả lời: chưa chắc đâu. Tại sao vậy? Câu trả lời: ai cũng nhớ Italy thắng Pháp trong trận tranh vô địch 2006, nhưng chẳng ai quên chuyện đội tuyển lẫy lừng này chỉ vào đến vòng 16 hồi 2002 và bị loại ngay từ vòng bảng ở sân Nam Phi hồi 2010.
Ngay cả chuyện Italy lấy được vé đại diện Âu Châu để đi Brazil phó hội cũng là chuyện… không có gì nổi bật. Lý do: may mắn nằm trong bảng B với những đội bóng “đàn em” như Đan Mạch, Cộng Hòa Czech, Bulgaria và Amenia nên chuyện sẽ đứng đầu bảng là điều đương nhiên phải xảy ra (thành tích: 6 thắng, 4 hòa). Chuyện còn lại là sau thất bại khá chua cay hồi 2010, liệu thế giới có cơ hội chứng kiến một đội banh Italy hoàn toàn mới hay không?
Các nhà phân tích thể thao thế giới tin sẽ nhìn thấy điều đó ở sân Nam Mỹ vào mùa hè năm nay. Thay vì đặt quá nhiều hy vọng vào lực lượng đã giúp thành công ở World Cup 2006, đoàn tuyển thủ Italy quy tụ rất nhiều tài năng trẻ, chẳng hạn như Mario Balotelli, Staephan El Shaarawy và Andrea Pirlo. Một yếu tố khác cũng được nói đến: Italy vào tới chung kết EURO 2012, vào đến bán kết Cúp Liên Lục Địa 2013, chứng tỏ đây là một đội banh đang vươn mình, dù vẫn chưa thể là ông khổng lồ như trong quá khứ.
© Đàn Chim Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét